Kính thưa ông Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải!
Lời đầu tiên tôi xin khẳng định: Tôi vẫn đang ủng hộ Bộ trưởng như phần đông người dân Việt Nam đang ủng hộ Bộ trưởng. Tất cả các quyết sách của Bộ trưởng đã, đang và sắp áp dụng đều hướng đến mục đích chung là giảm ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông… Nói tóm lại tất cả đều vì dân, vì nước nên tôi sẽ ủng hộ ông.
Ví như việc đổi giờ học, giờ làm đem áp dụng cho Thủ đô là một việc khó bằng trời; Tất cả bị xáo trộn; Tất cả phải thay đổi. Cả giấc ngủ của con trẻ cũng phải thay đổi để hưởng ứng cho Bộ trưởng. Có nhiều ý kiến can gián nhưng Bộ trưởng vẫn quyết tâm và người dân Hà Nội cũng răm rắp tuân lệnh. Hiệu quả đã có câu trả lời; Tôi chỉ xin Bộ trưởng nên tiết kiệm niềm tin của người dân đối với mình.
Việc tuyên chiến với gần 300 điểm giữ xe ở Hà Nội với quyết tâm trả lại lề đường cho người đi bộ khai hoả vào sáng ngày 16/2 cũng như dự án thu phí xe ô tô và mô tô vào thành phố vào những giờ cao điểm rồi sẽ tiến hành. Cầu cho những tính toán của Bộ trưởng và các chuyên gia sẽ khả thi. Tôi xin góp một ý kiến nhỏ về việc thu phí xe ô tô và xe máy tham gia giao thông vào những giờ cao điểm của Bộ trưởng đang lấy ý kiến người dân. Ý kiến của tôi là nên chậm triển khai vì kinh tế cả thế giới đang chao đảo và người dân Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bài toán điện, nước, ga và tiền đi chợ … đang là bài toán nóng cho từng gia đình; Nếu Bộ trưởng chỉ cần thu thêm bất cứ một khoản nào vào lúc này chỉ khiến lòng người phân tâm chứ không phục.
Tôi đã để tâm theo dõi các ý kiến phản hồi trên các phương tiện thông tin. Chương trình thời sự trên VTV1 lúc 19h ngày 15/2/2012, ở cuối chương trình có cả chuyên gia nước ngoài với những hình ảnh minh hoạ; Người ta chứng minh: Thu phí là một biện pháp hiệu quả để người tham gia giao thông lựa chọn, có nên đi xe vào con đường đó hay không? Rất thuyết phục!.
Tôi chỉ lưu ý: Bộ trưởng là người Việt Nam, và người Việt Nam không giống người nước ngoài. Cứ nhìn Bộ trưởng từ ngày ngồi vào ghế nóng, rất nhiều phát ngôn cũng như việc làm của Bộ trưởng cũng không giống bất cứ ông Bộ trưởng nào trên thế giới: Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền…Phải hy sinh lợi ích nhỏ… Nếu sợ, cứ lo giữ ghế, ngại người ta nghĩ mình “nổ” thì tôi sẽ chẳng dám làm gì …Tôi bị “chửi” suốt… vv..v…Bộ trưởng thật sự là người dũng cảm, lập trường kiên định vững vàng dám nói, dám làm và dám… chịu trận. Còn người dân thì sao? Một chiếc xe ra đường đã phải đóng rất nhiều loại phí: Phí trước bạ, phí xăng dầu, phí giao thông, phí bến bãi… Bảo hiểm ô tô, xe máy bắt buộc…vv…v. Chừng ấy các kiểu tiền người dân vẫn đóng được; Như vậy Bộ trưởng thu thêm một loại phí chứ mười loại phí nữa cũng không hạn chế được người ta đi xe đâu. Chỉ khổ mấy anh nghèo càng thêm nghèo mà thôi.
Chương trình bản tin nóng của Đài tiếng nói Việt Nam sáng ngày 16/2/2012 có bài phỏng vấn về quy hoạch tổng thể của Thành phố Hà Nội với việc chống ùn tắc giao thông tôi cũng đã nghe chuyên gia phân tích và trả lời: Cho dù quy hoạch gì chăng nữa thì mươì năm, hai mươi năm nữa vấn nạn ùn tắc giao thông vẫn còn phải nghe ca thán…
Rõ ràng là việc chống kẹt xe, ùn tắc giao thông không thể đánh nhanh thắng nhanh, không thể một sớm một chiều, xin Bộ trưởng hãy bình tĩnh xem xét thật kỹ với các quyết sách tiếp theo của mình trước khi đưa vào áp dụng thực tiễn.
Nếu Bộ trưởng cần tiền để xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông, tôi xin mách một nguồn thu vô tận mà hợp lòng dân vô cùng. Bộ trưởng có thể triển khai làm ngay: Đó là xử phạt! Xử phạt ai? Lỗi gì? Và mục đích, ý nghĩa?...
