Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIỂU THUYẾT TÂM ĐẮC NHẤT CỦA NHÀ VĂN TRẦN THANH GIAO

Trần Xuân An
Chủ nhật ngày 22 tháng 3 năm 2009 4:12 PM
Trần Xuân An
 
Nhà văn Trần Thanh Giao (tại Đà Lạt, 2008) --- Nhiếp ảnh: Trần Xuân An

1. MỘT TIỂU THUYẾT HAY, KHÔNG ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI BIẾT ĐẾN
 
Đọc được khoảng hơn một trăm trang sách, tôi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao đến lúc này tôi mới được đọc “Một thời dang dở”? Quả thật, không hiểu tại sao cho đến những ngày giữa tháng 3 năm HB9 này, cách thời đoạn trước và sau “Đổi mới”, “Cởi trói” (1986) đến hơn hai mươi năm, tôi mới biết đến cuốn tiểu thuyết, theo tôi, có lẽ thuộc vào một trong mươi cuốn hay nhất viết về thời đoạn ấy? Đó là tiểu thuyết mà nhà văn Trần Thanh Giao đã xuất bản qua nhà Văn Nghệ TP.HCM. mãi từ năm 1988, và mới cách đây ít hôm thôi, khi tôi đến thăm ông, ông vẫn cho là tâm đắc nhất của đời văn mình.
Nỗi ngạc nhiên tự hỏi ấy vẫn còn ném ra bao nhiêu là dấu hỏi trong những ngày tôi đọc trên bốn trăm rưỡi trang sách còn lại.
Đọc xong, tôi càng đinh ninh hơn nhận định ban đầu của tôi: Không nghi ngờ gì nữa, đây là một trong mươi cuốn tiểu thuyết hay nhất của nền văn học nước ta viết về thời đoạn đầy bức xúc nhất, nhức nhối nhất, nóng bỏng nhất và rúng động nhất, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, đặc biệt là trong lòng các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa. Tại sao? Tại sao “Một thời dang dở” không tạo nên tiếng vang nào? Nếu có, hẳn tôi đã biết đến từ báo chí, đài phát thanh, từ bạn bè cầm bút, và chắc chắn đã tìm đọc từ lâu.
Vì cái tên “Một thời dang dở” của tiểu thuyết chăng? Vì cái bìa sách dễ khiến người đọc nhầm lẫn với loại “tình cảm - tâm lí - xã hội” thường được bày trong các quầy cho thuê truyện ở những hẻm phố, những nhà lồng chợ để giải trí, khoả lấp sự trống vắng của bao giấc trưa tạm lắng những âm thanh phố xá? Nói cụ thể hơn, chính cái bìa 1 đã khiến các nhà phê bình văn học, các nhà báo chuyên điểm sách không buồn đọc đến những dòng trích (tr. 426-427) in ở bìa 4, vốn đặt ra một vấn nạn không phải không gay cấn, dữ dội. Theo tôi biết, cũng vào thời đoạn ấy, loại sách “tình cảm - tâm lí - xã hội” đó được phép tung ra khá nhiều, và nhiều nhà văn tên tuổi bỗng dưng lại dễ dãi “chiều theo thị hiếu”!
Rồi khi đưa lên điểm mạng toàn cầu của chính ông, mấy năm gần đây, nhà văn Trần Thanh Giao lại đề từ bằng một vài câu trích có màu đỏ của tình yêu đương. Ngỡ như ông cầm cành hoa hay bó bông đỏ đứng trên một gò đất đỏ, bên cạnh một chiếc xe tang đỏ, nhưng lạ thay, xe tang lại được dán chữ kép “song hỉ” màu đỏ. Chính mấy dòng chữ trên băng chạy vòng trên trang chủ của điểm mạng toàn cầu “tranthanhgiao . com” khiến người đọc chưa đọc tiểu thuyết đã liên tưởng, hình dung ra một cách vừa sai vừa đúng như thế! Cứ ngỡ như “Một thời dang dở” chỉ là một chuyện tình bi thảm, lâm li, sướt mướt, và sáo mòn nữa, không mang một ý nghĩa triết lí, xã hội sâu sắc nào: “Mai sau em lớn lên, thấy pháo nổ nơi nào là nơi đó trái tim chị cũng đang vỡ tan thành muôn ngàn xác đỏ. Cứ nhặt lên em, những mảnh tim còn sót lại, và đốt tiếp lên cho nó vỡ tan tành... Trong niềm vui, có tiếng kêu đau đớn, em có nghe chăng?” (tr. 509). (1).
Phải chăng là như thế, ông “nguỵ trang” bằng tình yêu đương tầm tầm để không gây chú ý cho ai cả? Liệu có phải nhà văn Trần Thanh Giao đã tự giấu mình dưới cái tên sách, cái bìa sách ấy, những dòng chữ trên điểm mạng ấy, bởi ông lo ngại tiểu thuyết của ông sẽ là một quả bom tấn nổ vang giữa công luận thành phố này và trên báo chí trong nước cũng như ngoài nước? Hẳn vậy chăng, ông là người khổ công chế tạo ra quả bom tấn ấy, nhưng hơn ai hết, ông sợ tiếng nổ long trời lở đất và sức công phá dữ dội của nó?
Không, cũng không phải vậy, ở cách so sánh đó.
Đúng hơn, tiểu thuyết “Một thời dang dở” (MTDD.) của nhà văn Trần Thanh Giao chính là một tên lửa phản lực hạng nặng, lao vút lên trời từ một bệ phóng tạm đặt ở một nơi hoang vắng nhất, để tiếng vang kinh hồn ít người biết nhất, chỉ nhằm đưa lên trời cao vệ tinh MTDD. có nhiệm vụ ghi nhận những nỗi niềm, tâm trạng cùng những số phận con người giữa những mâu thuẫn xã hội, kinh tế âm ỉ mà khốc liệt, suốt mười năm hậu chiến, sau ngày đất nước thống nhất (1975-1985), và dự báo thời tiết chính trị không chỉ trong phạm vi nước ta vào thời điểm nỗi bức xúc đã đến cao trào, đòi hỏi phải “Cởi mở” (glasnost), “Cấu trúc lại” (perestroika), “Cải cách”, “Đổi mới”, “Cởi trói”.
Có lẽ đúng hơn là như vậy, bởi ngay ở bìa 4, những dòng chữ trên đó bị bìa 1 “làm buồn mắt” khiến người đọc không thiết đọc tới kia, đã thể hiện vấn nạn to lớn ấy. Đó là sự đấu tranh giữa chủ nghĩa nhân đạo tôn giáo vốn bất lực với chủ nghĩa nhân đạo duy vật, vô thần đang bế tắc, nhưng không phải trên bình diện luận lí mà ngay trong thực tiễn đời sống. Đồng thời, cùng với những tín điều cũng như những biểu hiện về phương diện tình cảm con người trong cuộc đấu tranh “ai nhân bản hơn ai” ấy, đó là mâu thuẫn bi kịch diễn ra trong cơ chế kinh tế - chính trị mới và cũ, giữa mô hình “con người mới xã hội chủ nghĩa” và “con người muôn thuở - bản năng - tư hữu”: “... Ly Ly biết tin vào đâu, tin vào cái gì bây giờ? Cả nghìn năm nay, Phật dạy vị tha, Chúa dạy yêu thương hết thảy mọi người. Nhưng Chúa và Phật đã không làm được. Các anh đổ lỗi cho xã hội cũ. Các anh muốn xây dựng xã hội mới, trong đó “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Nhưng phải chăng các anh chỉ nêu lên một tín điều, cứ cho là mới hơn Phật và Chúa đi, nhưng nó vẫn không thắng nổi bản năng của con người vốn là một sinh vật trên thế gian này? Em đã sống trong xã hội cũ, em đã là nạn nhân của nó... Chẳng lẽ bây giờ trong xã hội mới, em lại nhận ra là mình đang sống giữa rừng hoang dã, vẫn phải đương đầu với loài cá sấu để mưu sự sinh tồn...? Anh ở đâu rồi? Và ai sẽ cứu em một lần này nữa đây...?” (tr. 426-427). Loài cá sấu nào vậy? Phải chăng tác giả cuốn tiểu thuyết, ngoài việc thông qua hình tượng con cá sấu tên Sấu Bông để đề cập đến cuộc đấu tranh sinh tồn giữa con người và giới tự nhiên, còn khắc hoạ cá sấu là một biểu tượng của quy luật xã hội? Không, câu trả lời sẽ là như vậy, nếu liên hệ đến bìa 1. Rõ ràng cái bìa 1 của cuốn sách với nét vẽ chân phương nhưng hơi ... vụng về, miêu tả cận cảnh gương mặt một cô gái, và phía sau, xa kia là bối cảnh rừng hoang, đầm lầy, lại có con cá sấu há mồm, nhỏ thôi, nhưng lại vô cùng lớn, bởi đuôi cá sấu nối với đầm lầy mà hàm sấu nhe ra đến tận bàn tay, mái tóc của cô gái. Tuy nhiên, nếu đọc kĩ cuốn sách, câu trả lời không phải là “Không” như thế...
Thật ra, không đơn giản khi tìm câu trả lời cho nỗi ngạc nhiên cùng lắm dấu hỏi đã vang lên trong tôi nhiều lần khi đọc tiểu thuyết “Một thời dang dở” của nhà văn Trần Thanh Giao: Tại sao đến hơn hơn hai mươi năm sau ngày “Một thời dang dở” được viết (1985-1987) và xuất bản (1988), tôi mới biết đến nó, cuốn tiểu thuyết mà theo tôi, có lẽ thuộc vào một trong mươi cuốn hay nhất viết về thời đoạn ấy? Tại sao “Một thời dang dở” không tạo nên tiếng vang nào?
Có lẽ “Một thời dang dở” cũng như một số tác phẩm có giá trị đích thực trong lịch sử văn chương, không phải ngay từ đầu, đã được đánh giá cao, được nhiều người đọc đón nhận. Dẫu hơn hai mươi năm qua, nó không tạo nên tiếng vang báo chí nào, ít người biết đến, do nguyên nhân cố tình hay khách quan, nhưng tôi vẫn khẳng định như thế với tất cả lòng mình, về cuốn tiểu thuyết ấy.
Ồ, mà tiểu thuyết được viết hay và sâu sắc thì quan hệ gì lắm đến cái nhan đề và cái bìa sách, kể cả những dòng chữ chạy vòng trên trang chủ điểm mạng “tranthanhgiao . com”! Bìa sách và tranh ảnh minh hoạ nhiều trường hợp là khá ngẫu nhiên, tuỳ tiện, chỉ hoạ sĩ và nhà xuất bản biết, cái biết trong điều kiện “cái khó bó cái khôn”, chứ ngay tác giả ruột sách cũng không được hay biết gì!
Tôi đã đưa ra những câu trả lời cho chính mình như thế đó. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ rằng, còn có một vài nguyên nhân tự bên trong nội dung của tiểu thuyết “Một thời dang dở” nữa. Vài nguyên nhân ấy là hạn chế, là cộm cấn những vấn đề thời cuộc trong tác phẩm hay tính chất “vượt thời đại” của nó?
 
