Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIÓ ĐI DƯỚI TRỜI

Phùng Văn Khai
Thứ ba ngày 8 tháng 3 năm 2011 4:00 PM

Bút ký
Chúng tôi ngồi với nhau, những người đàn ông Việt Nam và Ba Lan trong căn phòng ấm cúng. Đoàn nhà báo, nhà văn vượt hàng chục nghìn km, từ Việt Nam qua Nga rồi có mặt ở Ba Lan khi đêm vừa xuống, tuyết bắt đầu rơi. Những người bạn cũ và mới, có người đã đứng tuổi, có người đã ở sườn dốc bên kia, có người sinh sau cái mốc năm 1975. Mọi người trò chuyện với nhau thân tình, lịch lãm và giản dị. Chúng tôi như những ngọn gió từ nhiều phương đi ở dưới trời đến gặp nhau. Điều gì góp lên sự điềm tĩnh, tự tin, thịnh vượng và phát đạt của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó có ở Ba Lan? Chiến tranh đã lùi xa. Những vết thương đã không còn thôi thúc, dằn vặt nhiều nữa. Người ta đã có đủ thời gian để hiểu, rằng cuộc sống, rằng ở dưới trời thì làm những ngọn gió tự do và hồn hậu tại sao không là đích đến của con người. Các anh các chị là trí thức hoặc chỉ là những người lao động xuất khẩu sang các nước Đông Âu khi bức tường Berlin sụp đổ đã nghĩ gì? Khoảnh khắc ấy chắc chắn phải là một khoảnh khắc khốc liệt nhất của cuộc đời. Mỗi người sẽ đi về đâu? Cuộc sống sẽ tiếp diễn ra sao sau cái khoảnh khắc định mệnh ấy? Cái khoảnh khắc kể cả người thông minh và can đảm, hiểu biết và giàu tự tin nhất chắc cũng không khỏi lúng túng, thậm chí là mất cân bằng, có khi còn là mất niềm tin vào cái mình đã đi theo, đã lựa chọn, đã từng ăn sâu vào máu thịt.
Nhưng cuộc sống thì vẫn trôi đi không ngừng nghỉ.
Cuộc sống phía trước có những lý lẽ riêng thật không dễ gì dự đoán.
Mà con người luôn nằm trong cái cuộc sống phía trước ấy.
Với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, bây giờ mọi thứ đã khác trước nhiều. Thời gian cũng có lý lẽ riêng, và thực ra, hành trình tiến tới văn minh của loài người chưa bao giờ là bằng phẳng. Các anh chị trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan đang ngồi trước tôi đây, tự tin và chân tình như lúc này đây chắc chắn đã phải vượt qua không ít khó khăn, không phải không từng có những suy nghĩ, thậm chí hồ nghi, hoang mang, liệu rằng mình sẽ vượt qua nó như thế nào. Miếng cơm manh áo ngày mai sẽ ra sao? Trong công cuộc mưu sinh, ngay như mỗi miếng cơm ăn hằng ngày, nhiều khi cũng lớn lao lắm. Tôi vốn con nhà nông dân. Tuổi thơ tôi là đói kém, đói lắm. Nông dân những năm tám mươi làm ra hạt thóc mà có mấy khi được nhìn thấy hạt gạo, chỉ củ khoai củ sắn, rau ríu qua ngày. Đã có một thời, ngay cả những nhu cầu tối thiểu của con người, chúng ta cũng luôn phải tìm mọi cách để ngăn lại, nói gì đến đi đây đi đó, càng không thể mơ một ngày mình lại có mặt ở trời Tây trời Âu. Ngay như bản thân tôi, đúng là may mắn mới được làm ngọn gió đi dưới bầu trời này, trong hôm nay, yên bình, hân hoan giữa vòng tay các anh các chị, cũng yên bình và giản dị như những ngọn gió trời.
