Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRAO ĐỔI LẦN ĐẦU VÀ LÀ LẦN CUỐI VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO

Nguyễn Trọng Bình
Thứ năm ngày 10 tháng 3 năm 2011 9:04 AM

Kính thưa nhà phê bình Trần Mạnh Hảo, sau khi đọc bài viết “Ông Nguyễn Trọng Bình “bỏ bóng đá người” của nhà phê bình Trần Mạnh Hảo trên trannhuong.com, tôi người viết bài “Về một phương pháp phê bình… dị hợm của ông trần mạnh hảo khi phê bình truyện ngắn Dị hương”, xin có đôi lời thưa lại với nhà phê bình Trần Mạnh Hảo như sau: 

Thứ nhất, qua trang trannhuong.com, với tinh thần cầu thị, tôi xin chân thành gửi lời xin lỗi đến nhà phê bình Trần Mạnh Hảo khi đã về cách dùng từ “dị hợm” của mình trong bài viết mà ông Hảo đã lên tiếng phản hồi. Nhân đây, tôi mong chủ nhân của trang trannhuong.com gỡ bỏ giúp tôi những chữ “dị hợm”có trong bài viết trên. Xin được đổi lại là: Về một phương pháp phê bình của ông Trần Mạnh Hảo khi phê bình truyện ngắn Dị hương” thay vì trước đây là “Về một phương pháp phê bình… dị hợm của ông Trần Mạnh Hảo khi phê bình truyện ngắn Dị hương”.

Thứ hai, trong bài viết “Ông Nguyễn Trọng Bình “bỏ bóng đá người” của nhà phê bình Trần Mạnh Hảo có đoạn:

“Khi ông Bình cho chúng tôi có cách phê bình dị hợm, nghĩa là cách viết quái gở và đáng chê cười, tức là ông Bình đã nói xỏ, đã ngầm chê Hội Nhà văn Việt Nam ( HNVVN) cũng một cốt một đồng với Trần Mạnh Hảo, nghĩa là cũng dị hợm, cũng quái gở và đáng chê cười”

Hay ở một đoạn khác là:

“Như thế này, khác nào ông Bình đang xỏ xiên kết án các nhà văn trên cũng chỉ là loại dị hợm, quái gở và đáng chê cười hay sao?”

Xin cho phép tôi được nói rõ lại là: những điều trên hoàn toàn do nhà phê bình Trần Mạnh Hảo bằng trí tưởng tượng cực kì tưởng phong phú của mình và việc áp dụng một cách triệt để phương pháp “bắc cầu” nên tự suy diễn ra như thế. Trong bài viết của mình, tôi hoàn toàn không có ý “xỏ xiên”, “ngầm chê” hay “kết án” Hội nhà văn Việt Nam hay bất kỳ các nhà văn nào như ông Hảo nói. Cái này là do ông Hảo tự “kết án” và “bỏ bóng” để đá không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều người khác đó thôi.

Thứ ba, xin cảm ơn nhà phê bình Trần Mạnh Hảo đã trích dẫn và liệt kê ra rất nhiều những đánh giá và nhận xét của các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình… đã khen nhà phê bình Trần Mạnh Hảo cho chúng tôi tham khảo. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ phê bình văn học cũng là khoa học, mà đã là khoa học thì cũng nên rõ ràng, trung thực và sòng phẳng; vì thế tôi có thắc mắc là tại sao nhà phê bình Trần Mạnh Hảo không trích dẫn và liệt kê ra ý kiến của những nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà phê bình… khác đã có lời “phản biện” (tôi xin không sử dụng từ “chê”) lại nhà phê bình Trần Mạnh Hảo để tôi và bạn đọc có thể có cái nhìn “toàn diện” hơn về nhà phê bình Trần Mạnh Hảo?

Thứ tư, trong bài viết của mình nhà phê bình Trần Mạnh Hảo có nhắc đến một chi tiết là ông được Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng phê bình văn học cho tập thơ phê bình “Thơ phản thơ” của ông. Ông viết như sau:

“Vì rằng HNVVN năm 1996 đã trao cho chúng tôi giải thưởng tập phê bình “Thơ phản thơ” do NXB Văn học ấn hành năm 1995.”

Kính thưa, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo, tôi cũng may mắn đã biết được sự tôn vinh ấy của Hội nhà văn Việt Nam dành cho ông; một lần nữa xin được chúc mừng ông nhân dịp ông nhắc lại “kỷ niệm” đẹp trên. Và cũng nhân dịp này xin “thỉnh giáo” ông một vấn đề, sở dĩ tên tuổi nhà phê bình Trần Mạnh Hảo trở nên “lẫy lừng” như hiện nay là có công lao rất lớn của Hội nhà văn Việt Nam. Thế nhưng, không hiểu tại sao bây giờ ông Trần Mạnh Hảo nỡ lòng nào “xuống tay” một cách “không thương tiếc” đối với rất nhiều người trong Hội nhà văn Việt Nam đến như vậy? Vì sao vậy ông? Sao ông nỡ lòng nào vung thanh kiếm phê bình rất sắc của mình để “chém” Dị hương rồi như thể thấy chưa thỏa ông lại không ngần ngại vung tay “chém’ tiếp luôn cả một hội đồng trao giải của Hội nhà văn, chém luôn cả chủ tịch Hội nhà văn? Xin được phép dẫn lại những ý kiến mà ông xem là cùng quan điểm với mình mà ông đã nhọc công tìm kiếm trên mạng internet về để ông thấy tài “múa kiếm, chém người” của ông nhé:

 

“Chúng tôi xin trích 4 ý kiến phản hồi trong bài “ Dị hương- sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế ?” của chúng tôi in trên http://nguyentrongtao.org để ông Nguyễn Trọng Bình tham khảo :
4 Responses to “Phê bình truyện “Dị hương” (bài 1)”
1. 
Hà văn Nhân 08/02/2011
Được biết: “Dị hương” được trao giải là do 1 “hội đồng” ” bỏ phiếu” do ông HT là chủ tịch? “Dị hương” có chủ đề: Nói xấu, bôi nhọ, viết sai sự thật về vua Gia Long là đúng ý “Hội đồng” rồi !! được giải là đương nhiên !!
2. 
nguyen thanh cong 09/02/2011
Bài của nhà văn Trần Mạnh Hảo , theo Tôi , là 1 cái TÁT TAI TÓE ĐOM ĐÓM đích đáng và chính xác đến ” hội đồng bỏ phiếu ” bình chọn Dị Hương !
3. 
Bao Quoc 18/02/2011
Ngoai ra theo wikipedia thi :
“Gia Long còn là vị vua đã chính thức xác định chủ quyền của Việt Nam trên khu vực quần đảo Hoàng Sa khi ông chiếm đóng quần đảo này năm 1816″
Hy vọng ,ai “chi dao” “Dị huong” doat giai,khong lien quan den chuyen nay.
4. 
Hoa Mai 23/02/2011
SNM không đáng trách nhiều, vì ông muốn viết gì muốn chửi ai …là quyền của ông . Nhưng cái hội đồng chấm giải mới là đáng sợ. Thế mà cũng thản nhiên ghế trên ngồi tót mười mấy người (tất nhiên là không phải tất cả) để mà chẹn họng, bịt hầu, ra oai khẩu hiệu, lập lờ gian lận.. …
Ôi , những ai còn ham viết ..Viết làm gì nữa cho mất công ?
http://nguyentrongtao.org/2011/02/08/phe-binh-truy%E1%BB%87n-d%E1%BB%8B-h%C6%B0%C6%A1ng-bai-1/

Chúng tôi xin trích ý kiến của tác giả Phùng Tường Vân in trên http://trannhuong.com  :

“Những Nguyễn Quang Thân, Sương Nguyệt Minh (Dị Hương)... tôi lờ mờ nhận ra họ cũng muốn mượn một cách muộn màng con đường ấy, lại thiếu hẳn sự sắc bén, cái ậm ọe quyền hạn trên ngôn ngữ (nói như “thánh thán”) của một Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn, nên rõ ràng là họ đẻ ra những quái thai văn học như Hội Thề, Dị Hương... đó thôi.”

http://trannhuong.com/news_detail/8292/M%E1%BB%98T-KI%E1%BA%BEN-GI%E1%BA%A2I-%E2%80%9CS%C3%81T-M%E1%BA%B6T-%C4%90%E1%BA%A4T%E2%80%9D-CHO-HI%E1%BB%86N-T%C6%AF%E1%BB%A2NG-%E2%80%9C-D%E1%BB%8A-H%C6%AF%C6%A0NG%E2%80%9D-%E2%80%9CH%E1%BB%98I-TH%E1%BB%80

Cách đây mấy ngày, một ông bạn vong niên đã vào tuổi U80 gọi điện thoại cho chúng tôi rằng : “ Ông Hảo có biết vì sao truyện ngắn “Dị hương” và tiểu thuyết “Hội thề” viết ra cốt để nói xấu, bôi nhọ vua Gia Long và vua Lê Lợi lại được giải thưởng cao nhất của HNVVN không ? Tôi thưa : không biết ! Bạn vong niên lại bảo : đó là kế hoạch “giải thiêng các nhân vật lịch sử”, bắt đầu từ hai ông vua này, sẽ có nhiều Sương Nguyệt Minh, nhiều Nguyễn Quang Thân tiếp tục phương pháp giễu nhại, phương pháp giải thiêng, phương pháp đánh bùn sang ao để viết tiếp về các nhân vật lịch sử khác : Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hàm Nghi, Duy Tân, Thành Thái, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng…Đến khi nào HNVVN tiểu thuyết hóa, truyện ngắn hóa hết các nhân vật lịch sử nổi tiếng từ năm 1945 đến 1975 thì chiến dịch “giải thiêng” mới kết thúc. Bạn vong niên nhấn mạnh : Hảo là người mê dân chủ, tự do mà rốt cục bảo hoàng hơn vua, không đổi mới bằng tư duy của HNVVN đâu. Hữu Thỉnh là cứ thâm nhất nước. Thôi kệ họ diễn biến, đừng phê bình phê bèo nữa, chờ dăm năm bài toán này sẽ có đáp số, Hảo sẽ thấy mình sai…”

Tôi kinh ngạc, tự hỏi mình : chẳng lẽ HNVVN thâm thúy và đổi mới toàn diện đến như thế này ư ? Chả lẽ chuyện văn học hóa lịch sử, thô bỉ hóa các nhân vật lịch sử có công với đất nước như thế này, nhằm hoàn tất sứ mạng văn học là “giải thiêng”, giải thể các thần tượng, giũ bỏ mọi hào quang của các nhân vật anh hùng hay sao? [1]

Tại sao ông hành xử như thế hả ông Trần Mạnh Hảo? Hay là vì trước đây Hội nhà văn Việt Nam thấy ông rất xứng đáng với tập “Thơ phản thơ” nên đã trao giải cho ông; còn về sau này dù ông Hảo cũng viết hàng trăm bài phê bình khác nhưng có lẽ vì không thấy xứng đáng như lần trước nữa nên Hội nhà văn đã không trao giải cho ông nữa? Phải chăng vì thế mà ông ấm ức, ông quay lại “chém” Hội Nhà văn, chém tổ chức và những người mà trước đó đã trao giải và tôn vinh ông, đã giúp cho tên tuổi của ông nổi đình nổi đám như hiện nay? Với tinh thần phục thiện và cầu thị, tôi đã xin lỗi ông về cách dùng từ “dị hợm” của mình đối với ông rồi. Vậy, tôi mong nếu có được tinh thần trên, ông Hảo hãy lên tiếng xin lỗi những người trong Hội nhà văn và và nhất là người đứng đầu tổ chức này mà ông đã vô cớ xúc phạm họ có được không? Và nếu được, xin ông có thể về lục lại quyển “Văn học - phê bình, nhận diện” hay còn có tên gọi khác là “Hầu chuyện các giáo sư” (Nhà xuất bản văn học, 1999) của ông để xem lại và tiện đó cũng nên lên tiếng xin lỗi đến những nhà giáo, những giáo sư mà ông đã rất nhiều lần xúc phạm họ trong sách ấy được không? Những giáo sư mà ông gọi là “hầu chuyện” trong thời điểm ấy theo tôi được biết cũng là những nhà giáo, nhà nghiên cứu dù sao họ cũng có công lao rất lớn đối với nền giáo dục và học thuật nước nhà nói chung; và ở thời điểm ấy họ cũng là thuộc vào hàng “trưởng bối” của ông. Tôi nghĩ, một lời xin lỗi dù có muộn màng nhưng mà vẫn đáng quý hơn là không biết xin lỗi phải không ông?

Cuối cùng, xin phép một lần sau cùng nói rõ lại với ông Trần Mạnh Hảo là trong bài viết Về một phương pháp phê bình của ông Trần Mạnh Hảo khi phê bình truyện ngắn Dị hương” của tôi, tôi hoàn toàn chỉ nói về “phương pháp” phê bình của ông Trần Mạnh Hảo khi ông phê bình truyện ngắn Dị hương chứ không hề nói đến bất kì một ai khác và cũng không có dòng nào, câu nào khẳng định là tôi khen Dị hương “hay” như ông đã nói:

“…nên chuyện “Dị hương” ông cho hay, tôi cho dở, đường ai nấy đi, cần chi phải mất công trao đổi?”[2]

    Chỗ này ông Trần Mạnh Hảo một lần nữa không đúng nữa rồi đó. Tuy nhiên, cũng xin được thưa với ông, vốn là người không thích tranh cãi vụn vặt, tôi xin được phép kể từ sau bài viết này chấm dứt mọi chuyện tranh cãi qua lại với ông. Xin cảm ơn ông Hảo và mong ông giữ đúng lời ông đã hứa chúng ta “đường ai nấy đi, cần chi phải mất công trao đổi”. Thú thật với ông, từ việc phê bình truyện ngắn Dị hương mà để “dây cà dây muống” hết sức “vớ vẩn” như thế này tôi cảm thấy tiếc và xấu hỗ cho bản thân và văn cho cái văn hóa phê bình của nhiều người ở nước ta hiện nay lắm. Thiên hạ nhìn vào họ sẽ cười cho, người ta thấy hết đó ông ạ! Không biết ông Hảo có cảm thấy xấu hỗ như tôi không? Nếu có thì xin ông, chúng ta cứ thống nhất như những điều ông đã hứa, còn nếu như không có thì cũng xin ông làm đúng những gì ông đã đề nghị là: tôi và ông “đường ai nấy đi”. Xin phép được kết thúc mọi chuyện với ông tại đây! Kính chúc nhà phê bình Trần Mạnh Hảo nhiều sức khỏe và tiếp tục sáng tác… thơ hay!

Cần Thơ, 7/3/2010

Nguyễn Trọng Bình

                                                                    ----------------------

Ghi chú: [1], [2]: Văn và những trích dẫn cùng quan điểm với ông Hảo được chúng tôi dẫn lại từ bài viết của chính ông Hảo.