Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG VẦN THƠ DANG MẸ

Thanh Ứng
Chủ nhật ngày 6 tháng 3 năm 2011 9:35 PM
 
(Viết về tập “Hương trời đất” tập hợp 100 bài thơ lục bát về Mẹ của nhà xuất bản THANH NIÊN )

 Soạn giả Hoàng Ngọc Lập và nhà xuất bản Thanh niên có một sáng kiến hay là sưu tầm, tuyển chọn một tập thơ gồm 100 bài thơ lục bát của 100 tác giả ở mọi miền đất nước viết về Mẹ và mang một cái tên có nhiều ý nghĩa “Hương trời đất”. Cùng với “Bờ sông vẫn gió” của nhà xuất bản Giáo dục, tập thơ này, một lần nữa, thay chúng ta, những người con, bộc lộ những nỗi niềm kính thương, thiết tha, sâu sắc về Mẹ muôn vàn yêu kính của chúng ta . Gorski đã từng nói: “Có một người cực kì tuyệt vời trên cõi đời này mà suốt đời ta không trả hết ân nghĩa, đó là Mẹ” . Đối với mỗi con người, nỗi khổ lớn nhất là bị mồ côi “Mồ côi khổ lắm ai ơi !/ Đói cơm rách áo biết người nào lo”. Trong tập thơ, nhiều tác giả đã nói đến sự thiếu hụt của những con người khi không còn Mẹ. Ngọc Thuần trong bài “Viếng Mẹ” đã “nức nở khóc òa nỗi đau” khi mẹ đã đi xa: “Trên đời còn Mẹ nữa đâu/ Lệ tuôn dòng suối nỗi sầu mênh mang”. Nhà thơ Xuân Hoài nấc nghẹn trong ngày vĩnh biệt Mẹ: “Tì tay lên chiêc gậy vông / Con đi quanh Mẹ mấy vòng ruột đau”. Trong đau đớn, mất mát có cả nỗi buồn thương, ân hận như những lời tạ tội sâu xa đầy ân nghĩa: “Quỳ bên mộ mẹ - chiều buông / Nén hương tạ tội, lệ tuôn giọt sầu / Lòng con thắt lại nỗi đau / Ơn cha, nghĩa mẹ trả sao cho đầy” (Phạm Vũ – Viếng Mẹ ).
Từ vị trí lớn lao của người Mẹ trong cuộc đời mỗi chúng ta mà hình ảnh của Người trở lên vĩ đại đầy thương kính. Các nhà thơ đã dựng tạc chân dung những người Mẹ trong ngập tràn tình yêu và lòng thành kính. Với cảm xúc sâu xa và tài năng thi sĩ, các nhà thơ, những người con, đã đem đến cho bạn đọc nhiều hình ảnh cảm động về những người Mẹ ở các miền thương của Tổ quốc. Dẫu đó là bầm, là u, là mẹ, là má… thì đều có một điểm chung là nghèo khó và những đức tính cao cả của người phụ nữ Viêt Nam: Thương con, chiều chồng, giầu lòng vị tha, nhân ái và ý chí cứng cỏi vượt lên khó khăn cuộc sống thường ngày để chở che, nuôi dưỡng những người thân. Đây là người Mẹ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Mẹ tôi dòng dõi nhà quê / Trầu cau từ thuở chưa về làm dâu / Áo sồi nâu dấn bùn nâu / Trắng trong dải yếm bắc cầu làm duyên” ( Mẹ tôi ). “U tôi” của nhà thơ Nguyễn Phan Hách: “U tôi chuyên mặc áo nâu / Quần thâm một bức dấn mầu bùn đen / Người ta  khăn lượt, áo len / Mẹ tôi áo đẹp mặc lèn vào trong”. Nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận về người Mẹ trong công việc đồng áng nắng nôi, cực nhọc: Với hình ảnh “ bờ ruộng” năm nào: khi thì cấy mạ, khi thì làm cỏ, bao nhiêu toan tính, lo âu chưa khi nào được thảnh thơi. Và đến khi gặt hái: “Gié thơm ai đã gặt rồi / Đồng quang bóng mẹ nắng nôi một mình”. Cũng thông qua những vần thơ dâng Mẹ, các nhà thơ nói được tấm lòng bao la trời biển của mẹ đối với những người con. Nhà thơ Hồng Thanh Quang nghĩ về mẹ: “Bàn tay tần tảo ân cần / Gom cho con đủ phúc gần, lộc xa”. Nguyễn Ngọc Oánh cảm thương cái “dáng khô gày cành tre” của Mẹ với đôi chân “Gót chai nứt nẻ đông hè / Ruộng sâu bấm mãi đã tòe gót chân”. Thế nhưng, trong nghèo khó mẹ vẫn giữ tấm lòng trong thơm thảo: “Mẹ gom rẻ rách, giấy manh / Mặc đôi quang thúng, giữ lành tiếng rao” . Nhà thơ Xuân Quỳnh viết về mẹ chồng với những dòng thơ chứa chan cảm động: “Mẹ tuy không đẻ không nuôi / Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”. Nhà thơ tự dặn lòng và dặn người thật sâu xa ý tứ: “Xin đừng bắt chước câu ca / Đi về dối mẹ để mà yêu nhau”. Tấm gương của mẹ có sức cảm hóa và giáo dưỡng lớn lao đối với con cháu.
Với ưu thế trong cách  gieo vần, ngắt nhịp dễ đi vào lòng người của thể thơ lục bát, chân dung những người mẹ hiện lên thật đa dạng, có chiều sâu và đầy ân nghĩa. Ở bài nào, tác giả nào, ta cũng tìm được những câu thơ tôn vinh  ngợi ca mẹ. Không cao giọng khấn tụng, không chữ nghĩa văn hoa mà đằm sâu chân thành, cảm động. Nhà thơ Chu Thị Thơm bộc bạch tâm tư: “Mẹ gom cả thế gian này / Tình yêu hạnh phúc trao tay con cầm / Nẻo xa nước mắt âm thầm / Đường gần trái ngọt con cầm trên tay”. Xuân Quỳ ca ngợi Mẹ: “Mẹ là một đấng thiên thần / Chắp cho đôi cánh mỗi lần con bay”. Nhà thơ Trần Thị Nương lại so sánh mẹ với ngọn lửa bếp nhà sàn vùng cao: “Mẹ là lửa ấm tình yêu / Một chiều xa mẹ, trăm chiều cho con ”.
Cảm nhận sâu đậm nhất của những người con là lời ru của mẹ. Từ khi chào đời đến lúc trưởng thành, lời ru của mẹ cùng những giọt sữa ngọt ngào đã nuôi lớn bao người con trưởng thành. Sau này, khi đã rời xa mẹ, đi trên mọi miền đất, lời ru của mẹ như còn ở trong tim, còn nhắc nhở những người con biết sống, biết giữ gìn nhân nghĩa. Các con đã lớn, mẹ lại ru cháu, lời bà ru cháu lại ngọt ngào, kì diệu, lung linh như ngày xưa. Trong lời ru của mẹ có mưa nắng, có mồ hôi, có cái cò, cái vạc, cái tôm, cái tép của lao động nhọc nhằn, lam làm sớm tối nhưng cũng có ánh trăng, chú cuội và chuyện thần tiên cổ tích. Có cả “ lời ru hoa” trong thơ của nhà thơ Ngô Văn Phú: “Ba cữ rét, mấy tuần xuân / Mẹ đem hoa lúa kết thành lời ru / Sen mùa hạ, cúc mùa thu / Hoa đồng, cỏ nội, bốn mùa gọi con”. Qua lời ru, nguồn văn học dân gian thấm vào tâm hồn trẻ thơ khi nào không hay, trở thành nguồn cội của lòng thương yêu, của tâm hồn thanh cao, thuần khiết.
Một trăm bài thơ của một trăm tác giả lại khuôn vào một thể thơ nhất định nên không thể nào nói được hết về người mẹ, về tấm lòng của triệu triệu người con với mẹ. Chỉ mới đọc qua, ta cũng dễ dàng nhận ra sự thiếu vắng của một số bài thơ hay của một số tác giả quen biết viết về Mẹ. Tuy vậy,  một trăm bài thơ, như là một trăm khúc tâm tình, một trăm điều tâm sự chân thành, tha thiết của những người con ở khắp mọi miền Tổ quốc dâng kính lên Mẹ Việt Nam thương yêu... Đó là tập thơ cần được nhiều người biết đến, đọc và chia sẻ.
Thanh Ứng

Địa chỉ: Phạm Văn Ninh, số nhà 8, ngõ 10, khu Hà Trì 5 phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội