Quán thời gian
Mời em vào quán thời gian
Nâng ly ký ức chạm làn hương xưa
Mời em vào quán không mùa
Ta chia nhau ngọn gió lùa rét căm
Mời em vào quán không năm
Lặng nghe nỗi nhó ướt đầm ngón tay
Mời em vào quán không ngày
Để nghe chiều thả heo may...để buồn
Đắng lòng môi chạm yêu thương
Thời gian quên bỏ chút đường đấy em...
Trương Nam Hương.
“Chỉ cần Anh và buổi chiều thanh tịnh
Một ly nâu đủ ấm áp nụ cười”
Ở trong cái “Quán thời gian” ấy là vị đắng của cà phê hay là vị đắng của cuộc đời đi cùng tháng năm? Ta đắm chìm trong ca từ “Quán thời gian” (thơ Trương Nam Hương- nhạc Phú Quang) vào một buổi chiều Sài Gòn lặng thinh nơi góc quán. Mỗi lần gặp dịp nghe bài hát, dường như ta có những nỗi niềm, tâm trạng khác nhau và đặc biệt hơn cả có những cảm nghĩ lẫn lộn khác nhau về thời gian, nói theo cụm từ trong một luận án tiến sĩ triết học của Henri Bergson “ les données immédiates de la conscience”, những dữ kiện trực tiếp của ý thức; những “ dữ kiện” đó là những cảm nghĩ, những nhận thức lẫn lộn ý nghĩa sâu thẳm nhất về thời gian. Nói theo một cư sĩ Phật Giáo và một học giả Nghiêm xuân Hồng, ý nghĩa sâu sắc là “ thời gian là sự phóng chiếu của tâm thức”. Ly cà phê vị đắng ngắt nơi đầu lưỡi…Phải chi có “Anh” thì những giọt cà phê đen chắc hẳn sẽ chuyển sang màu “nâu”- một chút “đường” thôi mà thời gian cũng “quên bỏ”… Không có Anh, còn đâu nụ cười ấm áp nở trên môi em.
Thời gian không đợi lòng người, vì thế mỗi ngày, mối tháng, mỗi mùa, mỗi năm trôi qua luôn là lúc người ta bỗng nhiên buâng quơ ngẫm nghĩ về quá khứ, về hiện tại và tương lai.Một khoảng lặng để dạo bước lại trên con đường thời gian ta đã đi qua. Một chút cảm thức về thời gian ta cảm nhận được trong “Quán thời gian” của Trương Nam Hương một cách sâu sắc, nặng tình. “Quán thời gian”- thoạt tiên nghe như một tên quán cà phê mà người ta mường tượng ra những ca từ của Trịnh đi du dương, bay bổng nơi đó. Trương Nam Hương mời “Em” vào “Quán thời gian” của mình sao mà trĩu nặng tâm sự thế! Mở đầu bài thơ là một lời mời trang trọng, lịch sự:
“ Mời em vào quán thời gian
Nâng ly ký ức chạm làn hương xưa”
Con người, ai chẳng có một quá khứ, một kí ức với vô vàn những trải nghiệm và kỉ niệm. Cho dù quá khứ đầy màu hồng hay nham nhở gam màu xám, cho dù tràn ngập những niềm vui hay với âm ỉ nỗi đau, thì đó cũng là những gì người ta đã trải qua, đã cảm nhận. Và chúng đáng được trân trọng…
Có người vừa trải qua những giây phút của hạnh phúc khi tình yêu thăng hoa, nhìn đâu cũng thấy màu hồng, họ vui mừng và ước gì có thể níu kéo mãi cái khoảnh khắc êm đẹp ấy.Có người vừa trải qua một nỗi đau khi tình yêu tan vỡ, họ chỉ mong muốn có thể xóa bỏ tất cả miền kí ức ấy trong trí não. Nhưng với Trương Nam Hương thì không dễ dàng xóa mờ được quá khứ một thời. Thường vào quán, người ta nâng ly hay cụm ly để chúc mừng một điều gì đó mà một trong hai người có niềm vui hay hạnh phúc. Nhưng Trương Nam Hương “mời” em và “nâng ly” là một ly “ký ức” xót xa và đượm buồn. Chẳng phải là một ly rượu hay ly bia đơn thuần. Ly “ký ức” của Anh, ta không thể uống được, nhưng sao vẫn cảm thấy vị đắng từ khi nghe được giọng ca của Mỹ Linh cất lên, mắt ta như cay xè, bờ môi mặn chát những giọt “ký ức” cùng Trương Nam Hương…
Cuộc sống như một đoàn tàu đang chạy trên đường ray thời gian. Đi ngược sẽ cảm thấy nó như trôi đi nhanh hơn, chẳng thấy gì để rồi chỉ còn lại mỗi mình trên sân ga. Đó là những người muốn nhanh chóng quên đi hiện tại, chờ đợi và hi vọng một chuyến tàu khác sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc. Những ai đứng lại nhìn sẽ chỉ kịp thấy những khuôn mặt đi qua trong phút chốc mà chẳng kịp nhớ. Có thể, vì một lý do nào đó, chọn lựa hoặc vô tình để mình hờ hững với cả quá khứ và hiện tại, thỏa mãn với những gì mình đang có. Chả ai thỏa mãn với những gì mình đang có cả đời được, Trương Nam Hương cũng thế…Từ khi Anh cất lên tiếng “Mời em vào quán thời gian” là từ đó ta bắt gặp được thời gian như ru anh về miền ký ức xa xưa…
Một năm thường có bốn mùa : Xuân, hạ, thu, đông. Đời người là hữu hạn. Thời gian là vĩnh hằng .Còn con người, để đạt được sự vĩnh cửu hoàn thiện ấy, chỉ có tình yêu, bởi có tình yêu là muôn đời trẻ trung, bất tử… Trong “thơ tình cuối mùa thu”, Xuân Quỳnh cũng có ý cảm thức về thời gian:
“Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại”
“Quán thời gian” của Trương Nam Hương, “không mùa”, “không năm”, “không ngày”. Đây chính là điều làm người đọc suy nghĩ, làm trái tim ta quặn đau khi nghe Trương Nam Hương “Mời” tiếp:
“Mời Em vào quán không mùa
Ta chia nhau ngọn gió lùa rét căm”
Chẳng có mùa nào sao mà vẫn có “ngọn gió lùa rét căm” đến vậy? Phải chăng là sự lạnh lẽo của lòng người, dù không muốn, nhưng vẫn cố tình tỏ ra hờ hững bằng cái nhìn buâng quơ. Một số người sẽ chạy theo con tàu để kịp nói vài câu chia tay với vài cái nắm tay ngắn ngủi, nhưng rồi cuối cùng cũng hụt hơi mà đành bỏ cuộc. Những người này cố chạy theo cuộc sống để đạt điều mình muốn với tất cả những gì mình có, dẫu biết rằng rồi mình sẽ có lúc đuối sức. Chỉ những ai kịp mua vé đi trên đoàn tàu đó mới kịp có thể thấy ngắm nhìn những nơi mà nó dẫn di qua trên cuộc hành trình xuyên thời gian… Không biết Trương Nam Hương có kịp mua được cái vé cuối cùng để lên được chuyến tàu ấy không? Chắc hẳn một điều là anh rất cố gắng nhưng cái vé cuối cùng ấy đã vào tay người khác mất rồi. Để rồi giờ đây gặp lại cảnh cũ người xưa, lòng anh thổn thức, đâu rồi sự ấm áp của đôi bàn tay đan vào nhau như xưa…
“Mời Em vào quán không năm
Lặng nghe nỗi nhớ ướt đầm ngón tay”
Vẫn là một lời “mời” như càng tăng thêm bao ký ức lặng thầm mà Trương Nam Hương khó có thể chia sẻ được cùng ai. “Quán không năm” – tình yêu trong anh vẫn nguyên vẹn còn đó, hôm nay vẫn vậy…nhưng hình như Anh và em vẫn ngồi đây “lặng nghe”, chẳng nói được câu gì. “Có những điều trôi qua, có những người trôi qua, có những tình cảm trôi qua và có những thứ đọng lại trong ta…đó là nỗi nhớ”.Có bao giờ bạn bất giác dừng lại giữa cuộc đời và nhìn ngắm lại những gì đã qua, những kỉ niệm, những hình bóng đã cũ, những nụ cười đã cũ nhưng vẫn nằm lại đó, vẹn tròn, và quá khứ sẽ như một thước phim quay chậm cũ kĩ hiện lên trước mắt, nhắc ta nhớ, những nỗi nhớ khi mơ hồ, khi rõ ràng, những nỗi nhớ mà đôi lần ta lại gọi bằng cái tên mộc mạc: nỗi nhớ không tên.