Xin trả lời ngay là phạt người vi phạm Luật giao thông đường bộ.
“Thượng bất chính, thì hạ tắc loạn”, câu này tôi cũng hiểu sơ sơ. Chỉ xin suy diễn theo cách của một lái xe: Nhà nước quản lý bằng Luật pháp; Luật pháp đã có mà không được thực thi thì lỗi này do ai? Tương tự: Hàng ngàn chiếc xe chen lấn ở những phần đường không phải làn đường của mình (nguyên nhân chính gây ùn tắc ) không bị ai phạt; Lỗi này do ai? Và tới đây Bộ trưởng cũng thấy ngay được gốc ách tắc ở đâu để mà nhổ ( bứng ) nó đi.
Bộ trưởng hãy nhìn vào bất kỳ một bức ảnh nào, trên bất kỳ tờ báo nào ( báo giấy, lẫn báo mạng) minh hoạ về ùn tắc, kẹt xe ở Hà Nội, hay thành phố Hồ Chí Minh; Bộ trưởng liệu có tính nổi có bao nhiêu người vi phạm tại thời điểm phóng viên bấm máy không? Còn thực tế ở ngoài thì chiều rộng, chiều dài đoạn kẹt xe ấy là bao nhiêu? Cứ như vậy mà hạch toán thì bài toán tiền Bộ trưởng không phải lo nghĩ... Nếu quản lý tốt và xử phạt nghiêm minh sẽ được rất nhiều…
Khi tất cả đã đi đúng vào quỹ đạo; Tất cả sẽ đi đúng làn xe phân theo vạch kẻ đường; Thì Bộ trưởng yên tâm một điều: Đường Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thật sự chưa quá tải như người ta vẫn thấy, vẫn nghĩ. Nó sẽ làm tròn bổn phận trong vòng năm năm, bảy năm nữa để Bộ trưởng có thời gian xây đường trên trời, và đường hầm dưới đất…
Đến giờ này có thể nói: Việc người tham gia giao thông vi phạm luật tràn lan chưa bị xử lý, thể hiện rõ sự bất lực, lỏng lẻo, yếu kém của bộ máy quản lý Nhà nước; Của các cơ quan Luật; Của các cơ quan chuyên trách thực thi Pháp luật như Cảnh sát giao thông; Thanh tra giao thông… Một việc ngay trước mắt, trước bàn dân thiên hạ đang chờ Bộ trưởng. Một việc lẽ ra phải làm đầu tiên trong hàng loạt các giải pháp đồng bộ khác.
Một vấn đề nữa kính Bộ trưởng xem xét:
Lâu nay tất cả vẫn đổ tội cho ý thức người tham gia giao thông yếu kém và tôi đã từng nói trong lá thư gửi Bộ trưởng trước đó: Không giáo dục ý thức người tham gia giao thông bằng xử phạt, bằng cưỡng chế, thì những quyết sách của Bộ trưởng chỉ rơi vào vòng luẩn quẩn…
Đúng như vậy! Nhưng nói đi rồi phải nói lại: Chỉ giáo dục ý thức người tham gia giao thông thôi thì chưa đủ; Ý thức của những người Lãnh đạo, quản lý, những người thi hành công vụ, thực thi Luật pháp phải thay đổi. Phải giáo dục thật cẩn thận: Cảnh sát giao thông; Thanh tra giao thông còn đứng đường nhũng nhiễu, ăn hối lộ… Thì đừng nói tới giao thông mà ngay cả tiền đồ Đất nước mình cũng dễ bị bán đứng cho quỷ dữ lắm thưa Bộ trưởng.
Bộ trưởng có tin rằng: Rất nhiều, rất nhiều… Những cán bộ quản lý, Cảnh sát giao thông; Thanh tra đang đi xử lý vi phạm Luật an toàn giao thông đường bộ mà trong đầu rỗng tuếch không có chữ gì về Luật không???
Như vậy, ngoài việc giáo dục ý thức người tham gia giao thông thì phải rà soát tất cả; Phải làm gương: Trước mắt là Lãnh đạo ngành, đến cán bộ, chiến sĩ. Phải đảm bảo tất cả phải nắm Luật, hiểu Luật, giải thích được cho dân người ta nghe, người ta hiểu… Mới nói đến chuyện: Nhân danh Luật pháp đi xử người khác.
“Có gốc, có cành, mới sanh ra ngọn”. Có gốc sâu, rễ bền rồi thì lo gì ba cơn giông bão lẻ tẻ phải không thưa Bộ trưởng?
Tôi xin lỗi Bộ trưởng về tất cả, nếu có gì không phải rất mong được lượng thứ… Và kính chúc Bộ trưởng sức khoẻ, hạnh phúc trong cuộc sống và thành công trong công cuộc phát triển giao thông nước nhà.