Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI LÒNG NGƯỜI VỢ THI NHÂN *

Hoài Giang
Thứ ba ngày 7 tháng 2 năm 2012 6:31 PM

Hoài Giang
Nhà ông bà cách làng tôi không mấy đoạn đường, đi xe máy chưa đầy mười phút là đến, vậy mà tôi chưa lần nào đến nhà ông bà vì lần nào về quê cũng vội vàng gấp gáp bởi thời gian. Lần này tôi tự hứa rằng sẽ đến thăm nhà ông bà, vẫn biết bây giờ ông đã đi xa chỉ còn lại mình bà cùng với những gì ông để lại mà thôi.
Con đường vào làng Đô Quan xã Nam Lợi huyện Nam Trực tỉnh Nam Định – quê hương nhà thơ Đoàn Văn Cừ ** - vẫn còn bừng lên không khí tết. Bà con vẫn đi chúc tết nhau. Cờ đỏ sao vàng vẫn treo đỏ ngõ.  Đường làng thẫm ướt mưa xuân. Tôi hỏi mấy cháu bé đang đứng đầu làng đường đến nhà ông bà. Các cháu bảo tôi ông cứ đi như thế, như thế là sẽ đến nhà cụ ấy, cụ ông mất rồi, chỉ còn cụ bà thôi ông ạ. Có một bác giúp việc cho cụ ở nhà phía ngoài, ông nhớ hỏi bác ấy trước.
Chị giúp việc hỏi tôi những điều cần hỏi rồi mở khóa cổng dẫn tôi vào sân.
- Cụ ơi! cụ có khách ạ! Bác cứ vào nhà, cụ nằm trong nhà đấy!
Tôi cảm ơn rồi bước vào nhà. Một chú cún lặng lẽ tiến đến bên tôi vẫy đuôi vẻ thân thiện.
Bà cụ đang nằm đắp chăn thấy tôi bước vào, cụ hỏi:
- Ông đã đến? rét quá tôi không đi đâu được. Ông ở đâu ta?
Thấy tôi nói tôi là người bên xã Nam Hồng, cụ bảo :
- Gần chợ Yên hử? Ngày ông nhà tôi còn chắc ông đã đến chơi rồi?
Cụ ngồi dậy nhìn tôi cười, những nếp nhăn trên khuôn mặt cụ hằn sâu như mang theo cả cái cười đầy hóm hỉnh của cụ. Cụ giới thiệu:
- Cái nhà này trước đây là cái từ đường của dòng họ Đoàn nhà tôi. Hồi chiến tranh đã bị hỏng cả. Ông nhà tôi về cho dựng lại, bên này để ở, còn nơi thờ cúng các cụ ở gian bên kia cũng là phòng văn và nơi đón tiếp bạn bè văn chương của ông ấy.
Tôi theo cụ ra sân. Cụ nói chuyện với tôi rất tự nhiên, thân thiết như nói với những đứa con đứa cháu của cụ vừa ở xa về. Cụ cười bảo rằng cụ cũng đã gần trăm tuổi Giời cho rồi:
- Cây gậy này là của ông nhà tôi để lại, bây giờ tôi được thừa lộc đấy - Cụ chỉ khóm hoa hồng bạch đang đơm đầy nụ:
- Khóm hồng trắng này do ông nhà tôi trồng từ lâu lắm. Vừa rồi sửa cái nhà, thợ làm hỏng, tôi phải trồng lại, bây giờ nó ra nhiều hoa thế đấy ông ạ! Ông nhà tôi hay ra ngắm hoa lắm. Cái bể đá này ông nhà tôi quý lắm, ai hỏi mua cũng không bán. Cái cây trồng trong bể ngày xưa bé tí mà giờ đây đã lớn thế này rồi.
Thấy trong vườn có hai cây rơm, tôi hỏi cụ:
- Cụ vẫn đun rơm ạ?
- Rơm là tôi để làm nòm đốt lá đấy bác ạ! Lá cây rụng trong vườn quét gom lại cứ phải có rơm mồi mới cháy được. Ngày xưa ông nhà tôi cũng làm thế.
Rồi cụ lấy chìa khóa mở Phòng Văn kiêm nhà thờ của thi sĩ. Cụ mời tôi vào thăm. Tôi xin phép được thắp nhang và nói đôi điều trước vong linh tác giả Chợ tết với Đường về quê mẹ.
- Căn phòng này tôi vẫn để nguyên như ngày ông nhà tôi còn.
Tôi đọc đôi câu đối trên nền giấy đỏ nơi bàn thờ:  Chín chữ cù lao ghi nghĩa mẹ - Ba năm giáo dục nhớ ơn thầy. Nhà thơ thửa đôi câu đối này năm một ngàn chín trăm chín mươi hai. Tôi thầm nói : Cụ ơi, bây giờ còn ít lắm những gia đình người Việt ta treo đôi câu đối đỏ nơi bàn thờ rồi cụ ạ! Cái nghĩa chín chữ cù lao và ba năm giáo dục ngày nay đâu phải người nào cũng làm được đâu cụ ơi!
Căn phòng kê một chiếc giường đơn, hai chiếc tủ đứng, bệ thờ làm bằng bê tông. Hai bức tường treo những bằng, những giấy chứng nhận và có cả  bằng chứng nhận Giải thưởng Nhà nước cho nhà thơ. Cụ bà giải thích cho tôi từ bức ảnh đến bài thơ treo trên tường. Tôi thật sự xúc động khi đọc bài thơ người học trò cũ của nhà thơ viết về thầy dạy mình:
.....
Dâng nén hương thơm tưởng nhớ thầy
Lần mở trang thơ người đã khuất
Mà lòng tê tái mấy ai hay