Trong cuộc sống, đôi khi những nỗi nhớ đến một cách bất chợt, không báo trước. Đôi khi là những lúc thả mình lại theo những bài hát quen thuộc, đôi khi là lắng nghe tiếng tích tắc gõ nhịp đều đặn của chiếc đồng hồ già nua để hồi tưởng về những gì đã qua. Nỗi nhớ đôi khi tự tìm đến mình, đôi khi chúng ta tìm đến nó, không thể nói trước.
Nỗi nhớ thật lạ, khi chợt đến khiến ta ngỡ ngàng, khiến ta chìm trong một nốt trầm xao xuyến. Có khi ta đi trên một con phố dài, bắt gặp một bóng hình xưa thoáng vụt qua. Để rồi thương nhớ ùa về, ngùi ngùi. Cuộc sống như một bản nhạc dài, mà đôi khi ta dừng lại, như một nốt lặng giữa những phím đàn, để nghe yêu thương, nghe nỗi nhớ ùa về, nghe những gì thuộc về quá khứ bỗng chốc trở nên sống động, khơi dậy những cảm xúc đã ngủ quên trong tâm hồn. Trương Nam Hương đã “lặng nghe” được nỗi nhớ của mình và nghe được nỗi lòng của “Em”. Những giọt nước mắt khóc vào trong của người đàn ông không giấu nỗi. Hình ảnh “Ướt đầm ngón tay”, có thể là nước mắt, nhưng cũng có thể những phút suy tư toát cả mồ hôi tay, lạnh tái tê cả người khi nỗi nhớ ùa tới.
Trương Nam Hương lắng nghe được cả “heo may” và cảm thấy nỗi buồn như hanh hao thêm:
“Mời Em vào quán không ngày
Để nghe chiều thả heo may…để buồn”
Bất kì điều gì có thể ghi nhớ được cũng có thể trở thành nguồn cơn của một nỗi nhớ. Nhưng đôi khi nỗi nhớ không thể được gom lại bằng những hình ảnh hữu hình cụ thể, nó là những cảm giác của một khoảng thời gian mình đã trải qua mà khi bắt gặp những gì tương tự, lại làm mình ngậm ngùi và xao xuyến, thèm được sống lại những cảm giác đó. Những cảm giác đã cũ, ám ảnh trong tim bằng nỗi nhớ dặt dìu, với những kỉ niệm khó phai. Nhưng thời gian nào có quay ngược bao giờ…
“Em vẫn nghe ...từ không gian vắng lặng
Âm điệu buồn sâu lắng giữa mênh mông
Lời trái tim vẫn tươi mãi máu hồng
Dòng kỷ niệm khơi đầy trong ký ức
Em vẫn nghe những gì anh thao thức
Những ngôn từ náo nức tự thuở xưa
Giọt nắng vàng trên kẽ lá đong đưa
Dòng mực tím ngại ngùng ghi chữ nhớ”
Ví thử là một người ghé “Quán thời gian” cùng Trương Nam Hương, Tôi sẽ nói những điều như thế với anh.
