Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẢN MẠN NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ 10

Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh
Thứ tư ngày 8 tháng 2 năm 2012 6:42 AM

Ngày thơ Việt Nam năm nay cùng với Festival Thơ Châu Á khai mạc tại Quảng Ninh và Hà Nội, Hội Nhà văn đã tổ chức nhiều hoạt động rầm rộ và công phu nên nhiều người cũng không thể tham gia hết được các hoạt động xung quanh ngày thơ lần thứ 10 đầy ý nghĩa này. Hơn nữa, thay vì tổ chức đúng ngày “rằm” như 9 lần trước, Ngày thơ lần thứ 10 này lại tổ chức vào Chủ nhật, 14 tháng Giêng âm lịch, để tiện cho người đi dự và giờ nhà nước không bị “xà xẻo”, chính vì thế mà không ít người yêu thơ ở Hà Nội và các địa phương lân cận không biết sự thay đổi ấy, trong đó ông bạn Họa sĩ Đông Ngàn (Đỗ Đức) có bài thơ bộc bạch gửi tặng bác Trần Nhương.com

“Hôm nay ngày mười bốn
Mải lo  việc cúng rằm
Lại nghĩ hội thơ thẩn
thường là ngày mười lăm…”!!!

Vì vậy lượng người đến cũng không được đông như dự kiến của BTC.
Các hoạt động của Ngày thơ năm nay cũng không có gì đặc biệt. Nói chung thì ai đọc thơ, ngâm thơ, hát thơ… thì cứ đọc, cứ ngâm, cứ hát…còn mọi người gặp được nhau thì cứ vui chuyện riêng, cười nói tự nhiên như ở chỗ không người. Có lẽ chỉ  người đọc thơ, trình diễn thơ hay thông dịch là tất bật chuận bị áo xống, mũ giầy  thật chu tất, còn khách thơ thì thả sức thoải mái, muôn màu muôn vẻ, thậm chí có ông Tây mặt quần “xà-lỏn” trong ngày “rét chết cò” này mà cứ lênh nghênh như đi giữa nắng hè Nha Trang vậy. Ngày thơ tổ chức 10 lần rồi, dường như đã thành nếp quen, mọi người rủ nhau đến chơi là chính, thích thì ở lâu, không thích thì về hoặc kéo nhau đi nhâm nhi chén trà, cốc bia…âu cũng là một nét đẹp và rất “tự tung tự tác” mà các Hội VHNT khác không có một ngày hội mang tính Quốc Gia như Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà Văn VN khởi xướng và “trụ trì”.

Chúng tôi đi một vòng quanh các sân của khuôn viên Quốc Tử Giám, cũng không có gì đặc biệt. Ấn tượng nhất có lẽ là góc mỹ thuật do Hội Mỹ thuật Hà Nội “trình diễn”, các họa sỹ có tay nghề, đủ tự tin, đã dựng giá trực tiếp ký họa chân dung phục vụ khách. Nói là phục vụ vì “vẽ tặng” chứ không lấy tiền thù lao. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ đến đề nghị được vẽ chân dung mình. Mỗi họa sỹ có sở trường riêng, người thì vẽ bằng màu dâu, người thì dùng phấn màu, màu nước, chì than…Họ vẽ khá đẹp và chắc tay, nhưng để được một lời khen và thán phục của “người mẫu” có lẽ còn hiếm hoi. Thế mới hay, vẽ tranh chân dung không phải cứ muốn là vẽ được. Hội thơ năm nay chỉ có ở sân chơi mỹ thuật này mới thể hiện được sự đồng cảm khát khao của người “trình diễn” (họa sỹ) với người “thưởng ngoạn” (người được vẽ và người xem vẽ). Anh họa sỹ chắc hẳn phải hồi hộp rồi, vì không biết có “tóm” được cái thần của người mẫu hay không? Còn người được vẽ thì chỉ mong mình thật đẹp trai hoặc xinh gái chứ giống “Ngáo ộp” thì mất công ngồi nín thở, không nhúc nhích cứ như bị phạt vạ!
Ngắm những gương mặt hân hoan của nhà văn, nhà thơ, khách yêu thơ… thấp thoáng trên các bức vẽ được đặt trên giá trước khi ký tặng. Những cái bắt tay thật chặt, những lời cảm ơn thật ấm áp. Có lẽ đây là nét mới của ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 năm này chăng!
Kế bên dãy Tả Vu là một “quầy” giới thiệu trà Việt, đại diện hai làng chè Tân Cương, La Bằng ở Thái Nguyên đã có mặt từ rất sớm, quê hương của đệ nhất danh trà, những cô gái chít khăn mỏ quạ, mặc y phục Việt cổ, ân cần rót trà mời khách. Trời rét căm căm, gió lồng lộng thổi qua cửa Đại Thành ào về sân Đại Bái Đường lát gạch Bát Tràng rộng mênh mang. Đứng giữa nơi đây nhâm nhi một chén trá nóng, ngát hương thơm, ấm tay cầm và cũng nóng ấm nơi môi, quả là vị ngọt độc đáo của ngày thơ Nguyên Tiêu.

Mọi người vui vẻ mời nhau dùng cạn chén trà, đoạn chúng tôi mời Nhạc sỹ Văn Dung cùng về quán “Trà Đạo” 13 Ngô Tất Tố để thưởng thức trà ướp hương sen Tây Hồ. Quán này dường như dàng riêng cho khách sành trà. Hôm nay, nâng chén trà thơm, ngồi bên nhau trên chiếc chõng tre trải chiếu cói hoa in hình chữ “Phụng”, trong gian nhà tranh vách đất, giữa trung tâm Hà Nội, lại được nghe nhạc sỹ Văn Dung kể “Sự tích” những bài ca của ông (mà bây giờ ông mới hé lộ). Nghe thì vô cùng thú vị nhưng mà không nỡ viết ra. Ông kể về “sự tích” vì sao ông không để râu. Nghĩ cũng tức cười cho một thời “chặt chẽ quá mức”. Ấy là cách đây hơn 30 năm, nhạc sỹ Văn Dung mới ngoại ngũ tuần, một lần ông xếp hàng hơn 2 giờ đồng hồ để được vào Lăng viếng Bác, với tư cách là tác giả bài ca “Những bông hoa trong vườn Bác”. Đoàn người xếp hàng đã vào đến khu vực tập kết. Bỗng có một chiến sỹ vũ trang đeo băng đỏ, chữ vàng, vỗ vai Văn Dung rồi nghiêm giọng nói: “Yêu cầu Ông ra cắt tóc và cạo râu rồi hãy vào xếp hàng!”. Văn Dung ngớ người ra một khắc, rồi cun cút bước ra khỏi hàng người. Ông đắng đo một lúc, như thể tiếc mái tóc a-ma-tơ và bộ râu điệu đàng nên thủng thẳng cuốc bộ về nhà…

Để râu tóc bồng bềnh trông ra vẻ anh nghệ sỹ hơn nhưng, cũng có thể để râu và tóc dài lại rất vướng víu, không tiện cho sinh hoạt và công tác ở Đài phát thanh tiếng nói VN. Nên 6 tháng sau Văn Dung quyết định “xuống tóc” và “hạ tu”.

Từ đận ấy cho đến tận bây giờ, nhạc sỹ Văn Dung tác giả của “Xuyên màn đêm ta đi”, của ”Những bông hoa trong vườn Bác” đã cắt tóc rất “ngay ngắn” và không bao giờ để râu nữa mặc dù nay ông đã ở vào tuổi “ngót” 80.
Và có lẽ đó là những gì tôi nhớ được trong ngày Thơ Nguyên Tiêu năm nay.
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh