Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bóng ma chữ trong truyện Kiều

Đỗ Minh Tuấn
Thứ bẩy ngày 21 tháng 3 năm 2009 6:24 PM
 
Chữ Thánh hiền mang máu thịt nhân gian
 
Thấy Nguyễn Du hay thở than về chữ Tài, chữ Mệnh, không ít người cho rằng Truyện Kiều chỉ là một tác phẩm luận đề minh họa cho thuyết Tài Mệnh tương đố vốn có trong tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân. Thực ra thì Nguyễn Du đã đoạt xác thay hồn. Nhà thơ của chúng không mượn câu chuyện đời Kiều để trình bày thuyết Tài mệnh tương đố như Thanh Tâm Tài Nhân, mà mượn thuyết Tài Mệnh tương đố để phổ vào cuộc đời chìm nổi long đong của nàng Kiều cái hồn Việt đầy sức thẩm thấu, đầy linh khí.
Chữ Tài trong Truyện Kiều được cụ thể hoá bằng hình tượng Đạm Tiên, một cô gái tài hoa bạc mệnh, cấy vào trong tâm thức một thiếu nữ tài sắc như Kiều một nỗi ám ảnh đầy run sợ:

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh
Thấy người nằm đó biết sau thế nào
 
Bắt đầu từ đó, chữ Tài của Thanh Tâm Tài Nhân đã được Nguyễn Du thổi vào một dự cảm về sự phù du, biến cải, dâu bể tang thương, truy đến cùng là cảm thức lo âu của con người trong một dân tộc nhược tiểu, lệ thuộc, luôn xảy ra đảo lộn. Những nỗi lo âu lởn vởn trong tâm trí Kiều là gia tài tâm linh của cộng đồng ẩn sâu trong tâm thức. Nếu không phải là nỗi lo âu có sẵn trong vô thức cộng đồng, thì sao một cô gái vừa mới lớn lên, đang rạo rực tình yêu buổi đầu tiên mà đã có cái cảm thức lênh đênh:

Hoa trôi bèo giạt đã đành
Biết thân mình, biết phận mình, thế thôi!
 
Kiều là con người thực tế, giàu tình cảm nhưng cũng giàu lý trí. Thái độ sống lý trí thực tế của Kiều bộc lộ ngay trong cách Kiều từ chối sự lả lơi của Kim Trọng, trong sự phân tích cho cha thấy sự cần thiết của việc bán mình, qua cách Kiều chấp nhận làm lẽ Thúc Sinh và bàn tính với Thúc các kế hoạch đối phó với Hoạn Thư... Vậy mà bên cạnh thái độ sống tình nghĩa, tỉnh táo và thiết thực đó, Kiều lại mang theo một ám ảnh tâm linh sâu sắc về Đạm Tiên như là một sự đồng dạng đáng sợ. Cái nỗi lo âu siêu hình của Kiều hoàn toàn không phải vì niềm tin vào thuyết Tài Mệnh tương đố duy lý, mà là sự thức dậy của tâm thức cộng đồng trước cái cớ Đạm Tiên.
Khi được nạp vào những năng lượng của tâm hồn như thế, hình tượng Chữ trong Truyện Kiều trở nên biến đổi về nội dung và cốt cách. Nó không còn là khái niệm siêu hình trừu tượng sách vở, cứng nhắc, một chiều, mà trở nên một tín hiệu nghệ thuật đầy cảm tính, mang trong mình cái đa cực của đời sống: Chữ Trinh kia cũng có ba bảy đường
Nó không chết cứng như một khuôn mẫu, mà trở nên sinh động, tươi mới trong từng ngày sống:

Chữ tình ngày một thêm xuân một ngày
Chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng
 
Chữ có thể chuyển hoá sang nhau nhờ hồn vía của đời sống.

Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy vay.
 
