Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MÙA XUÂN ĐỌC CHÊNH CHAO TÍCH CHÈO (*)

Nguyễn Thánh Ngã
Thứ ba ngày 7 tháng 12 năm 2010 9:10 PM

Về Hà Nội mê nghe ca trù. Ở trọ tiền hết còn mê. Dông dài thế nào mà lọt vào ký túc xá sinh viên Trường Đại học Văn hóa. Ở chung với Thiện, Thắng, phòng bốn người. Thiện nhường cho tôi “cõi trên” của chiếc giường tầng. Đêm nằm nghe Thiện đọc thơ, tôi bật dậy, Thắng lao vào. Và chiếu thơ rộng 6-8 của Thiện cứ bị tôi chê nháo nhào. Quả thật, thời nầy ai “dại” mà chui vào lục bát thì dễ nhạt lắm!
    Cũng bởi tôi chưa hiểu Thiện là mấy…
Rồi một hôm, ngồi với nhau ở quán vỉa hè Hà Nội, Thiện kể cho tôi nghe. Mẹ mất. Cha già. Thiện là anh cả còn hai đứa em. Vừa học vừa làm. Điều quan trọng là chưa dám yêu! Vậy mà Thiện yêu lục bát. Có lẽ với Thiện “quê hương là chùm sự tích”… Cũng như khi nhận chân về Mẹ, Thiện viết:
                             Giấc mơ bừng tỉnh hiên nhà
                             Từ lâu mẹ đã đồng xa chẳng về
                                                                (Nón bài thơ tặng mẹ)
Tôi cho là chỉ “thường thường bậc trung” thôi. Có gì mà “chênh chao”, mà đau đáu… Sau hơn một tháng, Thiện gởi tặng tôi tập thơ. Lật giở từng trang, thơ còn thơm mùi mực. Ngán thơ, tôi cầm thơ lên rồi để xuống. Chợt những ngày ở Hà Nội hiện ra, Khúc Hồng Thiện, một cậu sinh viên có tính nhát gái, lại mất mẹ thì ai “mắng yêu” cho thằng con trai Hưng Yên vững tim một chút. Tôi bèn đọc lại Nón bài thơ tặng mẹ, bỗng giật mình vì hai câu kết:
                           Nón bài thơ, áo thị thành
                              Hóa tro mà chịu tang mình đi thôi!
Trào dâng tim tôi những cảm xúc mãnh liệt. Hai câu thơ như đợt sóng ngầm cứ vỗ vào vách ký ức hồn tôi. Có lẽ trong hoàn cảnh thơ không bội thực, người ta mới nhận ra giá trị của nó chăng? Giờ nầy tôi biết mình đã hiểu sai một tín điều về Mẹ qua câu chuyện của nhà thơ trẻ họ Khúc. Và không nói, ai cũng biết rồi, hai câu thơ này đối với tôi hay biết chừng nào. Không những nó đã cứu tôi thoát khỏi cảm xúc chai lì, mà còn cứu rỗi cả một bài lục bát 22 câu, làm đòn bẩy cho ý thơ bừng sáng.
    Thế đấy, khi yêu người ta mới bị quyến rũ bởi những thứ tình. Nhưng đây lại là thứ tình trong sáng nhất, không gợn chút bon chen. Vì không bon chen toan tính trong thế giới hiện đại mới thành người chênh chao. Chênh chao ở đây còn là lạc lõng, lơ ngơ… Thế mới ngớ ngẩn mà rằng:
                             Làng mình vào hội hay chưa
                            Để cho tôi được lên chùa nhận con!
                                                        (Chênh chao tích chèo)
Mới đọc ngỡ “cái tôi” kia đã “tẩu hỏa nhập ma” rồi, chứ sao khi không lại đi nhận con vô lý thế? Nhưng lại nghĩ “văn học là nhân học” kia mà! Và có khi trong đời tích và sự là một. Nhà thơ vì yêu quá một cảnh đời trắc trở muốn nhận cái cảnh bèo dạt mây trôi kia làm của mình; để xoa dịu cho đời và cho mình những vết thương khó bù đắp được. Người ta thường nói đến tính nhân văn, thì nhân văn nằm ở đấy, trong trái tim thơ Khúc Hồng Thiện còn non nớt mà lại tràn ngập yêu thương.
    Mung miêng là thế, nhưng trong bài Về làng, Khúc Hồng Thiện lại tỉnh táo mà nhận ra:
                               Cong cong dấu hỏi mái đình
                               Bấy lâu vẫn xoáy vào thinh không nghèo
                               Trẻ làng đôi mắt trong veo
                               Nghịch lênh đênh để bay vèo phù vân
                               Hão huyền thơ phú đôi vần
                               Tôi về nhận tội muôn phần trước quê.
                        
Mệnh câu, mệnh chữ trong trẻo. Chân phương, mộc mạc mà minh triết, hiền từ. Trẻ mà sâu sắc chứ không phải trẻ mà tung hỏa mù lung tung. Đó là cái lạ, cũng là cái đáng yêu của Khúc Hồng Thiện. Và dường như trong bản tính hiền minh của lục bát, Khúc Hồng thiện đã gieo vào đó “cái duyên trời cho” của một gã trai làng:
                               Xa em duyên dáng thị thành
                               Anh về với cỏ nguyên lành sau mưa
                                                                   (Xa em)
Thì cái nét thanh nhã liền hiện ra một chàng sinh viên trường Văn hóa, vừa nhút nhát vừa lãng mạn. Đôi khi say đắm mênh mông. Vì thơ là điệu tâm hồn nên ít nhiều đã khắc họa được chân dung một Khúc Hồng Thiện đang học hỏi và đang sáng tác. Độ phủ sóng thì chưa nhiều, nhưng tâm thế là đang bắt đầu. Một dòng sông háo hức chảy bao giờ cũng phải băng qua thác ghềnh, trong đục còn phải biết đợi…
    Và muốn nói gì thì nói, với tập thơ đầu tay còn nhiều chung chiêng, tôi không vội gọi đây là giọng thơ riêng của Khúc Hồng Thiện, mà chỉ dám nói là những cố gắng của em là đáng trân trọng, đáng khích lệ. Nhất là không nên vẽ bùa cho Thiện đeo vào sẽ rất nguy hiểm. Để lục bát hay không lục bát không còn là giới hạn cho một hồn thơ non trẻ trên con đường hành hương về ngôi Đền thiêng.
                             Qua đường bỗng nhớ dòng sông
                              Cứ tơi bời chảy nhưng không bến bờ
                                                                   (Lục bát đi tìm)
Đọc hai câu này rất hay, tôi mong nó vận vào Thiện và làm thành một dự cảm mạnh mẽ cho tương lai…
     Lâm Hà, tháng 12/2010
  N.T.N
(*) thơ Khúc Hồng Thiện
          NXB Hội Nhà văn – 2010.