Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI MÒN MỎI TRÔNG CHỜ ĐỂ RỒI… THẾ ĐẤY!

Phạm Quang Trung
Thứ hai ngày 7 tháng 3 năm 2011 5:36 AM
 
 Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy cái tên Trần Mạnh Hảo xuất hiện vào ngày 05/03/2011 trên trannhuong.com - diễn đàn chính đang diễn ra cuộc tranh luận sôi động về các tác phẩm được giải của Hội Nhà văn Việt Nam tập trung ở Hội thề và Dị hương. Tên anh đặt dưới bài viết mang tựa đề nhã ý mượn từ một nhận xét trong bài viết mới nhất của tôi: “THẬT NHẢM HẾT SỨC!”. Tôi vừa buông ra lời tự thán “đã lâu lắm rồi”, ấy là theo cảm nhận của riêng tôi thôi - cái cảm nhận nặng về chủ quan của một người rơi vào hoàn cảnh đợi chờ hơi bị… lâu đấy mà. Còn nhớ như in bài cuối cùng tôi được đọc anh Hảo có tên Trao đổi với ông Trần Ngọc Tuấn: Ai “cầm batoong gõ lên đầu đồng nghiệp”? (TNc: 23/02/2011). Từ lúc đó đến giờ, chừng nửa tháng trời đã trôi qua, tôi liên tiếp đưa ra nhiều câu hỏi hướng về phía Trần Mạnh Hảo. Có chuyện liên quan đến công việc chung của Hội Nhà văn Việt Nam. Lại có những chuyện chỉ can hệ đến ý kiến của riêng tôi. Thiết nghĩ, dù tính chất và phạm vi của những câu hỏi ấy ra sao, thì chủ kiến của tôi là nhất quán và rõ ràng, thể hiện rõ qua các bài Hoan hô anh Trần Mạnh Hảo! (TNc: 25/02/2011), Thư trả lời anh Nguyễn Huy Canh (TNc: 26/02/2011), Thư ngỏ gửi bạn viết trong và ngoài nước (TNc: 27/02/2011). Những tưởng sẽ vinh hạnh nhận được hàng loạt câu trả lời thẳng thắn, rốt ráo như thường thấy ở anh Hảo qua bài viết mới xuất hiện, nhưng khi đọc đến dòng cuối cùng thì tôi đã hoàn toàn thất vọng. Thêm một lần thất vọng, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.  Có lẽ vì những câu hỏi mà tôi chủ động đưa ra hơi nhiều và khó chăng? Vậy, để tránh rơi vào cố chấp, tôi chỉ xin Trần Mạnh Hảo tập trung trả lời một vấn đề duy nhất này thôi: Anh giải thích ra sao về đoạn phân tích, diễn giải thể hiện rõ cách đánh giá khác nhau giữa tôi và anh về tác phẩm Dị hương được trích trong thư tôi gửi anh Nguyễn Huy Canh, nguyên văn như sau:
“Đến giờ, tôi có thể dám cả quyết như đinh đóng cột rằng: anh Hảo đã hoàn toàn không hiểu hoặc hiểu không đúng tác giả “Dị hương”. Chỉ xin nêu và phân tích một dẫn dụ điển hình này thôi. Trong bài “Dị hương”: Sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế?, Trần Mạnh Hảo chỉ trích nhà văn Sương Nguyệt Minh như thế này: “Xin quý độc giả xem vài đoạn trích trong “Dị hương” mà Sương Nguyệt Minh đã phịa ra để bôi bẩn vị Hoàng đế đã có công thống nhất đất nước. Một Nguyến Ánh tàn bạo vô song, máu lạnh, giết người như ngóe, hở ra là chém, giết, say máu hơn cọp beo:“Ánh đưa một đường gươm. Chớp lóe sáng lên phạt ngang cổ thôn nữ. Máu đỏ phun lên như mạch nước ngầm hở miệng… Ánh lên đến đỉnh Ngọc Trản Sơn thì cũng kịp vung gươm phạt bay năm đầu thị nữ….”. Tôi cho rằng ở đây Trần Mạnh Hảo đã trích dẫn cắt xén, với ý đồ, nói thẳng ra, là xuyên tạc tác phẩm của Sương Nguyệt Minh. Chẳng lẽ Trần Mạnh Hảo không hề biết tới đoạn văn sau của tác phẩm:
 “Đêm ấy, Ánh hạ lệnh neo thuyền rồng giữa sông Hương, bày trò hát múa. Nửa chừng cuộc vui, Ánh đã xao xuyến, thổn thức nhìn Ngọc Bình âu yếm lắm. Ánh cảm thấy có lỗi với nàng, than thở, ra chiều thương xót bọn cung nữ đã bị mình chém ngang cổ. Mỹ nhân nhìn Ánh, trìu mến cười hiền hậu, thưa:
“Ơn trời! Vương đã không phạt đầu đứa cung nữ nào của thiếp. Của đáng tội, chúng mất mái tóc dài cũng tiếc, nhưng được toàn thân. Chúa công không thấy chúng đang xúm quanh thiếp đấy sao”.
Ánh kinh ngạc lắm, chẳng hiểu mình đã làm gì với đám cung nữ. Dọc đường cầm gươm lên Ngọc Trản Sơn cứ hư thực tựa hồ như trong mơ vậy. Nhìn đám cung nữ xinh đẹp của Ngọc Bình, tóc đứa nào cũng bị phạt thả lòa xòe chấm vai, trông rất ngộ. Ánh cứ luôn miệng lẩm bẩm:
“Chả lẽ… chả lẽ… gươm của ta chưa vấy máu cung nữ”.
Xin anh Canh và bạn đọc lưu ý tới thủ pháp kỳ ảo được Sương Nguyệt Minh chủ động sử dụng khá nhuần nhuyễn trong hai đoạn văn tôi vừa nêu. Đoạn văn thứ nhất mà Trần Mạnh Hảo dẫn ra là sự giả định - Tôi nhấn mạnh - tình huống, hành động của nhân vật. Còn đoạn văn thứ hai mà Trần Mạnh Hảo không dẫn - Tôi lưu ý - lại có ý nghĩa hé mở, lộ diện tình cảnh thực của nhân vật và câu chuyện. Cả hai đều nằm trong cấu trúc nghệ thuật hư hư thực thực hoàn chỉnh như một sinh thể sống động. Nếu tách chúng ra thì không bao giờ có thể hiểu nổi ý định nghệ thuật sâu xa của cây bút tài hoa đã viết ra nó. Do vậy, có thể dứt khoát khẳng định: trong “Dị hương”, Nguyễn Ánh không hề tàn bạo, hiếu sát như một vài người lầm tưởng. Qua đoạn văn sau thì ta hiểu rõ là ông có giết ai đâu. Nguyễn Ánh chỉ phạt năm mái tóc thôi mà! Từ đó, tôi hoàn toàn có cơ sở để đi tới kết luận không một chút hồ nghi là Trần Mạnh Hảo đã chủ ý cắt xén tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh với ý đồ xuyên tạc khá tinh vi (ấy là đối với người đọc dễ dãi và hời hợt), nói đúng là khá thô bạo (đối với những độc giả nghiêm chỉnh và kỹ tính). Bởi vì, tôi không nghĩ trình độ cảm thụ văn chương hiện đại của Trần Mạnh Hảo lại kém cỏi đến nhường ấy!” - Hết đoạn trích trong Thư trả lời anh Nguyễn Huy Canh (TNc: 26/02/2011).
 Cảm phiền anh Trần Mạnh Hảo cho hay: những phân tích và đánh giá vừa nêu của tôi có cơ sở không nhỉ? Nếu không tán thành thì xin anh hãy phản bác lại, tất nhiên bằng lý lẽ chứ không phải bằng sự quy kết, để trí não tôi có điều kiện sáng thêm ra. Được thế tôi sẽ hàm ơn anh lắm đấy!
 Tuy nhiên, bài viết vừa công bố của Trần Mạnh Hảo lại nảy sinh trong tôi ít nhất là hai câu hỏi mới, không thể bảo là không xúc phạm đến tôi với tư cách một người cầm bút, vì vậy, khiến lòng tôi không một phút nguôi khuây. Đó là những vấn đề cụ thể nào vậy?
1. Ngay ở đoạn đầu bài viết có vẻ công phu và tâm huyết của mình, không một chút đắn đo, anh liền bảo: “Trong bài “Ý KIẾN CỦA DÂN MẠNG KHÔNG LÀ ‘CÁI ĐINH’ ĐỐI VỚI VTV VÀ CÁC  ‘ÔNG NHỚN’ CÓ NHÃN MÁC CỦA HỘI NHÀ VĂN?” (*) của PGS.TS. Phạm Quang Trung (người hết lòng bênh vực “Dị Hương” và “Hội thề”- Tôi xin lưu ý)”… Lại không chính xác nữa rồi, anh Hảo ơi! Nói tôi từng lên tiếng bênh vực truyện ngắn Dị hương của nhà văn Sương Nguyệt Minh thì đúng, lý lẽ biện minh ra sao thì đoạn văn dài vừa dẫn ra ở trên có lẽ đã phần nào thuyết phục rồi, nhưng, xin lấy tất cả lòng trung thực có thể có của một người trí thức để khẳng định với anh rằng, tôi chưa hề một lần nào đưa ra lời ca ngợi Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân cả. Trong bài viết của mình, anh có chê trách nhà phê bình Lê Thành Nghị “khen ‘Hội thề’ lấy được, khen mà không đưa ra bằng chứng, cứ khen đại đi”. Anh đồng thời không quên chất vấn một cách gay gắt đối phương: “Sao ông Nghị không cho độc giả thêm vài ba ‘tình huống hấp dẫn khác’ trong ‘vô vàn’ những sự hấp dẫn tràn ngập trong ‘Hội thề’” để xác minh lời khen của mình? Tôi không tin bài viết của anh Lê Thành Nghị lại như vậy, song tôi phần nào tin ý nghĩ của anh Hảo có thể là thành thực. Vậy, mong Trần Mạnh Hảo hãy thực thi một cách thức khác thế, nghĩa là “đưa ra bằng chứng” để xác minh tôi đã khen tiểu thuyết Hội thề ở đâu trong tất cả các bài viết đã công bố của mình?
