Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"AI ĐÃ TỪNG DẠY TÔI THÌ GIƠ TAY"

Đinh Quang Tỉnh Tổng hợp
Thứ sáu ngày 17 tháng 6 năm 2011 6:21 AM
 

- Thú thật, khi được nghe câu chuyện này tôi không tin. Nhưng người kể lại là một người có thật, một thầy giáo ở một trường ĐH có thật, kể về một cuộc gặp gỡ có thật, và người nói câu mệnh lệnh trên cũng có thật một trăm phần trăm!
Bây giờ tôi viết lại câu chuyện này, ai “tin thì tin, không tin thì thôi” (câu trong ngoặc kép là thơ của Nguyễn Trọng Tạo).
Chuyện là có một người đã học và đã tốt nghiệp ở một trường ĐH vào loại có tiếng ở nước ta. Sau khi ra trường mấy năm, không hiểu trời xui đất khiến hay tổ tiên phù hộ độ trì gì đó mà anh ta được “bắn” sang một nước nào đấy sinh sống và làm ăn. Rồi nghe nói anh ta dần dần “nổi tiếng” trở thành một đấng trượng phu…
Rồi anh ta muốn về nước chơi, thăm thú quê hương, mong góp sức mình cho đất nước trong thời kì đổi mới. Anh trở về ngôi trường xưa, muốn có một cuộc giao lưu với thầy cô giáo và bạn bè cũ.
Cuộc họp cũng không ít người, các bạn trẻ đến vì tò mò, các thầy giáo già đến vì muốn xem mặt học trò cũ mà trước đây mình không chú ý nên không nhớ ra.
Sau vài câu xã giao thường lệ, con người thành đạt ấy dừng một lúc để mọi người tập trung chú ý và nói: “Ai đã từng dạy tôi thì giơ tay!”.
Phòng họp đột nhiên im lặng như tờ, và không một cánh tay nào giơ lên…Rồi có tiếng động di chuyển bàn ghế và… các thầy giáo lần lượt im lặng ra về.
Chuyện kể đã xong, bây giờ xin cho phép tôi nhớ lại chuyện cũ hồi đi học. Có một bài học trong sách giáo khoa tiểu học mà tôi không thể nào quên. Bài học nhan đề: “Thưa thầy, con là Các-nô đây”. Bài học chỉ hơn nửa trang giấy cùng với một bức ảnh (hay bức vẽ, tôi không phân biệt được vì còn nhỏ).
Trong bức ảnh có một thầy giáo già đang ngồi sau chiếc bàn, trước mặt là học trò, cửa ra vào mở rộng và trong khung cửa là hình một người đàn ông chững chạc có râu mép quăn, đi ủng cao đến đầu gối. Tay phải ông ta ấp lên ngực trái chỗ con tim, đầu cúi thấp và miệng ông dường như đang nói: “Thưa thầy, con là Các-nô đây”.
Cho đến nay tôi cũng không biết Các-nô là ai, chỉ biết rằng ông ta là một quan to, trở về quê hương, muốn đến thăm thầy giáo cũ và lớp học cũ của mình, và bài học trong sách giáo khoa nói về cái phút giây gặp gỡ ấy.
Tôi còn nhớ người thầy tên là thầy Thái đã dạy tôi bài học ấy ở ngôi trường làng. Thầy thường đánh vào mông tôi mỗi khi tôi viết sai chính tả hoặc làm ồn trong lớp. Thầy thường quát: “Lại thằng Cương phải không? Làm ồn vừa chứ, muốn đét vào đít hả ?”.
Học xong bài học ấy tôi cứ mong ước một ngày nào đó, khi đã trưởng thành, tôi sẽ quay về đúng lớp học này, mở cửa bước vào, không chỉ cúi đầu như Các-nô, mà tôi sẽ quỳ xuống trước mặt thầy và nói: “Thưa thầy, con là …thằng Cương đây”.
Nhưng tôi đã không làm được điều đó. Hỡi ôi! Thầy tôi đã mất trước khi tôi kịp nên người…
Văn Như Cương
Sau khi Trang Bee.net.vn đăng bài báo: Ai đã từng dạy tôi thì giơ tay!, đã có nhiều bạn đọc gửi thư đến TS chia sẻ và đồng cảm với nội dung bài viết rất sâu sắc và ấn tượng của Giáo sư toán học Văn như Cương. Chúng tôi xin giới thiệu một trong những ý kiến đó là bức thư của Kỹ sư Nguyễn An Kiều - Con thứ của cố Danh họa Nam Sơn. Ông là người có nhiều tâm huyết với Văn hoc - Nghệ thuật và trân trọng đối với các VNS. Bài viết do ông Nguyễn An Kiều trực tiếp gửi cho batinh.com. (Nhan đề do chúng tôi đặt)
Ngày xưa , ở Hà Nội
con đường ấy mang tên Đại lộ Carnot
Kính gửi: Ông Nguyễn Minh Quang Tổng Biên Tập Trang Bee.net.vn
Trang Bee.net.vn vẫn có nhiều bài về tri thức, lịch sử , đạo lý dân tộc rất đặc sắc, mà ít trang có được! Đó là những kiến thức rất cần thiết cho các học sinh, sinh viên... và cả cho nhiều người đang làm việc! Xin cảm ơn ông và Ban Biên tập ! Đây không chỉ là ý kiến của riêng chúng tôi, mà còn là ý kiến của nhiều bạn bè chúng tôi ở Việt Nam và các nước!
Chúng tôi xin được nêu vài ý kiến cùng Giáo sư Văn Như Cương, một nhà giáo rất có uy tín trong học giới, mà chúng tôi đã được biết qua họa sĩ Đinh Quang Tỉnh!