 
Đó là tiếng lòng của người học trò, người con khi tưởng nhớ về người thầy đã đi xa.
Một bức ký họa chân dung nhà thơ làm tôi thấy bất ngờ. Sự bất ngờ không phải chỉ vì nó đẹp, nó giống, nó bắt được cái thần của thi sĩ mà còn là vì tác giả bức ký họa ấy là của Tiến sỹ Luật – Thạc sĩ Văn học Cù Huy Hà Vũ. Tôi thầm cảm phục tài năng con trai của cố nhà thơ Cù Huy Cận - một vị khai quốc công thần làm nên chế độ dân chủ cộng hòa này. Cù Huy Hà Vũ vẽ tặng thi sĩ ngày 3 tháng 1 năm 2004 tức là trước ngày thi sĩ ra đi chưa đầy sáu tháng. Trong tôi thấy nghèn nghẹn khi chợt nghĩ về cuộc đời, nghĩ vê nhân tình thế thái.

Cụ kể cho tôi nghe về các con, các cháu của cụ. Nhìn cụ cười tôi thấy cụ mãn nguyện lắm. Mấy người con của cụ đều đã từng lên đường chiến đấu nhưng nhờ Giời, nhờ hồng phúc tổ tiên tất cả đều trở về nguyên vẹn. Con cháu cụ đều đã thành đạt, nên người không phải hổ thẹn với người cha, người ông đã khuất bóng. Tôi hỏi sao cụ không đi sống cùng các con cụ để nhờ cậy lúc tuổi già. Cụ bảo:
- Tôi còn khỏe ông ạ! Tôi vẫn tự nấu lấy ăn. Tôi trồng rau sạch đầy vườn. Tôi phải ở nhà này để còn tiếp khách văn cho ông nhà tôi chứ. Thỉnh thoảng lại có khách tới thăm, tôi bỏ đi sao được, lại còn hương khói cho tổ tiên và ông nhà tôi nữa. Các cháu có thuê người trông nom tôi, nhưng tôi vẫn còn khỏe chán, chưa đến nỗi nào.
Ở cái tuổi gần trăm năm Giời cho rồi mà giọng cụ còn sang sảng, đôi tai cặp mắt vẫn tinh tường, cái lưng chưa hề còng rạp như nhiều cụ già ở quê tôi thì cụ còn thọ lâu lắm, còn dư sức tiếp bầu bạn, con cháu văn chương thay cho cụ ông. Tôi nói với cụ như thế. Cụ cười chỉ vào hai cái tủ:
- Sách của ông nhà tôi đấy ông ạ! Các ông ấy giữ chìa khóa chứ tôi đâu được giữ, các ông ấy bảo (cụ gọi các con mình là ông) sợ tôi làm thất lạc sách thì phí lắm. Sau này có điều kiện thì sẽ làm phòng đọc sách của làng của xã để mọi người đến đọc. Ý ông nhà tôi khi còn sống cũng là như thế ông ạ! Nhưng bây giờ tôi vẫn chưa làm được theo ý nguyện của ông nhà tôi.

Tôi thầm cầu mong những ước nguyện của nhà thơ một ngày nào đó sẽ trở thành sự thật.
Rồi cụ chỉ cho tôi xem vườn rau của cụ. Vườn rau không lớn nhưng những luống rau xanh non mơn mởn kia sẽ là niềm vui của tâm hồn một con người đã sống gần trăm tuổi với biết bao kỷ niệm êm đềm của quá khứ.
Mưa xuân phơi phới bay trên vòm lá ngoài vườn cây trái của gia đình thi sĩ. Tôi thấy như có tiếng bước chân của nhà thơ đang khẽ khàng bước bên khóm hồng, gốc táo trong vườn.
 Nam Trực
05 Tháng Giêng năm Nhâm Thìn

*     Cụ Nguyễn Thị Miều vợ cố nhà thơ Đoàn Văn Cừ.
**  Nhà thơ Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25 tháng 11 năm 1913 , mất ngày 27 tháng 6 năm 2004 tại làng Đô Quan huyện Nam Trực tỉnh Nam Định tác giả bài thơ Chợ tết , Đường về quê mẹ ...cùng nhiều tác phẩm khác. Được Nhà nước thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì ; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.