Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIẾP CẬN VĂN HOÁ

Đỗ Ngọc Yên
Thứ bẩy ngày 21 tháng 3 năm 2009 6:51 PM
 
Nếu quan niệm rằng văn hoá là những gì do con người tạo ra nhằm thoả mãn các nhu cầu tinh thần của chính nó và vĩnh viễn thuộc về con người, thì đích thị nó là đối tượng chung của nhiều ngành khoa học khác nhau. Tuy nhiên mỗi chuyên ngành khoa học lại luôn cố gắng tìm ra cho mình một cách tiếp cận riêng. Tựu chung, cho đến nay có một số cách tiếp cận văn hoá phổ biến từ các chuyên ngành khoa học khác nhau như: Văn hoá học, Khảo cổ học, Dân tộc học, Văn học, Nghệ thuật học, Triết học, Ngôn ngữ học, Xã hội học,... Theo chúng tôi, có thể phân chia các cách tiếp cận đó của các chuyên ngành khoa học nói trên thành một số loại chính sau:
Thứ nhất, cách tiếp cận văn hoá theo hướng qui nạp. Từ việc miêu tả các hiện tượng và hoạt động văn hoá rời rạc, người ta phân loại chúng theo một số tiêu chí nhất định để rồi đi đến qui văn hoá thành một số hình thức biểu hiện cụ thể, hữu hạn nào đó. Cách tiếp cận này có giá trị khi khoa học văn hoá và các khoa học kế cận như: dân tộc chí, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, văn học, nghệ thuật học, triết học, xã hội học,... đang ở thời buổi sơ khai, chưa có nhiều thành tựu, nên văn hoá học ít nhiều bị ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí bị phụ thuộc vào các khoa học đó.
Chẳng hạn một hiện tượng xã hội, một vật thể hiện hữu của người Mường là chiếc cạp váy, nhà dân tộc học Giáo sư Từ Chi đã chọn đúng phương pháp tiếp cận nên đã đưa ra những kết luận có giá trị khoa học được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thừa nhận. Nhưng đối với nhà văn hoá học khi xem xét cạp váy Mường lại cần phải chỉ ra cho được cái này là cái văn hóa, còn cái kia không phải là cái văn hoá và không thuộc đối tượng nghiên cứu của văn hoá học, thì mới thật sự có ý nghĩa về mặt khoa học.
Thứ hai, tiếp cận văn hoá bằng cách chia văn hoá thành văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Đây là cách tiếp cận thiên về phương pháp chung của triết học duy lý phương Tây, từ thế kỷ Ánh sáng, được tính từ cuộc cách mạng tư sản ở các nước phương Tây như Anh, Pháp. Dưới ánh sáng của triết học duy lý, khi ấy người ta chia thế giới thành hai phạm trù: vật chất và tinh thần. Trong khi đó nhiều hiện tượng văn hoá về mặt nguyên uỷ của nó khó có thể phân biệt được đâu là vật chất, đâu là tinh thần. Chẳng hạn như tiếng hú của người nguyên thuỷ khi đi săn muông thú, việc một bầy khỉ cưu mang và nuôi sống một em bé bị bỏ rơi,... thì khó ai có thể dám chắc rằng đó là văn hoá vật chất hay văn hoá tinh thần. Sự phân chia như cách thứ hai này nhiều khi rất khó đối với việc cắt nghĩa, lý giải một số hiện tượng văn hoá.
Thứ ba, cách tiếp cận theo hướng phân chia văn hoá thành văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể. Đây là cách tiếp cận rất phổ biến hiện nay, trên các sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Cách tiếp cận này tránh được sự mô tả thiên về các dạng thức biểu hiện của văn hoá; đồng thời không dẫm chân lên mảnh đất riêng của triết học. Mặt khác nó nhìn văn hoá dưới góc độ của cái định hình có thể cân, đo, đong,  đếm, ước lượng... được (vật thể) và cái không định hình dưới dạng vật lý học (phi vật thể). Nhưng phương pháp này chưa đem đến cho người ta một khả năng tiến sâu vào bản chất và cấu trúc của văn hoá. Chẳng hạn, tục cúng cơm mới của cư dân nông nghiệp ở nước ta và một số nước Đông Nam Á ; tục hú vía (trao vía hay giải vía) cho đứa trẻ hay khóc đêm (khóc dạ đề) ở một số vùng nông thôn nước ta là không hề xuất phát từ một cơ sở văn hoá vật thể nào, nên hai hiện tượng trên khó có thể quan niệm được rằng tục lệ này thuộc về văn hoá phi vật thể. Đây là dạng thức văn hoá tâm linh, tức là đức tin ngây thơ của người nguyên thuỷ vào một vị thần linh hay một đấng siêu nhiên nào đó có thể can thiệp vào đời sống của con người và cứu giúp họ thoát khỏi rủi ro, hoạn nạn.
Thứ tư, cách tiếp cận theo hướng phân chia văn hoá thành các bộ phận cấu thành bản thân văn hoá. Đại biểu của cách tiếp cận này là Jean Ladrier, nhà xã hội học văn hoá, người Pháp. Ông cho rằng có bốn bộ phận chính cấu thành văn hoá:
-   Hệ thống ý niệm: bao gồm các biểu tượng, khái niệm, quan điểm,... giúp cho con nguời tự lý giải sự tồn tại của chính mình và của thế giới thông qua triết học, khoa học, tôn giáo, tín ngưỡng,...
-  Hệ thống biểu hiện: bao gồm các công trình văn học, nghệ thuật, lễ hội diễn xướng dân gian,... giúp con người nhận thức thế giới bằng cảm nhận trực giác.
-   Hệ thông chuẩn mực: bao gồm các giá trị cho phép đánh giá đúng, sai trong các tình huống, hành động cụ thể và các qui tắc giúp con người tổ chức hành động
-   Hệ thống hành động: bao gồm các thao tác trung gian như: công cụ, phương tiện thô sơ và kỹ thuật tiên tiến giúp con người tự tổ chức và quản lý số phận của mình.
Việc chỉ ra được một cấu trúc văn hoá như vậy là một đóng góp, là một bước tiến đáng kể đưa khoa học văn hoá ngày càng tiến tới khả năng tiếp cận chân lý. Nhưng điều đáng nói ở đây là Ladrier đã coi bốn bộ phận trên có vai trò như nhau trong cấu trúc chỉnh thể văn hoá. Trong khí đó thiết nghĩ văn hoá học nhất thiết phải coi giá trị nhân văn như là hạt nhân cơ bản và là mục tiêu thiết yếu trong quá trình nghiên cứu của mình. Mặt khác, trong bảng phân chia của Ladrier hoàn toàn vắng bóng cái vô thức, một bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc chỉnh thể văn hóa. Chắng hạn như yếu tố vô thức trong giấc mơ, mặc khải, trong các phát minh khoa học và nghệ thuật, yếu tố vô thức trong các vât tổ và cấm kỵ...
Theo chúng tôi nên tiếp cận theo hướng xem xét các giá trị của văn hoá và các biểu tượng chuyển tải các giá trị đó. Có như vậy chúng ta mới lý giải được nhiều hiện tượng văn hoá, mà đến nay nhiều người vẫn còn cho là thần bí duy tâm hay mê tín dị đoan. Mặt khác, cách tiếp cận này còn mở ra cơ hội cho phép chúng ta bảo tồn được các di sản văn hoá có giá trị của các thế hệ đi trước để lại. Có điều kiện chúng tôi sẽ trở lại vấn đề Giá trị văn hoá và Biểu tượng văn hoá./.