Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TƯỚNG TRẦN ĐỘ VÀ NHỮNG TRANG VĂN

Tô Đức Chiêu
Thứ tư ngày 8 tháng 12 năm 2010 2:52 PM
 
    Những người sưu tầm gắng sắp xếp khối lượng tác phẩm lớn lao của nhà văn Trần Độ thành bút kí , truyện , nhưng thực ra ranh giới phân cách ấy khá mong manh . Chất truyện trong văn chương của ông có trong kí và chất kí có trong truyện . Nói đúng ra là khó mà phân định rạch ròi nhưng dù sao ta cũng cứ tạm thời chấp nhận một sự chia tách như vậy .
    Với tầm nhìn bao quát và trái tim sục sôi , truyện của ông mang theo hình bóng ông qua những bước đi , lúc sóng gió, nguy nan , lúc thanh bình lãng đãng cho dù hết sức hiếm hoi . Từ lâu lắm rồi tôi đã đọc bài thơ Khóc anh Hoàng Văn Thụ , khi còn hoạt động thiếu nhi tháng tám trong vùng địch hậu liên khu ba , rồi ít lâu sau trong chương trình văn lớp bốn , lớp năm gì đó , có bài này và ghi ở góc cuối bản in là tác giả Khuyết danh . Hôm nay đọc truyện của nhà văn Trần Độ tôi mới biết hoá ra người sáng tác bài thơ đó chính là ông . Tổng bí thư Trường Chinh bảo ông cần có một bài báo sâu đậm hay tốt hơn là một bài thơ cho dễ phổ cập về cái chết anh hùng của nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ . Với sự ngưỡng mộ phẩm chất cao quí của liệt sĩ tiền bối , nể trọng bậc đàn anh qua đôi lần tiếp xúc , ông đã làm bài thơ đó in trên tờ báo phát hành bí mật của đảng . Bài thơ nhanh chóng truyền miệng nhiều người thuộc và ai đó chép lên bức tường trường bắn bọn thực dân đã gây tội ác với anh Hoàng Văn Thụ . Nhà văn kể rằng , sau khi bài thơ đã đến với nhiều người , một lần đi công tác bảo vệ Tổng bí thư Trường Chinh , nói lại chuyện này , ông Trường Chinh ngậm ngùi suy ngẫm và đau đơn không nói nổi lời nào . Nhà văn tương lai cùng lãnh đạo bước đi lòng xót xa thương tiếc người đồng chí trung kiên đã mãi mãi không còn trong đội ngũ .
   Và cũng như ở bút kí , truyện của ông với những tiêu đề cực kì giản dị : Một kế hoạch vượt ngục , Người đại đội trưởng bị thương , Một niềm vui , Nợ nước thù nhà … tác phẩm nào cũng gắn bó với đời sống hiện thực , từ tư duy khái quát đến với hiện thực , như là sự dẫn chứng hay minh hoạ cho nhận thức đã được chắt lọc , chính nhờ vậy mà bài viét sinh động , nhẹ nhàng , dễ đọc và ta tưởng như là chẳng khác kí bao nhiêu . Song văn chương , theo riêng tôi , chất kượng của những dòng chữ làm nên nhà văn chứ không hẳn là thể loại tác phẩm . Bởi có nhà văn chỉ viết truyện ngắn mà sáng tác của họ lại 
quá hay . Có nhà văn chỉ viết tiểu thuyết song tác phẩm của họ làm đắm say độc giả . Họ là nhà văn được yêu mến như nhau và đứng trên diễn đàn văn chương mà nói họ có giá trị như nhau . Chẳng hạn một tác phẩm của ông có tiêu đề  : Quân đội của nhân dân và ghi rõ phía dưới viết xong đêm 17 tháng 1 năm 1952 trong chiến dịch tây bắc và giải phóng Nghĩa Lộ . Đọc văn của ông ta thấy dấu chân ông trên các nẻo đường . Ông vừa hoạt động vừa viết . O tù Sơn La ông tham gia làm báo Suối Reo cùng với Xuân Thuỷ và bao đồng chí khác . Ra tù vẫn viết . Đi kháng chiến vẫn viết . Ngọn bút đắm say cùng trái tim sục sôi đầy lạc quan , phấn chấn mới có thể bền lâu đến thế với mỗi dòng chữ của mình . Các tiêu đề có vẻ khô khan nhưng đọc chẳng mệt mỏi , vẫn là lối kể chân thành , mộc mạc , vẫn là những câu chữ đời thường được chắt lọc , ông đã giắt dẫn người đọc qua những trang viết sống động . Vừa lăn lộn với nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị vừa cầm bút ông đã để lại các bài như : Bên sông đón súng viết ngày 7 tháng 9 năm 1946 , Chị Xuân và một nồi cơm nếp viết ở Ninh Bình ngày 17 tháng 5 năm 1947 , Mộ An Sang ngày 12 tháng 5 năm 1949 , Vượt sông Đà tiêu diệt tiểu đoàn Marôc thứ ba ngày 9 tháng 12 năm 1952 … Tôi có cảm giác rõ ràng rằng ông tự viết chứ không hề có thư kí ghi chép hay giúp việc gì cả . Thời kháng chiến chống Pháp , và trước đó nữa trong hoàn cảnh hoạt động bí mật , với cương vị cán bộ tiểu đoàn và trung đoàn như ông , lại ham chuyện văn chương thì chỉ có tự làm mọi việc .
