Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bảo Đài Sơn và thơ các vua Trần, chúa Trịnh

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ sáu ngày 14 tháng 1 năm 2011 5:47 PM
 
           Ở xã Yên Lợi huyện Ý Yên tỉnh Nam Định có ngọn núi Bảo Đài (Bảo Đài Sơn), còn có tên là núi Ngô Xá, nằm trong quần thể: Bảo Đài, Phương Nhi (núi thơm), núi Ngọc chụm vào nhau. Núi Bảo Đài án ngữ phía bắc,  núi Phương Nhi phía nam, kề phía đông là núi Ngọc; ba ngọn núi bao quanh ba mặt một cánh đồng chừng vài trăm mẫu ruộng. Chếch về phía tây chừng vài cây số là xã Yên Tân, có núi Tiên Sa, còn gọi là núi Mai Độ, núi Hình Nhân – hình người con gái nằm ngửa đầy đặn...
           Bao sau dãy núi có dòng sông Thiên Phái, sông chia thành hai nhánh, nhánh phía đông đổ ra mạn Bình Điền, sông Ba Sát rồi nhập vào sông Đào chảy ra phía Tam Toà Độc Bộ thuộc hạ lưu sông Hát (sông Đáy); đằng tây sông chảy ra Cổ Đam cũng đổ vào sông Hát phần trung lưu lưng chừng.
           Vùng này còn có những cụm làng mang tên rất gợi: dưới chân núi Tiên Sa có bốn làng Nguyệt: Nguyệt Bói, Nguyệt Trung, Nguyệt Thượng, Nguyệt Hạ; khác nào trăng nhú, trăng treo, trăng tròn, trăng khuyết và bốn làng Mai: Mai Phú, Mai Thanh, Mai Vị, Mai Độ như bốn bông mai vừa hé nở. Một vùng hoa, nguyệt, núi thơm ăm ắp đất trời... Chân núi Bảo Đài xưa có một hồ rộng trong xanh thấu đáy không bao giờ cạn nước, hồ đã bị lấp nay chỉ còn sót lại một vũng sâu áp sát vào chân núi Bảo Đài đón dòng nước trong khe róc rách đêm ngày chảy ra.
           Trên ngọn núi Bảo Đài đầu thế kỷ XII Lý Nhân Tông cho xây một ngọn tháp cao vời, tháp có tên Vạn Phong Thành Thiện, nhân dân còn gọi là tháp Chương Sơn, cùng với tháp trên núi Đọi , huyện Duy Tiên, Hà Nam và tháp Chùa Tức Mặc. Để có được công trình này vua đã sức cho dân quanh vùng nung gạch trước ba năm – 1105; tháp khởi công xây dựng vào năm 1108, hoàn thành năm 1117. Mùa xuân năm ấy khánh thành, sử sách chép rằng: “Hội Tường, Đại Khánh năm thứ tám tháng Ba ngày Bính Thìn vua ngự giá đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện” (Đại Việt sử ký toàn thư, NXB VHTT, năm 2003, trang 441, tập I). Đến quân Minh sang tháp bị san bằng. Bia chùa Chương Sơn – chùa Đông Sơn tạc năm 1670: “Đến quân Ngô sang xâm lược nước ta, chúng sinh lòng gian ác phá hỏng các tượng phật bằng đá, chỉ còn tượng thân trên bệ đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi. Tháp Chương Sơn đã bị phá huỷ tan tành”. Toàn bộ ngọn tháp cao vời lớn như thế, khi khai quật chỉ thu được hai trăm di vật và năm mươi viên gạch nguyên. Quý nhất là những viên gạch trên ngọn tháp còn in dòng chữ Hán “Lý gia đệ tứ Long Phù Nguyên Hoà ngũ niên tạo” nghĩa là những viên gạch được làm năm thứ V, hiệu Long Phù Nguyên Hoà đời vua thứ IV nhà Lý (1105). Trong đống đổ nát chùa Đông Sơn còn tìm được một chiếc đĩa to bằng đá có hình rồng cuộn, nằm giữa bao quanh dây hoa cúc liền cành... đĩa hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Việt Nam có ghi rõ địa phương thu thập.
           Vừa rồi đi lấy tư liệu làm bộ phim dài tập Sông Hồng ký sự phục vụ Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội; chúng tôi đã leo lên đỉnh núi nơi có chân ngọn tháp Chương Sơn còn sót lại, bới tìm men theo chân tháp hình vuông mỗi chiều đo được 19 mét, xây bằng đá khối hình chữ nhật dài 80 phân rộng 40 dày 40 phân, có lõi kim loại móc chằng gắn kết. Tháp bị đánh sập phần núi phía đông nay còn phủ toàn gạch ngói vỡ vụn, lả tả xuống khe sâu dòng nước xiết nát nhầu hoa văn. Nhìn mà xót ruột...
           Núi Chương Sơn chỉ cách hành cung Tức Mặc nhà Trần chừng ba chục cây số về phía tây theo đường chim bay.
           Lục tìm trong kho tàng thơ văn xưa để lại còn thấy thơ phú của các bậc vua Trần, chúa Trịnh ghi ở Bảo Đài Sơn. Trần Nhân Tông (1279-1293), “Tựa hiên nâng sáo ngọc” viết nên thi phẩm truyền đời bài Đăng Bảo Đài Sơn (Lên núi Bảo Đài). Đáng chú ý ngay câu mở đầu “Địa tịch Đài du cổ” (Đất vắng Đài thêm cổ). “Đài”... nhà vua muốn chỉ ngọn tháp Bảo Đài – Chương Sơn bên chùa Đông Sơn mà “Tựa hiên ôm sáo ngọc” dưới ánh trăng trong lấp lánh đầy người...
           Trần Anh Tông (1293-1314) đến chùa Đông Sơn có bài Đông Sơn tự ca ngợi cảnh đẹp nơi đây
           Phiên âm:         Đông Sơn tự
                           Phong giao giải hổ thu thiền quýnh
                           Nguyệt tả quân trì dạ giản hàn
                           Hưu hướng Ngũ Đài lao mộng mị
                           Khan lai thiên hạ kỷ Đông San.
           Dịch thơ:          Chùa Đông Sơn
                           Gió lay thiền trượng ve im tiếng
                           Trăng chảy trong bình suối lạnh hơn
                           Mơ ước Ngũ Đài chi nữa nhỉ
                           Trên đời hồ dễ mấy Đông Sơn
                                                               Huệ Chi dịch
           Vẻ đẹp Đông Sơn kém chi thắng cảnh Ngũ Đài – dãy núi năm ngọn của Sơn Tây, Trung Quốc.
           Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) lên núi Bảo Đài có bài “Bảo Đài Sơn” như tác giả Dương Phi đã dẫn.
           Sau khi đề thơ Trịnh Sâm còn viết đôi câu đối ghi công 18 quận công làng Thiêm Lộc nay là thôn Đại Lộc xã Yên Chính huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Ngôi từ đường thờ 18 quận công làng Thiêm Lộc cách chân núi Bảo Đài chừng năm cây số theo đường chim bay. Trịnh Sâm nhớ ơn các lão tướng họ Trần xưa có công cùng chúa Trịnh phò Lê diệt Mạc được phong quốc tính họ Trịnh: Tiền thập bát quận công Trịnh tính phương danh truyền bất hủ / Hậu ức niên dư tải Lê thần chính khí lẫm như sinh - Mười tám quận công trước đây được ban quốc tính họ Trịnh, tiếng thơm truyền lại không thể mất. Muôn ngàn năm lẻ sau này, khí phách trung thần nhà Lê vẫn lẫm liệt như thuở sinh thời. Đôi câu đối hiện còn treo nơi từ đường dòng họ Trần làng Thiêm Lộc. Từ đường cũng đã dược Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hoá.
           Nhân đọc bài “Có mấy Bảo Đài Sơn” của Duy Phi trên mạng Trần Nhương, xin có đôi lời và vài dòng thu lượm được nêu lên mong góp phần vào chi tiết lịch sử vùng phế tích Bảo Đài Nam Định; mảnh đất thiêng không chỉ của một vùng mà chung cả nước. Đưa những thi phẩm người xưa về đúng địa danh suất xứ để không những làm cho cảnh vật thêm diễm tình mà thi phẩm càng đậm đà chất vẻ dư ba...