Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHẢI CHĂNG TRONG GIAI ĐOẠN BẮC THUỘC,“ĐỐI ĐẦU VĂN HÓA” LÀ CHỦ YẾU?

Hà Văn Thùy
Thứ hai ngày 6 tháng 12 năm 2010 8:45 PM

(Trao đổi lại với nhà văn hóa Hữu Ngọc)
 
Trên tạp chí Hồn Việt số 41 tháng 11 năm 2010, nhà văn hóa Hữu Ngọc có bài “Đối thoại giữa các nền văn minh dưới góc độ tiếp biến văn hóa ở Việt Nam.”* Bài viết có những ý:
1. “Trong khoảng bảy chục năm gần đây, những tiến bộ kỹ thuật của loài người vượt xa những tiến bộ đạt được trong 600.000 năm trước đó.”        
2. Gốc văn hóa Việt Nam (Việt) ở Đông Nam Á thuộc văn minh lúa nước. Ngoài vận động nội tại (các tộc người bản địa), gốc đã qua tiếp biến văn hóa, được ghép thêm những yếu tố Văn hóa ngoại lai (chủ yếu là Trung Quốc)
3. Trong giai đoạn Bắc thuộc (179 tr CN - 838) “đối đầu văn hóa” là chủ yếu. Người Trung Quốc thống trị áp đặt văn hóa Hán, người Việt chống lại để bảo vệ văn hóa gốc. Chính trong cuộc đấu tranh ấy, bản sắc Việt được mài giũa sáng tỏ hơn và tự khẳng định mạnh mẽ.
4. Nguyễn Trãi làm thơ tiếng Việt (Quốc âm thi tập) là mặt đối đầu (chống chữ Hán). Nhưng ông cũng lại làm thơ chữ Hán (mặt đối thoại, tiếp thụ) vì vào thế kỷ 15, văn thơ Nôm chưa nhuần nhuyễn bằng Hán.”
 Và:
 “Hồ Chí Minh viết và làm thơ tiếng Việt và chữ Hán, viết văn xuôi tiếng Pháp, với ý thức vừa đối đầu vừa đối thoại văn hóa.”
Xin thưa lại với tác giả đôi điều.
1. Nói: “những tiến bộ kỹ thuật của loài người vượt xa những tiến bộ đạt được trong 600.000 năm trước đó,”  tác giả thể hiện quan điểm của thuyết “Đa trung tâm về cội nguồn nhân loại.” Thuyết do hai nhà nhân học người Mỹ là F. Weidenreich và C.S.Coon đề xuất,  cho rằng, loài người hiện nay được sinh ra tại nhiều trung tâm: Đông Nam Á, Đông Á, Tiền Á và châu Phi. Thuyết “Đa trung tâm” thịnh hành từ giữa cho tới cuối thế kỷ XX. Trong một bài viết đăng trên website BBC tiếng Việt năm 2005, Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định: “Giới khoa học Việt Nam ủng hộ thuyết Đa trung tâm.”
Nhưng những năm cuối thế kỷ, nhờ áp dụng công nghệ gen vào việc tìm nguồn gốc con người, nhiều công trình khoa học lớn như “Rời khỏi đia đàng” (1) của Gs Stephen Oppenhaimer Đại học Oxphord hay Gs Y. Chu cùng đồng nghiệp trong Đự án đa dạng di truyền người Trung Quốc (2), khẳng định, loài người hiện đại xuất hiện đầu tiên ở Đông Phi 160.000 năm trước, sau đó di cư ra toàn thế giới. Những nghiên cứu này cũng phát hiện rằng người tiền sử đã theo bờ biển Nam Á tới Việt Nam khoảng 70.000 năm trước. Nhờ điều kiện sống thuận lợi của “địa đàng phương Đông,” những người có mặt ở Việt Nam đã sinh sôi nhanh chóng rồi lan tỏa khắp Đông Á, sang châu Mỹ, qua Trung Á tới châu Âu…
Phát biểu của nhà văn hóa học lão thành nằm trong quan niệm cũ của giới học thuật Việt Nam, nay cần được điều chỉnh lại.
2. Quan niệm “văn hóa Trung Quốc là ngoại lai” cũng như cho rằng, trong thời Bắc thuộc, “đối đầu văn hóa” là chủ yếu. Người Trung Quốc thống trị áp đặt văn hóa Hán, người Việt chống lại để bảo vệ văn hóa gốc” là những kiến thức không biết hình thành từ bao giờ mà hơn nửa thế kỷ trước, tôi đã được học ở trường phổ thông. Tuy vậy, chưa có ai lý giải thỏa đáng về sự đối đầu văn hóa ấy! Nhưng quan sát cuộc sống, tôi gặp một thái độ khác của người dân với văn hóa Hán. Những năm 1950, khi các anh tôi học chữ Nho từ ông đồ làng rồi dùng giấy bản có chữ Nho phất diều, vứt ra nhà, bà nội tôi gom lại đem đốt rồi dạy: “Chữ thánh hiền, làm vậy phải tội chết!” Mẹ tôi, người đàn bà không biết chữ, trong khi dạy chúng tôi bằng ca dao, tục ngữ lại xen vào những câu chữ Hán hay nửa Hán nửa Nôm như “cô (vô) tác vác mỏ”, “Nhân chi sơ là sờ vú mẹ”. Các bác các chú tôi say sưa kể Đông Chu liệt quốc, Chinh Đông chinh Tây, Tam quốc chí rồi diễn tuồng Lã Bố hý Điêu Thuyền… Sau này tiếp xúc với sách vở thì đều thấy người xưa vô cùng tôn trọng Thi, Thư! Rồi tôi đọc được ở đâu đó: “Trong suốt chiều dài lịch sử, tuy chống lại sự xâm lược của người Hán nhưng người Việt không bao giờ chống văn hóa Hán.”
Những năm gần đây, do tiếp thu thành quả của di truyền học thế giới về nguồn gốc loài người cùng con đường di cư của nhân loại chiếm lĩnh Trái đất, tôi biết được rằng, từ xa xưa người Việt đã đưa công cụ Đá Mới và nông nghiệp lúa nước lên khai phá đất Trung Hoa. Tới thiên niên kỷ thứ IV TCN, người Việt cổ với khoảng hơn 60% nhân số thế giới đã xây dựng trên địa bàn Đông Á nền nông nghiệp lúa nước rực rỡ nhất hành tinh. Từ khảo cứu của mình, tôi cũng phát hiện rằng, người Hoa Hạ, tổ tiên người Trung Hoa hiện nay, được ra đời khoảng 2600 năm TCN nhờ hòa huyết giữa người Mông Cổ du mục và người Việt nông nghiệp, là kết quả của cuộc xâm lăng của người Mông Cổ xuống vùng Nam Hoàng Hà. Là con lai, lại sống trong giang sơn Việt, người Hoa Hạ tiếp thu nghề nông cùng văn hóa của tổ tiên Việt, trong đó có tiếng nói và chữ viết. Tuy nhiên, tuân theo tư tưởng của tộc Mông Cổ du mục, khi xây dựng nền chính thống của các vương triều Trung Hoa, người Hoa Hạ xóa bỏ lịch sử của tộc Việt. Từ nghiên cứu lịch sử dân tộc Trung Hoa cho thấy, suốt hơn 2000 năm, cùng với các nhà nước Trung Hoa hình thành tại Trung Nguyên thì xung quanh đó là những quốc gia của người Việt: Ba, Thục ở phía tây; Ngô, Việt, Sở ở phía Đông, Văn Lang ở phía nam. Khi diệt các nước này, nhà Tần sáp nhận khối người Việt vào đế quốc, đồng thời chiếm đoạt văn hóa của các quốc gia ấy. Sau hơn 2000 năm, lịch sử, văn hóa của tộc Việt phần bị chôn vùi, phần bị chiếm đoạt, phần bị xuyên tạc nên người Việt không hiểu đúng được lịch sử và văn hóa gốc của mình. Nhờ nguồn tư liệu phong phú và có độ tin cậy cao, tôi phát hiện rằng, toàn bộ văn hóa vật thể và phi vật thể trên đất Trung Hoa 2600 năm TCN là sản phẩm của tộc Việt. Không những thế, toàn bộ văn hóa Trung Hoa cũng được xây dựng trên cơ sở văn hóa nông nghiệp của tộc Việt. (3)
Nói công bằng, những phát hiện của tôi không mới mà chỉ là sự chứng minh cho những ý tưởng do học giả Kim Định đề xuất từ gần nửa thế kỷ trước. Trong cuốn sách quan trọng Việt lý tố nguyên, ông cho rằng, từ xa xưa, trên địa bàn Đông Á, người Việt đã xây dựng nền văn hóa Việt Nho. Người Hán kế thừa nền văn hóa này nhưng theo thời gian, đã làm nó sa đọa theo văn minh du mục của người Mông Cổ.(4)
Do những “đề quyết động trời” đó không thể chứng minh được nên nó bị nghi ngờ và không ít người phản đối quyết liệt. Nếu có được con mắt xanh nhận ra tính hữu lý trong đề xuất của học giả Kim Định rồi đi vào nghiên cứu, hẳn sẽ đưa lại những kết quả tốt đẹp. Năm 1997 khi đơn côi về cõi vĩnh hằng trong nhà thờ dòng tu Công đồng xứ người, triết gia Kim Định vẫn rất tin vào phát kiến của mình!