2. MÂU THUẪN KỊCH TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT, CÓ HAY KHÔNG?
 
“Một thời dang dở” kể về những con người được sinh ra, lớn lên tại Sài Gòn, có người từng là nạn nhân của một đô thị chạy theo nếp sống vật chất thời chiến hoặc là sinh viên, thoát li lên chiến khu, chiến đấu với khát vọng lãng mạn cách mạng, mơ một ngày Sài Gòn được giải phóng, xây dựng một xã hội mới, “người không còn là chó sói đối với người”; có người là thanh niên mới lớn, lí lịch gia đình có “tử sĩ” chế độ cũ, vẫn hồn nhiên nhập cuộc; và hàng trăm học viên chịu cải tạo; cùng những cư dân, cán bộ người địa phương rừng Sác. “Một thời dang dở” còn kể về vài người khác, từ Miền Bắc vào Nam, với vai trò chiến sĩ, đặc biệt là chiến sĩ đặc công nước, đã trải qua một quãng thời gian dài chiến đấu tại vùng duyên hải thuộc cửa biển của thành phố này.
Bối cảnh của câu chuyện ấy là vùng rừng, mé biển gian khó trong những năm tháng đầu sau ngày thống nhất, với không khí và những nhân vật trung tâm của thời đó, thường được phản ánh trong một số tác phẩm của các tác giả khác cùng thời. Ở tiếu thuyết “Một thời dang dở” của nhà văn Trần Thanh Giao, bối cảnh cụ thể là tại rừng Sác (thuộc huyện Duyên Hải bây giờ). Nơi ấy, có một địa điểm được khoanh vùng, quận uỷ và quận đoàn của một quận nội thành trực tiếp chỉ đạo, đưa thanh niên và cán bộ của quận mình về xây dựng một nông trường, trường trại có tên là Bình Minh. Đó là một nông trường kết hợp với một “trường học” (có lẽ gọi tắt cụm từ “trường xây dựng thanh niên mới”), thực chất là trại cải tạo cả trăm thanh niên có “tiền sự”. Những người trẻ tuổi ấy hầu hết đều là tội phạm thuộc loại phải chịu cải tạo lao động nhưng không có án cụ thể. Nổi bật lên trong hàng trăm “học viên” này là cô gái Hai Ngà, chàng trai Sơn Đầu bò. Còn giàn cán bộ chỉ gồm mấy người: Ba Trí, một sinh viên tranh đấu, thoát li lên chiến khu, nay về phụ trách công tác đoàn; Lê Quát, sinh ra, lớn lên từ vùng “chiêm khê mùa thối” ở Bắc Bộ, được huấn luyện để vào Nam, trở thành một chiến sĩ đặc công nước, sống trong điều kiện gian khổ nhưng hồn nhiên và dẻo dai chịu đựng như một con ba khía trên bùn lầy chua mặn rừng Sác, đồng thời đã từng chiến đấu lập được nhiều chiến công như huyền thoại; và một cô gái, Mai Sương, học sinh cuối bậc phổ thông trung học, hăng hái xung phong trong các phong trào nội thành rồi tiếp tục xung phong về rừng Sác, mặc dù xuất thân từ một gia đình có con trai là “tử sĩ” của chế độ cũ. Tất nhiên còn có thêm một toán nhân viên bảo vệ.
Nhưng từ chương đầu, trải dài ra tận những trang cuối của tiểu thuyết, cũng như từ bìa 1 đến bìa 4, xuyên suốt và nổi bật vẫn là hình tượng hai cô gái cùng một “nhân vật” khác: Ly Ly, Như Ngọc và một con cá sấu có tên là Sấu Bông.
Nếu đoạn trích ở bìa 4 rõ ràng là những dòng độc thoại nội tâm của Ly Ly, thì hình vẽ cô gái ở bìa 1 với “nhân vật biểu tượng” Sấu Bông, người đọc không đoán chắc được ấy là Như Ngọc hay Ly Ly. Nhưng với gương mặt bầu bĩnh, đuôi mắt dài, chiếc mũi hơi “hướt” (hớt, hếch) di truyền kia, như miêu tả của nhà văn (tr. 385), thì hẳn là Như Ngọc.
Ly Ly đến nông trường – trường cải tạo lao động Bình Minh trên chuyến ghe máy cùng với một người con gái khác, xấp xỉ tuổi nhau. Nhưng cô gái này, Như Ngọc, là một kĩ sư thuỷ sản, cũng xuất thân từ một gia đình Nam Bộ, vài đời là cư dân Sài Gòn, nhưng là một gia đình liệt sĩ cách mạng, cha ruột cô hi sinh tại rừng Sác. Là kĩ sư mới ra trường, thuộc diện ưu tiên của chế độ mới và của thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Như Ngọc lại xung phong về nông trường Bình Minh ngoại thành. Ngoài động cơ là lí tưởng lãng mạn cách mạng, cô còn có một mục đích riêng tư: tìm kiếm di cốt của cha ruột cô (ông Huỳnh Anh Võ, có tên thường gọi là Tám Võ).
Cũng như Mai Sương, cả hai đều là con gái Sài Gòn đúng nghĩa, khi xét về lí lịch cư trú.
Như vậy, nhà văn Trần Thanh Giao trước sau vẫn trung thành với phương thức sáng tác tiểu thuyết hiện thực. Nhưng trong bối cảnh “Đổi mới”, “Cởi trói”, tiểu thuyết của ông không hẳn tuân thủ theo lí thuyết sáng tác chủ đạo đương thời mà cũng không phải là hiện thực phê phán. Rõ ràng ở “Một thời dang dở” có hai tuyến nhân vật tiêu biểu, phản diện và chính diện, nhưng không phải là “địch – ta”. Cả hai tuyến đều đã được nhà văn Trần Thanh Giao chú tâm xác lập, khắc hoạ. Nói cách khác, đây là một loại kết cấu có thể ví von như hai cụm bèo trên hai nguồn sông Sài Gòn, trong và đục, với những đặc điểm nhìn kĩ mới thấy khác nhau, nhưng cùng đổ về một dòng sông lớn, chung sống với nhau.
Tuy vậy, cũng phải thấy một “nhân vật” khác, được nhà văn miêu tả tỉ mỉ, sinh động và thực sự đã xuyên suốt cả 566 trang tiểu thuyết với tư cách là một hình tượng “nhân vật” tiểu thuyết đúng nghĩa. Đó là Sấu Bông, con cá sấu từ mũi đến đuôi khoảng bảy mét, to dài như một chiếc xuồng, lão luyện trong nghề ăn thịt người, từ xác lính Mỹ đến thân thể sống của trẻ con, cụ già, phụ nữ và cả bộ đội đặc công nước. Sấu Bông không phải được nhân cách hoá  (như “nhân vật” trong “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài) hay vật cách hoá (như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới ở “Tây du ký”) trong miêu tả, khắc hoạ. Với nhà văn Trần Thanh Giao, nó được tả thực nhưng chắc hẳn còn chứa đựng một ý nghĩa biểu tượng.
Sấu Bông là một trong những con cá sấu thuộc loài to con, có “da huy” (gia huy, chơi chữ) là những tấm vảy lục giác vàng – đen, sống bên cạnh loài cá sấu nhỏ con hơn, đen sì và mốc thếch. Dĩ nhiên đó là hai loại sấu có thực ở rừng Sác. Và đồng thời, Sấu Bông còn là biểu tượng của cái ác không phải chỉ của giới tự nhiên mông muội mà còn là cái ác của trong lòng mỗi người, của quy luật xã hội, quy luật cạnh tranh sinh tồn giữa người và người, không phân tuyến, không kể thù hay bạn. Với ý nghĩa biểu tượng đó, Sấu Bông thể hiện một nét sâu sắc trong cách nhìn hiện thực của nhà văn Trần Thanh Giao. Chính Ly Ly, trong giây phút nguy kịch nhất của sinh mệnh mình, đã bật ra ý nghĩ chứa đựng ý nghĩa ấy: “... muốn đương đầu với quy luật rừng xanh, nhưng không ngờ nó đến quá nhanh và đột ngột! Đến bằng xương bằng thịt, dưới dạng loài cá sấu!” (tr. 525). Quy luật rừng xanh nào vậy, nếu không phải là quy luật xã hội, “người là chó sói đối với người”! Một quy luật phải chăng là muôn thuở, một quy luật mà những thánh hiền, quân tử, những con người chân chính trong nhiều hình thái xã hội đều muốn tiêu diệt nó nhưng đều bị nó đẩy lùi?
Mâu thuẫn kịch tính cho dù ít nhiều vẫn có nhưng không căng thẳng, gay gắt, là giữa hai tuyến, một tuyến là Ly Ly, Hai Ngà, Sơn Đầu bò (những học viên đang chịu cải tạo) và một tuyến khác, gồm Như Ngọc, Ba Trí, Lê Quát hay còn gọi là Tư Quát, Mai Sương, Vũ Minh (những cán bộ nông trường, trường học lao động và cán bộ uỷ ban quận). Mâu thuẫn kịch tính khác, trường kì và gay gắt, là gồm cả hai tuyến đó, cho dù mâu thuẫn, họ vẫn đoàn kết lại thành một phía, trước kẻ thù chung: Sấu Bông, biểu tượng cái ác của quy luật xã hội. Đó là sự đấu tranh với chính cái ác luôn rình rập trong xã hội loài người với nhau, trong mỗi con người, chứ không chỉ với ý nghĩa thô thiển là đấu tranh giữa con người với thiên nhiên. Những mâu thuẫn kịch tính ấy được thể hiện đan xen trong mâu thuẫn kịch tính khác, nổi bật nhất, nhà văn Trần Thanh Giao nhấn mạnh nhiều nhất với nhiều chi tiết, lời thoại sinh động. Đó là mâu thuẫn kịch tính chủ yếu, giữa một bên là cơ chế kinh tế - xã hội quan liêu, bao cấp, vốn được xác lập bằng quyền lực chiến thắng, mệnh lệnh hành chính, cho dù cao đẹp đến đâu vẫn là ý chí luận, với một bên khác, là nhu cầu bức thiết phải đổi mới, chuyển sang hạch toán kinh doanh hay kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, theo quy luật khách quan, nếu thừa nhận cái tư hữu muôn thuở đau thương là động lực kinh tế và phát triển. 
Đúng vậy, mâu thuẫn kịch tính bao trùm, xuyên suốt trong tiểu thuyết là giữa phương thức sản xuất mới với quy luật khách quan về kinh tế và “cái đuôi kinh tế” của con người muôn thuở, từ man rợ đến văn minh...
Cùng với nó, những mâu thuẫn kịch tính khác được triển khai theo dòng đời tự chảy và phần nào chảy theo ý chí con người. Lúc nông trường - trường học lao động Bình Minh mới phôi thai, vừa được “bao cấp” vừa bị trói buộc, đó chỉ là nơi trồng cói dệt chiếu, nhưng cói không lên xanh tốt mà cằn cỗi, héo úa, những khung dệt không thường xuyên vận hành mà bụi phủ, nhện giăng. Đến khi tự “bung ra”, Bình Minh mở thêm một hướng mới là nuôi tôm tự túc, tự cải thiện, và xúc tiến cho sản phẩm con tôm không chỉ vươn đến tôm hàng hoá nội địa mà phải là tôm hàng hoá xuất khẩu. Qua đó, những tính cách nhân vật được khắc hoạ, từ những thao thức, trăn trở nội tâm cho đến những hành vi, lời nói trong quan hệ hằng ngày, suốt quãng thời gian năm, sáu năm dài.
 