Buổi gặp đầu tiên trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã cho tôi nhiều ấn tượng. Rồi những ngày kế tiếp, rồi những chuyến đi miên man, từ phong cảnh, từ sự lao động sáng tạo kỳ vĩ của con người dưới mặt đất, dưới lòng đất, trên bầu trời, trong đó có những người Việt mình sao mà gần gũi và lớn lao đến vậy. Gần gũi đến mức, tôi luôn cảm giác chưa ra khỏi ngôi nhà của mình, xung quanh vẫn là những người thân, vẫn luôn chăm chút từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ nhỏ. Một cái áo, một cái khăn mùa đông mỗi lúc ngoài trời lạnh. Một chương trình ti vi giới thiệu các món ăn người Việt ngày tết. Một kỷ niệm đói nghèo xa lắc bỗng chốc gợn lên. Thậm chí là một cái nháy mắt tinh nghịch, một vết bẩn trên cổ áo, một câu trêu chọc giọng Nghệ giọng Thanh… luôn ăm ắp mặc cái lạnh dưới không độ ở ngoài trời tuyết trắng xóa với những ngọn gió miên man thổi.
Người Việt sinh sống ở nước ngoài dường như luôn phát huy được những phẩm chất nổi trội hơn bình thường. Điều này tưởng cũng chẳng cần phải giải thích nhiều. Đất nước của những bông tuyết trắng với người Việt đã từ lâu luôn ấm áp và thân thiện. Các anh, các chị luôn dành cho chúng tôi những bất ngờ thú vị. Nhà thơ Lâm Quang Mỹ, anh Nguyễn Quang Vân ra tận sân bay đón tôi và nhà thơ Đặng Huy Giang trong chuyến công tác theo lời mời của Chủ tịch Hội Nhà văn Ba Lan Marek WawrzKiewicz. Thế giới bây giờ đã phẳng nên thông tin mọi chiều luôn cập nhật nhưng được nói chuyện trực tiếp vẫn thú vị hơn. Cán bộ Sứ quán khi nghe có các nhà văn sang cũng có mặt. Nhiều người hỏi về tình hình lũ lụt ở miền Trung. Nơi ngoài biên giới Việt, tấm lòng bà con luôn hướng về những hy sinh, mất mát của nhân dân trong liên tiếp những cơn bão lũ. Cảm giác ai cũng thương miền Trung đến thắt ruột thắt gan. Miền Trung như chiếc đòn gánh cong oằn phải gánh chịu biết bao bão lốc, lũ lụt, hạn hán. Hội người Việt ở Ba Lan vừa tổ chức chuyến cứu trợ trực tiếp hàng hóa về với bà con. Anh Nguyễn Hoàng Tuyển, người làm ăn có thâm niên ở Ba Lan cùng vợ con vừa trực tiếp đem hàng về cứu trợ. Vẫn biết kiếm được đồng tiền dù ở nơi nào cũng mồ hôi nước mắt nhưng khi đồng bào gặp hoạn nạn từ thiên tai thì tấm lòng người Việt ở đâu cũng hướng về ấm áp như nhau. Hàng chục xe hàng được tổ chức từ những người con xa Tổ quốc đến tận những nơi thiệt hại nặng nề nhất đã biểu hiện tính nết, nhận thức, cả ứng xử văn hóa của những người mang dòng máu Việt trong bước đường trưởng thành của mình. Có những điều không thể tính bằng vật chất.
Cộng đồng người Việt ở Ba Lan và cả các đoàn công tác người Việt sang đây hầu như ai cũng biết đến vợ chồng anh Vân, chị Bình. Sang đây đã được gần 30 năm, hiện anh chị là tấm gương vươn lên từ ý chí, niềm tin và đôi tay tài hoa của người Việt khi sinh sống ở nước ngoài. Quê gốc ở Bình Giang - Hải Dương, chàng trai xứ Đông Nguyễn Quang Vân từng có thời gian làm đầu bếp trưởng khách sạn Thắng Lợi, một khách sạn nổi tiếng Hà Nội thời bao cấp. Với bản tính luôn muốn đi chinh phục những chân trời mới bằng đôi tay tài hoa, Nguyễn Quang Vân chọn Vacsava là nơi thi thố tay nghề. Từ làm thuê đến làm chủ là một quãng đường dài không ít truân chuyên. Hệ thống cửa hàng RESTAURACJA VAN BINH hiện đang hoạt động hiệu quả, có thương hiệu tại Vacsava với phong cách phục vụ rất chuyên nghiệp. Đưa được các món ăn của người Việt vào chiếm lĩnh thị trường tại đây có thể nói là một kỳ công của vợ chồng anh. Ít ai ngờ đôi vợ chồng người Việt bằng đôi tay tài hoa đã từng bước