  2. Trần Mạnh Hảo còn đưa ra nhận xét “xanh rờn” như sau: “Ngay cả ông Phạm Quang Trung khi tranh biện bảo vệ cái hay tuyệt vời của giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cũng từng trích bài này của ông chủ tịch Lê Thành Nghị làm căn cứ, làm nền tảng triển khai cuộc bút chiến đó thôi” - Những chỗ in nghiêng là do tôi chủ tâm nhấn mạnh. Ô hay, cái anh Hảo này, lẩn thẩn mất rồi, tôi dẫn ý kiến của nhà phê bình Lê Thành Nghị ở đâu nhỉ? Lại chỉ đích danh ở bài “triển khai cuộc bút chiến” nữa kia đấy (!?). Còn nhớ rất rõ, bài viết đầu tiên tôi tham gia cuộc tranh luận có ý nghĩa này là Góp chuyện đầu Xuân (TNc - ngày 11/02/2011). Sau đó, bài ấy còn được công bố rộng rãi trên vannghesongcuulong, nguoibanduong, khoavanhoc&ngonngu, pqtrung.com… nên mọi người có thể dễ dàng đối chiếu xem xét giùm tôi. Ở đó, tôi chỉ nhắc tới ý kiến của văn hào L. Tolstoi để biện minh cho quan niệm viết văn khác viết sử của mình. Tuyệt không hề dẫn một ai khác. Bằng chứng rành rành đây ạ: “Nhớ lại, vào năm 1868, khi bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình được công bố, L. Tolstoi đã quyết định viết đôi lời tâm sự với bạn đọc, “coi như lời tựa” của cuốn sách, nhằm “trình bày quan điểm của mình” vốn không thể bày tỏ rõ ràng qua tác phẩm, tập trung ở 6 điểm chính. Tôi đặc biệt lưu tâm tới điểm thứ 5, ông trực tiếp phát biểu quan niệm của bản thân về sự khác biệt giữa lịch sử và tiểu thuyết viết về lịch sử…”. Như thế cũng đủ khẳng định anh Hảo đã quá lẫn. Có lẽ, do đầu óc luôn căng thẳng, phải nghĩ “ra đòn” ra sao, “phản đòn” thế nào, nhiều đòn quá lại dồn dập, Trần Mạnh Hảo đã quẫn trí rồi chăng?
Vậy, xem ra duyên nợ tinh thần của Trần Mạnh Hảo với tôi không hề thuyên giảm mà không chừng lại cứ chất trồng cao thêm mãi. Sao khổ thế, hỡi trời! Tôi rất nhớ trong bài viết của mình, Trần Mạnh Hảo từng ra vẻ khép mình bộc bạch: “Xin phép nhà phê bình Phạm Quang Trung cho chúng tôi được mượn câu nói (sẽ nổi tiếng mãi) của ông ‘Thật nhảm hết sức!’ làm tiêu đề bài báo mọn này”. Cái trò ma mãnh ấy của Trần Mạnh Hảo cả nước này có ai không biết. Nhưng tôi cũng đủ rộng lượng để đáp lại rằng: Vâng, Phạm Quang Trung rất sẵn lòng! Có điều, chẳng lẽ anh Hảo chỉ biết “nhận” mà không biết “cho”. Cái lối ứng xử một chiều như thế quả không công bằng một chút nào, phải không anh Hảo? Bởi vậy, kết thúc bài viết này, tôi không còn biết nên bộc lộ thái độ của mình ra sao nữa? Rất mong anh Trần Mạnh Hảo chỉ giáo giùm…
                     
Đà Lạt, 05/03/2011
 PQT.

(*) Tôi hoàn toàn không hài lòng với cái tít do mạng phamvietdaonv copy từ TNc chút nào! Xin bạn đọc và anh Phạm Việt Đào giữ nguyên cái tên do tôi đặt cho đứa con tinh thần của mình lúc mới sinh ra là Tôi hiểu ra rồi! trên nguồn pqtrung.com và trannhuong.com.