    Có những bài viết sau sự kiện xảy ra hàng chục năm , chẳng hạn Hai lần đi vận động văn hoá viết tháng 1 năm 1865 . Chúng ta đều biết Đề cương văn hoá Việt Nam do chính đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo và sau khi được thông qua nhiều đồng chí trung ương đã đến với giới văn hóa tiến bộ lúc đó . Chúng ta cũng đã đọc hồi kí của nhiều nhà văn lớp trước như Nguyễn Đình Thi , Tô Hoài … thấy như Vũ Quốc Uy , Lê Quang Đạo …đã thay mặt đảng tới truyền đạt tinh thần đề cương văn hoá Việt Nam . Quả đúng như vậy ! Nhưng đọc truyện của nhà văn Trần Độ , mà hồi kí cũng được những người sưu tầm xếp vào thể loại này thì chính ông với cương vị bảo vệ và thư kí Tổng bí thư đã vượt bao khó khăn đem văn bản này tới các vị Lê Quang Đạo và Vũ Quốc Uy . Ông không trực tiếp dự các buổi mạn đàm , trao đổi về nội dung : Khoa học , dân tộc và đại chúng với các nhà văn 
, nhưng lại là sợi dây nối giữa lãnh đạo đảng với các nhà văn . Từ những ngày ấy , và trước nữa , khi còn cắp sách đến trường , ông đã luôn mê say và yêu quí các nhà văn , nhà thơ , như : Nguyễn Tuân , Nguyên Hồng , Tố Hữu , Tế Hanh , Tô Hoài , Nam Cao …và luôn khát khao cầm bút và đặt mình chỉ là đàn em của những con người nổi tiếng kia . Có một bài ông viết về lãnh tụ với tiêu đề : Vài kỉ niệm về Cụ Hồ . Đề tài này nhiều người viết dưới những góc độ khác nhau và ở những cương vị khác nhau , cũng như cán bộ và sĩ quan trong quân đội , vị thế như ông , gặp Bác đôi ba lần , nhiều khi kể lại khá chung chung . Nhưng với ông thì không . Ông vẫn tìm ra nét gì đó riêng rẽ , chi tiết nào đó không mấy giống ai từng nói lại , làm cho bài viết sinh động và mới mẻ .
    Đọc truyện và kí của ông tôi cứ suy nghĩ , không hiểu bằng cách nào , ông viết được nhiều và với giọng văn khoẻ đều như thế . Sau này ở cương vị cao và trong hoàn cảnh đất nước hoà bình thống nhất đã đành , nhưng trong chiến trận thời đánh Pháp , cũng như đánh Mĩ , rồi hoạt động bí mật trong cao trào Việt Minh , ông viết thế nào nhỉ ? Đến sau này tuổi cao sức yếu , cuộc đời một cán bộ cho dù cấp cao chăng nữa , chắc chắn cũng có những lúc buồn vui suy ngẫm , nhưng văn ông thì từ đầu chí cuối , nhất nhất không khí lạc quan , đắm say . Cây gạo Ba Đê cứ được ông nhắc đi nhắc lại trong bài viết về những ngày hoạt động Việt Minh ở Đông Anh khi ấy còn thuộc tỉnh Phúc Yên . Mà sao ông nhớ đến như thế ? Những con người , những chi tiết , những cảnh ngộ , cả những môi trường chung quanh sự kiện , dường như chuyện vừa xẩy ra hôm qua để hôm nay ông ghi lại . Chất sống ở các trang văn của ông nhịp nhàng , hối hả , lúc thư giãn tí chút, lúc dồn dập , nhưng không bao giờ lắng đi nhàn nhạt . Trái tim nồng hậu với cuộc đời của ông đã để lại những trang viết khá xúc động cho dù ông phản ánh sự kiện xẩy ra lâu rồi . Chẳng hạn bài Mấy ngày tự do đầu tiên ông viết tháng 12 năm 1962 kể về sự việc xảy ra khi vượt ngục Sơn La . Kẻ thù dong dải ông cùng các bạn tù về Hoả Lò để đầy ra Côn Đảo nhưng tới Hoà Bình có tình huống thuận lợi và được phép trong kế hoạch trước đó với lãnh đạo nhà tù , ông và mấy người bạn … Trốn ! Qua bao hiểm nguy , họ về tới Trung Hà , 
Sơn Tây , rồi ngõ phố Khâm Thiên , trước khi bắt liên lạc với cơ sở để được đón đi hoạt động . O Khâm Thiên , trong một gia đình yêu nước có cảm tình với cách mạng các ông được bao che , nuôi dưỡng ,…Chuyện xảy ra trước tháng 8 năm 1945 , nhưng tới năm 1962 , khi viết bài này , niềm hứng khởi , khát vọng chứa chan với hoạt động vì dân , vì nước vẫn nôn nao trong ông , đẩy giọng văn có hơi thở nồng nàn .