chiếm lĩnh thị trường ăn uống vốn rất khó tính ở đây. Cho đến khi đài truyền hình Ba Lan mời anh cộng tác liên tiếp trong các chương trình giới thiệu món ăn độc đáo của người Việt và cả những món do anh sáng tạo mọi người mới thấy hết cái đức yêu nghề và cái tài sáng tạo của người đầu bếp Nguyễn Quang Vân. Cũng có lúc người Việt ở Ba Lan ngậm đắng nuốt cay khi năm 2002, do lòng tham của một số người kinh doanh thiếu lành mạnh đã giết mổ bừa bãi chó mèo và chim bồ câu để sử dụng làm món ăn gây bất bình và bị tẩy chay dữ dội của khách hàng Ba Lan. (Luật pháp, đặc biệt người Ba Lan không cho giết hại chó mèo, chim bồ câu dưới mọi hình thức). Các nhà hàng Việt Nam bên bờ vực phá sản hàng loạt khi cảnh sát môi trường vào cuộc trước sự phẫn nộ của người tiêu dùng trong đó có các đối thủ cạnh tranh về ăn uống triệt để khai thác để xóa sổ. Giữa lúc mọi thứ trở nên tồi tệ, vợ chồng Nguyễn Quang Vân cùng những người Việt có tâm huyết và ý chí không chịu khuất phục, đã từng bước vượt qua được giai đoạn khó khăn, khẳng định thương hiệu và hương vị các món ăn của người Việt, do người Việt thể hiện. Trời không phụ lòng người. Gần một ngàn nhà hàng của người Việt ở Vacsava bị phá sản năm 2002 đã nhen nhóm trở lại. Sau bảy năm, con số nhà hàng được khôi phục tương đương thời kỳ hoàng kim trước đó. Kể lại câu chuyện buồn như một tai ách định mệnh, anh Bình chị Vân còn chưa hết bàng hoàng. Cũng may trong lúc khó khăn ấy, mọi người biết kề vai sát cánh, đùm bọc và đặc biệt đã biết đứng dậy từ chính nơi mình bị vấp ngã. Bây giờ hệ thống cửa hàng ăn của người Việt mà điển hình là của anh chị đang thu hút số lượng khách Ba Lan rất lớn. Doanh thu ổn định. Anh vừa mua thêm một căn biệt thự trên khu đất 1.400m2 tại Vacsava và đầu tư 300.000 đô la sửa lại một trong số những nhà hàng ăn khách nhất tại đây.
Hiện nay, người Việt buôn bán, thành lập các doanh nghiệp ở Ba Lan đang hoạt động rất sôi nổi. Khu siêu thị người Việt với hàng trăm gian hàng và hệ thống kho xưởng đã mọc lên sầm uất tại Vacsava do chính người Việt đầu tư. Hiện nay, các chủ hàng người Ba Lan và người Thổ Nhĩ Kỳ đang vào thuê chủ yếu trong khu siêu thị. Khi mới hình thành ý tưởng và bắt tay vào xây dựng, không ít người cho là các anh đã phiêu lưu mạo hiểm khi đầu tư vào lĩnh vực này. Có những lúc khó khăn về nguồn tài chính vì khách hàng thuê không ổn định, hàng không bán được nhưng hiện nay tình hình đã khá hơn. Nhiều gian hàng, nhà xưởng đã trở thành trung tâm mua bán, trao đổi hàng hóa lớn đi khắp châu Âu. Thời cơ và thách thức luôn đến cùng một lúc với những con người có đầu óc kinh doanh. Những đêm bạc tóc nơi xứ tuyết đã cho các anh, các chị một tư thế điềm tĩnh trên thương trường. Chính những khó khăn sẽ tôi luyện bản lĩnh cho mỗi thế hệ người Việt. Nhìn lượng hàng hóa bạt ngàn như rừng trong các gian hàng ở siêu thị do người Việt làm chủ. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật nơi cổng chào mà bỗng thấy ấm lòng. Có thể thấy rằng, trong kinh doanh, tư thế và trí tuệ người Việt không hề thua kém bất kỳ người nước ngoài nào. Các doanh nhân nước ngoài cũng rất tôn trọng và thán phục người Việt. Người Việt còn có phần nổi trội hơn mỗi khi gặp khó khăn, dường như càng lúc ấy, phẩm chất mềm dẻo, kiên trì, năng động sáng tạo càng được phát huy cao độ. Khu siêu thị do các chủ đầu tư người Việt tại Vacsava vẫn đang không ngừng được mở rộng. Khách hàng đang dần ổn định và lượng hàng hóa trung chuyển qua đây từ khắp châu Âu là rất lớn và tiềm tàng.
Một cộng đồng người Việt ấm áp, thân thiện, cởi mở, hòa đồng đang làm chủ cuộc đời mình tại Ba Lan. Thế hệ trẻ người Việt ở đây đang đi sâu vào các chuyên ngành luật, điện máy, điện tử, tham gia đào tạo đại học, khoa học, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao. Chúng tôi được mời dự buổi thành lập Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam trong khuôn khổ trường Đại học Kinh tế ALMAMER với các ngành học: Hành chính; Kinh tế; Vật lý trị liệu; Chính trị học; Du lịch và Giải trí… trong đó có cả đào tạo thạc sĩ sau tốt nghiệp. Trong buổi giao lưu thân thiện, các nhà văn Việt Nam đã trao tặng lẵng hoa cho Thứ trưởng Bộ văn hóa Ba Lan là một bất ngờ thú vị với chính bà thứ trưởng. Rồi đây, những mầm xanh người Việt ở Ba Lan, những mầm xanh có khi là mang hai quốc tịch, hai dòng máu, nhiều dòng máu lại sẽ như những ngọn gió lành sum vầy và nối bước cha anh ở bên ngoài Tổ quốc.
Hôm sau, chúng tôi lên đường đi Krakow.
Thành phố Krakow là thành phố có nhiều di tích lịch sử và những bộ sưu tập nghệ thuật đặc sắc, nơi có mỏ muối nổi tiếng thế giới cũng là kinh đô cổ xưa của Ba Lan. Mọi người đều thống nhất: “Đến Ba Lan mà không thăm Krakow coi như không đến”.
Thành cổ Krakow còn rất nhiều lâu đài nguy nga lộng lẫy của các vua Ba Lan được xây dựng trên những quả đồi nhìn xuống dòng sông Wissla. Những nhà thờ hùng vĩ mọc lên san sát là một niềm kiêu hãnh của người dân Krakow. Thành phố nằm trên con đường thương mại giữa Tây Âu và Châu Á được xây dựng chủ yếu từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI. Trong thành phố có bảo tàng Wawel, một trong những bảo tàng lớn và phong phú nhất Châu Âu. Trong bảo tàng có nhiều hiện vật quý hiếm như: Vương miện, đồ ngự dụng, vũ khí cổ, những tác phẩm nghệ thuật từ bốn phương trời, không ít tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng được đưa đến từ phương Đông. Cũng không thể ngờ được, các bảo tàng được xây dựng và gìn giữ từ ngót 1.000 năm lại có thể trụ vững như thách thức thời gian đến thế. Nền kiến trúc cổ của Ba Lan đã phát triển tột đỉnh, là một trong những đỉnh cao kiến trúc của con người. Đáng chú ý nhất là bảo tàng của trường đại học Jagiellonia với lối kiến trúc cổ mang đậm phong cách Châu Âu. Trường đại học Jagiellonia do Casimir Đại đế sáng lập năm 1364 là trung tâm hội tụ của giới trí thức Đông Âu trong suốt 4 thế kỷ từ XIV đến XVII. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thành cổ Krakow vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Đó cũng là điều kỳ diệu mà thượng đế đã đặc ân cho người dân Ba Lan và những người Ba Lan vốn sùng đạo cũng luôn biết tới điều may mắn ấy.
Do những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là các vấn đề về lịch sử, thành cổ Krakow đã được xếp là di sản thế giới từ năm 1978. Thành phố cũng là một trong những thành phố cổ khá nguyên vẹn và đẹp nhất châu Âu.
 Châu Âu thời kỳ cổ đại, khi mà các ngành nghề khai thác khoáng sản, kim loại bắt đầu phát triển thì khai thác muối mỏ đóng một vai trò quan trọng bậc nhất và cũng là nguồn kiếm lời khổng lồ của giới vua chúa, quý tộc. Giới chủ đổ tiền vào khai thác muối mỏ và dùng mọi cách giữ độc quyền phân phối nên đã có những cạnh tranh gay gắt, thậm chí là chiến tranh đổ máu để giành quyền lợi.
Mỏ muối Krakow được hình thành và khai thác liên tục từ thế kỷ thứ XII. Trải qua hơn 800 năm với rất nhiều biến thiên lịch sử thì dường như mỏ ngày một nổi tiếng và chứa trong mình rất nhiều huyền thoại.
Vào thời kỳ Phục hưng, mỏ muối Krakow trở nên hưng thịnh chưa từng có. Giới quý tộc và vua chúa đổ xô tiền của vào đầu tư nên đây bỗng nhiên trở thành một dự án kinh doanh lớn nhất ở châu Âu. Trong một thời kỳ dài, muối mỏ như một nguồn thu bất tận. Trữ lượng và chất lượng muối ở Krakow được đánh giá là một trong những nơi lớn nhất và tốt nhất thế giới.
Đến cuối thế kỷ 18, sau hàng loạt biến động lịch sử ở châu Âu, đế quốc Áo giành được quyền kiểm soát các mỏ muối khổng lồ tại đây. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đức quốc xã đã sử dụng hệ thống mỏ muối như một biệt khu quân sự cùng với thành cổ Krakow để đóng quân tác chiến trên chiến trường đối địch với Liên Xô. Chiến sự xảy ra rất ít là nguyên nhân khiến khu thành cổ hầu như giữ được nguyên vẹn. Sau này, khi Hồng quân giải phóng Ba Lan, thành cổ đã mau chóng được tôn tạo trở lại. Năm 1990, việc sản xuất muối mỏ đã phải ngừng lại do bị ngập lụt. Sau đó, hệ thống mỏ muối được tái thiết vì giá trị lịch sử văn hóa của nó.
Mỏ muối Krakow bây giờ đã ngừng khai thác mà hoàn toàn sử dụng vào mục đích du lịch. Tuy nhiên nó càng không hề giảm đi sự nổi tiếng cũng như nguồn thu tài chính hùng hậu. Hiếm có một đơn vị khai thác kinh doanh nào liên tiếp đem lợi nhuận trong hơn  800 năm. Hàng ngày, đặc biệt là trong những ngày lễ tết, chủ nhật, mỏ muối hấp dẫn hàng chục ngàn lượt du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Giá vào cửa là 15 đô la một người có miễn giảm cho sinh viên và trẻ em. Dòng người xếp hàng trật tự tiến vào lòng đất. Mọi người đi bộ xuống từng bậc cầu thang gỗ như chui vào bụng một con trăn khổng lồ sâu 225 mét với 50 tầng (tương đương với một cao ốc hàng đầu ở Mỹ). Từng chặng đều có hướng dẫn viên giới thiệu các bằng tiếng Anh những dấu mốc nơi lòng đất. Càng đi xuống, càng thấy sức lao động kỳ vĩ của con người. Ngày xưa khai thác muối mỏ, người ta đào muối lên bao nhiêu lập tức cưa gỗ đưa xuống lòng đất xếp chèn vào bấy nhiêu. Không biết bao nhiêu cánh rừng thông đã được cưa đẵn xếp xuống lòng mỏ muối. Tầng tầng lớp lớp đan nhau. Muối ngấm vào gỗ rắn hơn đá đã trở thành những khối thép khổng lồ nâng đỡ hàng tỷ mét khối phía trên để con người an toàn dũi sâu mãi xuống lòng đất thẳm. Việc xử lý thông hơi của mỏ thật tuyệt vời. Thỉnh thoảng còn bắt gặp những ngọn gió lang thang trong lòng mỏ. Mỏ muối Krakow hiện là trung tâm du lịch lớn nhất Ba Lan, hàng năm thu về nhiều triệu đô la cho nhà nước. Mọi hoạt động dịch vụ trong lòng mỏ muối diễn ra nhộn nhịp. Những cô gái Ba Lan xinh đẹp tươi cười bán đồ lưu niệm cho khách. Các nghệ nhân Ba Lan rất khéo tay chế tác từ muối ra hàng ngàn hàng vạn đồ kỷ niệm xinh xắn, lãng mạn mang nhiều ý nghĩa. Trong suốt chiều dài lòng mỏ, người ta đã cho dựng hàng trăm tượng danh nhân, nhà cách mạng, văn hóa, văn học nghệ thuật. Nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng trên thế giới cũng được dựng tượng dưới lòng mỏ. Chất liệu đương nhiên là những khối muối tinh khiết nơi lòng đất. Trong lòng mỏ còn có những hồ nước ngầm trong suốt tới tận đáy. Người ta vứt rất nhiều tiền xu xuống đây. Nhiều đến nỗi lưng hồ sóng sánh như một bể vàng tuyệt đẹp. Đây gần như một nghi lễ của người bản xứ cũng là thói quen của khách du lịch. Người ta cho rằng, vứt tiền xuống đó sẽ được nhiều may mắn. Trong lòng mỏ còn xây dựng những gian điện thờ mô phỏng các thánh tích của Chúa. Tất cả đều được làm chủ yếu bằng muối. Ở độ sâu trên 200 mét có một khu an dưỡng. Các thầy thuốc người Ba Lan đã từ lâu biết tận dụng những ưu thế của môi trường nơi mỏ muối để điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh về hen suyễn. Lần đầu đến thăm mỏ, chúng tôi không khỏi bàng hoàng về sự dày công lao động và trí tưởng tượng phong phú của những người thợ tài hoa.
