Những ai hèn nhát, bàng quan trước vận mệnh dân tộc, thờ ơ với số phận đồng bào, vô cảm trước bất công oan ức, quay lưng lại với nỗi đau của cộng đồng thì dù có bằng cấp cao đến đâu, thành tựu lớn đến đâu cũng chỉ là kẻ vô học.
Dư luận gần đây rộ lên câu hỏi: Trí thức là gì? hay nói cách khác, người như thế nào thì được coi là thuộc tầng lớp trí thức? Nhất là từ khi GS Ngô Bảo Châu trả lời báo chí “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức. Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc” thì câu hỏi này lại càng được quan tâm.
Theo Từ điển Tiếng Việt của GS Nguyễn Lân, “trí thức” là người lao động trí óc (trí là hiểu biết, thức là biết). GS. Nguyễn Huệ Chi cho rằng “Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội”. Theo TS Giản Tư Trung: “Trí thức là những người có sự hiểu biết và biết thức tỉnh xã hội”. GS. Cao Huy Thuần cũng có ý kiến tương tự: “Người trí thức là người không để cho xã hội ngủ”. GS. Nguyễn Văn Tuấn thì cho rằng trí thức thật là những người “Đau đáu với vận mệnh đất nước quê hương và sẵn sàng dấn thân…”
Nhớ lại cách đây 3 năm, trong loạt bài Nho sĩ thời nay có vơi đi khí phách? mình đã đặt câu hỏi này với một số chính khách, nhà khoa học, nhà báo như Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, GS. Phạm Song, TS. Chu Hảo và các nhà báo Phan Quang, Hữu Thọ.
Theo Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thì “trí thức phải là người luôn giữ được phẩm tiết”. Nhà báo Phan Quang cũng cho rằng “trí thức đích thực thì không bao giờ hèn”. Nhà báo Hữu Thọ cụ thể hơn khi ông cho rằng là trí thức thì phải có ba đặc điểm: “Một là có học vấn cao (học vấn chứ không phải bằng cấp). Hai, nhân cách phải tiêu biểu, nêu gương tốt cho xã hội. Ba là khí tiết bảo vệ chân lý, lẽ phải. Nếu thiếu một trong ba đặc điểm đó thì dù thế nào chăng nữa cũng không thể gọi là trí thức”. Cố GS. Phạm Song khá quyết liệt: “Không có khí tiết, không là trí thức. Không dám nói lên sự thật, không phải là trí thức. Không trung thực, không phải là trí thức. Không dám bảo vệ chân lý, không phải là trí thức”. TS. Chu Hảo cho rằng “Người được coi (hay tự coi) mình là trí thức, ngoài yêu cầu phải đạt tới một trình độ tri thức nhất định, người đó còn phải là người quan tâm đến những vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng và phải có chính kiến trước các vấn đề đó. Đặc biệt, trí thức phải là người có năng lực phê phán và hướng dẫn dư luận”.
Mình thấy mọi người nói đều hay, đều đúng cả. Nhưng với riêng mình, mình nghĩ đơn giản trí thức là người có học. Mà một người có học thì không thể bàng quan trước vận mệnh của dân tộc mình, Tổ quốc mình. Người có học cũng không thể thờ ở trước số phận cộng đồng. Người có học không thể vô cảm trước những bất công, oan ức của nhân dân mình. Người có học không thể quay lưng lại trước nỗi đau của đồng bào mình và đặc biệt, người có học không thể xu phụ cường quyền để cầu danh lợi cho bản thân. Trong mắt mình, những ai bàng quan trước vận mệnh dân tộc, thờ ơ với số phận đồng bào, vô cảm trước bất công oan ức, quay lưng lại với nỗi đau của cộng đồng, xu phụ cường quyền để cầu danh lợi thì dù có bằng cấp cao đến đâu, thành tựu khoa học lớn đến mức nào chăng nữa cũng chỉ là kẻ vô học, nói gì đến trí thức - tầng lớp tinh hoa của một dân tộc.
Bùi Hoàng Tám