Năm 2006, từ khảo cứu quá trình hình thành dân cư và văn hóa Trung Hoa, từ phát hiện những hóa thạch ngôn ngữ Việt trong kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch cùng những thư tịch cổ khác, tôi công bố tiểu luận: “Tiếng Việt, chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán.” (5) Rất mừng là gần đây, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đỗ Thành, người Việt gốc Triều Châu, định cư tại Sacramento Hoa Kỳ công bố những bài như Phát hiện lại Việt nhân ca (6), Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn (7), Nguồn gốc chữ Nôm(8)… là những minh chứng không thể bác bỏ cho thấy người Trung Hoa tiếp thu tiếng nói và chữ viết của tộc Việt để xây dựng ngôn ngữ Trung Hoa.
Vì vậy, đối với dân tộc Việt Nam, văn hóa Trung Hoa không phải ngoại lai.
    3. Nếu xét kỹ, quan niệm “đối đầu văn hóa” là chủ yếu.” Người Trung Quốc thống trị áp đặt văn hóa Hán, người Việt chống lại để bảo vệ văn hóa gốc” chỉ là suy lý theo lô gic hình thức, nương theo tâm thức “đối kháng Trung Hoa”, không phù hợp với sự thật lịch sử. Bởi lẽ, đối kháng văn hóa chỉ xảy ra khi bị áp đặt một nền văn hóa xa lạ. Nhưng Việt - Hán vốn “đồng chủng, đồng văn” thì tội gì người Việt phải làm cái trò vô nghĩa là đối đầu với chính mình?  Do thời gian quá xa và không biết được lịch sử người Việt đi lên khai phá Trung Hoa để rồi sinh ra người Hán cùng văn hóa Hán nên chúng ta không hiểu bối cảnh lúc đó. Tôi hình dung tình huống như sau: Trong xã hội Việt vốn tồn tại văn hóa Việt Nho, là văn hóa cội nguồn, do người Việt sáng tạo, làm nên văn hóa nhân bản Á Đông, vừa sâu thẳm, vừa mênh mang. Chính vì vừa sâu thẳm lại vừa mênh mang nên khó nắm bắt. Mặt khác, Nho học thời Hán Vũ đế chưa bị tha hóa nhiều, còn gần với Khổng giáo tức là gần với văn hóa cội nguồn của tộc Việt mà sau này triết gia Kim Định gọi chính xác là Nguyên nho hay Việt nho. Vì vậy, khi Triệu Đà và các thái thú Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp... mang Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc cùng chữ vuông tới, người Việt đã hưởng ứng tích cực. Bằng trực giác, bằng tâm cảm, họ hiểu rằng đó chính là văn hóa của tổ tiên mình đã được đúc kết thành kinh điển. Có thể người Việt đang dùng chữ hỏa tự và không biết rằng, chữ vuông cũng do tổ tiên mình sáng tạo. Nhưng điều họ biết chắc chắn là, chữ Hán được gọi là nhã ngữ, tức “ngôn ngữ thanh nhã” của người Việt phương Nam, và nhất là được đọc gần với âm Việt nên dễ học. Có thể nói thế này, Nho học vào Việt Nam giống như đứa con sau bao năm tháng đi xa nay trưởng thành trở về nguồn cội. Còn người Việt thì tiếp nhận Nho học như gặp lại người thân của mình lưu lạc nay trở về nhà. Người Việt không bao giờ đối đầu với Thư, Thi, Lễ, Nhạc… Trái lại, tiếp thu nhanh chóng và chẳng bao lâu, một lớp trí thức Nho học thành tài, được triều đình Trung Quốc vì nể. Như vậy, thực tế không phải “đối đầu văn hóa” là chủ yếu.
Đối kháng Trung Hoa là có thật, nhưng chủ yếu là chống đối sự bóc lột hà khắc, tàn bạo của kẻ thống trị. Do đại đồng nên không có sự đối đầu lớn về văn hóa mà chỉ có sự phản đối, ngăn trở “tiểu dị” là những yếu tố du mục trong Hán nho như quá đề cao quân chủ và gia trưởng, coi thường người dân cùng phụ nữ và những biểu hiện phi nhân trong một số tập quán mà người Hán đưa sang... Những cuộc khởi nghĩa nổ ra không phải là kết quả của đối đầu văn hóa. Chính sự chấp nhận văn hóa này đã góp phần quan trọng nâng cao sĩ trí và dân trí Việt, tạo tiền đề cho khi giành được tự chủ, các triều đại Việt rất nhanh xây dựng được nền văn hóa nho học cao trong khu vực. Xin dẫn một ví dụ. Trong dân gian Việt từ rất xa xưa có tục thờ Thần Nông nhưng có lẽ điển chế còn lỏng lẻo. Nhà Chu ra đời, học tục thờ này của người Việt nhưng thay Thần Nông bằng ông tổ của mình là Hậu Tắc và gọi là tế đàn Xã Tắc. Với thời gian, tục tế Xã Tắc mất đi nội dung thờ ông tổ nhà Chu, trở thành lễ tế thần cây Kê. Khi các thái thú người Hán mang lễ tế Xã Tắc sang, người Việt đã chấp nhận quy chuẩn và cả tên gọi lễ tế này, coi như lế tế Thần Nông, vì quan niệm rằng, Tắc là loại lúa nếp nương thông dụng (9). Khi giành được nuớc, Đinh Tiên hoàng đặt lễ tế Xã Tắc là quốc lễ và truyền đến ngày nay. Đấy chính là tinh thần tiếp biến văn hóa của người Việt.
