Quốc hội đã giao cho chính phủ làm sao để giảm tối đa tai nạn giao thông và chống ùn tắc ở các thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chứ Quốc hội không giao cụ thể là làm gì và làm như thế nào.
Chính vì vậy mà bộ giao thông vận tải, bộ công an cùng các ngành liên quan nên phân tích thật kỹ nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Trước hết về tai nạn giao thông:
1. Đường sắt: Chủ yếu (có thể gần như 90%) là xảy ra ở các đường ngang. Vậy tất cả những đường ngang không được phép, phải được rào bằng hàng rào cứng và cao trên 1m. Những khu dân cư ở kề đường sắt cũng phải có hàng rào cứng và cao trên 1m. Những đường ngang được phép phải có ba-ri-e, nếu đường sắt thiếu người thì hợp đồng với dân ở cạnh canh giữ 24/24. Không nên bố trí đèn đỏ vì ngay như đường bộ, đèn đỏ có mấy giây thế mà vẫn có người không chờ được, vượt đèn đỏ. Đường sắt đèn đỏ kéo dài thời gian nên tâm lí người dễ tranh thủ vượt rất nguy hiểm. Tất cả đường ngang nên có ba-ri-e.
2. Đường bộ: Trước hết là các trường dạy lái xe và cơ quan đăng kiểm phải nâng cao trách nhiệm, đảm bảo lái xe tốt và phương tiện an toàn. Thanh tra giao thông nên có định kỳ kiểm tra các trường lái và đăng kiểm.
Thứ đến phạt nặng đối với các hành vi uống rượu bia khi đang lái xe, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chạy với tốc độ quá quy định, lạng lách đánh võng và không đảm bảo các quy định về giấy tờ, phương tiện.
3. Đường thủy: Biển báo luồng lạch chu đáo và thường xuyên xem xét có sự điều chỉnh. Chấp hành chế độ đăng kiểm, phao cứu sinh đầy đủ và đảm bảo. Tất cả lái tàu phải được kiểm tra và cấp lại bằng lái.
Về chống ùn tắc:
Cần nói một cách dứt khoát là số người ở các thành phố lớn lưu hành trên đường ngày một đông thêm. Cơ sở hạ tầng nhất là trong nội thành chưa có gì thay đổi thì làm thế nào không ùn tắc được. Việc đưa các tụ điểm nhiều người như bệnh viện, trường đại học… ra ngoại thành là biện pháp cần nhưng không thể làm ngay được. Còn phân luồng cũng cần thiết nhưng hiệu quả thấp. Chuyện thay đổi giờ học và giờ làm việc có thể được chỗ này nhưng không được chỗ kia. Nhưng cái đáng bàn ở đây là, chúng ta đang làm một việc phản khoa học. Nói chung trong 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày thì con người học tập và làm việc hiệu quả nhất là từ 7h sáng tới 17h chiều. Nhưng trưa phải nghỉ 30 – 60 phút. Còn ngoài giờ đó ta cũng có thể học tập và làm việc, nhưng không phổ biến, không thường xuyên được (Ngay ca đêm của công nhân cũng chỉ một số đêm nhất định trong tháng). Thay đổi sự hoạt động của con người phải chú ý đến thói quen, tâm lí, tâm trạng và sức khỏe. Chỉ thay đổi thói quen thôi cũng đã rất khó rồi. Không thể nói như bộ trưởng Thăng là như việc đội mũ bảo hiểm lâu ngày rồi quen. Các nhà khoa học về tâm lí, về y tế… nên vào cuộc nghiên cứu xem xét tính hợp lí của vấn đề.
Vậy còn lại một việc làm sao cho để bớt người lưu hành trên đường hàng ngày. Thời đại ngày nay là thời đại của internet, tại sao ta không sử dụng cán bộ nghiên cứu, cán bộ báo chí và có thể một số cán bộ khác… hàng ngày có thể làm việc ở nhà (mỗi tuần thay nhau đến cơ quan một vài buổi). Ở nhà sẽ được bố trí có máy tính, có điện thoại bàn (tôi nói điện thoại bàn vì 2 lẽ: 1 là tiết kiệm, 2 là dễ kiểm soát người đó có ngồi ở bàn làm việc không) là có thể làm việc và liên hệ ra ngoài một cách thuận lợi.
Nếu làm được như vậy, ít nhất cũng bớt lượng người lưu hành hàng ngày trên các tuyến đường từ 30%-50%.
Trên đây là một số ý kiến mong những người có trách nhiệm quan tâm.