    Khối lượng lớn lao tôi được đọc gồm gần 2000 trang vi tính khổ A4 thì phần được xếp vào thể loại truyện chừng 600 trang . Bài Lòng tin dài 30 trang viết xong đêm 25 tháng 2 năm 1952 kỉ niệm giải phóng thị xã Hoà Bình và tỉnh Hoà Bình . Giữa những trang truyện có cả dòng tự sự đầy suy ngẫm và khái quát , đánh giá , nhưng không đi sâu để biến thành bài viết mang tính lí luận chỉ đạo nên người đọc vẫn dễ tiếp thu . Bài viết này khá công phu và chắc chắn ông đã đầu tư tâm huyết không phải ít . Ông vào nam làm nhiệm vụ từ những ngày Mĩ ào ạt đổ quân và gây ra chiến tranh cục bộ tới năm 1974 trở ra , thấy miền bắc thay đổi nhiều , cả những bước đi lên và tồn tại làm bất cứ ai có tâm huyết với dân với nước cũng phải suy ngẫm . Ông lặng lẽ và cân nhắc , rồi sau khi tham quan và nghỉ dưỡng ở Đức trở về ông quyết định viết những dòng chữ gửi các đồng chí lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước gọi là thư tâm huyết . Ta không luận bàn ở đây nội dung thư đúng tới đâu và được hưởng ứng tới đâu mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh điều , ông là con người sục sôi suy nghĩ , lúc nào cũng đau đáu với tư cách mình là công dân , là người con đất Việt , cùng với trách nhiệm cao cả của một chiến sĩ . Ông vì cái chung mà nói ra điều này , điều nọ , không hề nhằm mục đích cá nhân nào khác . Cho nên đọc truyện của ông phút nào đó ta cũng thấy ngậm ngùi . Suốt mấy trăm trang văn đầy hơi thở đời sống ấy tôi thấy khoái và khá thú vị khi ông viết về tướng Nguyễn Sơn . Chúng ta đều đã biết vị lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn khá độc đáo và dường như có một không hai trên thế giới đã được ông ghi lại chân thực bằng ngôn ngữ rất sống động . Mở đầu là chuyện ông dẫn một tốp nhà văn tới gặp tướng Nguyễn Sơn . Ông Sơn vui vẻ trân trọng bắt tay từng người nhưng tới anh cán bộ Trần Độ 
ông thấy tẻ quá , lại chẳng có tên tuổi gì , liền hỏi :
- Mày là thằng nào ? Biết gì văn chương mà ngồi ở đây .
    Ai đó có thể tự ái , nhưng Trần Độ không , ông khiêm tốn thưa thực lòng mình :
- Em muốn được nghe chuyện văn chương của các bậc đàn anh .
    Thế là Nguyễn Sơn cho phép . Và trong thâm tâm ông bái phục tài ăn nói cùng với sự hiểu biết của vị tướng về văn học cũng như các vấn đề xã hội khác . Khi được trên giao nhiệm vụ sang bạn bàn việc trọng đại và đi cùng ông Sơn nhân ông Sơn trở về đất mẹ thứ hai là Trung Quốc ông Độ yên tâm  vì có người giỏi dang tin cậy giúp đỡ . Nhà văn tương lai đã ngỡ ngàng lại còn khó khăn nữa là không nói được tiếng bạn và chưa giao tiếp với bạn bao giờ . Thôi thì có con người quá thông thạo là tướng Nguyễn Sơn làm cố vấn và phiên dịch hộ . Nhưng ông Sơn thông loát tất cả . Với hiểu biết rộng và khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ bạn tuyệt vời , quen biết nhiều , lại nắm chắc nhiệm vụ của ông Độ , nên tới đâu ông Độ cũng chỉ còn biết nghe theo . Khi bàn bạc nhà văn của chúng ta cứ ngớ ra nghe tướng Sơn trao đổi với bạn và chờ mình phát biểu để ông Sơn dịch , nhưng ông Sơn cứ gật gù liến thoắng rồi bảo : Về thôi ! Mọi việc xong rồi . Hỏi lại thì được ông trả lời : Tao đã bàn hộ xong cả rồi . Nội dung công việc được giao ở nhà đều đạt đúng như mong đợi , để rồi, ông Trần Độ vừa khâm phục bậc đàn anh vừa thấy mình học được nhiều điều bổ ích . Giữa những trang văn trải ra bát ngát  như cuộc đời của nhà văn là vị tướng lăn lộn khắp đó đây , ta thấy như bước đi của một đội quân , của một thế hệ , của cả dân tộc từ khai sinh lập nền cộng hoà và vượt qua gian nguy suốt mấy chục năm để giữ vững và phát huy vẻ vang nền cộng hoà ấy .

                Kì sau :  Nhà văn Trần Độ bàn về văn hoá