Dương Đức Quảng
Ngày 4/02, tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ sau cuộc họp Chính phủ tháng 01/2012, trả lời câu hỏi của các nhà báo về vụ Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn đang gây dư luận bức xúc và trái chiều trong xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Vũ Đức Đam cho biết:
“Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP Hải Phòng chỉ đạo xem xét làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giao, sử dụng, thu hồi, tổ chức cưỡng chế. Gần đây, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có ý kiến yêu cầu TP Hải Phòng và một số bộ ngành có liên quan nắm chắc thông tin để phân tích vụ việc, từ đó có ý kiến để trong tuần tới Thủ tướng sẽ chủ trì họp nghe báo cáo của TP Hải Phòng và ý kiến của các bộ để có kết luận. Tinh thần chung là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi việc đều phải xử lý theo đúng pháp luật…Cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về vụ việc này sẽ không chỉ trực tiếp giải quyết trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về mặt hành chính, mà đương nhiên đây cũng là một bài học để chỉ đạo các vấn đề liên quan khác, thậm chí cả trách nhiệm cung cấp thông tin trên các phương tiện báo chí đã kịp thời chưa, đúng với quy định của Luật báo chí chưa, đúng với tinh thần công khai minh bạch chưa? (DDQ nhấn mạnh).
Là một người từng có nhiều năm đảm nhận cương vị Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí rồi Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ, Tổng Biên tập Trang tin Điện tử của Chính phủ (nay là Cổng Thông tin Điện tử của Chính phủ), tôi có một vài suy nghĩ về ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam xung quanh vấn đề “trách nhiệm cung cấp thông tin trên các phương tiện báo chí đã kịp thời chưa, đúng với quy định của Luật báo chí chưa, đúng với tinh thần công khai minh bạch chưa?” tại cuộc họp báo nói trên.
Trước hết, tôi hoan nghênh Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã nêu ra một vấn đề rất quan trọng mà gần đây nhiều cơ quan nhà nước coi nhẹ thậm chí lãng quên trách nhiệm của mình trước việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Trách nhiệm đó đã được quy định trong Luật Báo chí, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí và nhiều văn bản pháp luật khác. Việc cung cấp thông tin cho báo chí phải được tiến hành thường xuyên. Thông qua đó thể hiện trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với dân. Bởi vì báo chí và cơ quan thông tin đại chúng khác là phương tiện hữu hiệu truyền tải thông tin về hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến nhân dân.. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự thể hiện các cơ quan nhà nước tôn trọng quyền được thông tin của người dân, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra…” các hoạt động của chính quyền do dân bầu ra. Đây cũng là một trong những việc làm cơ bản và thiết thực để thực hiện dân chủ hóa xã hội, trước hết là công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan công quyền trước nhân dân.
Đã có một thời kỳ dài không ít cấp lãnh đạo không coi trọng việc này, tùy tiện trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, thậm chí bưng bít thông tin đối với báo chí. Thời kỳ ấy dư luận báo chí nước ngoài gọi là thời kỳ của “bức màn sắt” đối với hoạt động thông tin báo chí.
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 – Đại hội đổi mới, việc cung cấp thông tin cho báo chí đã có những chuyển biến và đổi mới rõ rệt. Nhất là trong nhiệm kỳ Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu (1992-1997) việc cung cấp thông tin về các hoạt động của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước (Ủy ban Nhân dân các địa phương) có thể nói đã có bước phát triển đột biến. Lần đầu tiên trong Luật Tổ chức Chính phủ có một điều khoản quy định sau mỗi phiên họp định kỳ hàng tháng của Chính phủ, Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về các hoạt động của Chính phủ trong tháng đó, cả những việc đã làm, những việc chưa làm hoặc đang làm, đang thảo luận, không loại trừ cả một số vấn đề mà các thành viên Chính phủ còn có ý kiến khác nhau…, giúp các nhà báo có đầy đủ thông tin để xử lý thông tin chính xác trước khi đưa lên mặt báo. Những cuộc họp báo này không chỉ là thông tin một chiều, chỉ có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thông tin cho báo chí mà còn là dịp để Bộ trưởng nghe báo chí phản ánh dư luận xã hội nhiều chiều đối với hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong nhiệm kỳ Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu, Thủ tướng yêu cầu VPCP có riêng một bộ máy giúp việc Thủ tướng trong lĩnh vực Thông tin Báo chí, không chỉ chờ cuộc họp báo hàng tháng mà mỗi khi có chủ trương, chính sách mới của Chính phủ hoặc Quyết định quan trọng của Thủ tướng Chính phủ “đụng chạm” trực tiếp đến quyền lợi và cuộc sống của người dân, thì trước khi ban hành chính thức hoặc cần lấy ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương và nhân dân, bao giờ Thủ tướng cũng yêu cầu gặp gỡ báo chí, thông tin trước những vấn đề quan trọng cho các nhà báo. Những quyết định quan trọng, cực kỳ nhạy cảm đối với dân, điển hình là việc cấm đốt pháo nổ trong những ngày Tết, việc giải tỏa nhà xây dựng trái phép dọc đê Yên Phụ, việc cấm tạm nhập tái xuất xe ô tô, việc cấm khai thác rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, việc xây dựng đường Hồ Chí Minh, việc bán nhà cho cán bộ đang thuê theo Nghị quyết 61/CP của Chính phủ v..v… Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Lê Xuân Trinh gặp gỡ, thông tin cho báo chí mà đích thân Thủ tướng trực tiếp gặp các nhà báo, trao đổi, lắng nghe ý kiến của các nhà báo, nói rõ thêm chủ trương, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là đối với một số vấn đề mà các nhà báo còn chưa rõ hoặc còn băn khoăn. Không những thế, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn giao VPCP tổ chức việc điểm báo hàng ngày báo cáo Thủ tướng những vụ việc nổi cộm liên quan đến việc điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, làm trái quy định pháp luật của các cán bộ cơ quan nhà nước mà báo chí nêu lên, giúp Thủ tướng kịp thời có ý kiến chỉ đạo, giải quyết. Nhiều trường hợp đích thân Thủ tướng đứng ra chỉ đạo giải quyết ngay sau khi sự việc được báo chí phát hiện. Từ những việc làm cụ thể đó, nhất là từ thái độ tôn trọng hoạt động của báo chí ở người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu VPCP và của các cán bộ giúp việc Thủ tướng trong lĩnh vực hoạt động này mà quan hệ giữa Chính phủ với báo chí trong nhiệm kỳ Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu rất đồng thuận; báo chí luôn đồng hành và ủng hộ các hoạt động của Chính phủ.
Cũng chính trong nhiệm kỳ Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu đã hình thành ý tưởng xây dựng Quy chế phát ngôn và Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, Người phát ngôn của các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương. Việc thành lập Website của Chính phủ để tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, mở rộng hơn nữa cánh cửa thông tin về hoạt động của Chính phủ đối với nhân dân cũng được hình thành trong thời kỳ này. Những ý tưởng đó nay đã trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, mặc dù đã có khá đầy đủ các quy định pháp luật về việc cung cấp thông tin cho báo chí nhưng gần đây nhiều cơ quan nhà nước và người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước ở cả trung ương và địa phương đã thiếu trách nhiệm trong việc thực thi những điều đã được pháp luật quy định. Tuy đã có quy chế phát ngôn nhưng không ít cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương rất ngại họp báo, hạn chế tiếp xúc với báo chí, dè dặt, thậm chí thoái thác hoặc lảng tránh việc cung cấp thông tin cho báo chí, khiến báo chí rất khó tiếp cận được nguồn thông tin chính thống để đăng tải. Trong khi đó rất nhiều thông tin không chính thống, thậm chí thông tin bịa đặt lại xuất hiện không ít trên mặt báo. Trước những quyết định quan trọng và nhậy cảm, đụng chạm đến tâm lý và cuộc sống của đông đảo người dân, các cơ quan có trách nhiệm đã không tổ chức họp báo trước và sau khi công bố quyết định. Việc đầu tư xây dựng và khai thác mỏ bô-xít ở Tây nguyên có yếu tố nước ngoài tham gia, quan trọng là thế, nhạy cảm là thế nhưng đã không có họp báo trước và sau khi triển khai dự án, khiến cho báo chí thiếu thông tin còn dư luận thì bất bình. Việc tổ chức cưỡng chế để thu hồi đất đã cấp cho ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng cũng diễn ra tương tự. Các cấp lãnh đạo từ huyện đến thành phố đã không tổ chức họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí trước khi sự việc diễn ra, giúp báo chí nắm được ngọn ngành sự việc. Đến khi việc cưỡng chế này đã xảy ra khiến cho dư luận bất bình, báo chí phản đối mạnh mẽ thì chính quyền các cấp ở Hải Phòng mới gặp báo chí để thông tin về vụ việc. Do chưa có kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra của trung ương về đúng sai của từng người, từng cơ quan có trách nhiệm ở huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng trong việc cưỡng chế thu hồi đất này nên tôi xin không bàn đến điều đó mà chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Dù đúng sai thế nào thì chính quyền huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng đã thiếu nhạy bén và khôn ngoan trong việc cung cấp thông tin và xử lý thông tin báo chí về vụ việc này. Điều đáng nói hơn nữa là chính quyền các cấp ở đây đã bị động và thiếu nhất quán trong việc cung cấp thông tin cho báo chí khiến tình hình diễn biến ngày càng phức tạp hơn.
Nếu có thể rút ra bài học gì về việc cung cấp thông tin cho báo chí qua vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng thì đó là việc các cơ quan nhà nước cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật đối với hoạt động báo chí, thực hiện nghiêm Quy chế phát ngôn và Người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin về hoạt động của chính quyền cho báo chí, cung cấp kịp thời, đầy đủ, trung thực, nhất quán, công khai, không giấu giếm hoặc bóp méo sự thật. Có như vậy thì quan hệ giữa báo chí với chính quyền các cấp ở địa phương mới được cải thiện, báo chí mới có thể đồng hành và ủng hộ chính quyền trong việc thực thi quyền lực theo đúng quy định của pháp luật. Nếu chính quyền làm sai các quy định của pháp luật, không công khai, minh bạch các hoạt động của mình, tiền hậu bất nhất, thiếu trung thực với dân thì đừng bao giờ nghĩ đến việc đồng tình và ủng hộ của báo chí.
Thiết nghĩ, khi xem xét “trách nhiệm cung cấp thông tin trên các phương tiện báo chí đã kịp thời chưa, đúng với quy định của Luật báo chí chưa, đúng với tinh thần công khai minh bạch chưa?” trong vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng thì bài học về quan hệ giữa Chính phủ với báo chí và báo chí với Chính phủ, nói rộng ra là bài học quan hệ của các cơ quan nhà nước đối với báo chí và ngược lại, trong nhiệm kỳ Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu, vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hôm nay.
D.Đ.Q