Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÁM ẢNH TÌNH MẸ _ TÌNH QUÊ

Trần Trung
Thứ sáu ngày 17 tháng 6 năm 2011 6:33 AM

tặng Đào Thắng

cánh đồng đỡ vào lòng người con gái
                 tám mươi tư tuổi của mình
giữa một đàn cháu con đưa tiễn
người con trai dứt ruột
bơ phờ như đứng giữa một cơn bão
nhưng bao nhiêu cây cau vườn rau
                thửa ruộng vàng chân rạ
hướng mặt về mùa xuân sắp tới
chở che anh
hơi hập hững bước chân trở về nhà
ngọn khói là là
từ những nhà ai
nhẹ xòa vào vai anh an ủi
ôi Người mẹ lớn lao cánh đồng
---Trúc Thông---

ÁM ẢNH TÌNH MẸ _ TÌNH QUÊ
Lời bình của Trần Trung

Nhà thơ Trúc Thông đột mở ra một câu thơ lạ mà logic thông thường không thể cắt nghĩa theo lối tường minh:
“cánh đồng đỡ vào lòng người con gái
                 tám mươi tư tuổi của mình”.
Đấy là câu thơ khơi mở trong bài thơ “quê nhà” của anh ( Trúc Thông – “Vừa đi vừa ở” – NXB Hội nhà văn 9/2005)
Diễn tả nỗi buồn đau mất mát mà Trúc Thông buông ra lời thơ đầy hình ảnh. Dịu dàng và thiêng liêng. Mà cũng ân tình quá đỗi!
Từ hình ảnh “cánh đồng đỡ vào lòng” dịu dàng, yên ả là thế, nhà thơ mở tiếp những câu thơ trong thế tương phản – những câu thơ hướng về những người thân còn đang hiện hữu ở cõi thế. Có “một cơn bão” thầm lặng mà dữ dội:
“…một đàn cháu con đưa tiễn
người con trai dứt ruột
bơ phờ như đứng giữa một cơn bão”.
Từ những lời thơ chất chứa cả ngoại cảnh và tâm trạng, nhà thơ như cảm nhận được biết bao nhiêu là ân tình. “Quê nhà” sao mà rất đỗi bao dung “chở che” cho “người con trai dứt ruột” – cũng là chở che cho bao người thân yêu nơi quê nhà.
Trúc Thông huy động sự đông đúc, phong phú trong một trường cảm, trường nghĩa để diễn tả thật xúc động  Cái – Tình – Quê – Nhà. Đó là những hình ảnh của sự sống thôn hương với “cây cau vườn rau”; này là “ruộng vàng, chân rạ”; Và, này nữa – hình ảnh của sự sống, sức sống sinh sôi của “mùa xuân sắp tới”…
Có một thứ logic riêng của tứ thơ Trúc Thông trong “quê nhà”. Ấy là sự dịch chuyển của không gian trong ngày đưa tiễn Người Mẹ - Quê nhà. Thế nên, từ không gian “cánh đồng” phóng khoáng và nhân hậu, nhà thơ chuyển về một không gian hẹp mà ấm cúng đưa những “bước chân trở về nhà”.
Nhà thơ tựa vào cái thực của cảnh sự để rồi tiếp tục neo đậu vào cái tình. Hóa ra, trong cuộc phân li âm – dương cách trở vẫn ám ảnh cái tình không dễ gì cách chia. Mượn hình ảnh ảo huyền từ “ngọn khói là là” cùng động thái dịu nhẹ “xòa vào vai” nhà thơ đa cảm giàu tưởng tượng đã tạo nên sự nhập hòa của hai cõi âm – dương:
“ngọn khói là là
từ những nhà ai
nhẹ xòa vào vai anh an ủi”
Đến đây, có thể đi tới một khẳng định: xúc cảm tâm tư của thi nhân đã quyện hòa đặc sánh cùng chất triết luận – ân tình. Chất triết luận được chắt ra từ chính trái tim con người – trái tim thi sĩ.
Trúc Thông hạ bút bởi một câu thơ cuối bài – cũng là một khổ thơ riêng – khổ kết của “quê nhà”:
“ôi Người mẹ lớn lao cánh đồng”
Một câu thơ cảm thán mà tỏa rộng. Mà thấm sâu những gì là căn cốt, gốc rễ của Tình – Quê – Nhà. Tình mẹ, tình quê nhập lại. Ám ảnh thật khó quên!
Từ bài thơ lục bát “Bờ sông vẫn gió” trong tập “Chầm chậm tới mình” đến bài thơ “quê nhà” trong tập thơ mới đây của anh, giúp ta cảm nhận và ngẫm ra một niềm thủy chung – nhất quán trong thơ Trúc Thông: Ấy là cái tình Quê – Mẹ.
    Hà Nội 14/06/2011.