RU MÃI NGÀN NĂM
"Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn"
Tiếng ru từ thuở tôi nằm
trong nôi.
Ru cả
ngàn năm
đoạn trường.
Tóc bà bạc trắng như sương.
Ông đi chinh chiến dặm đường xa xôi.
Kỷ nhân hồi Thăng Long ơi?
Để rồng bay
giữa đất trời
hôm nay.
Nghìn năm mà tưởng nghìn ngày
Máu bao phen
đẫm đất này
người ơi
Thăng Long, Hà Nội trong tôi.
Chắp hồn thơ nhạc nên lời yêu thương.
Mang Đông Đô ra chiến trường.
Những năm chống Mĩ kiên cường, gian nan.
Ru con, nói chuyện giang san
Tay đưa nôi, mẹ xua tan u hoài
"Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài tan"
Ngàn năm dù động dù an
Lưng gày
trâu mải miết đan
luống cày
"Trời cao biển rộng đất dày
Núi Nùng, sông Nhị, chốn này còn ghi"
*
* *
Kim Ngưu bừng tỉnh giấc mê.
Đồng đen
chuông gióng
lời thề
nghìn năm.
Giặc thù đã sạch bóng tăm.
Ngủ yên bao Gióng đang nằm trong nôi.
Thăng Long ơi, vận đổi rồi.
Ngàn năm ru
mãi những lời
bao la:
"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa màn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ"
À ơi, nghe tiếng mẹ ru...
Ngọc Châu
(Kỉ niệm ngàn năm
Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội)
Lời bình:
"RU MÃI NGÀN NĂM" – LỜI RU ĐẤT NƯỚC
Từ bao đời nay, lời ru của mẹ luôn gắn với sự ngọt ngào của tình mẹ yêu con. Lời ru có cánh cò cánh vạc, có dòng sông bến nước…, lời ru có đời mẹ, đời cha, có những thế hệ gắn bó với đất nước quê hương để làm nên một dáng hình Tổ quốc. Yêu con, mẹ cho con lời ru, để nghĩa tình xứ sở cứ thế ngấm dần, ngấm dần vào trái tim thơ bé, và khi lớn lên, con bỗng nhận ra rằng, mình đã yêu đất nước quê hương mình biết mấy! Trong cảm xúc về ý nghĩa lời ru như thế, nhà thơ Ngọc Châu đã viết "Ru mãi ngàn năm" – Lời ru mang âm hưởng của lịch sử đã nối dài quá khứ, hiện tại và tương lai.
Bài thơ có cấu trúc hai phần rõ rệt: Phần đầu là những hồi ức về lịch sử dân tộc qua những lời ru, phần sau là những cảm xúc về đất nước hôm nay và lời ru của mẹ. Như vậy, lời ru là mạch chảy xuyên suốt toàn bài, làm nên độ lắng sâu tha thiết cho ý nghĩa của bài thơ.
Mở đầu cho phần thứ nhất, nhà thơ đã nhắc lại câu ca dao xưa:
"Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn"
Có lẽ không mấy người là không biết câu ca dao quen thuộc này. "Cỏ Bồ Đề" đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại. Trong lịch sử Việt Nam, Bồ Đề xưa là tên một bến nước thuộc làng Phú Viên ở đầu cầu Long Biên về phía Gia Lâm, Hà Nội. Ở đây có một cây bồ đề lớn, nay không còn. Cuối năm 1426, Lê Lợi đem quân từ Lam Sơn (Thanh Hóa) ra đánh quân Minh đã đóng quân ở đây. Trong thời gian đó, già, trẻ, lớn, bé đã nô nức đến với nghĩa quân. Thanh niên gia nhập quân ngũ, người già và phụ nữ chăm sóc quân lương, trẻ con thì cắt cỏ mang cho ngựa của các chến sĩ trong đội quân của Bình Định Vương Lê Lợi. Như vậy mở đầu bằng câu ca này, nhà thơ đã gợi lại cả một thời kì lịch sử dân tộc ta thế kỉ XV. Câu ca ấy đã trở thành lời ru của các bà mẹ bao đời. Một cách rất tự nhiên, lịch sử đã đi vào tiềm thức bé thơ:
Tiếng ru từ thuở tôi nằm
trong nôi.
Ru cả
ngàn năm
đoạn trường.
Hai tiếng đầu của câu bát, xét về cấu trúc ngữ pháp lại là thuộc về câu lục: "Tiếng ru từ thuở tôi nằm trong nôi", nhưng ở đây, nó đã được đưa xuống thành hai tiếng đầu của câu bát. Và bản thân câu bát cũng được ngắt hai tiếng một, với hình thức tầng bậc đầy ý nghĩa: Tiếng ru trong nôi đã trở thành tiếng ru của ngàn năm lịch sử đầy bi tráng. Đâu chỉ là chuyện về cỏ Bồ Đề cho ngựa của nghĩa quân Lam Sơn góp phần làm nên chiến thắng giặc Ngô sau 10 năm nếm mật nằm gai! Đâu chỉ là một lần máu người Việt Nam đã chảy để giữ kinh kỳ đất nước! Có lẽ trên thế giới này, hiếm thấy một quốc gia nào lại có lịch sử gắn liền với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm như Việt Nam. Cả ngàn năm Đại Việt là "ngàn năm đoạn trường" đau thương và anh dũng. Vì đất nước quê hương, trai trẻ lên đường, người già cũng tham gia trận chiến. Người phụ nữ tóc bạc trắng như sương vẫn còn tiếp tục tiễn chồng lên đường chiến đấu:
Tóc bà bạc trắng như sương.
Ông đi chinh chiến dặm đường xa xôi.
Những con người vĩ đại ấy đã chiến đấu và hiến dâng máu xương cho đất nước này, để ngày mai Rồng Vàng bay lên trong khúc khải hoàn:
Kỷ nhân hồi Thăng Long ơi?
Để rồng bay
giữa đất trời
hôm nay.
Nghìn năm mà tưởng nghìn ngày
Máu bao phen
đẫm đất này
người ơi ?
Đoạn thơ là sự đằm sâu suy nghĩ trong hồi ức. Cụm từ "Kỷ nhân hồi" thật giàu sức gợi. Trong bài "Lương Châu Từ", nhà thơ Vương Hàn của Trung Quốc đời Đường đã viết:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường quân mặc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
Dịch là:
Linh đình yến tiệc tiễn người đi
Đàn réo, rượu mời khoác chiến y
Gặp dịp, ừ say cho thoả chí
Xưa nay đánh trận mấy ai về
"Xưa nay đánh trận mấy ai về?". Ở bài thơ này, câu hỏi ấy đã cất lên tha thiết với Thăng Long: "Kỷ nhân hồi Thăng Long ơi?" Ta thấy có cái tình rưng rưng nước mắt của những người mẹ tiễn con, của người vợ tiễn chồng ra trận, có cái ngậm ngùi của sự chứng kiến cảnh tiễn đưa, nhưng đồng thời cũng có cả sự sẵn sàng chấp nhận rất thảnh thơi của chính người lên đường đi vào nơi gió bụi! Thăng Long đã bao lần tiễn họ lên đường, và ai không bao giờ trở về được nữa? Họ là những người "Chiến trường đi chẳng tiếc đầu xanh" (Quang Dũng), họ coi việc phải hy sinh vì Tổ quốc là thiêng liêng. Một tấc đất cũng phải giữ gìn, một hòn đảo ngoài khơi cũng là máu thịt của Đất Mẹ! Làm sao có thể để gót giày xâm lăng chà xéo! Suốt bốn nghìn năm máu cha ông ta đã chảy. Dòng máu ấy đã thấm ướt từng trang sử, đỏ núi Chi Lăng, đỏ sóng Bạch Đằng, để nhắc cho ta nhớ rằng: Rồng vàng có thể bay lên trên bầu trời tự do hôm nay là bởi "Máu bao phen đẫm đất này"! Chỉ mấy câu thơ mà lịch sử đã được tái hiện hào hùng và đầy xúc cảm. Các từ "nghìn năm", "nghìn ngày", "bao phen" đã tạo nên một trường liên tưởng về quá khứ oai hùng của cha ông ta. Từ tiếng roi sắt của Phù Đổng Thiên Vương quật vào đầu giặc Ân, tiếng gươm mài đá núi phải mòn của Lam Sơn nghĩa sĩ, đến tiếng trống trận Quang Trung xung trận Ngọc Hồi… Tất cả những âm thanh ấy đã vút qua cả mười thế kỉ, để cùng làm nên một bản hùng ca hào khí ngùn ngụt trời Nam!
Hào khí ấy đã được các thế hệ sau tiếp thu và trở thành một nét đặc trưng của tâm hồn Việt. Vẫn tiếp tục trong mạch cảm xúc của những hồi tưởng, nhà thơ đã đưa chúng ta về những năm tháng cả nước chống đế quốc Mĩ:
Thăng Long, Hà Nội trong tôi.
Chắp hồn thơ nhạc nên lời yêu thương.
Mang Đông Đô ra chiến trường.
Những năm chống Mĩ kiên cường, gian nan.
Khổ thơ mang đậm chất thơ, chất nhạc, những câu thơ như muốn bay lên trong nhịp thơ tha thiết mà hào hùng. Các từ cùng để nói về Thủ đô đã được sử dụng liên tiếp: "Thăng Long", "Hà Nội", "Đông Đô" nghe tự hào biết mấy! Tự nhiên, những câu hát trong bài "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi cứ vang vọng trong lòng người đọc khi ngẫm về mấy câu thơ này: "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu!...". Như vậy, các nhà thơ, nhạc sĩ đã tìm được tiếng nói chung trong cách biểu cảm về Hà Nội: Đất Rồng thiêng đã chắp cánh cho hồn thơ hồn nhạc, làm nên tình yêu Tổ quốc thiêng liêng trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Và chính tình yêu thiêng liêng ấy đã cho họ sức mạnh kì lạ để vượt qua gian khó hiểm nguy nơi chiến trường lửa đạn:
Mang Đông Đô ra chiến trường.
Những năm chống Mĩ kiên cường, gian nan.
"Mang Đông Đô ra chiến trường" nghĩa là mang trong mình hào khí của đất kinh kì nghìn năm văn hiến, mang trong tim hồn thiêng sông núi bốn nghìn năm, để từ đó, một sức mạnh tinh thần kì diệu sẽ giúp ta làm nên chiến thắng. Kẻ thù đã không thể hiểu được vì sao ta lại chiến thắng, khi mà chúng hơn hẳn ta về quân lực, quân trang. Chúng không thể hiểu rằng, chúng đã thua ta chính ở sức mạnh kì diệu ấy!
Điều thú vị và bất ngờ là những chuyện chiến đấu chống quân thù của cả nước cũng là một chủ đề được các bà mẹ vận dụng đầy sáng tạo để ru con:
Ru con, nói chuyện giang san
Tay đưa nôi, mẹ xua tan u hoài
"Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài tan"
Ngàn năm dù động dù an
Lưng gày
trâu mải miết đan
luống cày
"Trời cao biển rộng đất dày
Núi Nùng, sông Nhị, chốn này còn ghi"
Người phụ nữ Việt Nam không thể trực tiếp ra trận đánh giặc, thì ở lại làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Những lời ru của mẹ đã khiến cho bao lo lắng u hoài bị "xua tan", để chỉ còn lại một niềm tin bất diệt, niềm tin cho con, cho mẹ, cho những người ra trận. Dù thời gian có trôi đi với bao cơn dâu bể, thì người Việt Nam vẫn kiên cường bám đất bám làng, giữ gìn và bảo vệ quê hương. Hình ảnh "Lưng gày trâu mải miết đan luống cày" đã phác họa một bức tranh về người nông dân vô cùng cần mẫn trên đồng ruộng quê hương. Đất nước thanh bình, người nông dân hiền lành với "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Khi đất nước lâm nguy, thì mỗi người dân là một chiến sĩ sẵn sàng quên mình vì Tổ quốc. Những câu ca dao được nhắc đến trong bài thơ vừa là lời ru của mẹ, vừa tái hiện những giai đoạn lịch sử thăng trầm của dân tộc:
- "Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài tan"
- "Trời cao biển rộng đất dày
Núi Nùng, sông Nhị, chốn này còn ghi"
Mẹ đã hát ru con bằng những câu ca của ngàn đời, câu ca gửi gắm bao khát vọng về con mình sẽ có chí làm trai như các thế hệ đi trước: "Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài tan", đánh Đông dẹp Bắc vẫy vùng bốn biển. Câu ca ấy nhắc con nhớ rằng: Đất trời Việt Nam, sông núi Việt Nam còn ghi tạc những chiến công oai hùng của người Đại Việt bao đời. Núi Nùng, sông Nhị là những núi sông tiêu biểu của Hà Nội - Thăng Long xưa. Tác giả đã mượn câu ca dao để khắc họa những địa danh ở Hà Nội mang chiến tích đáng tự hào của cha ông ta, đồng thời cũng vẽ nên một cảnh quan tuyệt đẹp của đất kinh kì, như nhà vua Lí Thái Tổ đã từng khẳng định: "Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước" (Chiếu dời đô). Như thế, đoạn đầu của bài thơ đã thực sự truyền vào trái tim người đọc một niềm tự hào mãnh liệt về truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam!
Lịch sử sang trang, tạm khép lại những năm tháng chiến tranh khói lửa, một thời kì mới đang mở ra trước mắt, thời kì hòa bình dựng xây và phát triển đất nước, nhưng lời thề xưa vẫn âm vang thiên cổ:
Kim Ngưu bừng tỉnh giấc mê.
Đồng đen
chuông gióng
lời thề
nghìn năm.
Câu thơ đã gợi cho người đọc nhớ về truyền thuyết Trâu Vàng, một câu chuyện gắn với những địa danh của đất Thăng Long. Theo truyền thuyết, tiếng chuông làm bằng đồng đen của nhà sư Nguyễn Minh Không đời Lý đã làm cho con trâu vàng bị giam giữ ở Trung Quốc tưởng là tiếng trâu mẹ gọi, lồng về phía Việt Nam. Đường trâu vàng chạy lún thành sông Kim Ngưu. Đến phía tây Kinh thành thì tiếng chuông tắt, trâu đã lồng và xéo nát một vùng thành hồ Kim Ngưu, tức Hồ Tây ngày nay. Câu chuyện đâu chỉ giải thích vì sao có hồ, mà sâu xa hơn, đã nói về tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, âm thanh linh thiêng đã khiến cả Trâu Vàng cũng phải chạy về Đất Mẹ. Còn trong bài thơ này, tác giả Ngọc Châu nâng hình ảnh của truyền thuyết lên một tầm vóc mới: Tiếng chuông ấy mang theo âm vang "lời thề nghìn năm" của bao nhiêu nghĩa sĩ xả thân vì Tổ quốc, nên đã khiến Kim Ngưu bừng tỉnh và cả dân tộc bừng dậy! Và khi bước vào thời kì mới, lời thề bảo vệ Tổ quốc khi xưa, bây giờ trở thành lời hứa xây dựng quê hương của con cháu trước tổ tiên, để bé thơ được yên bình ngủ giấc lành trong lời ru của mẹ:
Giặc thù đã sạch bóng tăm.
Ngủ yên bao Gióng đang nằm trong nôi.
Giọng thơ tha thiết như lời mẹ thầm thì với con yêu. Từ "ngủ yên" dịu ngọt như lời ru cổ tích: "Cái ngủ mày ngủ cho yên". Nhưng để nói về bé thơ ngủ yên mà nhà thơ dùng hình ảnh "Gióng đang nằm trong nôi" thì đó là một sáng tạo nghệ thuật vô cùng ý nghĩa. Chẳng ai quên được truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân, lên ba tuổi đã vụt lớn bổng thành tráng sĩ, cưỡi ngựa sắt xông pha chiến trường, để đất nước của Hùng Vương trở lại thái bình thịnh trị. Hình ảnh ấy đã trở thành biểu tượng tuyệt đẹp về tinh thần chống ngoại xâm quật cường của dân tộc ta, đúng như nhà thơ Lê Anh Xuân đã từng viết: " Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng – Đến em thơ cũng hóa những anh hùng...". Vậy đấy, tình yêu Tổ quốc đã trở thành máu thịt của mỗi con dân Đại Việt, ngay ở đứa trẻ lên ba. Ở đây, nhà thơ viết " Ngủ yên bao Gióng đang nằm trong nôi" không chỉ là muốn nói về sự bình yên của giấc ngủ bé thơ trong thời kì hòa bình, mà sâu xa hơn, nhà thơ muốn khẳng định: Mỗi bé thơ đang ngon giấc lành kia cũng chính là những chiến sĩ của tương lai. Chỉ cần Tổ quốc lên tiếng gọi, lập tức các em sẽ là những chiến sĩ gan dạ, anh hùng! Bởi dòng máu chảy trong huyết quản của các em là dòng máu Phù Đổng Thiên Vương, là dòng máu của bốn ngàn năm tinh hoa anh kiệt! Lời ru êm ái yêu thương mà tự hào chan chứa!
Đoạn thơ kết bài cất lên tha thiết trong tiếng gọi, lời ru:
Thăng Long ơi, vận đổi rồi.
Ngàn năm ru
mãi những lời
bao la:
"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa màn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ"
À ơi, nghe tiếng mẹ ru...
Vận đổi rồi, Thăng Long vẫn là Rồng bay lên trên bầu trời mới! Ngàn năm Thăng Long, ngàn năm văn hiến! Lời ru đã trở thành "lời bao la" giữa đất trời! "Ngàn năm ru mãi những lời bao la" – Câu thơ đã làm sáng lên, làm rộng ra cả non sông gấm vóc, thẳm sâu hơn những tâm hồn Hà Nội, tâm hồn Việt Nam! Bài ca dao về cảnh hồ Tây đẹp như một bức tranh với giai điệu mượt mà đằm thắm đã mang lời ru đến và vang mãi trong ta: "Gió đưa cành trúc la đà...". Nhịp sống đang lên, bình minh tỏa rạng sáng ngời đất nước. Bài thơ kết thúc bằng câu thơ 6 tiếng gợi mãi dư âm: "À ơi, nghe tiếng mẹ ru...". Sẽ không bao giờ vắng tiếng hát ru của mẹ trên đất nước này! Bởi đó là tình mẹ! Bởi đó là tình quê, tình yêu một nền văn hiến! Và bởi đó là tình yêu Tổ quốc! Lời ru của mẹ đã trở thành lời ru của đất nước vang vọng muôn đời. Nhan đề bài thơ "Ru mãi ngàn năm" đã thể hiện đầy đủ và sâu sắc những ý nghĩa đó.
Trong một bài lục bát mang âm hưởng lời ru, với nhiều câu ca dao, truyện cổ của đất Hà thành, nhà thơ đã làm hiện lên một Thăng Long sống động với lịch sử ngàn năm hào hùng và bi tráng. Điều đó chứng tỏ tác giả dã dày công nghiên cứu về Hà Nội, để đưa vào thơ từng ngọn núi, con sông một cách khéo léo và nhuần nhị. Nếu không tha thiết yêu và tự hào về đất nước, về Thủ đô, thì làm sao nhà thơ có thể làm như vậy! Cảm hứng lịch sử và tính trữ tình trong bài thơ đã cho ta nhận thấy, giữa dân tộc và cá nhân người nghệ sĩ lúc này đã hòa đồng trong nhau, để bản thân người nghệ sĩ bỗng trở thành một tế bào của đất nước. Bài thơ "Ru mãi ngàn năm" đã mang lại cho người đọc niềm đồng cảm sâu sắc, để từ đó có ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trước đất nước hôm nay.
TP Hải Dương, 13/6/2011
Quỳnh Trâm