Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“SÁT HẠCH” PHÙNG QUÁN

Ngô Minh
Thứ năm ngày 9 tháng 12 năm 2010 7:51 PM

   Trong thâm tâm của tôi, việc kêu gọi “Góp cát đá xây lặng mộ nhà thơ Phùng Quán- cô giáo Vũ Bội Trâm” là để một lần nữa tôn vinh nhà văn đã có tuyên ngôn nổi tiếng :”Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác”, hay  Giấy bút tôi ai cướp giật đi/ Tôi sẽ dùng dao  viết văn lên đá”, là dịp  “sát hạch” xem hình ảnh Phùng Quán trong lòng độc giả bốn phương có còn sâu đậm như hồi anh còn sống không, sau đó mới đến việc có thêm ít kinh phí để  xây lăng mộ nhà thơ cho đàng hoàng. Có nhà thơ thế lực như trời, nhưng qua đời rồi thì thơ  họ càng ngày càng  thưa người đọc.Và sau  hai tháng mọi người tự nguyện góp cát đá, điều tôi vô cùng thấm thía là : Phùng Quán , sau 15 năm  rời cõi tạm, vẫn  sống mãnh liệt trong lòng bạn đọc người Việt từ khắp nơi trên thế giới !
          Tôi  tốt nghiệp Đại học Thương Mại Hà Nội mà cả đời  không biết đến ngân hàng là gì, tài khoản là gì. Nhờ có đợt “góp cát đá” mà  tôi buộc phải mở tài khoản tại ngân hàng để bạn bè bốn phương có chỗ chuyển tiến về .Và do có nhiều người điện hỏi hàng ngày, nên tôi thuộc lòng số tài khoản của mình dài tới 12 con số. Đời tôi chỉ hai lần tiêu ngoại tệ. Đó là hồi chiến tranh quân giải phóng chúng tôi được phát tiền Riên của Cămpuchia khi hành quân qua nước này. Và lần tham gia Đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm Trung Quốc phải tiêu đồng nguyên ( tệ). Chưa bao giờ tôi được cầm những đồng ngoại tệ mạnh như đô –la Mỹ, đô la Úc, euro, Frans Thụy Sĩ… Thế mà hai tháng qua, tôi đã cầm đủ loại tiền, thành thạo thủ tục gửi tiền và nhận tiền qua  dịch vụ của Western Union quốc tế…Biết mã chuyển tiền 10 chữ số  thì nhận ở Ngân hàng Nông nghiệp,  mã chuyển tiền 8 chữ số thì nhận  ở VietCombank. Tôi viết  báo để kiếm sống, mong mỏi cả tuần mới có một cái  măng-đa gửi về. Thế mà  hai tháng qua, có ngày tôi nhận được  năm sáu cái giấy mời  lĩnh tiền. Con số dư trong tài khoản thì ngày nào cũng tăng lên một vài triệu. Mấy o nhân viên bưu điện tròn mắt hỏi :” Răng  nhiều người gửi tiền cho chú rứa ?”. Tôi đùa :” Vì chú thất nghiệp, đói, bạn bè thương nuôi”. Tiền nhiều đến  độ có  chị tên là Kim Ngân ở Huế tìm đến nhà bảo :” Có một người  xin giấu tên  góp  2 triệu đồng xây lăng mộ nhà thơ Phùng Quán, nhờ tôi chuyển đến anh”. Tôi đã làm giấy biên nhận , ký tá hẳn hoi , ghi tên vào sổ, bỏ tiền vào  tủ, thế mà quên béng chuyện công  bố  trong danh sách trên mạng. mãi tới ngày  30/11/2010 có người gửi  email hỏi, mới nhớ ra. Thật đoảng ! 
