Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN LÀNG CÀ KÊ (5)

Vũ Duy Chu
Thứ năm ngày 13 tháng 1 năm 2011 2:43 PM
 
Từ Hà Nội về thăm ông chú ở xóm dưới, tôi vừa bưng chén nước uống, chú đã khoe ngay:
- Cháu ạ, năm nay chú sướng nhất là làm được cái phòng tắm, phòng vệ sinh khép kín trong nhà. Cái đận lên Hà Nội chơi, thấy nhà nào người ta cũng thiết kế như thế, tiện dụng quá. Khổ, chú cứ ao ước mãi…
Thế rồi chú kéo tay tôi vào tham quan cái công trình còn mùi sơn mới.
- Đây này cháu: Xí bệt Tàu, gạch nền Tàu, Xi măng Hà Nam, ống nhựa Bình Minh, vòi sen Tàu 250 nghìn, bình nước nóng treo, công xá… Tất tần tật mất hơn tấn lúa loại một cháu ạ( khoảng ngoài 6 triệu đồng). Già cả như chú đêm nào chả phải dậy vài lần. Mùa đông rét cắt da cắt thịt, mưa phùn sân ngõ trơn trợt, nhỡ ngã chổng kềnh ra đấy, gẫy chân gẫy tay thì mình khổ đã đành, con cháu hầu hạ nữa, vất vả ra…
***
Làng tôi bây giờ khá hơn trước nhiều, nhờ ”kiều hối” của đám con cháu kiếm ăn, lưu lạc khắp nơi gửi về. Đường giữa làng, đường vào từng ngõ đổ bê tông hết lượt. Có karaoke, mát-xa, làm móng tay móng chân, làm đầu cô dâu, dịch vụ cưới xin. Có quán bán bia hơi NaDa(liên doanh Nam Định - Đan Mạch) đựng trong “bom” lạnh toát cả ngày. Có cả thịt lợn rang, canh cua rau đay, cà pháo mắm tôm, lòng lợn tiết canh làm sẵn, ới một tiếng có liền… Một hai người có cả ô tô tải, ô tô con nữa.
Nhưng dân làng ít người bức xúc cái phòng vệ sinh, tắm rửa. Vài gia đình tiên phong thì làm cái phòng vệ sinh xí xổm vừa lọt người, “giải quyết” xong xả nước bắn tung tóe. Đất rộng ê hề ngay sau nhà chỉ để trồng vài cây chuối, vài luống khoai lang cho gà bươi, chứ nhất quyết phòng vệ sinh chỉ làm bé tin hin như thế.
Thằng Hòa con ông chú tôi góp chuyện:
- Nói chung là nếp sống văn minh, tư duy nếp sống văn minh nước ta còn rất kém, rất lạc hậu, kể cả Hà Nội, Sài Gòn, nói chi đến cái làng mình. Đi trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn, nhìn mỏi mắt không thấy một cái phòng vệ sinh công cộng. Họa may thấy một vài cái thì bé tẹo, hôi hám, nằm trong góc khuất. Khách đi đường chưa kịp bước vào đã thấy người ngồi canh chừng thu phí. Đã có chuyện vài ông ở xa về dạo Hà Nội bị căng tròn bụng dưới, bí quá, đành vào quán bia hơi, gọi một cốc để hợp thức hóa cái việc hộc tốc đi vào nhà vệ sinh. Tính ra, ”tè” một cái, đi đứt gần chục nghìn bạc. Bao nhiêu dự định thăm thú chỗ này chỗ kia, hãi!
Em gái Hòa góp chuyện:
- Nhà mình thế là hiện đại hóa rồi đấy anh ơi. Bữa nọ tivi chả chiếu cái xã gì trong Thanh Hóa hay Nghệ Tĩnh đấy, cả xã không nhà ai làm chỗ vệ sinh, toàn ra bãi biển với ra ruộng, ra vườn, ra đê để xả đấy thôi, nhếch nhác bệ rạc vô độ! Nhìn cái cảnh buổi sáng sớm người chạy trước, chó chạy sau em cứ nghĩ người ta chạy tập thể dục, ai dè… Bến tàu bến xe công cộng nào trên đất nước mình cũng hôi hám nhức mũi…
Thằng Hòa ngắt lời em gái:
- Giời ơi, em còn nhớ có một bữa, hình như tại cuộc họp quốc hội được truyền hình trực tiếp thì phải, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói rằng ông đã đi nhiều nước, nhưng chưa thấy thủ đô nước nào bẩn như thủ đô Hà Nội. Bến tàu, bến xe thì kể làm gì. Ai lên ngồi tàu hỏa mà chả phải xả xuống dọc đường ray. Dân tình, xe cộ nườm nượp phía dưới, có thấy ai la lối gì đâu. Có thấy ông vệ sinh môi trường nào la lối gì đâu?
Chú tôi bảo:
- Cháu ạ, trước đây đồng ruộng thiếu phân tro, sông ngòi ao hồ mênh mông nước, cái sự mất vệ sinh nó không xộc ngay vào mũi đâu. Bây giờ đến cỏ cho trâu ăn cũng không còn, ao hồ cạn sạch, lấp sạch, thì con người phải ”đi” cho có nơi có chỗ kín đáo, phải vệ sinh chứ? Ai lại cứ “ Nhất Quận Công, nhì ị đồng” mãi được?
Chú lại bảo:
- Còn chuyện này nữa cháu ơi. Những nhà quá khó khăn thì đành chịu. Nhưng nhiều nhà có con cháu làm ông to bà lớn ngoài thiên hạ, sa-lon sập gụ lỉnh kỉnh đầy nhà, nền nhà lát gạch bóng loáng. Thế mà đến bữa toàn thấy tung cái chiếu rách bươm đen nhẻm ra giữa nhà để ngồi ăn cơm. Người thì ngồi bệt ăn uống, chó mèo thì thản nhiên đứng chầu chực, lượn lờ vòng quanh mâm, tranh nhau miếng xương, cắn nhau ăng ẳng. Rồi mấy ông bụng phệ ở phố về chơi, mấy đứa con gái bụng mang dạ chửa ngồi xuống ăn, xoay kiểu gì cũng thở ì ạch. Một cái bàn ăn, vài cái ghế ngồi, ngày sử dụng ba lần lại không đáng sắm bằng thứ sắm ra chỉ để trưng cho bụi phủ. Nhà nào cũng vài ba cái phích Tàu đựng nước nóng để tắm nhin nhín. Thế mà sắm một cái bình nước nóng gắn tường hơn triệu bạc thì nhẩm ngay ra việc mất đứt một con bê. Bà con nông thôn mình ở đâu cũng khổ, khổ từ giấc ngủ cho đến bữa ăn cháu ạ…
***
Chú nói đúng. Dân làm ruộng mình cả đời chỉ lo gom góp xây cái nhà kiên cố, đứng vững vàng trước mùa bão gió dữ dội hàng năm. Còn tiện nghi thiết thực cho sức khỏe, cứ phải chờ con cái gửi tiền về rồi mới tính được, làm sao mà dám sốt ruột? Nghe tivi nói bình quân thu nhập đầu người nước ta năm nay 1200 USD, quãng 25 triệu đồng,  chú tôi ngạc nhiên, như thể nghe nhầm. Không ai tính thử xem bình quân thu nhập đầu người của xã mình, làng mình là bao nhiêu. Cả thị trấn Lâm này, chỉ cách Hà Nội 100 cây số, vậy mà bói không ra một quầy báo, một hiệu sách. Xa xỉ, bán một cân xu hào không mua nổi tờ báo Bóng đá, tiền đâu mà mua? Chả ai nghĩ đến những thứ ấy….
Nhưng thôi, nói làm gì chuyện xa xôi. Chú tôi làm được cái phòng vệ sinh trong nhà giữa lúc trời mùa đông rét  mướt  mười hai, mười ba độ, thì tôi phải mừng cho chú cái đã.
Sài Gòn, 10.1.2010
V.D.C