3. MỘT VÀI SỐ PHẬN NHÂN VẬT TIÊU BIỂU: LY LY & NHƯ NGỌC CÙNG NHỮNG NGƯỜI QUANH HỌ
 
Suốt 566 trang sách, không kể hai trang thủ tục cuối sách, với những mâu thuẫn ấy, những số phận con người hiện ra rõ nét.
3.1. Ly Ly:
Trước hết, hình như nhân vật chính vẫn là Ly Ly, tuy Ly Ly cơ hồ thuộc phía phản diện. Nói chính xác hơn, ở Ly Ly có những nét phản diện đáng lưu ý, nhưng cơ bản vẫn là một con người có ý thức hướng thiện, với những nghịch cảnh, nỗi niềm bi kịch đáng thương yêu, trân trọng.
Ly Ly, tác giả quen gọi theo biệt danh Mỹ hoá như vậy, là một cô gái xinh đẹp, đầy quyến rũ. Cô xuất thân từ một gia đình nho học, có người cha vốn là một giáo viên thể dục và người mẹ nội trợ. Nhưng trong cơn lốc chiến tranh, ở thời đoạn lính Mỹ trực tiếp tham chiến, hàng hoá Mỹ tràn ngập, nếp sống thác loạn của lính tráng Mỹ (thuở phong trào hiện sinh, hip-py là thời thượng ngay cả ở Mỹ) trở nên một mối đe doạ vô cùng nguy hại, và thực sự đã gây ra sự băng hoại cho nhiều gia đình, trong đó có gia đình của cô nữ sinh trung học Nguyễn Thị Hoàng Ly. Hoàng Ly, một nữ sinh từ xuất sắc trong học tập trở thành xuất sắc cả trong “mánh mung”, “áp phe”. Nếu căn cứ vào câu “tiên trách kỉ, hậu trách bỉ”, so sánh với nhiều bạn cùng trang lứa, thì ở Hoàng Ly, nguyên nhân nội tại ban đầu là do bản năng đua đòi tiềm ẩn. Thấm thoắt, bi kịch gia đình Hoàng Ly đã diễn ra, đến nỗi cha cô lao vào ăn chơi và mẹ cô tự sát, do tủi nhục tự thân bà gây ra hay bị cưỡng hiếp bởi tên lính Mỹ thuê nhà. Khi tên lính Mỹ bị giết cũng là lúc cha cô, từ một nhà giáo trở thành kẻ phóng đãng, bị mất tích. Từ đó, Hoàng Ly trở thành Ly Ly, một cô gái tứ cố vô thân, chạy áp phe, buôn hàng lậu ở thương cảng, lại giỏi võ, do có thời đã luyện tập tại các võ đường hay do gần gũi với các tay du đãng trộm cướp, không rõ. Sau ngày thống nhất, Ly Ly vẫn theo quán tính cũ, nhưng ở dạng “mánh mung chợ trời – thương cảng”. Ly Ly đã sa lưới công an, sau chuyến buôn lậu không thành và một pha trổ tài võ nghệ trên tàu viễn dương, chống lại một tên thuỷ thủ để xác định bản thân không phải là loại gái ăn sương.
Ly Ly bị bắt từ mặt sông bên hông tàu viễn dương, sau một vài thủ tục, bị dẫn độ về trại cải tạo, và trong ngày thứ nhất cô đã bị dằn mặt bởi “đàn chị” Hai Ngà. Ly Ly, cô gái “mánh mung” xinh đẹp ấy, cũng không vừa, đã đánh ngã đối thủ với những miếng nghề võ thuật. Rồi không thể chịu nổi đời sống khổ cực đến mức nước ngọt nấu ăn, sinh hoạt cũng thiếu thốn, rau xanh cũng hiếm quý, hôm sau, cô đã rủ rê Sơn Đầu bò và vài học viên khác cướp thuyền máy, chiếc thuyền chưa kịp bốc dỡ gạo tiếp tế, bỏ trốn. Bỏ trốn rồi bị bắt lại, nhưng dẫu thế vẫn không chịu viết kiểm điểm. Sau đó, lại thêm một lần thứ hai bỏ trốn, chạy bộ, băng rừng, và lần này thoát được về Sài Gòn, nhờ một cụ lão giúp. Cụ lão ấy hẳn là ông Sáu Câu, một nhân vật rất ấn tượng! Về đến Sài Gòn, túng thiếu, không chốn nương thân, Ly Ly lại rơi vào một vụ án cướp của giết người, mà cô chỉ là kẻ a tòng. Một băng cướp nhờ cô vờ gọi cửa, trao quà, vì cô là con gái, xinh đẹp, chủ nhà không thể ngờ, để chúng xông vào uy hiếp. Ly Ly không ngờ án mạng lại xảy ra, do một kẻ trong băng cướp dám hạ thủ giết người, rồi y dám chặt tay người chết để lột nữ trang, mà người bị nạn ấy lại chính là mẹ của giám đốc kiêm hiệu trưởng Ba Trí. Ly Ly trả thù Ba Trí chăng? Không phải. Hay đó chỉ là ngẫu nhiên, cái ngẫu nhiên được gọi là “định mệnh”? Thật sự không một dòng chữ nào của nhà văn Trần Thanh Giao cho người đọc thấy là Ly Ly biết nơi đến trấn lột là nhà của chính Ba Trí cả! (tr. 164-165). Nhà văn lí giải cho Ly Ly, trên bình diện xã hội học, kẻ chủ mưu chính là phim ảnh bạo lực, bản năng thú tính được khơi dậy (tr. 166), “kẻ chủ mưu là một lối sống, một thứ triết lý sống, nó đẩy con người vào tội ác mà trong hồ sơ hay trước vành móng ngựa, nó chưa bị kêu án tử hình” (tr. 168). Đến khi đối mặt với Ba Trí, đứa con trai của bà mẹ bị giết, đồng thời là hiệu trưởng, giám đốc của chính nơi Ly Ly bị cải tạo, thì như một phép mầu, cô lại được Ba Trí cứu thoát, vì Ba Trí cùng công an đã điều tra lại, kết luận lại (mặc dù cô đã tuyệt vọng, quyết định tự sát -- chấp nhận án tử hình --, bằng cách kí bừa nhận tội chủ mưu). Đúng vậy, kẻ giết người không phải là Ly Ly; Ly Ly cũng không phải chủ mưu, cô chỉ a tòng, thật tâm không ngờ án mạng xảy ra. Ly Ly lại được dẫn độ về lại với nông trường - trường học lao động Bình Minh. Ba Trí quả là một ông thánh giữa đời thường, với một nhận thức đầy tính triết học, cùng công an “giải thích cho cô rõ nguyên nhân sâu xa gây nên tội lỗi đó: lối sống chạy theo dục vọng bản năng mà xã hội tư bản đang lao tới, cuốn theo trong lòng nó mọi số phận con người, kể cả cô” (tr. 205-206)! Lòng thương người, đức cao thượng, nhận thức mọi tội ác đều có nguyên nhân là chế độ xã hội “đêm ngàn năm man rợ” và niềm tin mọi con người đều có thể cải tạo được của Ba Trí như thế là đến mức khó tưởng tượng (hay Ba Trí không thật lòng thương mẹ?). Dẫu sao, lòng thương người, đức cao thượng, nhận thức quy vào xã hội và niềm tin vào lương tri con người ấy cũng đã khiến Ly Ly không còn là Ly Ly hận thù cuộc đời trước đó. Cô đã được cảm hoá, rồi theo năm tháng, trở thành học viên tiến bộ, xuất sắc nhất. Cho đến khi thấy Ba Trí trong những ngày gà trống nuôi con tại nông trường bộ, Ly Ly đâm ra khao khát thật lòng, nỗi khao khát tận trong sâu thẳm trái tim cô, về một mái ấm gia đình. Còn về phía Ba Trí, trước khi án mạng xảy ra tại nhà anh ở Sài Gòn, vợ của anh, một sinh viên ngày xưa cùng anh tranh đấu trong phòng trào đô thị Miền Nam, cùng chịu nhiều gian khổ, nhưng trong giai đoạn cơ cực hậu chiến này, đã không chịu nổi anh, một người không nuôi nổi mẹ già, con dại, chỉ là con người đậm chất hoang tưởng hiệp sĩ kiểu Đông Ki-sốt (Don Quichotte), nên cô ta đã “chuyển hướng”, bồng con trở về nhà mẹ ruột (tr. 160). Nay anh nhớ con, nên năn nỉ vợ cho anh đưa cháu bé xuống nông trường chơi. Và người điền vào chỗ trống bên đời cha con anh, Ly Ly mơ hồ cảm nhận, có thể chính là Như Ngọc. Thế nhưng, Ly Ly, học viên bị cải tạo lao động, tòng phạm trong vụ giết chết mẹ ruột của anh, vẫn là kẻ có một trái tim ... con người! Diễn biến câu chuyện, không phải khiên cưỡng, mà rất lô-gic, thứ lô-gic của cuộc sống, đã đưa đẩy đến chỗ Ly Ly và Ba Trí thật sự yêu nhau, trong sự giấu kín mối quan hệ ấy. Rồi ngẫu nhiên đưa đẩy, hay chính vô thức của họ điều khiển ngầm, Ly Ly và Ba Trí đã trải qua một đêm trăng cháy nồng nhục thể, trên một con thuyền bập bềnh theo sóng nước, dưới chiếc mùng được giăng từ hai nhánh cây mắm và hai cây sào cắm xuống lòng nước gần bờ rạch. Đó là tình yêu đích thực của Ly Ly ư, hay là thù hận? Ly Ly thù hận ai? Đâu phải là Ba Trí. Ly Ly chỉ muốn gọi là trả thù “người ta” vì ghen tuông bóng gió. “Người ta” ấy là Như Ngọc, cô kĩ sư cứ thân mật với cha con Ba Trí – bé Hoa, như trước đêm trăng cháy nồng nhục thể này cô từng nghĩ ngợi triền miên, khôn nguôi: “... Ly Ly chợt dừng suy nghĩ. Một ý mới nảy ra như tia chớp. Cô đặt tay lên ngực, đè con tim đang đập mạnh... Bình tĩnh coi nè... Ờ, phải rồi... Ước gì mình cũng có một đứa con như thế. Có lẽ cuộc đời mình bớt khổ hơn... Phải rồi, phải làm như vậy. Nếu anh yêu mình như mình đang yêu anh thì đó là một sự trả ơn, đẹp biết bao, êm đềm và hạnh phúc biết bao... Nếu anh không yêu mình thì đó cũng là một sự đáp nghĩa ngọt ngào... Còn người ta? Mình có làm gì hại người ta đâu? Mình “cải tạo” rồi mà... Chẳng muốn chơi ác với ai. Nếu có ai bảo đây là sự trả thù vì ghen tuông thì ít ra cũng là ghen tuông ngọt ngào, trả thù êm ái...! Còn mình? Trong trường hợp nào, mình cũng được, mình chẳng mất chi. Đã rơi xuống tận cùng rồi, còn sợ rơi đâu nữa... Mình sẽ có gan mà sống tiếp. Mình sẽ có tương lai. Phải, nó [đứa con mơ ước – ct.] là tương lai của mình...” (tr. 226). Và sau đêm nồng cháy nhục thể, tràn ngập ánh trăng thơ mộng ấy, Ly Ly vẫn còn ngẩn ngơ suy nghĩ: “Ly Ly bối rối. Cô biết rằng cô đang lâm vào một tình thế chẳng hay ho gì: cô không còn kiểm soát được mình nữa. Tưởng rằng “trả thù” [nguyên văn trong “nháy nháy” – ct.] là cao tay, nhưng sự việc lại thêm phần rắc rối: Cô vướng vào cái mành tơ mà chính cô đã căng ra...” (tr. 304). Theo diễn biến như sự đời vẫn vậy, nên cũng chính do quan hệ lén lút giữa họ, trong thời gian Ba Trí còn trăn trở và chưa chính thức cùng vợ li dị, họ đã bị Mai Sương bắt quả tang khi họ đang ôm chặt lấy nhau, cái ôm sau phút đầu gặp nhau trong khuya, với ý định sẽ cùng nhau nồng ấm nhục thể trong khuya ấy, tại cơ quan nông trường bộ. Đó là khoảnh khắc về khuya mà theo ý định của Ly Ly là cô sẽ cưu mang giọt máu phôi thai của Ba Trí. Nhưng ánh đèn pin soi bắt quả tang từ bàn tay của Mai Sương khiến Ba Trí và Ly Ly chết đứng.
Đó cũng chính là dịp để Lê Quát, chiến sĩ đặc công nước năm nào, thừa cơ đấu tranh đạo đức, tác phong trong nội bộ để giành lấy chiếc ghế giám đốc kiêm hiệu trưởng.
Không ai khác, lại chính Ly Ly trong những ngày đã mãn hạn cải tạo, nhưng vẫn còn ở lại nông trường như một nhân viên được hưởng lương, đã trả thù. Thật ra, “kẻ thù” Lê Quát cũng không phải là người Ly Ly thù oán lắm. Cô không sục sôi thù hận, như những kẻ vốn thù hận rất sâu mà ta thường đọc, xem thấy đâu đó. Cô trả thù vì cơ hội đến như thể ngẫu nhiên, như “định mệnh” buộc cô phải trả thù, khi cô và Lê Quát cùng ở trên một chuyến tàu do chính Lê Quát lái. Và cũng không phải hoàn toàn là trả thù, mà như “định mệnh” thách đố cô “khám phá”, xem thử người chiến sĩ cộng sản, vốn được trui rèn trong lửa chiến tranh và bùn lầy rừng Sác, có quỵ gục bởi tình dục hay không. Lê Quát đã tự đấu tranh, tỏ ra có bản lĩnh. Nhưng rốt cuộc, lúc tàu đã cập bến, đêm hãy còn khuya, chưa thể đánh thức học viên ra dỡ hàng, anh đành nằm lại tàu chờ trời sáng; và chính lúc đó, Lê Quát đã bị Ly Ly quyến rũ để... lột truồng đến mức “tự nhiên và hoang sơ nhất” (tr. 452), rồi lấy hết áo quần, nhanh chân chạy về thông báo cho mọi người ở nông trường, “trường học” xuống bến. Tân giám đốc kiêm tân hiệu trưởng Lê Quát chỉ còn nước ... ở truồng (không một mảnh quần lót), lủi xuống bùn nước để trốn. Mọi người đều biết rõ tình huống. Biết rõ nhất cơ sự thê thảm này là Mai Sương, người chạy về nông trường bộ mang áo quần ra cho Lê Quát. Ly Ly vốn mang cá tính không chịu thua ai, “ăn miếng trả miếng”, một khi cô và Ba Trí bị Mai Sương và Lê Quát “hạ đòn”, thì chính Lê Quát, một trong hai người gần như đang “kết cặp” ấy cũng bị cô “hạ đòn” trả đũa, một đòn trăm mắt đều thấy, đánh vào nhân phẩm đau đến tận xương, như chính nỗi đau cô và Ba Trí đang chịu đựng.
Còn Ba Trí, anh đã rời nông trường - trường học lao động Bình Minh từ trước đó, sau vụ anh và Ly Ly bị Mai Sương bắt quả tang đang ôm nhau. Anh đã về Cần Giờ, làm việc trong một cơ quan thuỷ sản, bởi bị hạ tầng công tác. Lạ thay cho trái tim con người, Ba Trí vẫn còn yêu thật lòng Ly Ly, và cũng thế, Ly Ly vẫn thật lòng yêu Ba Trí, mặc dù Ba Trí tự biết, đó là một tình yêu không lối thoát, mặc dù Ly Ly hiểu rõ, đó là một tình yêu cháy nồng, sâu thẳm nhưng không thể có một kết thúc tốt đẹp. Bẵng đi một độ vì xa cách, thế rồi, họ lại có cơ hội gặp nhau, trong một buổi chiều và một đêm trong dịp tế Cá Ông, một tín ngưỡng dân gian ven biển. Đêm trăng ấy, đêm cuối cùng, họ yêu nhau cháy nồng và đẫm nước mắt trên một túp chòi vọng canh, để rồi, sáng mai ra, cô đi theo một nhóm vượt biên bằng chính phí tổn là “vốn tự có” hay “loại tiền tệ quốc tế”! Nhưng Ly Ly không gặp may, cho dù đã chịu nhục để đổi lấy vận may. Công an đang truy bắt nhóm vượt biên ấy, trong đó có cô. Đến những giây phút căng thẳng nhất, lúc cô đang ngồi lẻ loi bên một bờ sông, cô nghe thấy tiếng gọi và tiếng chân tìm kiếm đầy khổ đau, thương nhớ của Ba Trí. Lúc ấy, nỗi ô nhục bán mình để vượt biên dâng trào, khiến cô lao ra giữa sông, bơi nhanh, bất chấp nguy hiểm, để trốn chạy người vừa là ân nhân, vừa là tình nhân của cô. Sấu Bông xuất hiện, lao đến, bập hai hàm răng sấu vào một chân Ly Ly, cắp lấy cô gái xấu số, dìm xuống lòng sông. Mặt sông sủi máu đỏ...
Khi hay tin, không ai khác, lại chính Lê Quát là người quyết tâm đi tìm Sấu Bông để tiêu diệt và tìm lại chiếc chân đã mất của Ly Ly, cho dù cô thực sự đã chết. Sấu Bông, con cá sấu đã thành tinh, vốn trong thời còn chiến tranh, đã một lần bập hai hàm răng nhọn hoắt vào đùi Lê Quát, nhưng nhờ anh bình tĩnh rút dao đâm ngoáy vào mắt nó, khiến Sấu Bông hoảng hốt nhả anh ra, để lại trên đùi và bắp chân anh những vết thương như vết xẻ dọc. Lần này, phần nào Lê Quát quyết trả thù Sấu Bông vì những vết sẹo dài ấy, nhưng động cơ chính vẫn là để lập chiến công nhằm phục hồi lại danh dự cũng như để khẳng định lòng cao thượng sau lần bị chính Ly Ly quyến rũ, lột truồng làm nhục. Có thể cái tâm Lê Quát tốt. Cũng có thể anh là một người khôn ngoan, bản lĩnh, trong tức thời, nhận ra con người chỉ có thể tự phục hồi nhân phẩm, danh dự bằng chính hành vi cao cả, chứ không phải là “ăn miếng trả miếng” thấp hèn, để oán thù chồng chất oán thù. Và cũng nhờ vào việc lập chiến công tiêu diệt Sấu Bông, Lê Quát mới có thể giữ được cái ghế giám đốc kiêm hiệu trưởng. Lê Quát cùng Sơn Đầu bò ra đi, đến tận nơi Sấu Bông lẩn quất, với súng AK, lựu đạn, một con heo làm mồi nhử. Khi anh cùng Sơn Đầu bò đang phục kích, Sấu Bông đã đánh một đòn vu hồi, tập hậu. Lê Quát trở thành nạn nhân thứ hai. Ly Ly đã bị Sấu Bông nuốt chửng chân trái, Lê Quát lại bị Sấu Bông nuốt chửng chân phải.
Trong một giấc mê sảng của Mai Sương, cô gái đã lưu giữ giọt máu phôi thai của Lê Quát trong bụng mình, bên cạnh quan tài anh, quan tài Ly Ly, chiếc tiểu sành di cốt người cha của Như Ngọc, Mai Sương thấy Lê Quát cùng Ly Ly, hai người với hai chiếc chân còn lại của mình, đang quàng vai nhau, dìu nhau đi tìm lại sự toàn vẹn cho mỗi người. Đó là hình tượng, đúng hơn là biểu tượng, của giấc mê sảng. Trong thực tại, người tìm lại sự toàn vẹn thân thể (mà chủ yếu là tìm cách phục hồi ở mức toàn vẹn nhất về nhân phẩm, cho Ly Ly, Lê Quát?), chính là Ba Trí, hiệp sĩ Đông Ki-sốt chân thành và đáng quý, cùng một cụ già gân guốc, ông Sáu Câu, một hiệp khách cứu khốn phò nguy, “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã” đích thực, rất Nam Bộ, giữa đời thường. Lần này, Sấu Bông phải đền mạng. Trong bụng con cá sấu đã thành tinh này, biểu tượng của cái ác thuộc quy luật xã hội còn đậm chất rừng xanh này, vẫn còn những khúc xương, đốt xương hai chiếc chân, trái và phải, của Ly Ly, Lê Quát.
3.2. Như Ngọc:
Đúng như hình tượng vốn được khắc hoạ dần dần bằng từng chi tiết hành vi, tình huống cụ thể, từng ý nghĩ nội tâm tinh tế và lời thoại sinh động, để ngày mỗi rõ nét, thì Như Ngọc hầu như không có mâu thuẫn kịch tính nào với Ly Ly (ngoại trừ một thoáng Ly Ly ghen tuông bóng gió thường tình). Một trong những kịch tính xuyên suốt là mâu thuẫn giữa một bộ phận cái mới (lãng mạn cách mạng) và một bộ phận cái cũ (sống theo quan niệm hưởng thụ vật chất) mà Như Ngọc và Ly Ly đại diện, thế thôi. Còn nổi rõ giữa họ chỉ có sự khác biệt về tính cách, số phận.
Như Ngọc xuất thân từ một gia đình liệt sĩ cách mạng, thuộc vào loại cư dân Nam Bộ đã nhiều thập kỉ sinh sống tại Sài Gòn. Khi cha cô đang chiến đấu và hi sinh tại rừng Sác, cô vẫn còn là một nữ sinh thầm lặng, theo năm tháng, đỗ tú tài, trở thành sinh viên ở thành phố thủ đô của chế độ cũ. Khoảng sau bốn năm, kể từ ngày thống nhất, cô tốt nghiệp đại học với tấm bằng kĩ sư thuỷ sản. Khác với nhiều người có chung hoàn cảnh, điều kiện, Như Ngọc không tận dụng ưu tiên là con gái của liệt sĩ, có mẹ neo đơn. Như Ngọc xung phong về nông trường - trường học lao động Bình Minh. Lần đầu tiên, rất tình cờ, Ly Ly và Như Ngọc chung một chuyến tàu máy về chốn đó.
Khác với cô gái “bụi”, “mánh mung chợ trời” rồi trở thành học viên của trường cải tạo có tên Ly Ly, Như Ngọc ngay từ ngày đầu đã là một kĩ sư - cán bộ. Như Ngọc chấp nhận những thiếu thốn, khổ cực ban đầu với ước vọng xây dựng Bình Minh thành một nông trường theo phương thức sản xuất lớn kết hợp với kế hoạch cải tạo những phần tử bất hảo của bản quận nội thành. Đồng thời, trong sâu thẳm tâm hồn Như Ngọc, là nỗi ước mong thường xuyên, khôn nguôi thôi thúc cô phải dò la, thăm hỏi, để tìm cho được di cốt của cha cô, liệt sĩ Tám Võ.
Kĩ sư Như Ngọc, được sự ủng hộ của Ba Trí, giám đốc kiêm hiệu trưởng, đã xác định một hướng mở mới cho nông trường và trường học lao động Bình Minh: Nuôi tôm thẻ không chỉ để tự cải thiện, mà là tôm hàng hoá, trao đổi nội địa, tiến đến tôm xuất khẩu, bên cạnh công việc cũ là trồng cói, dệt chiếu. Trong quan hệ công tác, Như Ngọc còn được dịp gặp gỡ Vũ Minh, một phó chủ tịch quận gần đến tuổi trung niên, vốn xuất thân từ một gia đình trí thức Hà Nội. Nếu về Ba Trí, cô cũng cùng nhận định của nhiều người, đó là một cán bộ trưởng thành từ phong trào sinh viên tranh đấu Sài Gòn, thoát li lên rừng chiến đấu, về lại thành phố, nhưng qua những thử thách ác liệt ấy, vẫn còn nguyên vẹn trong Ba Trí niềm lãng mạn cách mạng, quy tất cả vào căn nguyên xã hội, xác tín rằng xã hội là một thực thể (một tồn tại) có thể cải tạo được, với tấm lòng thương người, niềm tin vào lương tri con người, không so kè tính toán, bởi đấy là động cơ chủ yếu để Ba Trí tham gia cách mạng, thì ở Vũ Minh, cô biết, đó lại là một con người khôn ngoan, tự biết kìm chế, cho dù suy nghĩ có “xé rào” chăng nữa, vẫn theo quán tính chịu đựng, chấp hành một cách máy móc, cam đành lẩn quẩn trong những sợi thừng trói buộc vô hình, vì Vũ Minh vốn quen với môi trường Miền Bắc những năm chiến tranh, “bao cấp” nặng nề. Mỗi người một cách, trao đổi với nhau về hành động dám “xé rào” hoặc bằng lời khuyên chỉ nên “bung ra” trong phạm vi “rào giậu”. Và cũng như Ba Trí, Vũ Minh, Như Ngọc dần dần hiểu ra, muốn làm được cái gì có ích cho nông trường, cho thành phố và đất nước, trước hết phải sửa cột đèn tín hiệu đỏ vàng xanh tại Hà Nội (tr. 216-218), ở những ngã ba, ngã tư đường lối, chủ trương lớn:
“...Nhưng nó chỉ có thể thực hiện được ở ... Ấn Độ hay ở In-đô-nê-xi-a... (Anh cười). Khoan, khoan, ông để yên tôi nói hết đã. Cái này, ở ta, chưa phù hợp. Anh Hai Hưng tuy bật dèn xanh về chủ trương, nhưng ảnh chẳng ký duyệt trên văn bản là có lý của ảnh. Tôi là dân Hà Nội, tôi biết. Muốn gì thì muốn, phải chờ đèn xanh bật lên ở Hà Nội, lúc đó anh tha hồ trổ tài...
-- Vậy bây giờ chịu chết à? – Ba Trí sốt ruột, cắt ngang.
-- Sao lại chịu chết! Đèn đỏ lâu quá, xe cộ ùn lại, tắc nghẽn... Nhất định rồi phải tới lúc đèn xanh chứ! Thằng cha nào khôn, ôm cua quẹo qua trước là thoát. Không thì tới lúc đèn xanh, tha hồ chen lấn nhau...[...].
-- Vậy anh khuyên tôi nên làm gì bây giờ?
-- Lẳng lặng mà làm. Đừng la lối nhiều. Mục tiêu là tôm xuất khẩu vẫn giữ, phương án làm lớn sẵn sàng đấy, chờ lúc... Nhưng cái chính bây giờ là phải biết đi những bước nhỏ thích hợp. Ví dụ: Làm cói. Vốn ít, lời nhanh...[...].
-- Tôi hơi khác. Tôi không chờ đến lúc đèn xanh, vì cái máy đèn nó đang hỏng. Và chúng tôi chết tới cổ rồi. Cho nên, tôi phải la lên.
-- Anh la thì giải quyết được cái gì? Thậm chí anh chửi bới, đập phá đi nữa, thì lúc đầu người ta hả dạ, hoan hô anh, nhưng chẳng mấy chốc người ta lại chán ghét anh, vì thấy anh tầm thường, thô lỗ, làm cuộc sống rối thêm. Rốt cuộc la lối, đập phá chẳng đạt được cái gì, có khi còn hại.
-- Nhiều người la thì sẽ giải quyết được.
[...]
-- Cuộc sống cần giải pháp hơn cần la lối. Cuộc sống cần một bản thiết kế thích hợp cho từng giai đoạn và những bàn tay thi công tốt, trước khi tính chuyện đập phá. Nếu chỉ la lối, đập phá thôi, thì sẽ đẩy xã hội vào tình trạng vô chính phủ ngay.
[...]
[...] ... Anh thấy không: cái đèn xanh ở Hà Nội là quan trọng nhất...
Ba Trí lặng yên. Bỗng anh cười, nói:
-- Vậy ta phải sửa cái đèn!
Vũ Minh cười xoà:
-- Đúng như vậy. Trong khi chờ đợi, anh phải tìm bước đi thích hợp để còn sống tới lúc đèn xanh!... Hoặc nếu anh có tài và có gan thì anh dựng nên một mô hình mới! Anh sẽ thành anh hùng đấy!
Ba Trí lắc đầu:
-- Chỗ tôi chưa đủ điều kiện để làm việc đó, xin nhường cho người khác” (tr. 216-218).
Khác với hai người đàn ông vẫn còn trẻ ấy, mặc dù Lê Quát không phải khác thế hệ, người cựu chiến sĩ đặc công nước có quê quán tại Miền Bắc này, không phải là trí thức. Ở Lê Quát, Như Ngọc cũng như mọi người thấy rõ, là ý chí chịu đựng gian khổ, là kỉ luật cứng rắn. Tất nhiên Lê Quát cũng ủng hộ Như Ngọc trong việc thực hiện kế hoạch nuôi tôm.
Sau nhiều tháng, cơ sở sản xuất tôm thẻ đã hình thành. Trong đợt thu hoạch đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm, họ bị vỡ cống khi xả nước đầm để thu hoạch, khiến bị trôi cả lưới lẫn tôm. Mãi đến những tháng năm sau, khi đi tìm di cốt cha, Như Ngọc mới tận mắt chứng kiến cách thiết kế kênh mương trong đầm theo kinh nghiệm dân gian. Đó là những con kênh không thẳng tắp mà dích dắc chữ z. Chính nhờ cái hình dạng “ngoắt ngoéo”, sức nước khi rút ròng mới được hãm lại, giảm tốc. Đơn giản chỉ có thế. Nhưng cho dù đã điều chỉnh lại như thế, dích dắc chữ z, chữ chi, thì vẫn chưa thể vươn lên, tăng năng suất, để cạnh tranh được với các nước trong khu vực và châu Á...
Tuy có tài, có tâm và có cả tấm bằng liệt sĩ của cha ruột, cũng không phải Như Ngọc hoàn toàn thuận lợi, khi ý định đề bạt cô giữ chức vụ quan trọng vẫn còn bị ngáng trở, ganh tị. Có một loại ý kiến là dễ chấp nhận một Mai Sương với trình độ học vấn lớp 11, có anh ruột là “tử sĩ” chế độ cũ, từng xung phong theo phong trào nội thành và xung phong về rừng Sác, hơn là chấp nhận một trí thức vốn có cha ruột là liệt sĩ cách mạng: “Biết vầy, chẳng cần kháng chiến, chẳng cần xung phong, chỉ cần tránh né, ăn học giỏi rồi khi mọi người vất vả làm xong thì nhảy ra hớt...”; trong khi cũng có một loại ý kiến khác, tỏ ra có kinh nghiệm sâu sắc, thấm thía về “chủ nghĩa lí lịch” hơn: “May mà cô Ngọc là con liệt sĩ. Nếu con thường dân hay là con sĩ quan chế độ cũ còn mệt nữa. Có trần thân ra làm cũng chẳng ngóc đầu lên được. Ai muốn đánh lúc nào thì đánh” (tr. 462).