Có lẽ cũng không phải: “Chính trong cuộc đấu tranh ấy, bản sắc Việt được mài giũa sáng tỏ hơn và tự khẳng định mạnh mẽ.”  Theo tôi, trái lại, không phải do đối đầu, đối kháng mà chính nhờ tiếp nhận văn hóa từ người Hán, bản sắc văn hóa Việt được củng cố để tự khẳng định.
  4. Ông Hữu Ngọc viết: “Nguyễn Trãi làm thơ tiếng Việt (Quốc âm thi tập) là mặt đối đầu (chống chữ Hán). Nhưng ông cũng lại làm thơ chữ Hán (mặt đối thoại, tiếp thụ) vì vào thế kỷ 15, văn thơ Nôm chưa nhuần nhuyễn bằng Hán.”
 Và:
 “Hồ Chí Minh viết và làm thơ tiếng Việt và chữ Hán, viết văn xuôi tiếng Pháp, với ý thức vừa đối đầu vừa đối thoại văn hóa.”
Tôi cho rằng, là nhà văn hóa lớn, Nguyễn Trãi không bao giờ đối đầu hay chống chữ Hán. Với ông, chữ Hán là chữ thánh hiền, là thiêng liêng. Việc ông làm nhiều thơ chữ Nôm thể hiện lòng yêu nước, thương dân, muốn cho nhiều người hiểu được thơ mình. Và cũng bởi một lẽ, là nghệ sĩ, “cây đàn muôn điệu”, dùng chữ hán hay chữ Nôm chính là việc sử dụng nhạc cụ tốt nhất cho cảm hứng của mình. Trường hợp Hồ Chí Minh cũng vậy. Sau này, cho tới hôm nay cũng còn nhiều người làm thơ, làm câu đối bằng chữ Hán. Đó không phải sự chống đối chữ Hán mà là nhu cầu văn hóa.
        Những ý tưởng nêu trên của nhà nghiên cứu văn hóa lão thành Hữu Ngọc là nhận thức đã tồn tại thời gian dài trong xã hội chúng ta. Đấy là kết quả của giai đoạn nhận đường, khi chúng ta tìm về cội nguồn lịch sử cùng văn hóa của mình dựa vào những nguồn tư liệu chưa đủ độ tin cậy. Nay, nhờ tiến bộ của nhân loại, chúng ta có được những căn cứ phong phú, khoa học, khả tín để phát hiện lại lịch sử văn hóa dân tộc. Vì vậy việc chuyển hóa nhận thức theo đà tiến của khoa học là cần thiết. “Kiên trì” những hiểu biết cũ xưa trở thành phản tác dụng, cản trở đà tiến xã hội.
                                                                      25.11. 2010
           *
http://honvietquochoc.com.vn/Van-hoa/Truyen-thong/Doi-thoai-giua-cac-nen-van-minh- duoi-goc-do-tiep-b.aspx
Tài liệu tham khảo:
     1. Stephen Oppenheimer. Out of Eden: Peopling of the World
http://www.bradshawfoundation.com/journey/introduction.html
2.J.Y Chu et al. Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci. USA 1998 N. 95 p 11763-11768.
3. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008.
4. Kim Định. Việt lý tố nguyên. An Tiêm. Sài Gòn. 1970
5. Hà Văn Thùy. Tiếng Việt, chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán. 
http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=330079&mpage=1&key=񐥟
6. Đỗ Thành. Phát hiện lại Việt nhân ca. Văn hóa Nghệ An số 179 ngày 25.8.2010 http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=12183&LOAIID=17&LOAIREF=5&TGID=2079
7. Đỗ Thành. Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=12183&LOAIID=17&LOAIREF=5&TGID=2079
8. Đỗ Thành. Nguồn gốc chữ Nôm.
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=12597&LOAIID=29&LOAIFID=5&TGID=2079
9. Hà Văn Thùy. Đàn Xã tắc thờ ai?
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=10615&LOAIID=17&LOAIFID=5&TGID=711