           Sau đây xin kể vài chuyện cảm động trong hai tháng góp cát đá để bạn đọc hiểu thêm cái tên Phùng Quán trong lòng độc giả như thế nào. Nhà thơ Võ Quê ở Huế , vợ là  chị Tiểu Kiều, đau thận phải chạy thận nhân tạo rất tốn kém suốt bốn năm tháng nay ( chị Tiểu Kiều đã qua đời hôm 5/12/2010 ), thế mà cũng  góp tiền xây lăng Phùng Quán. Thật cảm động. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nằm một chỗ, bảo tôi :” Cho mình góp với “. Tôi bảo Lâm Mỹ Dạ đã góp rồi. Thế mà từ đó mỗi lần tôi đến nhà , anh đều hỏi :” Góp cát đá xây lăng Phùng Quán đến mô rồi ?”. Ở Huế có anh Hoàng Trọng Định, một người làm thơ, bị tai nạn tạt a-xít đến cong queo tay chân, hàng ngày người nhà phải nuôi, thế mà Định vẫn tìm đến góp “cho bác Quán” 50 ngàn đồng. Tôi cầm đồng tiền mà ứa nước mắt. Nhà thơ Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt là người gửi tiền về sớm nhất. Ngày 1/10 kêu gọi, thì ngày 5/10 anh đã chuyển tiền vào TK Ngô Minh. Ở Huế, nhà báo Hữu Thu ở Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Huế ( HVTV) là người góp cát đá sớm nhất.  Nhà văn Cao Duy Thảo ở Nhà Trang, lương hưu ba cọc ba đồng vẫn trích  1/3 lương tháng  10 để góp cát đá . Một người phụ nữ Huế ở Mỹ nhờ đứa cháu ở Huế tìm đến nhà Ngô Minh gửi 2 triệu đồng để tỏ tấm lòng  đối với nhà văn Phùng Quán, nhưng không  nói tên thật, chỉ đề nghị  ghi trong danh sách là Hoa Bèo. Nhà văn Nguyễn Gia Nùng không chỉ gửi tiền mà còn  viết cả lá thư dài  gửi Ngô Minh  động viên cổ vũ việc làm tình nghĩa này. Anh Tạ Duy Hinh, chỉ mấy ngày đầu tháng 10 đã hô hào bạn bè góp được 15 triệu, ngày 7/10/2010 đã gửi tiền vào TK. Tôi không  biết anh ấy ở Hà Nội hay Sài Gòn, thậm chí anh chẳng điện thoại bao giờ.  Nhà văn Nguyễn Quang Lập và nhà báo Huy Đức thì quá vất vả. Tiền chuyển vào TK  nhưng nó không hiện hiện tên tuổi, chỉ hiện  số tiền 2,5 triệu. Điện thoại qua về liên tục. Tôi ra ngân hàng sao cả danh sách  gửi tiền, gửi vào để đến ngân hàng gửi hỏi. Đến  năm bảy ngày người ta mới phát hiện ra là  gửi tiền không thuộc hệ thống cùng ngân hàng thì  ít khi hiện tên và nội dung gửi. Thế là phải  nhờ mấy o nhân viên BIDV Huế ở Bến Ngự lên BIDV trung tâm tra cứu, mới tìm ra. Chị Khánh Trâm ở Phân viện VHNT Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cũng vậy. Tìm không ra tên. Chị phải gửi cả bản phô tô phiếu gửi tiền ra cho Ngô Minh để đi tra cứu. Thế mà hai  tuần sau chị lại gửi tiền góp cát đá một lần nữa. Chị điện cho tôi :” Đây là tiền  góp của anh Trần Hải, chồng em!”. Vợ chồng anh Tôn Gia Khai- chị Minh , chỗ quen biết của vợ  tôi  ở Ba Lan đọc blog Ngô Minh biết có cuộc góp cát đá, cũng nhiệt tình điện đi điện lại mới biết được địa chỉ để cửi tiền qua  dịch vụ Western Union . Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã góp  cát đá  trong cuộc  họp BCH Hội Nhà văn  VN khóa VIII gồm 15 “người ưu tú”, còn gửi riêng 5 triệu nữa với tin nhắn :” Với Phùng Quán bao nhiêu cũng không đủ”. Cô gái trẻ Lê Xuân Quỳnh ở Hà Nội , một người yêu thơ, sưu tập nhiều thơ hay, thơ thiền, đã rất sốt sắng với việc góp cát đá. Sốt  sắng đến nỗi  bận đi công tác ở Quảng Ninh cũng ra phố Hạ Long tìm ngân hàng để gửi tiền. Anh Hà Dương Tường ở Pháp cũng email cho tôi anh sẽ vận động anh em   nhóm thân hữu  báo Diễn Đàn ở Pháp, Mỹ,  Thụy Sĩ “góp cát đá” vì rất nhiều người mến mộ Phùng Quán . Có  một số anh đã có tên trong  danh sách. Nhưng nhiều người không muốn ghi danh tính. Coi như người đọc vô danh mến mộ Phùng Quán . Người góp  số tiền cao nhất là anh Lê Văn Hải, người Quảng Trị, sống ở Sài Gòn. Đây là người yêu mến vô cùng yêu mến và kính trọng nhà thơ Phùng Quán, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Năm 1992, hồi  Lê văn Hải làm ở Công ty mì Vifon anh tuyên bố sẽ cung cấp mì ăn liền để Phùng Quán  ăn đến cuối  đời. Thế là cứ một tuần lại có anh  ở đại lý mì Vifon ở Hà Nội  chở một thùng mì ăn liền đến chòi ngắm sóng của Phùng Quán. Có anh Trịnh Hồ, ở Hà Nội điện cho tôi bảo  rằng:” Tôi không góp bằng tiền, anh Ngô Minh cho tôi góp cát đá bằng cách tôi cho xe chở hài cốt nhà văn Phùng Quán và vợ từ Hà Nôi  vô Huế, được không ?” Ôi, thế thì còn gì bằng !
            Ngày 30/11 việc góp cát đá khép lại rồi mà tới ngày 5/12/2010 vẫn có nhiều người  gửi tiền về. Chưa bao giờ Ngô Minh  nghe điện thoại và gọi điện thoại  nhiều như 2 tháng góp cát đá, liên tục mua card. Nhận được tiền là phải điện để thông báo đã nhận được. Chưa nhận được tiền thì điện hỏi gửi ngày nào… Thế là nỏ thơ phú chi được.
          Cảm động nhất là từ ngày đầu tháng 10 , nhà văn-giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã  giúp Ngô Minh thông báo việc góp cát đá trên mạng Bauxite Việt Nam , trang Web có bạn đọc đông  đảo nhất. Rồi các trang mạng sôi động như : trannhuong.com; lethieunhon.com, blog quechoa của bọ Lập đã kịp thời thông báo. Tạp chí Sông Hương số tháng 9/2010 cũng dành trang để in lời kêu gọi góp cát đá. Nhờ đó những người mến mộ Phùng Quán khắp bốn  phương biết tin và ủng hộ rất sớm. Nhà thơ Nguyễn Quốc Minh chủ nhân  web. ngay-dem.com cũng liên tục cập nhật Danh sách góp cát đá trên trang mạng của mình. Đến ngày kết thúc các mạng blogquechoa.wordpress.com, trannhuong.com, ngay-dem.com lại thông báo  kết của  góp cát đến với mọi người.  Qua hai tháng  kêu gọi góp cát đá, Ngô Minh mới biết thế nào là sức mạnh của Internet.
          Qua đợt góp cát đá xây lăng mộ anh chị Phùng Quán- Bội Trâm, Ngô Minh mới hiểu thêm được sức sống của “thương hiệu Phùng Quán”. Anh được các thế hệ độc giả Việt Nam yêu mến, kính trọng. Đó là niềm hạnh phúc , là phần thưởng  lớn nhất đối với một nhà văn “đi với nhân dân”, viết vì nhân dân.