Muốn “bung ra”, muốn được “cởi trói” cho tất thảy mọi người, phải sửa cái cột đèn tín hiệu đỏ xanh vàng ở Hà Nội (tr. 216-218), cái cột đèn như một biểu tượng của cơ chế chỉ huy!
Do đó, mâu thuẫn trong nội tại nông trường - trường học lao động trên bình diện phương thức sản xuất là không đáng kể, mà ở đó chỉ là phản ánh của cái cơ chế mệnh lệnh, quan liêu, bao cấp trói buộc, là bóng đen xen lẫn bóng sáng của những con người như Vũ Minh, tự biết mình là một trở lực nhưng cũng tự thú nhận mình không phải là ông thánh thong dong, thanh thản từ chức, vì hơn ai hết trong các nhân vật, Vũ Minh hiểu rõ thân phận của người không còn chiếc ghế quyền lực dưới bàn toạ của mình: vá xăm, bơm lốp đầu đường, xó chợ.
Cũng có thể nhà văn Trần Thanh Giao chưa thật khắc hoạ rõ nét mâu thuẫn lớn này bằng các sự kiện, sự cố, có thực trong sản xuất. Mâu thuẫn ấy chỉ thường xuyên được thể hiện qua độc thoại nội tâm hay những cuộc đối thoại, nghĩa là qua ngôn từ hơn là qua các hành động, tình huống hiện thực sinh động. Nói cho đúng hơn, sự cố hệ thống kênh thẳng đi đến giải pháp kênh dích dắc chưa phải là phản ánh của mâu thuẫn về phương thức sản xuất, mà hình như chỉ thuần tuý về kiến thức và kĩ thuật chuyên môn. Có điều, cơ hồ từ chỗ hơi mất niềm tin vào lí luận, một thứ lí luận chưa được đo bằng cái thước thực tiễn, thậm chí xem “mọi lí thuyết đều là màu xám”, phải chăng nhà văn cho nhân vật của mình tìm thấy giải pháp ở “cây đời mãi mãi xanh tươi”: “Đi lên hiện đại trên cơ sở kinh nghiệm dân gian, hay khoa học hoá kinh nghiệm dân gian để đi lên hiện đại”, và cho đó là đúng quy luật (tr. 411). Tình huống bộc lộ mâu thuẫn lớn ấy lại diễn ra tại trạm thu mua thuỷ sản với sự bực bội, giận dữ của ông Sáu Câu hiệp khách và đồng bào ngư dân rừng Sác. Đó chính là một “xen” thể hiện mâu thuẫn đã tự phát triển đến cao trào, điểm đỉnh, trước khi giải pháp xuất hiện, những giải pháp có cơ sở kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều thời kì. (2).
Và thật cảm động biết bao... Không ai khác, chính ông Sáu Câu, con người mang một nỗi niềm riêng tư bi kịch, hành tung như hiệp khách “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” ấy (cho dù người được ông cứu giúp có khi chỉ là Ly Ly, một cô gái trốn trại), ông là nhân vật đưa lại cho người đọc niềm cảm động ấy: Chính ông Sáu Câu cũng là một người sống sâu nặng tình nghĩa với chiến sĩ đặc công rừng Sác năm xưa. Hơn mười năm qua, từ sau cái năm 68, ông là người tự tay chôn cất liệt sĩ Tám Võ, cha ruột của Như Ngọc, và thường xuyên hương khói cho nấm mồ trên một trong nhiều gò mộ cổ đất đỏ giữa rừng lầy. Ông Sáu Câu là người đã đưa Như Ngọc cùng Dì Út và hai giọt máu rơi của cha cô, Ngà và Châu, đến với nấm mộ mà trong tâm hồn cô khôn nguôi niềm thôi thúc kiếm tìm.
Chính khi cái tiểu sành đựng hài cốt liệt sĩ Tám Võ được đưa về hội trường của Bình Minh để làm lễ phục tang, cải táng, cũng là lúc diễn ra hai cái chết cách nhau chỉ một ngày, cái chết của Ly Ly và cái chết của Lê Quát. Kết thúc của tiểu thuyết là kết thúc của một vở bi kịch kiểu Shakespeare!
Những trang kết cuối tiểu thuyết được viết như một dự cảm sẽ xảy ra hơn là phản ánh thực tại đã hay đang xảy ra: Như Ngọc trở thành một nhà khoa học, có thể cô sẽ sống đời vợ chồng với Vũ Minh, người sẽ từ chức ở uỷ ban quận để về với nông trường Bình Minh. Không thật rõ, có thể là thế. Đó cũng là cảnh mẹ Lê Quát, cùng hai người đồng nghiệp với con mình ấy, vào TP.HCM., thăm mộ con. Đứa con còn là hạt máu phôi thai trong bụng Mai Sương năm nào nay đã lớn, ra đón bà nội mới vào. Và cũng trong đoạn kết ấy: ba nấm mộ ốp đá granito kề nhau một cách rất bình đẳng đến lạ lùng: Huỳnh Anh Võ (Tám Võ), Lê Quát (Tư Quát) và Nguyễn Thị Hoàng Ly (Ly Ly). Tám Võ, tất nhiên là liệt sĩ thời chiến tranh đã được công nhận. Lê Quát, có thể cũng là liệt sĩ trong lao động xây dựng. Nhưng còn Ly Ly, cô cũng là một liệt sĩ chăng? Không, trên ba tấm bia mộ chí, không có từ “Liệt sĩ” nào cả, mà chỉ có một dòng chua thêm bên dưới những dòng chữ tên họ, năm sinh, năm mất, chức vụ hay phần hành đảm nhiệm, ở duy nhất tấm bia đầu mộ ông Tám Võ: “Hy sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước”. Cũng không thấy tấm bia nào có ghi quê quán cả, vì quê quán của họ là Rừng Sác, hiểu theo cách tu từ học về “khoảng trống không điền vào”(!).
Hình tượng Như Ngọc được xây dựng theo mô hình con người mới xã hội chủ nghĩa trong thời hậu chiến của đất nước, cũng là thời đất nước ta và cả hệ thống các nước anh em đang trở mình, báo hiệu sự chuyển biến dữ dội... Qua tiến trình phát triển tính cách nhân vật trung tâm này, một tiến trình diễn ra trong công tác, giữa các mối quan hệ với đồng nghiệp, những cán bộ lãnh đạo sở tại và quận chủ quản, mâu thuẫn kịch tính dần dần được đẩy đến cao trào, đòi hỏi phải có giải pháp...
Bi kịch kiểu Shakespeare báo hiệu và kêu đòi thoát khỏi “đêm trường trung cổ” ở Châu Âu. Còn ở tiểu thuyết của nhà văn Trần Thanh Giao, thể hiện sự bế tắc của hiện thực về giải pháp hậu chiến, trước con cá sấu thành tinh tên là Sấu Bông, biểu tượng của quy luật rừng xanh trong quan hệ giữa người với người và ngay trong phần đen tối của tâm địa con người... Và còn cái cột đèn tín hiệu giao thông ở ngã ba, ngã tư đường lối, chủ trương lớn tại Hà Nội nữa...
Thật ra, giải pháp giải quyết mâu thuẫn lớn trong tiểu thuyết “Một thời dang dở” vẫn là những gì còn rất dang dở, nửa chừng, như các bản nháp chưa thành về những kế hoạch, đường lối, chủ trương lớn, còn bị gạch xoá lung tung, hay như những câu nói đùa dở chừng, rất mất tự chủ, thiếu tinh thần độc lập, tự do... Tất thảy đều còn nguy cơ, chưa định hình, hoàn tất để thực thi. Hoá ra, “Một thời dang dở” không phải là chuyện tình đôi lứa dang dở! Chuyện tình của hai đôi lứa Ba Trí – Ly Ly, Lê Quát – Mai Sương là mãi mãi, vĩnh viễn dang dở, chứ đâu phải chỉ “một thời” rồi cuối cùng lại đoàn viên! Mà cho dù duy nhất quan hệ giữa Vũ Minh và Như Ngọc còn dang dở chăng đi nữa, thì cụm từ “Một thời dang dở” kia cũng không nhằm nói đến (vì hình như có lúc Vũ Minh không nói nhưng vẫn hé lộ ra thứ tình yêu đương thực dụng theo quán tính của cơ chế đương thời là thuận theo “chủ nghĩa lí lịch”, vì anh cũng từng bị bầm dập do xuất thân từ gia đình trí thức?).
Nhìn chung, “Một thời dang dở” là tiểu thuyết khá lôi cuốn, cầm sách rồi là khó lòng cất lại vào giá sách, nhưng nó thường khiến ta phải ngừng lại, cầm sách trong tay để ngẫm nghĩ chứ không phải để đọc, rồi lại đọc và lại ngẫm nghĩ, cho đến khi đọc hết cuốn sách. Đọc hết sách rồi, vẫn còn nghĩ ngợi! Thật vậy, bởi “Một thời dang dở” gợi nhiều suy nghĩ về những vấn đề từng khiến chúng ta thao thức, trăn trở nhất của mười năm đầu hậu chiến và trong hơn hai thập kỉ vừa qua. Nói chung, một tác phẩm chứa đựng trong nó những vấn đề trung tâm, máu thịt của thời đại, ít ra là của vài ba thế hệ cùng đang sống, là một tác phẩm thuộc loại tầm cỡ. Thú thật, cho đến nay, tôi mới đọc được một tiểu thuyết đầy ắp chất liệu sống thực đến thế. Cái hay, cái sâu của những tác phẩm của các tác giả khác viết về thời đoạn ấy không phải là cái hay, cái sâu này, nhưng tôi tin rằng cái hay, cái sâu này mới lay động người đọc sâu sắc, lâu bền.
 
4. THÊM VÀI DÒNG VỀ CUỘC HỎI CHUYỆN NHÀ VĂN TRẦN THANH GIAO
 
Tuy chưa có ý định viết về toàn bộ sự nghiệp trước tác của ông, nhưng tôi không muốn rơi vào trường hợp “thấy cây, không thấy rừng”, khi chỉ đọc mỗi một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trần Thanh Giao, lại cả gan cầm bút, gõ phím viết bài. Tôi nghĩ rằng qua những thập kỉ viết lách, có thể ông đã có những bước chuyển đổi phương pháp sáng tác, quan niệm thẩm mĩ và chọn lựa nhân vật trung tâm, chí ít cũng là ở những nét nào đó... Vì thế, trước khi bắt tay thực hiện dự định sẽ viết một cái gì đó về nhà văn, tôi đã hỏi ông điều đó, và ông tâm đắc nhất là tác phẩm nào, tại sao như thế.
“Một thời dang dở”, tôi đọc và viết về tiểu thuyết này, bởi theo lời tự đánh giá không phân vân của nhà văn, đây là tác phẩm tâm đắc nhất của ông, sau hai mươi mốt năm ông xuất bản nó. Khi đọc nó, quả thật, những dấu hỏi ngạc nhiên được ném ra trên rất nhiều chương, đoạn với duy nhất một câu hỏi, như tôi đã viết: Không hiểu tại sao cho đến những ngày giữa tháng 3 năm HB9 này, cách thời đoạn trước và sau “Đổi mới”, “Cởi trói” (1986) đến hơn hai mươi năm, tôi mới biết đến cuốn tiểu thuyết, theo tôi, có lẽ thuộc vào một trong mươi cuốn hay nhất viết về thời đoạn ấy?
Nhà văn Trần Thanh Giao cho biết, ông đã mất cả mười năm (1975-1985) với nhiều chuyến về rừng Sác ghi chép tài liệu sống, cũng từng viết một số bài kí về nông trường - trường học lao động mà trong tiểu thuyết ông đặt tên là Bình Minh. Ông viết “Một thời dang dở” suốt hai năm dài (1985-1987), ngay thời điểm “Đổi mới” và “Cởi trói” diễn ra. Ông nói, nhờ không khí chung lúc đó, nhưng cái chính là bởi những tài liệu sống ông thu thập được, cộng với sự thôi thúc bên trong tâm hồn, tận đáy lương tâm của ông, ông mới có thể khắc hoạ được những nhân vật “đời” hơn, “thật” hơn, không còn theo mô thức lí thuyết tư biện về hình tượng con người mới, cuộc sống mới khô cứng. Cũng từ những điều kiện đó, ông mới có thể viết những trang đầy ắp suy tư, những mẩu đối thoại “đột phá khẩu”, “xé rào”, như con tằm phải tự xé kén để bay ra thành bướm, chim đại bàng phải tự mổ trứng mà ra -- những dòng chữ trước đó, không cách nào dám viết, cũng không thể không vào nhà đá ngồi tù khi viết ra trên bản thảo. Ông cũng tâm sự, tuy thế, dẫu sao, tạng chất ông vẫn nghiêng về cái đẹp, cái lành, không thể lạnh lùng, tàn nhẫn hay thô bỉ, dung tục, và tuy có đau đớn, dằn vặt nhưng không thể chửi rủa, hằn học, chua cay, như nhiều cây bút nổi tiếng khác thuở đó (phần lớn là viết về con người, bối cảnh Miền Bắc). Ông vẫn muốn giữ mãi bút pháp đậm nét trữ tình, lãng mạn. Ông kể, chính một nhà văn ở Hà Nội có tên tuổi đã viết đôi dòng về “Một thời dang dở”, vì có lẽ không dám viết nhiều. Đại để là, qua đó, thấy được cái tâm của một nhà văn ở TP.HCM.: kiếm tìm một cách tích cực các giải pháp hơn là đập phá một cách tiêu cực.
Nhưng hỏi chuyện ông đôi điều thì hỏi, ghi chép dăm ba ý kiến của ông thì ghi chép, cũng chỉ để tham khảo, tránh “thấy cây, không thấy rừng”. Cái chính là tôi phải viết theo sự khám phá của riêng tôi, như một kẻ vào một khu rừng, tìm ngắm thật kĩ lưỡng một loài cây quý báu nhất trong khu rừng ấy, theo mắt nhìn riêng của chính mình. Và tôi đã viết hoàn toàn theo cảm thụ, nhận định của riêng tôi. Có điều, tôi không thể tuỳ tiện, chủ quan, không thể xem tác phẩm của các nhà văn chương chỉ là cái cớ để suy diễn tuỳ hứng, là cái mấu cho đôi chân chim trí tưởng khẽ nhún lấy đà rồi tha hồ bay lượn, thậm chí còn ẩu tả hơn cả những cánh diều giấy, vì diều giấy còn nối với mặt-đất-văn-bản-nghệ-thuật bằng sợi cước. Tôi phải tôn trọng ý nghĩa khách quan của văn bản tác phẩm. Vả lại, tôi cũng ý thức được có nhiều tác phẩm mà ý nghĩa khách của văn bản nghệ thuật lại sai biệt ít nhiều với ý đồ tư tưởng, nghệ thuật của chính tác giả, thậm chí có nhiều nhận định của công chúng về một vài tình tiết, nhân vật nào đó mà chính tác giả cũng hoàn toàn không ngờ. Và dẫu ở trường hợp nào, cũng phải tôn trọng ý nghĩa khách quan của tác phẩm, lấy văn bản tác phẩm làm căn cứ.
Có thể xoáy sâu thêm một chút: Nhà văn Trần Thanh Giao có nói về một tình huống “trước đó trong sách xuất bản ở nước ta chưa hề có”. Ông chỉ nói phớt qua thế thôi. Tôi đọc và suy nghĩ, rồi không thể không quyết đoán, chính đó là cao trào, đỉnh điểm của mâu thuẫn kịch tính trong tiểu thuyết, cho dù trong tình huống đó, không phải nhân vật chính, mà một nhân vật phụ, các nhân vật quần chúng biểu lộ sự bức xúc đến tột độ: ông Sáu Câu và đông đảo đồng bào ngư dân rừng Sác trước trạm thu mua thuỷ sản. Tình huống cao trào, đỉnh điểm ấy thể hiện qua một số trang trong chương “Làng rừng” (thuộc phần thứ hai của tiểu thuyết) và chương “Sáu Câu” (thuộc phần thứ ba) (tr. 265-270 & tr. 481-484), hai chương nhấn đậm tư tưởng, thái độ bức xúc nhưng có suy nghĩ, có trải nghiệm suốt mười năm dài của quần chúng nhân dân và thủ lĩnh tự phát của họ.
Tôi có cảm giác là chính trong mười năm hậu chiến ở nước ta, mâu thuẫn xã hội – kinh tế bị nung nấu để bột phát trong tình hình chung của các nước xã hội chủ nghĩa. Hậu chiến, có nghĩa là không còn tiếng súng đạn giữa hai Miền Nam – Bắc đất nước, giữa hai khối trên thế giới, nhưng cuộc sống tự nó vẫn kéo dài cuộc chiến tranh ấy trong tình trạng không tiếng súng: xung đột về phương thức sản xuất, quản lí xã hội... Nhà văn cũng đã viết những trang đoạn về tác động từ các nước thù địch vào nước ta trong những năm tháng ấy. Tuy thế, vẫn chưa có câu chữ nào đích xác thể hiện thật rõ khía cạnh chiến tranh ý thức hệ về phương diện phương thức sản xuất. Dẫu sao, hình như trong tiểu thuyết “Một thời dang dở”, hoàn toàn không chủ ý, nhưng vô hình trung, mặc nhiên, thực trạng đó vẫn được đọc thấy, như thể đó là sự cưỡng bức vô thức của hiện thực đối với ngọn bút của nhà văn (nhiều nhà văn, thi sĩ bị án oan giấy mực là vì thế!). Tuy vậy, xin được nhấn đậm một câu tôi đã viết: Mâu thuẫn kịch tính bao trùm, xuyên suốt trong tiểu thuyết là giữa phương thức sản xuất mới, xã hội chủ nghĩa với quy luật khách quan về kinh tế và “cái đuôi kinh tế” của con người muôn thuở, cho dù có tiến hoá, phát triển từ man rợ đến văn minh... Quy luật khách quan nội tại nước ta điều khiển, chi phối con người trong xung đột này là tác nhân chủ yếu. Nói cho cùng, đó là cuộc chiến tranh không tiếng súng giữa ta và quy luật khách quan.
Theo tôi, đó chính là mâu thuẫn kịch tính chủ đạo của “Một thời dang dở”.
Và cũng không thể không nói thêm một chút về bút pháp trữ tình, lãng mạn, thiên về cái đẹp của nhà văn Trần Thanh Giao, trong những trang viết không phải chỉ thuần tuý về thiên nhiên, tình người như ở truyện ngắn, tiểu thuyết trước đó và những truyện ngắn gần đây. Trong tiểu thuyết “Một thời dang dở”, ông có khai thác những cảnh ân ái cháy nồng, đắm đuối hay cảnh quyến rũ nhục thể... để lột truồng, trả đũa. Có lẽ đây là những đoạn mà ngày xưa ông lên án và sau này ông cũng nhận thấy là không nên sa đà đến thế. Mỗi cảnh đó, cho dù rất cần thiết phải có trong lô-gic phát triển của tiểu thuyết, vẫn cần tránh sa đà, nhất là trong những câu chữ khá “khêu gợi”. Phải chăng cần thay một vài câu chữ để thể hiện thái độ gián cách của tác giả, hay cần tỉa bớt một đoạn, vài dòng, cũng là quá đủ? Ngay trong tiểu thuyết này, nhà văn cũng đã ý thức rất sâu sắc “nguyên nhân sâu xa gây nên tội lỗi đó: lối sống chạy theo dục vọng bản năng mà xã hội tư bản đang lao tới, cuốn theo trong lòng nó mọi số phận con người” (tr. 205-206)! Đâu phải dục vọng chỉ là ham muốn tiện nghi vật chất, tội lỗi chỉ là bạo lực độc ác, mà dục vọng còn là tính dục. Chính nhà văn cũng đã viết ở một vài chương đoạn, mà qua đó, có thể thấy tác nhân làm băng hoại xã hội chính là sách báo, phim ảnh khiêu dâm và các luồng triết học có khuynh hướng khoái lạc chủ nghĩa hay bị biến tướng, vô hình trung đẩy một bộ phận không nhỏ tuổi trẻ (kể cả tuổi trẻ Phương Tây và Mỹ) đến chỗ lấy sự phóng đãng tính dục làm cứu cánh.
 
 

VÀI ĐOẠN NGOÀI BÀI (VĨ THANH)
VIẾT THÊM BÊN NGOÀI  BÀI “TIỂU THUYẾT TÂM ĐẮC NHẤT CỦA NHÀ VĂN TRẦN THANH GIAO”

Tiểu thuyết “Một thời dang dở” vẫn còn để lại trong lòng người đọc nhiều điều cần phải ngẫm nghĩ nhiều hơn, nhất là đối với những ai có bổn phận suy nghĩ để hướng dẫn cho lớp trẻ.
--- Cuộc xung đột (chiến tranh không tiếng súng) giữa hai phương thức sản xuất lớn, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa (giữa công hữu và tư hữu) dẫn đến một giải pháp trung dung như chúng ta đã thấy: kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Nhưng nó sẽ còn diễn biến như thế nào? Dẫu sao, nói cho cùng, đó là cuộc chiến tranh không tiếng súng giữa ta và quy luật khách quan. “Một thời dang dở” vẫn chưa hé mở rõ rệt và thật thuyết phục ở trang cuối, nó chỉ gợi cho người đọc suy ngẫm tiếp. Trong địa hạt văn chương, nhà văn Trần Thanh Giao cũng như hầu hết các nhà văn khác không làm công việc đó một cách thật rành mạch, rốt ráo.
--- Liệu chủ nghĩa nhân đạo mang nét riêng của Ba Trí có thật tỉnh táo, sáng suốt không? Ba Trí cho dù không làm thơ, nhưng tôi nghĩ anh sống, chiến đấu và lao động, đặc biệt là yêu đương với quan niệm sống của anh như vậy là hơn cả những thi sĩ lãng mạn nhất trong phong trào văn học lãng mạn thế kỉ XIX ở Phương Tây cũng như trong khoảng hơn một thập niên thuộc nửa đầu thế kỉ XX ở nước ta và hai mươi năm chia cắt tại Miền Nam đất nước (1954-1975)... Trong “Một thời dang dở”, có khi Ba Trí được bông đùa với lòng yêu mến, gọi là Đông Ki-sốt (Don Quichotte), hiệp sĩ hoang tưởng! Ba Trí quá giàu lòng thương người, tin vào lương tri của con người, cho dù đối với hạng người thuộc loại tội phạm có “tiền sự” (và có án chưa xét xử); đồng thời anh cũng quá tự tin, tin vào sức mạnh, khả năng của cách mạng cũng như của chính anh đến mức hầu như anh cho rằng thực trạng xã hội là có thể cải tạo được trong một thời gian không dài, cải tạo được xã hội là đồng thời cải tạo được con người, trong một tiến trình biện chứng (tác động qua lại); còn người đã chết rồi, cho dù là mẹ ruột của mình, cũng không thể cứu được, mà hãy cứu lấy người còn sống, cho dù đó là kẻ đồng loã vô tình trong việc giết hại mẹ anh! Hình như anh không thương mẹ lắm, hay đúng hơn là anh rất thương mẹ, nhưng anh có hiếu với nhân dân, với con người nhiều hơn? Có phải tạng chất riêng của Ba Trí là không biết căm thù, không định kiến, sống theo quan niệm “lấy ơn báo oán, oán được giải; lấy oán báo oán, oán trập trùng”? Tận trong sâu thẳm tâm hồn anh, có phải Ba Trí suy nghĩ và quan niệm như thế? Có lẽ anh quá tốt và quá ảo tưởng. Phải chăng Ba Trí có thể không hiểu điều này: Bản chất của mỗi con người, chứ không phải là nguồn gốc xuất thân hay các quan hệ gia đình, xã hội, là cái quan trọng, cốt tử nhất. Bản chất của Ly Ly, nếu nghiên cứu kĩ lí lịch bản thân cô ta (không phải nghiên cứu một cách “quan liêu”, “bàn giấy chủ nghĩa”), sẽ thấy khởi đầu ở Ly Ly là động cơ ham muốn đua đòi về tiện nghi vật chất, rồi theo lô-gic phát triển tất yếu là mánh mung, áp phe, lại có thêm căn nguyên “ăn miếng trả miếng”, rất thủ đoạn trong việc đánh gục nhân cách của Lê Quát, dám đánh đổi tiết hạnh để vượt biên, mặc dù Ly Ly có nghịch cảnh đáng thương, và vẫn có những ngày tháng hướng thiện, những trăn trở nội tâm chân thành, những hành xử đáng thương yêu, trân trọng. Mặt tối của bản chất Ly Ly rất đáng sợ (các hiện tượng đen tối cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, thì rõ là bản chất Ly Ly không thể thuộc loại trong sáng được). Còn Mai Sương? Mai Sương có lí lịch gia đình, về nguồn gốc xuất thân, về mặt chính trị, không được như Ly Ly. Nhưng Mai Sương không mang một bản chất đáng sợ. Duy có một điều, có lẽ khiến những ai không thích chủ nghĩa tập thể, cộng đồng hương ước, sẽ phê phán, đó là vụ soi đèn pin... Nhưng vụ soi đèn pin bắt quả tang quan hệ nam nữ bất chính ấy, trong cộng đồng hương ước xưa nay, trong điều kiện sống tập thể ở thời buổi ấy, lại được xem là đáng khuyến khích, để bảo vệ thuần phong mĩ tục. Và tại sao chuyện tình hai đôi lứa Ba Trí – Ly Ly, Lê Quát – Mai Sương lại có kết cục bi thảm đến thế? Sấu Bông ở trường hợp của họ là biểu tượng của sự trừng phạt thuộc cơ chế tổ chức chính quyền, đoàn thể, lề luật bất thành văn của cuộc đời xưa nay chăng? Đó là Mỵ Châu – Trọng Thuỷ, Romeo – Juliet, Othello – Desdemona... -- những bi kịch tình yêu muôn đời làm cảm động lòng người, nhưng vô vọng, tuyệt vọng, và cái chết bi kịch là cách giải quyết muôn thuở? Thật ra cũng không phải đến nỗi như vậy, nếu hạnh phúc gia đình riêng tư của họ không cần dựa vào chức vụ chính trị, như Tiên Dung – Chử Đồng Tử làm dân, lên tiên chẳng hạn. Phải chăng câu trả lời thực tế về hạnh phúc gia đình đôi lứa chính là đám cưới giản dị, mái nhà đơn sơ, đầm ấm của Hai Ngà và Sơn Đầu bò, vì họ thật xứng đôi vừa lứa, “nồi nào úp vung nấy”?
--- Nguyên nhân nào khiến nẩy sinh một loại ý kiến thể hiện sự lo ngại đối với trí thức đến thế? Trong “Một thời dang dở”, người đọc nhận ra có thêm một vấn đề còn neo một dấu hỏi thật lớn: Phải chăng phần nào đó, hình như ý muốn một số quần chúng, một số cán bộ tổ chức là có thể dùng những người có trình độ học vấn thấp mặc dù lí lịch chính trị gia đình không đỏ, chứ không muốn dùng người trí thức học vấn cao có lí lịch gia đình đỏ và sinh trưởng tại Miền Nam, còn trí thức mà lí lịch gia đình vàng lại càng đáng sợ đối với họ? Dẫu sao, cũng không nên để tuổi trẻ, bất kì có thân thế, gia cảnh nào, phải bị chặn đứng con đường học tập, trau giồi tri thức, kể cả tri thức khoa học xã hội và nhân văn, nhất là trong thời kì mở cửa, có nhiều thành phần kinh tế song hành, “chính quyền không cầm tay kinh tế lôi đi” (?) (tr. 561), lại là thời kì kinh tế tri thức ngày nay. Sấu Bông, biểu tượng của cái ác thuộc quy luật xã hội, quy luật cạnh tranh sinh tồn giữa người với người, của mặt tối trong tâm địa con người, nó đã chết, trong tiểu thuyết của nhà văn Trần Thanh Giao. Liệu vẫn còn những Sấu Bông khác? Với ý nghĩa biểu tượng đó (chứ không phải loài sấu bông có thật), hình tượng Sấu Bông và những hình tượng cùng giống loài kế tục nó đâu phải là con người, đâu phải là loài người (mà chỉ là mặt tối của con người, loài người) nên chúng (cái ác) phải tuyệt chủng để con người của loài người gồm mọi thành phần được sống. Đó không phải là ảo tưởng, vì trong lịch sử nước ta thôi, đã có những triều đại trọng dụng cả cựu thù và con cháu họ, tạo điều kiện cho họ phục vụ đất nước, nhưng quan trọng nhất là không ngăn cấm con cháu họ học tập, thi cử và đỗ đạt, mặc dù đỗ đạt vẫn không thiết làm quan, để chỉ mở trường dạy học, làm hương sư, trí thức nhân dân, như triều Nguyễn đối với Đàng Ngoài chẳng hạn.
Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trần Thanh Giao còn gợi trong công chúng nhiều suy ngẫm khác nữa. Những suy nghĩ “vĩ thanh” ấy phải chăng là thoát li hình tượng tác phẩm? Phải chăng chúng là một biểu hiện của loại phê bình văn học theo khuynh hướng xã hội – chính trị hoá thô bạo? Phải chăng bên cạnh số phận con người, tình yêu đương, chiến tranh, hậu chiến, thì những vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, triết học là là những gì sát sườn nhất, đau đáu nhất trong tiểu thuyết “Một thời dang dở”? “Một thời dang dở” đâu phải là loại tiểu thuyết “tình cảm – tâm lí – xã hội” nông xoèn, sáo mòn! Tất cả những vấn đề to lớn mà cụ thể, thiết thân ấy đều được lặn chìm, ấn chứa trong hình tượng nghệ thuật sinh động.
TXA.
Viết thêm trong nửa buổi sáng ngày 19-3 HB9 (2009)

________________________________
Bổ sung ngày 21-3 HB9 cho phần chính văn bên trên:
(1) Thông thường, theo phong tục ngày trước, vào những ngày Tết, ngày lễ có ý nghĩa vui tươi, trang trọng của cả nước (quốc khánh), của làng thôn (tế đình) hay của gia đình (đám cưới), nhân dân ta mới đốt pháo. Trong lúc đốt pháo, thế nào cũng sót lại vài viên chưa kịp bén lửa để nổ. Do đó, lũ trẻ con hay tranh nhau nhặt những viên pháo chưa nổ ấy để đốt lại một cách thích thú. Câu đề từ ở điểm mạng tranthanhgiao . com ghi trên mang một ý nghĩa: Trong những năm tháng vui tươi, hạnh phúc của đất nước ở tương lai, các thế hệ trẻ hãy nhớ lấy nỗi đau của một bi kịch, đó là bi kịch của khát vọng vui tươi, hạnh phúc, khát vọng muốn làm con người hướng thiện trong hoàn cảnh trói buộc của quá khứ, và hãy phân tích cho tận cùng nhưng góc khuất còn sót lại của những nỗi đau xưa cũ ấy, nỗi đau bi kịch mà trong điều kiện hạn chế do thời đại của ông, nhà văn chưa thể lí giải hết. Đó là điều đau đáu khôn khuây mà nhà văn Trần Thanh Giao muốn gửi gắm cho thế hệ trẻ.

(2) Theo nguyên tắc xây dựng cốt truyện cổ điển, cao trào của mâu thuẫn kịch tính phải “bùng nổ” giữa các tuyến nhân vật điển hình và ngay tại hoàn cảnh điển hình trong bối cảnh chung của tiểu thuyết. Trong “Một thời dang dở”, nếu máy móc vận dụng nguyên tắc ấy, sự “bùng nổ” đó phải diễn ra giữa Ba Trí, Lê Quát, Mai Sương, Như Ngọc… với Ly Ly, Hai Ngà, Sơn Đầu bò… Nhưng thật ra, không phải tất tất đều cứ phải rập khuôn máy móc như vậy. Theo văn bản tiếu thuyết “Một thời dang dở”, ta thấy mâu thuẫn kịch tính chủ yếu trong “Một thời dang dở” không phải giữa hai tuyến nhân vật đó, ngay tại nông trường – trường lao động “Bình Minh” đó, mà giữa một bên là khát vọng xây dựng nông trường – trường lao động có hiệu quả cải tạo “phạm nhân”, lại có năng suất cao, sản xuất đúng hướng (nuôi tôm thay vì chỉ trồng cói dệt chiếu) và trong lĩnh vực lưu thông phân phối không bị thói cửa quyền, cung cách hành chính hóa trong kinh tế làm trì trệ, ách tắc, coi rẻ người lao động (tại trạm thu mua thủy sản, và phản ứng nhân vật Sáu Câu là điển hình), với một bên khác là cơ chế kinh tế kế hoạch hóa quan liêu, bao cấp. Nói gọn hơn, khái quát hơn, đó là mâu thuẫn kịch tính giữa một bên là khát vọng Đổi mới, Cởi trói của cán bộ, học viên Bình Minh và nhân dân vùng rừng Sác với một bên khác là cơ chế Bảo thủ, Trói buộc chung, biểu hiện cụ thể ở trạm thu mua thủy sản Cần Giờ; còn về hoàn cảnh điển hình, không chỉ là nông trường – trường lao động Bình Minh mà cả huyện Cần Giờ (rừng Sác), thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh chung của cả nước. Do đó, mâu thuẫn kịch tính phát triển đến cao trào ở đỉnh điểm của nó phải bùng nổ ngay tại trạm thu mua thủy sản giữa một bên là nhân vật Sáu Câu, đám đông ngư dân rừng Sác (và gồm cả nông trường Bình Minh) với một bên khác là những nhân viên thu mua, cán bộ Chín Cường (giám đốc Công ty Thủy hải sản). Chỉ trong quan hệ giữa quần chúng ngư dân và cơ quan nhà nước như thế, sự “bùng nổ” mới có ý nghĩa khái quát cao và chân thật (sát đúng với hiện thực) hơn. Cũng có thể nói, sự “bùng nổ” đã được chuyển dịch vị trí để mang ý nghĩa điển hình rộng hơn, chân thật, sâu sắc hơn. Đây là một cách xử lí khéo léo của nhà văn Trần Thanh Giao.
TXA.