Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤY CHUYỆN NHỎ VỀ LƯU TRỌNG LƯ

Hoàng Tuyên
Thứ tư ngày 15 tháng 6 năm 2011 4:46 PM
LƯNG ƠI! HÃY QUAY MẶT LẠI ĐÂY NÀO

Tác giả bài Tiếng thu bất hủ, thi sĩ Lưu Trọng Lư là một người rất được đông đảo bạn đọc mến mộ. Nhiều người ao ước được gặp mặt ông. Coi ông như người trong mộng, nhiều phụ nữ thêu dệt hình ảnh ông thành một chàng thư sinh nho nhã, một trang công tử tươi trẻ  hào hoa, ngày ngày chỉ biết vui thú với bầu rượu túi thơ.
Có một độc giả như thế một lần đã được gặp ông. Hơn nữa lại trên cùng một chuyến ô tô với ông. Vậy mà tiếc thay, lẽ ra phải lấy làm cảm động và vinh hạnh lắm  thì nữ độc giả nọ lại buồn thiu vì thất vọng và tiếc nuối.
Than ôi! Tuổi tác đã chẳng thương chàng thi sĩ! Giờ đây, tuổi đã cao, tóc đã rụng, đầu đã hói, thi sĩ trong mộng của nữ độc giả lúc này hiện thân chỉ là ông già cao niên vóc hạc mình gầy, vầng trán cao đã hằn rõ nếp nhăn vì sức nặng của thời gian.
Trên chiếc xe ô tô nhỏ, cùng băng ghế ngồi, nhưng có lẽ là e sợ hình ảnh thực tế lúc này của thi sĩ sẽ làm vỡ giấc mộng về chàng, nên nữ độc giả nọ luôn trong tư thế quay lưng lại và …im lặng.
Tư thế nọ của nữ độc giả hiển nhiên là gây phản cảm cho chàng thi sĩ vốn giàu tình cảm. Thế là chàng liền cất tiếng. Chàng khe khẽ gọi :
- Này , Lưng ơi! Lưng hãy quay mặt lại đây để cùng ta trò chuyện nào!
Lời thi sĩ lập tức có hiệu nghiệm. Tấm lưng nọ đã chuyển đổi tư thế; và nữ độc giả giầu trí tưởng tượng bỗng nhiên nhoẻn miệng cười, vì đã bắt gặp một gương mặt thi nhân vô cùng dịu dàng, thân thiết và hóm hỉnh./.
 
THI SĨ ĐÃNG TRÍ

Lưu Trọng Lư, thi sĩ tác giả bài thơ Tiếng thu giầu âm điệu và hình ảnh bất hủ, là một người nổi tiếng đãng trí.
Đưa con đi khám bệnh, bác sĩ hỏi ông : Tên cháu là gì đó, anh? Ông liền quay lại , nhìn con, điềm tĩnh hất hàm hỏi : Mi tên chi đó, con?
Đảm nhiệm chức trách Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu, đêm đêm Lưu Trọng Lư thường hay tới các nhà hát để xem các vở diễn của các đoàn nghệ thuật. Nhiều buổi ông dẫn con đi theo.
Khổ nỗi, cha con chênh lệch, đâu có phải lúc nào cũng chung một mối tâm đồng. Thế là, nhiều lúc, trong khi ông bố đang say sưa theo dõi các miếng mảng đặc sắc trên sân khấu, thì cậu con ngáp ngắn ngáp dài và cuối cùng đành giải cơn buồn ngủ bằng cách chui xuống gầm ghế trước, đánh một giấc khò.
Buổi diễn tan. Ra về, gặp bạn, bạn hỏi : Ủa , hồi này sấp nhỏ ra sao? Thi sĩ mới chợt nhớ, vội vàng quay trở lại Nhà hát.
May, cậu con vẫn còn đó và đang còn trong giấc nồng./.
   
HOÀNG TUYÊN
Hội Nhà văn Việt Nam
9 Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội