MƯA XUÂN
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem!
Em xin phép mẹ vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chẳng thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.
Chờ mãi anh sang,anh chẳng san
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bẩy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!
Mình em lầm lũi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Aó mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân dầy
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.
Anh ạ!Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay.
Nguyễn Bính
( Tuyển tập Nguyễn Bính- NXBVăn học - 1986)
LỜI BÌNH CỦA LÊ LANH: "Mưa xuân” có yếu tố tự sự.Chuyện kể nhà nọ có một cô con gái làm nghề dệt lụa.Cô chưa yêu ai và cha mẹ cũng chưa hứa gả cho ai. Mùa xuân đến, tiếng trống đêm hội chèo càng thôi thúc tuổi yêu. Đôi má đỏ bừng khi nghĩ tới lời hẹn. Không quản trời mưa, đường xa, cô xin phép mẹ sang thôn Đoài nghe hát chèo. Đó chỉ là cái cớ để tìm gặp chàng trai đã thầm yêu trộm nhớ. Người thương lỗi hẹn, cô thầm trách với tâm trạng hờn tủi. Rồi "mùa xuân cạn ngày", đêm giã hội, cô tiếp tục hy vọng hội chèo lại mở…
Câu thơ đầu: "Em là con gái trong khung cửi",nhà thơ tả thực về một cô gái cần mẫn, làm nghề canh cửi bên người mẹ hiền cũng là bên người thợ cả.Hình ảnh gợi mở, mang ý nghĩa xã hội, nói về một cô gái sống trong khuôn khổ chật hẹp của xã hội cũ.Gần như họ không có quyền được làm người,tự do yêu đương,Việc hônnhân theo lễ giáo phong kiến " cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Do vậy mà họ đã trởthành loại hàng hóa đặc biệt, không những đẹp mà còn nguyên phong. Việc bán mua như thế nào là do cha mẹ định liệu : " Lòng trẻ còn như cây lụa trắng/ Mẹ già chưa bán chợ làng xa".Tính vật chật hóa của hình ảnh thơ đã tạo ra ý nghĩa phê phán của tác phẩm.Số phận của cô gái trong "khung cửi" đồng số phận với các cô gái “như tấm lụa đào” trong xã hội đương thời.Tuy nhiên, nhân vật trong " Mưa xuân"có những nét riêng.Từ khổ thơ thứ hai ta thấy có sự nổi loạn trong tâm trạng nhân vật.Ở giai đoạn phát triển sinh lý(tuổi dậy thì) đang có độ nhạy cảm cao. Hình ảnh : " Mưa xuân phơi phới bay…/ Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ" vừa có giá trị tả thực vừa khơi gợi khát vọng tình yêu. “Mưa xuân” thiên nhiên chuyển hóa thành “mưa xuân” lòng người. Con gái nhà lành từ không gian chật hẹp “khung cửi"vượt ra ngoài khoảng trời mùa xuân.Với tâm trạng ngây thơ "như cây lụa trắng"thành tâm trạng "Lòng thấy giăng tơ một mối tình".Cụm từ " giăng tơ" gợi nỗi buồn con nhện trong ca dao, sự bâng khuâng, hẫng hụt "vương tơ lòng" của nàng Kiều.Như có cả cảm xúc sinh lý: " Hình như hai má em bừng đỏ".Tình cảm cô gái bị xung động, đột phá từ bên trong đến tự ý thức : " Có lẽ là em nghĩ đến anh". Những cụm từ " hình như", " có lẽ" mang tính chân thực, diễn tả những cấp độ tình cảm hồi hộp…không chính xác.Ở khổ thơ thứ ba, nhà thơ miêu tả những động tác: “Ngừng thoi", " ngửa bàn tay" hứng mưa xuân trước mái hiên.Những hạt xuân lạnh nhưng lòng cô ấm niềm hi vọng. Cái lạnh của hạt mưa gợi sự mong manh, cô đơn và nhưng cũng làm cho tình yêu thêm rạo rực : " Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh/ Thế nào anh ấy chả sang xem!". Từ sự "nổi loạn"trong tâm trạng dẫn đến hành động : " xin phép mẹ vội vàng đi".Sức mạnh của tình yêu làm cho mưa không còn tác dụng : " Mưa bụi nên em không ướt áo" và đường đi như được rút ngắn lại : “Thôn Đoài cách có một thôi đê". Sang khổ thơ thứ sáu ta càng thấy rõ cô gái xin phép mẹ đi hội chèo chỉ là cái cớ : "Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm/ Em mải tìm anh chả thiết xem". Nỗi khát vọng được gặp anh lên tới điểm đỉnh khiến cô gái lạnh lẽo,cô đơn. Sự trống trải tràn sang cả "giường cửi", "thoi gà": " Chắc hẳn đêm nay giừơng cửi lạnh/ Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em".Bằng phương pháp nghệ thuật nhân hóa nhà thơ đã thành công khi diễn tả tình cảm kín đáo,chân thực, dễ thương của cô thôn nữ.
Từ hy vọng chuyển sang thất vọng vì " Chờ mãi anh chẳng sang". Lỗi hẹn trong tình yêu là chuyện tầy đình. Lời trách móc của nàng nhẹ nhàng mà chua xót :"Thế mà hôm nọ hát bên làng/ Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn/ Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng". Lời trách móc xoáy sâu vào trái tim. Với cô gái, chuyện tình yêu là cả một đời người nên những lời hò hẹn là rất hệ trọng, phải như "dao chém đá". Lỡ hẹn là lỡ cả tuổi xuân, cả một đời xuân . Khi biết chính xác chàng trai " Chẳng sang" nàng trở về với cái "khung cửi" cùng nỗi thất vọng nặng nề. Cũng là con đê ấy, khi háo hức đi gặp người thương thì sao mà ngắn thế.Nhưng đến lúc không gặp được mặt chàng thì, ôi : "Có ngắn gì đâu một dải đê".Ở đây là không gian tâm lý, sự vật tâm lý. Bây giờ là mưa " nặng hạt"chứ không phải " Mưa bụi… " như lúc ra đi. Hình ảnh " mưa nặng hạt"ướt đẫm tấm thân trong đêm khuya khoắt làm cho bạn đọc đồng cảm sâu sắc với nỗi tủi sầu của nàng: "Aó mỏng che đầu mưa nặng hạt/ Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya".
Sang khổ thơ thứ chín, hình ảnh "mưa xuân" lại xuất hiện. Nhưng là " mưa xuân đã ngại bay", xuân cuối mùa, " xuân đã cạn ngày". Cái tuổi dậy thì cũng sẽ qua. Tuổi xuân của con người sẽ đến lúc tàn.Thất vọng, nhưng cô gái chưa tuyệt vọng. Thất vọng trong đêm hội chèo này nhưng hy vọng ở những đêm hội chèo tiếp theo. Điệp ngữ "mùa xuân đã cạn ngày" và sau đó là những câu nghi vấn :"Bao giờ…” bộc lộ sự luyến tiếc cũng như sự khát khao vô hạn của nàng. Mùa xuân lại đến, hội chèo lại mở. Cô gái bật ra khỏi cái "khung cửi"chật hẹp và đến với không gian " mưa xuân phơi phới", tự do.
Có thể nói, "Mưa xuân"có kết cấu theo hai phần, dường như đối lập nhau- Phần một là hình ảnh " mưa xuân" và cô gái vượt ra khỏi cái "khung cửi"tù túng tìm đến đêm hội chèo hò hẹn- Phần hai, cô gái "lầm lũi" trở về với cái "khung cửi”, biết bao buồn tủi ,cô đơn vì chàng trai lỗi hẹn. Tuy nhiên.nàng vẫn trông chờ "mùa xuân" trở lại...
Trong cả hai phần,tâm trạng nhân vật trữ tình dù ở trong trạng thái nào thì cũng là tình cảm tự nhiên, riêng tư,khát vọng cuộc sống tình yêu của con người bắt đầu tự tìm đến tiếng nói chân thật, mạnh dạn bộc lộ nỗi niềm riêng tư,nhưng vẫn ý nhị, thanh khiết qua những hình ảnh cuộc sống làng quê thuần phác, đáng yêu. Đó cũng là bản sắc dân tộc và gía trị nhân văn của thi phẩm.
L.L.