Thưa ông Giáo sư Văn Như Cương, Xin cảm ơn ông đã có bài viết rất hay và đầy ý nghĩa về việc Tôn sư trọng Đạo muôn đời của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã có hàng ngàn năm văn hiến, có Văn Miếu Quốc tử Giám từ 10 thế kỷ nay, khi nhiều vua chúa một số nước ở xa còn... chưa biết chữ! Cũng như ông, chúng tôi, những người ở tuổi thất thập cổ lai hy và cả tuổi Bát tuần đại khánh ..., đều rất nhớ bài viết về ông Đại tướng Carnot của Pháp, mà ngày xưa, ở Hà Nội thời Pháp thuộc, đường Phan đình Phùng ngày nay, đã có tên Đại lộ Carnot …
Ngay gần đây, ông bạn tôi, Phó Giáo sư Ngô Đức Thọ, chuyên viên Hán Nôm, người cháu nội của cụ Nghè Ngô Đức Kế, cũng nói chuyện với chúng tôi về bài viết đó trong cuốn sách Quốc văn Luân lý giáo khoa thư ngày xa xưa, mà hầu như những người cao tuổi ở Việt Nam đều đã học và nhớ mãi những bài dạy luân lý ,đạo đức rất đơn giản nhưng thấm rất sâu vào lòng người học sinh, không bao giờ quên! Ông Cương có nói tới hình ảnh minh họa trong bài viết đó mà ông không nhớ là ảnh hay hình vẽ vì đã học quá lâu!
Tôi xin được nói rõ: đó là một hình minh họa vẽ ông Carnot chào thày giáo (không phải ảnh). Và người vẽ hình minh họa đó chính là họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ (1890-1973), chuyên minh họa cho các sách giáo khoa hồi đó và về sau là giáo sư Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945), giáo sư người Việt đầu tiên của Hệ Đại học Đông Dương với chức danh Giáo sư thượng hạng, hạng nhất, được ghi trong Quyết định của Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 1/12/1945 do Bộ Trưởng Vũ đình Hòe ký! Ông đã tu nghiệp hội họa ở Paris và cũng là họa sĩ Việt Nam đầu tiên có tác phẩm hội họa được Nhà nước Pháp mua để đưa vào Bảo tàng Quốc gia Pháp năm 1930 và đã được Huy chương Bạc (Médaille dArgent) của triển lãm. Salon de Paris năm 1932 với tác phẩm sơn dầu Chân dung Mẹ tôi (Gia từ cận tượng), Huy chương Hội họa cao nhất mà họa sĩ Việt Nam đạt được ở Paris. Sau này, vài năm gần đây,khi Nhà Xuất bản Trẻ tái bản sách Quốc văn Luân lý giáo khoa thư, chữ ký của họa sĩ Nam Sơn trong các hình minh họa đó lại bị...xóa đi, không rõ tại sao ?
Tấm gương tôn sư trọng đạo ở nước ta vẫn có từ ngàn đời xưa! Và ngay những vị thi đỗ Tiến sĩ thời xưa, những ông Nghè được trọng vọng, khi trở vệ làng vinh quy bái tổ, cũng phải tới nhà người thầy đầu tiên của mình để tạ ơn Thày đã khai tâm, dạy dỗ cho mình nên người, đã thành đạt, cho dù ông Thày xưa vẫn chỉ là một nhà nho nghèo! Và không anh học trò nào dám tỏ ra hỗn láo với Thày cũng như Cha Mẹ, vì lập tức, sẽ bị bạn bè, xã hội khinh bỉ ngay và phải bỏ làng đi sống nơi khác!
Đó cũng là ý nghĩa câu Tiên học Lễ, hậu học văn! từ xưa mà hình như về sau, đã có thời gian... không được chú ý lắm, nên mới có chuyện cái anh học trò hỗn láo kia dám đòi các Thày giáo của mình phải giơ tay !
Tiên đây, tôi cũng xin được nêu 1 chuyện thật kinh hãi về loại học trò ăn cháo đá bát đó! Cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi đã được nghe nhà thơ Lan Sơn, Nguyễn Đức Phong, kể: trong kháng chiến chống Pháp, ông có dạy học. Sau đó nhiều năm, có lần 1 anh chàng gập ông cùng nhiều người đang nói chuyện, và đến gần ông hỏi (xin lỗi, tôi xin được kể nguyên văn): Này! hình như ngày xưa mày dạy tao phải không?. Thật là một việc hỗn láo quá mức, và nhà thơ Lan Sơn đã lạnh lùng trả lời: Hình như anh đã nhầm! Tôi không bao giờ có loại học trò như anh!
Tât nhiên, đó chỉ là những loại học trò vô giáo dục, làm ngành giáo dục phải xấu hổ! Xã hội thời nào cũng có những kẻ như con sâu làm rầu nồi canh! Các em học sinh, sinh viên Việt Nam thời nay lễ phép hơn nhiều! Và nhiều em học sinh đã thật may mắn khi có người Thày đạo đức như giáo sư Văn như Cương! Tôi cũng đã từng dạy học, nhưng may mắn hơn, không gặp loại học trò vô liêm sỉ đó!
Xin chúc ông giáo sư Văn như Cương mạnh khỏe, đào tạo được nhiều học sinh tài đức và mong được gặp lại ông qua Email của tôi: ankieunguyen@hotmail.com
Nguyễn An Kiều
Đinh Quang Tỉnh Tổng hợp
theo nguồn Bee.net.vn & Nguyễn An Kiều
(*) GS. Văn Như Cương
Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh