Năm nay trên khu di tích Lệ Chi Viên, mùa xuân dường như đến sớm hơn chút ít, trên từng lá cây ngọn cỏ những mầm xanh mơn mởn vươn lên đón ánh mặt trời. Các thửa ruộng vồng lên những đường cày như những khuôn ngực vạm vỡ, hôi hổi một sức sống diệu kỳ dâng lên từ đất. Tượng đài Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bằng đá trắng tinh khôi nổi bật trên nền trời xanh, bóng toả cả một vùng quê hiền lành, yên ả. Tượng đài “Giọt lệ” như ngọn lửa reo vui trong nắng xuân hồng.
Xuân này bà con xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh vui lắm, trong ánh mắt trong veo của các em thơ và ánh mắt người già lấp lánh ánh lửa, niềm tự hào vì khu di tích Lệ Chi Viên, nơi vinh danh danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ ngày một khang trang. Ai cũng ít nhất một lần đến thắp hương, chiêm bái, trong lòng dâng lên một cảm giác ấm áp lạ kỳ như về với nhà thờ tổ. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Đại lai, Trần Danh Thuận cho chúng tôi biết:
- Xuân năm nay xã sẽ tổ chức vận động bà con trồng tre bao quanh và trồng vải ở khu di tích. Các nhà trường sẽ đưa học sinh đến chăm sóc và thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của hai Cụ, tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khoá và kết nạp Đoàn, Đội tại khu di tích, để thế hệ trẻ thấm nhuần sự hy sinh to lớn của những người anh hùng dân tộc đã hy sinh vì nước.
Còn chủ tịch hội phụ nữ Vũ Thị Mai tâm sự với nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, hội chủ “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ”, người hơn 20 năm nay không quản mọi khó khăn, trắc trở, vận động tổ chức hội thảo minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và quyên góp xây dựng ba ngôi đền thờ hai Cụ ở Tân Lễ, Thái Bình; Khuyến Lương, Hà Nội và Lệ Chi Viên, Bắc Ninh:
- Năm nay xã sẽ tổ chức “Câu lạc bộ Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ”, nhằm mục đích khuyến học, khuyến tài, để thế hệ trẻ luôn soi mình vào tấm gương Trung, hiếu, tiết, nghĩa của hai Cụ, học tập, phấn đấu, góp phần xây dựng quê hương.
Ôi! Những việc làm tưởng như nhỏ bé kia thiết thực biết nhường nào. Tình yêu Tổ Quốc phải chăng bắt đầu từ những việc làm như thế với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, nơi mỗi người lớn lên bằng lời ru và dòng sữa ngọt lành của mẹ, lớn lên bằng những hạt lúa, củ khoai thấm vị mồ hôi của bao người, cùng chung tay, chung sức ươm những mùa xanh. Mỗi người dân Lệ Chi Viên đều mong muốn được làm một việc dù nhỏ góp công xây dựng Lệ Chi Viên, thể hiện tình yêu với quê hương, tri ân công đức của tiền nhân.
