Hội Lim là một lễ hội lớn được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Đây là một sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc với các làn điệu dân ca Quan họ nổi tiếng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hội Lim có hai phần. Phần Lễ được mở đầu bằng lễ rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu. Ngoài ra, còn có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian như tục hát thờ hậu trong nghi lễ tế hậu thần tại lăng Hồng Vân. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần, theo đó các liền anh, liền chị quan họ nam và nữ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào bằng những giọng lề lối ca ngợi công lao của thần.
Phần Hội có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội - Là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng.
Hội thi hát quan họ được tổ chức theo hình thức du thuyền trên hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim hay giữa các làng quan họ. Hình ảnh chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình của các liền anh, liền chị đã ăn sâu trong tâm thức bao đời nay của người quan họ. Đây là phần hội đặc sắc, hấp dẫn du khách nhất của Hội Lim.
Những nét đẹp ấy của văn hóa Hội Lim, người Kinh Bắc biết, người Việt Nam ta đều biết. Trong hồ sơ thuyết phục UNESCO công nhận quan họ là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, bản sắc truyền thống ấy cũng được thể hiện và còn đấy những cam kết bảo tồn và quảng bá di sản.
Thế nhưng, xem những hình ảnh, thông tin trên TV, trên các báo về ngày khai mở Hội Lim mà vui buồn lẫn lộn. Vui vì một di sản VH ngày càng được đông đảo người dân quan tâm nhưng nỗi buồn thì lớn lắm. Một Hội Lim mang vẻ đẹp thuần khiết của ông cha đã mất để thay vào đó là một Hội Lim khác, kim cổ đông tây xô bồ, náo nhiệt ? Nét hiện đại, tính thương mại, thói háo danh, sự vô văn hóa đang làm mờ dần vẻ đẹp dân dã, thanh tao của một lễ hội dân gian độc đáo với không gian âm thanh, thơ, nhạc náo nức xao xuyến, toát lên sức sống của con người và tạo vật trong mùa xuân đất nước.
Vì sự trường tồn của văn hóa dân tộc, xin hãy trả Hội Lim cũng như bao lễ hội khác trên khắp mọi miền đất nước về với dân gian, về với môi trường sinh hoạt vốn có của nó. Đấy mới là văn hóa đích thực, đấy mới là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vô giá mà ông cha đã để lại cho muôn đời cháu con.
5-2-2012
Nguyễn Duy Xuân