Chữ trở thành nỗi niềm day dứt xót xa cho phẩm giá, trở thành bình phong cho Kiều nép vào để che giấu cái nỗi đau trần thế, cái ê chề, cay đắng, tái tê của chính lòng mình sau những nghiệm sinh:

Chữ Trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan
Còn nhiều ân ái chan chan
Hay chi vầy cánh hoa tàn mà chơi
 
Trong quan hệ với Kim Trọng, Kiều đã có ít nhất ba lần núp sau bình phong để giấu mình. Lần đầu tiên gặp Kim Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa, đó là cái nép bản năng của người thiếu nữ. Sau đó, khi Kim - Kiều gặp lại nhau, Kim Trọng tỏ tình, Kiều lại nép vào chữ Trinh, vào các phép tắc lễ nghi nho giáo và các điển tích sách vở để che giấu một tình yêu bất chấp mọi khuôn phép lễ nghi. Và cuối cùng, trong đoạn đoàn viên, Kiều lại nép vào chữ Trinh lần nữa để che giấu thực trạng tâm hồn đã mai một khát vọng sống, đúng ra là tình yêu đã chết. Chữ Trinh trước kia mang nội dung bảo vệ tình yêu thì giờ đây lại được lồng vào cái chết của tình yêu, trở nên ám ảnh xót xa, day dứt. Nguyễn Du đã cảm tính hóa, đời sống hóa các khái niệm sách vở của Thánh hiền, khiến cho chữ Tài, chữ Mệnh, chữ Hiếu, chữ Trinh xoáy vào lòng người đọc như những tiếng nấc nghẹn, tiếng kêu cứu, tiếng thở dài đứt ruột.
Chính nhờ phép đoạt chữ thay hồn cao tay đó mà các khái niệm Nho Phật trong thế giới trữ tình của Nguyễn Du trở thành những nhịp cầu đưa con ngươì ngày càng gắn bó sâu hơn vào thế giới này. Không chỉ chữ Tình với cái lực hút hướng tâm khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong đã lôi kéo Kiều vào cõi đời tục lụy, vào chốn đoạn trường của trần gian, mà chữ Tài, chữ Hiếu, chữ Trinh cũng luôn luôn trở thành những cửa ngõ của một cõi đời cụ thể, kích thích lòng ham sống của Kiều.

Nguyễn Du - người anh hùng bắt sống chữ
 
Tâm thức văn hoá Việt luôn có xu hướng biến cải nội dung các khái niệm triết học, tư tưởng đến từ bất kỳ đâu. Khi đã thâm nhập vào đời sống văn hóa Việt, các khái niệm ngoại lai bị lồng vào đó những nội dung mới theo yêu cầu đời sống và được cấp những liên hệ mới theo logic đời sống. Do đó, về hình thức thì các khái niệm Nho, Phật, Lão có vẻ chi phối đời sống tinh thần của người Việt, nhưng trên thực tế thì chúng đã trở thành tù binh văn hoá. Nguyễn Du là một người anh hùng đã bắt sống các tư tưởng ngoại lai xiềng vào những vần thơ lục bát để người nông dân ít học dắt các chữ nghĩa cao siêu vào trong đời sống thực, chia sẻ những tình tự văn hóa gần gũi của riêng mình. Nhận thức được điều đó ta mới hiểu vì sao người nông dân Việt Nam vốn xa lạ với chữ nghĩa hàn lâm, quen giễu cợt các đệ tử của Khổng, Mạnh văn chương chữ nghĩa bề bề bỗng nhiên thuộc làu làu Truyện Kiều với bao nhiêu điển tích Nho gia.
Nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều đã loay hoay đặt Nguyễn Du vào một hệ tư tưởng, song đều vướng mắc, vì tư tưởng Nguyễn Du không thuần nhất, vì thế họ cho là Nguyễn Du có mâu thuẫn trong thế giới quan. Thực ra, Truyện Kiều thể hiện một tư duy hỗn dung của người Việt với sự sử dụng đồng thời nhiều lập trường tư tưởng để cắt nghĩa thực tế và hướng đạo cho đời sống. Người Việt không giáo điều câu chấp chữ nghĩa và nô lệ kinh sách. Nếu lý luận này, tư tưởng này bất lực trong việc cắt nghĩa đời sống và thực thi các mục đích nhân sinh thì người Việt không ngần ngại bổ sung các khái niệm, các lập luận của tư tưởng khác vào hệ thống công cụ tư duy. Người Việt không chỉ cải biến nội dung từng học thuyết mà còn pha trộn các học thuyết với nhau. Các chữ Tài, Tình, Mệnh, Trinh, Tâm, Nghiệp có bản chất triết học khác nhau đã được Nguyễn Du đan dệt pha trộn vào nhau trong dòng tư tưởng Truyện Kiều. Chính cái thế đứng, cái góc nhìn gắn liền với đời sống và thân phận con người cụ thể đã tạo nên giá trị nhân văn của Truyện Kiều, thổi hồn vía văn hoá Việt vào các khái niệm Nho, Phật, Lão vay mượn của nước ngoài, tạo nên những hình tượng chữ đầy ám ảnh. Nếu như hình tượng bông hoa trong Truyện Kiều chập chờn giữa tư cách cảnh vật và tư cách người phụ nữ, thì hình tượng chữ trong Truyện Kiều cũng nằm trung gian giữa khái niệm tư tưởng hệ và tâm lý con người, giữa tín hiệu và đời sống. Đó là những thực thể nhộng tính nửa chữ nửa người, nửa thực nửa ảo, nửa trừu tượng nửa cảm tính, nửa tín hiệu nửa tâm lý... Tình trạng nhộng tính hỗn dung và đời sống hoá đó phát lộ tâm thức văn hoá Việt trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Du
Có nhà nghiên cứu đã đề cập đến cảm thức nông nghiệp trong Truyện Kiều thể hiện qua các liên tưởng về cây, hoa, lá... Ta có thể thấy cụ thể hơn tính chất lúa nước trong liên tưởng của nhà thơ, bộc lộ qua việc Nguyễn Du hay đặt các khái niệm Nho, Phật như Thân, Trinh, Duyên, Phận vào trong các không gian bùn nước:

Rộng thương cỏ nội hoa hèn
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau.
Chút thân quằn quại vũng lầy
Thân lươn bao quản lấm đầu
Tấm lòng trinh bạch từ sau xin chừa!
Hoa trôi bèo giạt đã đành
Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi!
Phận sao phận bạc như vôi
Cũng đành nước chảy, hoa trôi lỡ làng.
 
Vậy là trong cái vỏ mũ cao áo dài của nhà nho Nguyễn Du lại là một người nông dân mang cảm thức nông nghiệp, bộc lộ trong tư duy cái không gian lúa nước ám ảnh tự ngàn xưa. Điều đó trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân không hề có! Nguyễn Du là một người nông dân cặm cụi ươm chữ nghĩa ngoại lai trên cánh đồng tâm thức văn hóa Việt để tạo nên những hình tượng Chữ máu thịt, gần gũi, phập phồng số phận con người và hơi thở của nhân gian.
Truyện Kiều là một hành trình đối chiếu, thể nghiệm, nghiệm sinh các khái niệm Nho giáo, Phật giáo, đem nó đo đạc những khát vọng sống mãnh liệt rồi trộn dần chúng vào nhau. Tâm thức văn hoá dung hợp giao thoa của người Việt thấm đẫm trong hồn thơ của Nguyễn Du đã xô đẩy từng chữ của Nho, Phật, Lão tìm về đời sống, thoả hiệp với những khát khao trần thế đầy nhân bản, để cho những năng lượng cảm xúc, tâm linh trong đời sống dồn nén vào vỏ chữ, làm  thành hồn vía nhân văn, tính cụ thể, tính dư ba của những chữ vốn khô khan. Đó cũng là sự điều chỉnh từ hai phía để tạo nên sự dung hoà, giao thoa cộng sinh giữa lý thuyết ngoại lai và chân lý đời sống, giữa nhà Nho Nguyễn Du và nghệ sỹ Nguyễn Du.

Nguồn: ANTG