Cuộc sống cứ diễn ra, thời gian cứ trôi đi, chẳng chờ đợi một ai.Nếu như ta cứ đủng đỉnh đi qua bao buồn vui, hạnh phúc thì cuộc đời sẽ chẳng còn thời gian để mà ước mơ, để mà tận hưởng những khúc ca êm dịu từ cuộc sống, để yêu thương, để sẻ chia hạnh phúc ngọt ngào. Trương Nam Hương thì không như thế, Anh vẫn trải qua mọi cung bậc của tình cảm, vẫn hào hứng sống, vẫn nghiệm suy, vẫn mang trong lòng quá khứ khó quên. Phần kết của bài thơ như muốn nói lên quan điểm sống của Anh:
“Đắng lòng môi chạm yêu thương
Thời gian quên bỏ chút đường đấy em”
Như một món quà gửi đến bạn đọc yêu mến “Quán thời gian”, nhạc sĩ Phú Quang đã phổ thành công những ca từ như lời an ủi, động viên tới nhà thơ Trương Nam Hương. Những giờ phút cuối cùng của một ngày, một tháng, một năm rồi cũng sẽ trôi qua, còn gì tuyệt vời hơn là trong những giây phút nhiều cảm xúc ấy, ấp ủ trong tay ly cà phê nóng, thưởng thức những giai điệu trầm buồn của “Quán thời gian” và suy ngẫm bao điều đã qua trong cuộc đời mỗi người. Nếu như cuộc sống không có sự đổi thay, chỉ toàn là ngọt ngào cũng như đời người không trải qua những chia ly, đau thương trong tình cảm thì tôi cho rằng : cuộc sống sẽ nhạt nhẽo lắm! Có thể Trương Nam Hương trong khoảnh khắc nào đấy sẽ cám ơn “thời gian quên bỏ chút đường” để anh cảm thấy vị đắng của thời gian nơi góc khuất tâm hồn.
Cuộc đời của mỗi con người được xây nên từ những viên gạch của quá khứ, của hoài niệm, nhưng không thể cứ sống mãi trong bức tường kỉ niệm. Đâu thể dừng lại, lặng thinh cho ngày đang tới, khi mọi người đang hướng về phía trước còn ta thì ở lại, phía không ai. Nỗi nhớ chỉ nhắc ta về những gì đã qua, nhắc ta mỉm cười để đón nhận những ngày sắp đến. Cuộc sống không thể vẽ nên bằng những nỗi buồn ám ảnh mùi kỉ niệm, mà được tô vẽ bằng những từ tươi sáng hơn : nụ cười, hy vọng, tương lai. Ừ, tương lai là những gì chúng ta đang hướng đến. Và nỗi nhớ, chỉ là những thoáng bất chợt vô tình, như một cơn gió thoảng qua gợi chút mùi hương dìu dịu, thắp lên cho đời thêm ý nghĩa, để ta không đánh mất mình, để ta vẫn còn nhớ, và để kỉ niệm vẫn nằm lại đó, vẹn tròn nơi trái tim. Bài thơ “Quán thời gian” buồn đấy, nhưng không đến nỗi bi đát. Bằng thể thơ lục bát, Trương Nam Hương đã diễn đạt thành công một cách nhuần nhuyễn ngọt ngào, buâng khuâng theo đúng tâm trạng của chủ thể nhân vật trữ tình.
Em trở lại, thong dong dạo bộ và miên man những nỗi nhớ trong ca từ “Quán thời gian”. Nỗi nhớ trôi dài về quá khứ, bước chân vô định tình cờ ghé lại lối xưa… Anh, có khi nào cũng trở lại những nơi xưa? Để tìm lại chút hơi ấm muộn màng? để cảm nhận những tàn tro của hạnh phúc và để trái tim thấy nhói đau xót xa?Anh, giờ bên ai hạnh phúc không? hay buồn vui có ai chia sẻ? Riêng Em, vẫn ôm nỗi nhớ không mùa, không năm, không ngày, mỗi mùa sang em trở lại ngắm nhìn từng miền kí ức xa xăm... Nỗi nhớ dịu êm nơi tiềm thức... Anh – người của “Quán thời gian” !
Tphcm, đầu tháng 4/2011
PHAN THIẾT MÙA ĐÔNG
Anh không có gì với Phan Thiết
Ngoài em!
Buổi sáng một mình và những câu hỏi nhỏ
Câu trả lời sẽ không bao giờ có
Ngoài một mình Phan Thiết
Và em!
Đi thôi em, trăng sáng đến im lìm
Gió ngừng thổi từ buổi chiều nào đó
Anh mơ thấy nàng Tây Thi giặt lụa
Sông Cà Ty xanh!
Em nhìn sâu vào tận đáy mắt mình
Đốm lửa cháy khát khao và hờ hững.
Mây vắt ngang trời Mùa Đông rất trắng.
Anh sẽ chọn cho mình một nụ cười riêng
Một ánh mắt riêng
Mùa Đông đến rất gần Phan Thiết
Anh lại nhớ, bần thần, da diết
Biển xa ơi, ta còn nợ nhau nhiều
Em đi và lạnh hẳn những buổi chiều
Trong ánh mắt, cánh buồm không có gió.
Lầu son đã thành hoang phế.
Ông Hoàng nào đã đi về cõi xa.
Những viên gạch nằm xếp hàng đổ vỡ.
Không có em, anh uống với trăng ngà.
Không có em!
Anh đã làm ra một riêng em
Để được thả nỗi buồn đi đuổi bắt
Ngay cả lúc mối tình không có thật
Anh vẫn ngồi mê mải vẽ vào đêm.
Chia tay nào,
khoảng cách dịu êm
Trăng lạnh lưng trời,
sương rơi ướt áo
Hàng chò chỉ bên đường thì thầm mách bảo
Ta đang làm đau đớn những vì sao!
Có cuộc đời không thể sống cùng nhau
Có con đường không thể cùng đi hết
Anh dừng lại ở bên này Phan Thiết!
Mùa Đông!
Mùa Đông 2007
Hoàng Đình Quang.
Phan Thiết mùa đông- Bài thơ tình mờ ảo lập trường của Hoàng Đình Quang?
TRẦN HUYỀN NHUNG.
Thơ hay là thứ thơ làm cho người ta nghĩ tới tình người, nghĩ đến sự sống. Thơ hay động thấu những niềm sâu xa nhất của trái tim con người. Nó giúp cho người đọc bàng hoàng nhận ra sự bừng sáng của tâm hồn mình trước cái đẹp thật sự của đời sống, khi đối diện với những vấn đề của cuộc sống. Nảy sinh trong ta cái khát vọng mãnh liệt muốn vươn tới sự hoàn thiện của nhân cách chính là từ những vần thơ như thế. Thơ nói riêng, cũng như văn học nói chung trở thành cần thiết cho con người là vì vậy. Nếu như người đọc làm sao không nhớ, không yêu những bài thơ : Em ơi, đừng đi, chiều tháng chạp, Anh sẽ tặng em tất cả mùa ấm áp… mà Hoàng Đình Quang viết cho người vợ yêu quý của mình ; hay thơ tình như : Ngủ chưa Em? Chiêm bao, tương tư… là tiếng nói chung của tình cảm mà mỗi người đọc đều nhận thấy có phần mình trong đó. Thì đến bài thơ “Phan Thiết mùa đông”, người đọc có thể hơi bị ngỡ ngàng trước lối thơ tình có địa chỉ rõ ràng gắn liền với địa danh Phan Thiết. Tôi cho rằng đây là một bài thơ mờ ảo lập trường của Hoàng Đình Quang trước một tình cảm mà lẽ ra cần phải có câu trả lời rõ ràng.
Đành rằng, thơ là tình, là tình cảm. Thơ không lấy việc tả làm chính, không cạnh tranh với văn xuôi về lượng chi tiết, nhưng thơ không thể không cần đến chi tiết. Có điều chi tiết trong thơ phải là những chi tiết chọn lọc ở mức độ nghiệt ngã nhất, nó cần cái tinh chất của sự sống. Sự chọn lọc này chủ yếu là sự chọn lọc của trái tim; chi tiết trong thơ phải là những chi tiết giàu sức biểu hiện nhất, có khả năng rung động được lòng người gợi lên những liên tưởng sâu xa. Chẳng hạn như :
Dù cuộc đời có dài đến bao nhiêu
Thì cũng chỉ đong đầy hai hàng nước mắt
Dù hạnh phúc chẳng bao giờ có thật
Cũng đôi lần lửa cháy phía chân mây.
(Anh sẽ tặng em tất cả mùa ấm áp- Hoàng Đình Quang)
Ở bài thơ “Phan Thiết mùa đông” rõ ràng Hoàng Đình Quang biện luận một cách khéo léo, nhằm đánh lừa người đọc trong sự phân chia ranh giới của tình cảm. Ngay từ mở đầu bài thơ, tác giả dẫn người đọc đi vào sự khẳng định:
Anh không có gì với Phan Thiết
Ngoài Em!
Trở lại với vấn đề “ Thơ hay là thứ thơ làm cho người ta nghĩ tới tình người, nghĩ đến sự sống”, tình trong “Phan Thiết mùa đông” thì có. Nhưng “ nghĩ đến sự sống” thì chưa có. Quan niệm về thơ hay thực ra lại thuộc về “gu” của mỗi người. Tiếng nói của thơ thì bao giờ cũng cần đến tiếng nói chung của mọi tâm hồn. “Phan Thiết mùa đông” chưa hẳn đã là một bài thơ hay, dù được xây dựng trên cơ sở “tình riêng” gắn liền với địa danh Phan Thiết thành công. Ở đây, Hoàng Đình Quang đã rơi vào trạng thái “ Viết thơ tình nơi không có mùa đông”, vậy mà vẫn có một “mùa đông” lạnh lùng trong lòng! Hoàng Đình Quang đặt tựa đề “Phan Thiết mùa đông” chẳng qua chỉ là “đánh bóng” cho nỗi lòng của mình :
Bây giờ mắc phải tai ương
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường vô duyên
Bây giờ ván đã đóng thuyền
Tơ vương thành kén, tằm yên phận tằm
( Tương tư- HĐQ)
“Mùa đông”- đúng ra là một cách nói ẩn dụ để chỉ sự chia tay trong im lặng, trong lạnh lùng bởi “Tơ vương thành kén, tằm yên phận tằm”. Dù trong “Phan Thiết mùa đông”, Hoàng Đình Quang không nói lý do vì sao có “mùa đông” trong lòng. Nhưng người đọc vẫn nhận ra sự lỡ làng, dang dở của một mối tình, với lý do rất đơn giản “ Bây giờ ván đã đóng thuyền”. Xét cho cùng, ngu gì mà nói lý do! Sự chênh vênh của tứ thơ chính là yếu tố quyết định cho lập trường mờ ảo của Hoàng Đình Quang:
Anh sẽ chọn cho mình một nụ cười riêng
Một ánh mắt riêng
Mùa Đông đến rất gần Phan Thiết
Anh lại nhớ bần thần da diết
Biển xa ơi, ta còn nợ nhau nhiều
Và “nhớ bần thần da diết” như vậy thì làm sao mà lập trường kiên định được chứ! Cũng phải thôi, bởi tình cảm rất khó nói. Lý lẽ của trái tim thường mờ ảo. Lý trí không có mặt lúc này. “ Biển xa ơi, ta còn nợ nhau nhiều”- đúng là còn “nặng nợ” thật, trừ khi không còn có mặt trên cõi đời.
“Phan Thiết Mùa Đông” được Hoàng Đình Quang chọn thể thơ tự do, không bị gò bó về câu, chữ. Nhưng nếu để ý ta sẽ thấy tác giả bài thơ đang “cạnh tranh” với văn xuôi về chi tiết được nói tới trong thơ. Điều đó dẫn đến bài thơ không có sự sàng lọc về chi tiết, giọng thơ còn lan man giống như cuộc chia tay không nỡ rời xa. Tôi dẫn chứng: Các địa danh ở Phan Thiết được nhắc tới : Sông Cà Ty xanh, Lầu Son, Ông Hoàng, Hàng chò… đều là những chi tiết như là sự minh chứng cho bước đi của một mối tình. Thơ đã rơi vào lối tự sự, kể lể, mà lẽ ra có những chi tiết không cần phải có mặt như “ những viên gạch nằm xếp hàng đổ vỡ” hay “Ông Hoàng nào đã đi về cõi xa”… Nhưng tất cả điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi Hoàng Đình Quang đúng ra là một nhà văn, lại chẳng phải là một nhà thơ chuyên nghiệp.
Tiếp theo, những chi tiết không thể có thật trong “Phan Thiết Mùa Đông” mà người đọc ai cũng nhận ra và thầm nghĩ rằng: “Rõ là nhà thơ!”. Mà nhà thơ thì thường xây dựng chi tiết có thật trong muôn vàn các chi tiết tưởng tượng khác. Hoàng Đình Quang đã thành công trong việc đưa đẩy câu thơ để rồi dẫn tới lập trường mờ ảo. “Anh mơ thấy nàng Tây Thi đang giặt lụa” rồi “Không có em, anh uống với trăng ngà” và “ Anh vẫn ngồi mê mải vẽ vào đêm”… để cuối cùng tự suy “ Ta đang làm đau đớn những vì sao!”. Thực ra không phải là vì sao đau đớn, mà ta đang làm khổ chính người bạn đời trong gia đình của mình. Tôi biết rằng nói như vậy, Hoàng Đình Quang có thể không thích, nhưng đối với văn chương, trong “bình” phải có “phê” dù là thẳng thắn hay khéo léo. Đây còn là một bài thơ tình đưa đẩy, à ơi phụ nữ cũng rất thành công của Hoàng Đình Quang, vì những từ ngữ anh dùng “rất thơ” đã vô tình đẩy mạch cảm xúc thơ tới sự giả tạo như gia vị bột ngọt. “ Không có em, anh uống với trăng ngà” kiểu như “thơ điên” của Hàn Mặc Tử “Có chở trăng về kịp tối nay”. Nghĩa là không có em, anh không đến nỗi phải lang thang, dật dờ sống như chết mà “vắng trăng thì có sao”- không chỉ một mình em mới tỏa sáng mà trăng cũng tỏa sáng trong anh. Anh trở về bầu bạn với trăng, với cuộc sống thường ngày “ cũng đôi lần lửa cháy phía chân mây”.
Yếu tố à ơi, không có thật đã làm nên một Hoàng Đình Quang khác rất nhiều so với một số tác phẩm thơ của anh. Lời thơ trong “Phan Thiết Mùa Đông” có sự mông lung, mờ ảo đến lạ kỳ. Điều đó khiến tâm trạng của Hoàng Đình Quang cũng mờ ảo, dẫn tới lập trường không vững chắc. Cuộc chia tay cũng là bình thường như bao mối tình không thành, thế mà Hoàng Đình Quang đã nhân cách hóa lên làm câu thơ bay bổng:
Chia tay nào,
khoảng cách dịu êm
Trăng lạnh lưng trời,
sương rơi ướt áo
Hàng chò chỉ bên đường thì thầm mách bảo
Ta đang làm đau đớn những vì sao!