Mấy ngày sau, chúng tôi rong ruổi sang nước Đức.
Nước Đức thật gần.
Chúng tôi lại ở trong vòng tay bè bạn.
Hai người bạn ngồi đó, an nhiên, tự tại và có phần giản dị. Hai gương mặt từng trải lộ rõ nét tài hoa của những người trí thức Việt Nam đã nhiều năm sinh sống ở Châu Âu. Tại nước Đức, không riêng gì cộng đồng người Việt mà cả những người Đức cũng biết đến chị. Biết và nể phục, và cảm động về một người đàn bà Việt Nam, một luật gia có hạng làm kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, một lĩnh vực đòi hỏi sự khắt khe, chăm chút, đúng nghĩa của sự làm dâu trăm họ. Chị là Trần Thị Minh Tâm, Tổng giám đốc của hai công ty T.A.S GmbH và F.A.M GmbH tại Đức. Còn anh là nhà thơ Thế Dũng, một người bạn văn của chúng tôi.
Anh chị đến với nhau như một mối lương duyên tiền định, như những ngọn gió cùng nhau nô giỡn ở dưới trời. Thơ Thế Dũng cũng như con người anh. Âm thầm, mãnh liệt, chứa chất tâm can của người chịu nhiều đắng cay trong cuộc sống: Ôi đường gươm tuyệt mệnh! Nói chi thêm?/ Thế đất ấy xoáy bao vòng sóng cuốn?/ Rùa thông thái thủy chung đành nuốt giận/ Vì thủa ấy thường dân phải ở quá xa thành (Cổ Loa thành bi tráng một thời vua). Ôi con đường tuổi ấy quá ngây thơ/ Đom đóm múa cứ tưởng là tinh tú/ Phấp phỏng chờ nhau bao lần tim muốn vỡ/ Ngóng vệt đèn gầm như ngóng bình minh/ Ngủ trong lửa Trường Sơn nghe thác réo tên mình/ Tiếc chỉ có một thời trai trẻ (Đến bây giờ ta vẫn ở bên nhau).
Lý giải về sự hợp lưu của anh chị tôi luôn hình dung tới những dòng sông đang băng mình ra biển bỏ mặc những rác rến, củi cành, ghềnh đá, bãi bồi mà thầm thĩ trong công cuộc rướm máu cần lao nghệ sĩ. Đừng tưởng những người kinh doanh không là nghệ sĩ. Tỉnh táo hơn người thường đã đành, nhưng ở họ còn có sự nhạy cảm khác thường. Họ luôn biết lắng nghe những mạch đập nhỏ nhất từ cuộc sống. Chị Tâm tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin CHDC Đức năm 1980, sau 5 năm làm cán bộ nghiên cứu tại Bộ Tư pháp ở Hà Nội, năm 1986, chị trở lại Đức và trái tim nhiều lửa của chị đã rẽ mạch đập. Chị nhận lời cầu hôn với một Tiến sĩ Toán học người Đức khi đã có chồng và cô con gái đang trở thành thiếu nữ. Một quyết định táo bạo như là định mệnh.
Người Đức gọi chị là “Người đàn bà mang điện thế 1.000 volt”. Đã từng có một bộ phim tài liệu dài 45 phút của Đài truyền hình ARD của nữ đạo diễn nổi tiếng Ulrike Baur làm về cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của chị. Hiện tại chị đang điều hành tập đoàn nhà hàng ăn uống với gần 50 cơ sở mang biểu tượng hình chùa Một Cột và biển hiệu Asia Snack, Thái-Nippon-Bar tại Đức. Chị đang chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại ngoại ô Berlin. Niềm tin và khát vọng nào cho chị ngần ấy sức lực trong ngần ấy năm vượt qua vô vàn khó khăn thử thách nơi trời Âu để có một ngày an nhiên tự tại và cả tự hào nữa từ thành quả mồ hôi nước mắt của mình? Nhìn chị làm công tác điều hành, không ai nghĩ, người đàn bà Việt này đã bước sang tuổi 64. Tuy không nói ra, nhưng tôi biết chắc chị rất tin vào đạo Phật. Cả cuộc đời quá nhiều thăng trầm hoán đổi để nhận ra chân lý đạo Phật nằm ở trong chính tâm mình.
Thời gian nát đá tan vàng nhưng niềm tin và ngọn lửa trong trái tim người luôn còn mãi. Khởi thủy từ ước mơ phải có bằng được những nhà hàng ăn uống của người Việt tại Đức, chị đã dồn toàn bộ tâm trí trong mấy chục năm ròng, tạo bằng được thương hiệu. Chắc chắn cái buổi khai sinh ra món Chinapfanne và thương hiệu Asia-Snack chị đã khóc. Không phải những giọt nước mắt chảy ra ngoài mà phải là những giọt mặn mòi như máu nóng chảy vào tim. Chị có quyền tự hào và có quyền kiêu hãnh từ những chị tạo lập ra từ đôi bàn tay và trí tuệ của mình. Kinh doanh nhà hàng ăn uống tại Đức không chỉ khó vì sự sành ăn của người châu Âu, sự khác biệt về văn hóa ẩm thực giữa các sắc tộc, các màu da mà còn là cơ chế kinh doanh tại nước Đức rất khắt khe và tất cả đều phải được thể hiện dưới góc độ của pháp luật. Những người Việt Nam dường như không quen với điều này. Đó là điểm yếu khó sửa chữa nhất trong hành trình hòa nhập trở thành công dân thế giới. Nhưng với chị, điều này lại là thế mạnh. Không chỉ bởi từ ngành học của mình mà Trần Thị Minh Tâm dường như bẩm sinh đã là người tuyệt đối chấp hành và ưa thích luật pháp, bất kể nó khắt khe đến mấy. Bây giờ thì giới ăn uống người Đức đã từ lâu mệnh danh chị là Nữ hoàng của ngành ăn uống.
Hiện nay, chị đang dần bàn giao công việc cho vợ chồng cô con gái Thảo - Trà để thường xuyên về với Hà Nội hơn. Chị đang mở một số nhà hàng ăn uống chuyên nghiệp tại Hà Nội. Tôi luôn nghĩ chị day dứt với Hà Nội và trái tim luôn thuộc về Hà Nội. Mối tình đầu tiên của chị cũng phải là ở đây và đứa con gái mang đậm cá tính của chị chắc chắn cũng phải được sinh ở Hà Nội. Cây có cội, nước có nguồn, những ngọn gió có đi mãi bên trời cũng sẽ biết đường tìm về nơi đã sinh sôi giáo dưỡng mình. Điều này dường như nằm rất sâu trong trái tim nhạy cảm của chị.
Nhà thơ Thế Dũng luôn im lặng và cặm cụi. Họ đến với nhau cũng đã thấm thoắt đã hơn 10 năm. Lý giải điều này thế nào nhỉ? Mà cũng chẳng phải lý giải làm gì bởi trí tuệ con người không phải lúc nào cũng có thể dò được ngọn nguồn mạch đập của trái tim. Thế Dũng gần đây đến với thiền. Người đàn ông này cũng kì lạ không kém gì người đàn bà kia. Bôn ba, phiêu bạt và cũng đầy khuất khúc. Chàng trai xứ Đông quê Hải Dương từng vào chiến trường đánh giặc, làm thơ, dạy học và bây giờ làm việc và sáng tác tại Đức. Thế Dũng mắc bệnh nghiện đọc thơ, cả của mình cả của thiên hạ. Sức đọc của anh quả là khủng khiếp. Sức viết cũng ghê người. Gần hai mươi tập sách đủ mọi thể loại từ thơ, tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình, tùy bút và đối thoại văn chương… đã thay anh trình bày cuộc đời mình lên mặt giấy. Thơ Thế Dũng đau mối lương tri của con người như đang bị kẻ ác nào trà đạp và tước giật. Tiểu thuyết của anh ngồn ngộn chất liệu đời sống với những dòng chảy ngoài biên giới Việt. Từ khi đến với thiền, thơ anh đã bớt đi sự dằn vặt, con mắt thơ hướng nội nhiều hơn, chín hơn và cho người đọc sự thanh thản hơn. Có lẽ tuổi tác đã nhuốm nên từng chiêm nghiệm của anh và kết mùa quả ngọt. Này gió! Này lửa! Này cây!/ Ai như ngựa xám trong mây giữa đời/ Kia sấm chớp? Kia đầm lầy?/ Tứ thời bát tiết tháng ngày luân phiên… Thưa bố Rồng, thưa mẹ Tiên!/ Ai nỡ xuất khẩu vui phiền đi đâu?/ Mồ hôi mê mỏi dãi dầu/ Khóc cười bất định. Gãy cầu đam mê!/ Xót nhà… Thương nước… Yêu quê… Tâm linh vằng vặc… Nẻo về? - Đừng lo… (Lục bát lên đồng).
