Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP TRUYỆN NGẮN “DỊ HƯƠNG”

Vũ Quốc Tuý
Thứ hai ngày 7 tháng 3 năm 2011 7:57 PM

Thấy dư luận bàn tán xôn xao, tranh cãi nhặng xị, tôi cũng nháo nhào cắm đầu cắm cổ đọc “Dị hương”, rồi cũng muốn xả xì-trét bằng một vài cảm nhận, rất chủ quan,  mong các nhà chuyên môn lượng thứ cho, kẻo mang tiếng  “ múa rìu qua mắt thợ” hay adua, thưa thốt bừa, chẳng “dựa cột mà nghe”
Theo tôi, truyện “Dị hương” được chọn làm tên sách chưa hẳn vì truyện ngắn này nổi trội hơn các truyện ngắn khác trong tập. Thiển nghĩ, có mấy truyện ngắn trong tập sách này đúng là một thứ dị hương.Tôi đã từng đọc “Mùa trâu ăn sương”, “Chuyến đi săn cuối cùng”, “Ánh trăng trong lò mổ” trên báo Lao động cuối tuần cách đây hàng năm. Không thể quên được. Nó ám ảnh, nó gợi cảm…mang lại cảm xúc thẩm mĩ thật sự.
Có thể nói, ở những truyện ngắn như DỊ HƯƠNG, ĐÊM MÙA HẠ TUYẾT RƠI, ĐỒI CON GÁI, tác giả đã có một bước ngoặt trong sáng tác. Những câu chuyện hư ảo liêu trai nhuốm màu huyền thoại đã đem tới bạn đọc những thông điệp, những cảm nhận mới mẻ. Nếu cứ đem phân tích mổ xẻ từng truyện một thì e dễ sa vào tình cảnh “thầy bói xem voi” . Những mảng tương phản , sáng tối, những nghịch lí đời thường trong mỗi câu chuyện đều toát lên số phận con người trong kiếp nhân sinh đầy rẫy những buồn vui, sướng khổ và bất trắc.
Nhiều đoạn văn mượt mà, giàu chất thơ, nhiều đoạn pha chút hài hước trào lộng đã đẩy cảm xúc chua xót  trong người đọc đến đỉnh điểm.
Riêng với truyện “Dị hương”, theo tôi, không nên có định kiến sáng tác văn học về đề tài nhân vật lịch sử phải “y xì nguyên bản”. Cái cần quan tâm ở đây có lẽ là VẤN ĐỀ tác giả nêu ra, chứ không phải là nội dung câu chuyện. Đọc truyện này, rõ ràng ta bắt gặp một câu chuyện huyền thoại, thêu dệt bằng sự hư cấu của nhà văn, chứ đâu phải câu chuyện về nhân vật lịch sử. Ai đã từng đọc “Chuyện cũ viết lại” của Lỗ Tấn chắc sẽ dễ thông cảm với người đưa ra nhận xét này.
Sau khi đọc nhiều bài nhận xét phê phán “Dị hương”, tôi bỗng giật mình khi đọc lại truyện “Mùa trâu ăn sương” thấy có đoạn “Xưa nay, mấy ông thi sĩ vẫn thường khen vống lên. Khen đã chết ai đâu. Khen thơ mình, khen thơ bạn bè. Người đẹp làm thơ càng được khen. Nghe các ông nhà thơ thì thân tàn ma dại »  .
Tôi lờ mờ hiểu .Té ra là như vậy!
7-3-2011
VQT