Tôi như nghe dòng sông Thiên Đức thì thầm câu chuyện tự ngàn xưa khi Lệ Chi Viên ngập tràn trong máu bởi âm mưu tranh đoạt quyền lực, hãm hại trung thần của bè lũ quan lại phong kiến hủ lậu. Những mảnh đất nâu đen kia từng hoà lẫn bao xương thịt của những người anh hùng dân tộc và bao người dân vô tội. Dòng sông hiền hoà kia từng đỏ máu của bao người, để hôm nay trào dâng trong mỗi màu vàng no ấm, trên mỗi lộc non tơ, trong mỗi ánh mắt tin yêu và nụ cười rạng rỡ, vỗ yên bờ bãi khúc nguyện cầu hoà bình cho đất nước mãi trường tồn, bình yên và phồn thịnh. Trong làn sương huyền ảo, núi Thiên Thai hình rồng chín khúc ẩn chứa bao huyền thoại ẩn hiện trong mây. Xa xa Côn Sơn vi vút tiếng thông reo, đâu đây như văng vẳng tiếng đàn và tiếng ngâm thơ của Nguyễn Trãi những năm ở ẩn và tuyên ngôn bất hủ mang tư tưởng ngời sáng, luôn mới với mọi thời đại của Người: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Nhìn các em thiếu niên đang chăm cây trong khu di tích, ông Vũ Thế Nhân, người được coi là pho sử sống của Lệ Chi Viên khoát tay bao quát cả vùng quê, khuôn mặt phong sương rạng rỡ:
- Đã bao năm tôi trăn trở, phải ghi lại được lịch sử Lệ Chi Viên cho các thế hệ con cháu hiểu về lịch sử của quê hương, hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của các anh hùng dân tộc, để thế hệ trẻ thêm yêu quê hương, học tập, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nếu không hiểu về lịch sử quê hương, có khác nào như cây xanh mất gốc.
Đã được tiếp chuyện ông Vũ Thế Nhân nhiều lần, tôi biết rằng ông từng được người cha kính yêu kể về cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, kể về thảm án Lệ Chi Viên. Tài đức và chí lớn của người anh hùng dân tộc cùng những sự kiện hào hùng và bi tráng ấy thấm vào lòng ông từ thuở còn thơ, ám ảnh, day dứt, để rồi ông cứ khát khao làm công việc tâm huyết của người chép sử, truyền lửa cho con cháu. Tôi hiểu rằng tình yêu và ý thức xây dựng quê hương đã thấm nhuần trong mỗi người dân Lệ Chi Viên.
Nhìn khuôn viên khu di tích mỗi ngày lại thêm những công trình mới, lộc non mơn mởn trên cây, tôi cứ hình dung nay mai khu di tích Lệ Chi Viên sẽ xum xuê những cây vải được chiết từ cây vải tổ trĩu chịt quả, căng mọng ngọt lành, trả lại đúng nghĩa cái tên có tự ngàn xưa mang đậm dấu ấn lich sử: “Lệ Chi Viên” - vườn vải. Không những thế, nay mai khu di tích Lệ Chi Viên được các nhà hảo tâm và các cơ quan hữu quan của tỉnh Bắc Ninh và trung ương quan tâm, khu nhà tiền tế và nhà khách khang trang được dựng lên. Con đường du lịch văn hoá, tâm linh, sinh thái được khai thông, du khách trong và ngoài nước sẽ đến với Lệ Chi Viên tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp toàn tài của một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử bi thương của dân tộc. Và những thế hệ tương lai mãi mãi được tiếp thêm ngọn lửa của tình yêu quê hương đất nước, sẽ sống nhân ái hơn, trung với nước, hiếu với dân, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Cuộc đời và sự nghiệp cùng hoài bão của các bậc anh hùng dân tộc đã xả thân vì nước sống mãi với non sông.
Những cơn mưa xuân đầu mùa ngời trên mái ngói ngôi đền rêu phong, tượng đài “Giọt lệ” đỏ rực như ngọn lửa trong nắng sớm, tượng đài Lễ nghi học sĩ lồng lộng giữa trời xuân, ánh mắt bao dung, ấm áp. Đây đó các cụ trong hội người cao tuổi cùng các cháu thiếu niên đang nhổ cỏ, chăm cây, trong ánh mắt mỗi người long lanh niềm vui trong trẻo như ánh ban mai. Tôi hiểu rằng, ngọn lửa từ cuộc đời, sự nghiệp, đức độ “vằng vặc tựa sao Khuê” của những người anh hùng dân tộc toả sáng đến muôn đời, nồng ấm trong trái tim những người dân Lệ Chi Viên, trong trái tim những người dân đất Việt.
Lệ Chi Viên, xuân Nhâm Thìn