Thế Dũng đang ấp ủ và bước những bước đầu tiên vào ngành xuất bản sách tại Đức. Anh yêu sách và anh yêu những người nghệ sĩ đến vô cùng. Trong một tuần ở Đức, đêm nào tôi và các anh cũng trò chuyện đến gần sáng. Đủ thứ chuyện nhưng bao giờ, cuối cùng và say sưa nhất vẫn là chuyện văn chương chữ nghĩa. Có những lúc anh ngồi lặng im, đôi mắt dõi về một nơi nào xa lắm. Xa như không thể đến được nữa. Xa như đã mất vĩnh viễn. Những lúc ấy, sao tôi đột nhiên thấy anh như một khối cô đơn câm nín lừng lững dưới vòm trời và thấy thật rõ những đêm trắng lần lượt trôi trước mắt, hàng ngàn hàng vạn đêm trong tuyết lạnh đã đè lún xuống đôi vai, vầng trán, nhuộm cả lên những lọn râu đã phần nhiều ngả sang màu bạc. Cũng thỉnh thoảng, chị Tâm nhắc anh mặc ấm khi anh mãi bận bịu bên chiếc máy vi tính trải lòng mình. Tôi càng thấy anh chị không thể thiếu nhau, không riêng gì trong kinh doanh hay văn chương chữ nghĩa, những đam mê suốt đời của họ, mà cái họ cần cho nhau nhất, đó là bản tính thiện của những người đã chịu nhiều thiệt thòi, nhiều khi là quá sức chịu đựng với người bình thường.
Biết bao người Việt ở nước ngoài học tập, lao động, làm chủ của một ngành nghề cũng như đến với văn chương có phải là định mệnh? Phải chăng họ như những ngọn gió dắt nhau đi ở dưới trời. Một cõi đất trời bao hàm trí tuệ và niềm tin, và cả may mắn nữa chăng? Tôi không trả lời được câu hỏi này nhưng tôi biết chắc chắn, để có được sự vinh danh của bè bạn năn châu, để có được hàng triệu, hàng triệu đồng tiền chính đáng gửi về tổ quốc là cả một hành trình dằng dặc của những người Việt Nam phi thường.
Đêm buông. Tuyết bám đầy những tàn lá lúp xúp. Những vạt rừng ngay sát căn hộ chung cư đã rộng ban đêm càng âm u, bất tận. Xa xa, thoảng tiếng thú trong những đợt gió tuyết càng lúc thổi mạnh khiến mọi vật như muốn đông cứng lại. Gió tuyết luôn là nỗi kinh hoàng của cây cối, chim thú và con người. Những đêm giáp Noen, tuyết bám trắng, phủ lên mọi vật. Tuyết lao chao bay lượn chui cả vào cổ áo. Mọi thứ vẫn đang sinh sôi. Những dòng xe vẫn nối nhau trôi trong tuyết lạnh. Rừng cây trụi lá ăn đèn đỏ lựng, đây đó sót lại những chiếc lá cuối cùng đỏ rực. Bên sát đường những nhánh cây thô mộc vương mùi rừng đang hé ra những lộc tròn đầy đong đưa trong ánh đèn nhấp nhoáng. Trên trời xám đục, ánh sáng lờ mờ dõi xuống sẻ chia với con người. Cũng không biết là ai nghĩ gì nữa. Tất cả đang như hòa mình với đất trời cây cỏ, mà miên man với những suy nghĩ của riêng mình.