Người đọc hiểu: Đây là cuộc chia tay mà hình như hai người cả đêm ở ngoài trời. Mạch thơ thầm lặng giống như logic tình cảm của hai người trong cuộc.
Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu. Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu. Thế mà Hoàng Đình Quang đã dùng thể khẳng định để nói về tình yêu. Để rồi kết thúc cho “Phan Thiết Mùa Đông”, tác giả lại ngập ngừng, biện luận đã rồi mới nói:
Có cuộc đời không thể sống cùng nhau
Có con đường không thể đi cùng hết
Anh dừng lại ở bên này Phan Thiết!
Mùa Đông!
Nói như vậy có nghĩa rằng: Nếu có cuộc đời vẫn có thể sống được cùng nhau, nếu có con đường vẫn có thể đi hết thì Hoàng Đình Quang vẫn muốn đi tiếp, chứ chưa phải đã dừng. Thật ra, đây chỉ là một sự an ủi với người và mảnh đất Phan Thiết trước khi có một quyết định cuối cùng. Theo tôi, Hoàng Đình Quang vẫn còn gieo niềm hy vọng mong manh trong lời đặt giả thiết “ Có cuộc đời không thể sống cùng nhau/ có con đường không thể đi cùng hết”. Nếu có thì cũng sẽ không bỏ qua! Lối kết thúc khôn khéo, vẫn để đối phương hiểu nhầm, sống cho trọn vẹn đoạn đường còn lại. Tưởng là lời khẳng định “ Anh dừng lại bên này Phan Thiết!” quả quyết và chắc nịch, nhưng vẫn còn nằm trong thể phủ định vấn đề. Hoàng Đình Quang như ký một bản nháp cam kết cuộc đời có chỗ cho sự thương hại, mà trong lòng đang có nỗi niềm chẳng thể giao cảm cùng nhau, như ai đó đã nói :
Mỗi con người có riêng một nỗi đau
Một nỗi riêng tư sao chẳng thể ai chia sẻ
Dẫu có yêu người đến cồn cào như thế
Chẳng nói lên lời bởi có đến được đâu
Những mảnh rời rạc đang ngự trị trong cuộc sống thường nhật thì ghép sao cho tròn?
Muốn cùng anh đi giữa những cơn mưa
Muốn cùng anh đi nhạt nhoà trong nắng
Muốn cùng anh đến một miền xa vắng
Nhưng mình vẫn là hai nửa chẳng thể nào giao nhau
Bởi :Có những nỗi buồn vẫn chẳng thể nào giao cảm với nhau
Vẫn loay hoay giữa bộn bề cuộc sống
Có những lúc thấy lòng trống rỗng
Đi bên người như đi với hư vô
Từ thực tế những câu thơ trong “Phan Thiết Mùa Đông” của Hoàng Đình Quang, tôi nhận thấy bài thơ tình mờ ảo lập trường. Phải chăng, với tâm trạng mờ ảo ấy giúp Hoàng Đình Quang có điều kiện nhìn rõ hơn, sâu sắc hơn những gì đã làm mình rung động trong thứ tình cảm ấy? Phôn Tan đã nói :
Bạn ơi, hãy lọc suy nghĩ bằng trái tim
Và hãy học cảm xúc bằng lý trí
Thơ là thế đó, không chỉ là “sự im lặng giữa các từ”, là tiếng lòng mà còn là sự tỉnh táo trong cảm xúc, giàu chất trữ tình trong suy tưởng để rồi trở thành người bạn trung thành của ta trên đường đời, giúp ta thêm lớn về tâm hồn và có một tình cảm trong sáng lành mạnh. Liệu rằng, Hoàng Đình Quang có làm được như thế trong “Phan Thiết Mùa Đông” không? Hay “Phan Thiết Mùa Đông”- bài thơ tình mờ ảo lập trường ?
Thành Phố Hồ Chí Minh, 8h, ngày 15/6/2011
T.H.N