Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LEP TÔNXTÔI & VICTOR HUGO : - hai cách nhìn về một hiện tượng Napoléon Bonaparte

PGSTS.Nguyễn Trường Lịch
Thứ tư ngày 8 tháng 12 năm 2010 8:21 AM

Nhân dịp Hội thảo quốc tế về L.Tonxtoi tại HàNội
                             
       Như nhiều người đã  biết ở châu Âu thế kỷ XIX có hai bộ tiểu thuyết đồ sộ đạt tới đỉnh cao nhất là Những người khốn khổ(1862) của Hugo (1802-1885)và Chiến tranh và hoà bình(1864-1869) của Tônxtôi. Hai nhà văn khổng lồ ấy đều dành cho Napoléon một vị trí khá lớn qua nhiều trang tác phẩm.
 “Napoléon là một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất thé giới.” Đó là nhận định của giáo sư sử học xô viết Tarlé trong cuốn sách danh nhân khá dày: Napoléon Bonaparte. Vào những năm 60 của thế kỷ 20, có một nhà thư  mục học nổi tiếng từng thống kê:- đã có đến 20.000 cuốn sách viết về người hùng Napoléon, có lẽ đến nay con số ấy đã lớn hơn nhiều. Chắc rằng Những người khốn khổ cựng Chiến tranhvà hoà bình cũng nằm trong con số kếch xù đó. Ngoài các nhà chính trị, quân sự, lịch sử, có lẽ hầu hết các văn nghệ sĩ thế kỷ 19 ở châu Âu trên mọi lĩnh vực văn thơ, nhạc hoạ, kịch v..v.. đều bộc lộ thái độ trước hiện tượng kỳ lạ Napoléon. Những người theo quan điểm duy tâm chủ quan, mà nổi bật là trường phái anh hùng luôn luôn tìm cách chứng minh rằng, Napoléon giữ vai trò của một vĩ nhân đã sáng tạo ra một thời đại lịch sử mà ông đã sống, là người anh hùng tạo nên thời thế .  Thậm chí trong dân gian còn truyền tụng cả giai thoại:“chỉ cần một cái hắt hơi của Napoléon là có thể làm rung chuyển cả thé giới .”
   Trong văn chương, người ta thường nhắc đến nhà thơ lãng mạn bảo thủ Chateaubriand (1768-1848) từng viết nhiều bài thơ ngợi ca vị “ hoàng đế anh minh”. Chuyện cũng kể rằng, thi hào Gơtơ (1479-1832) trong khi xin đến yết kiến Napoléon ở Erphua trên đất Đức, thì vị tướng này quên cả mời nhà thơ lão thành ngồi xuống ghế; và khi Napoléon tỏ ý tán tụng cuốn tiểu thuyết  Nỗi buồn của chàng Vecte thì “Gơtơ đã vội tỏ ra rất đỗi vui mừng”(theoTarlé -tr.192)
     Riêng nhà văn Stendhal (1783-1842 ) từng nhiều năm tham gia các chiến dịch quân sự dưới quyền chỉ huy của vị danh tướng lẫy lừng này, thì hình tượng vị Hoàng đế được lý tưởng hoá hết sức rõ nét qua nhân vật Fabrixơ trong cuốn Tu viện thành Parme; còn chàng Juyliêng Xôren trong tiểu thuyết Đỏ và Đen lại mải mê đọc Hồi ký của hoàng đế Napoléon.
    Trong luồng gió chung của xã hội Pháp đầu những năm 20 “khi bầu trời châu Âu còn lằn ngang dọc với những tia chớp của các chiến công Napoléon ”, nhà văn Hugo được coi như một trong những người đã xây dựng nên huyền thoại về Napoléon trong nhân dân Pháp. Đối với Hugo, việc ca ngợi hình ảnh Napoléon đánh dấu một giai đoạn phát triển trong tư tưởng của ông: đó là khi niềm tin đối với nền quân chủ chính thống đã mất và khuynh hướng cộng hòa chưa đến. Napoléon là hình tượng tổ quốc trong thơ ông, mang dáng dấp một bán thần  có uy lực với toàn cầu và chỉ thua có Chúa :
                                     “…Con người ấy ,
                              Lớn hơn César, lớn hơn La Mã ,
                              Đã hút vào số phận của mình, số phận cả loài người”. 
    Đặc biệt, qua Những người khốn khổ, tác phẩm được nung nấu suốt 30 năm trời, tác giả coi như “ một trong những cái đỉnh, nếu không phải là đỉnh cao nhất”, đồng thời đấy là tụ điểm chính bộc lộ rõ nét nhất thé giới quan cùng tài năng của nhà văn. ở đây, hình tượng Napoléon hiện ra như người anh hùng kỳ diệu, như “những chùm sao khổng lồ chói sáng đêm tối vô tận ”, đẹp đẽ hấp dẫn như một thiên huyền thoại.
    Chàng Mariuyx, một nhân vật trung tâm, được tác giả dành hẳn một trong năm phần của tiểu thuyết mang tên chàng (Phần thứ ba: Marius)  Mariuyx  thời trẻ in đậm bóng dáng bản thân Hugo, kể cả ngoại hình.Ông đã dành tất cả những tình cảm đẹp đẽ nhất cho vị Hoàng đế.  Hãy đọc một đoạn nổi bật sau đây:
  “Mariuyx đọc những kỷ yếu của đại quân, những đoàn hùng ca viết ngay trên chiến trường; thỉnh thoảng anh đọc thấy tên cha anh, tên Hoàng đế luôn luôn trở lại trên mặt giấy tất cả thời kỳ đế chế vĩ đại hiển hiện, anh thấy như cả ngọn nước thuỷ triều dâng lên trong lòng anh, anh thấy hình như cha anh vụt thoảng qua như ngọn gió và tiếng nói cha anh vẳng bên tai, anh tưởng nghe thấy tiếng trống trận, tiếng đại bác tiếng kèn, tiếng bước chân nhịp nhàng của từng đoàn quân, tiếng vó ngựa phi xa xa của các đoàn kỵ binh; thỉnh thoảng anh ngước mắt lên trời nhìn những chùm sao khổng lồ chói sáng trong cao thẳm vô tận, rồi mát anh nhìn xuống sách và ở đấy anh lại thấy  những sự việc vĩ đại biến chuyển rầm rầm.Trái tim anh thắt lại.Người anh run lên,ngất ngây,hồi hộp hứng khởi, rồi bỗng nhiên,không hiểu vì sao,dưới áp lực gì,anh đứng nhổm lên,giơ hai cánh tay ra ngoài cửa sổ,nhìn chăm chăm vào bóng đêm yên lặng,vùng đen tối không cùng,cõi mênh mông vô tận và thét to lên:Hoàng đế muôn năm”!(NNKKII/407) 
   Trong lúc tranh luận với nhóm các bạn trẻ ABC, Mariuyx đã không chút ngần ngại lớn tiếng ngợi ca người hùng lý tưởng của mình, bộc lộ đầy đủ tính cách một “tín đồ Bônapác.”(tiếng Pháp: bonapartiste- bản tiếng Việt dịch “ tín đồ Bonaparte.”(t.II/484): “Nếu không khâm phục Hoàng đế thì khâm phục ai?  Còn đòi gì hơn nữa? Nếu như một vĩ nhân như thế còn không vừa lòng các anh thì còn vĩ nhân nào khác nữa ? Hoàng đế có tất cả các đức tính, Hoàng đế hoàn toàn. Trong óc người chứa đựng toàn bộ khả năng của con người. Người làm những bộ luật như Gustiniêng, đọc chỉ thị như Cesar, những lời nói của người như chớp của Patxem lẫn sấm sét của Taxit, ngừơi làm ra lịch sử và viết sử, thông báo của người dũng mãnh như hùng ca, người giỏi toán như Niutơn, và văn hoa như  Mahômet, người để lại ở phương Đông những lời nói như Kim tự tháp; ở Tĩnxit người dạy cho bọn đế vương thế nào là oai nghiêm; ở Hàn lâm viện khoa học người đối đáp với Laplace, ở Hội đồng quốc gia, người tranh cãi với Merlanh, làm cho binh học và pháp lý có một linh hồn. Người là một nhà làm luật với luật gia, là một nhà thiên văn với những nhà thiên văn; như Crômoen, khi có hai cây nến sáng thì thổi bớt một cây; người cần kiệm mặc cả một cái núm màn cửa. Người thấy cả, biết cả, nhưng vẫn có một nụ cười hồn nhiên chất phác bên đứa con người; thế rồi đùng một cái, cả châu Âu hãi hùng lắng nghe từng đoàn quân rầm rộ xông lên, từng đoàn đại bác chuyển động, những chiếc cầu phao mọc dài ra trên các mặt sông, những đội kỵ binh như mây cuốn phi, như dông bão, tiếng hò la, tiếng kèn  trống vang ầm, các ngai vàng rung chuyển, bờ cõi các quốc gia di động trên bản đồ, người ta nghe thấy một lữơi gươm thần rút ra ngoài vỏ, ngừơi ta thấy Hoàng đế đứng hiên ngang giữa chân trời, bàn tay sáng rực, đôi mắt chói loà, trong sấm chớp, ngừơi dang hai cánh tay rộng là đại quân và đội cận vệ bách chiến và lúc ấy người là vị thần chiến tranh…”(NNKK-II/470)  “Napoléon là một nghệ sĩ thiên tài trong nghệ thuật chiến tranh.”(NNKK-I/541)
    Đành rằng, chúng ta đều biết rõ tư tưởng cơ bản tràn đầy tình cảm nhân đạo cao đẹp này là phục sinh quyền sống chính đáng của con người, nhằm vượt lên tất cả những gì xấu xa tàn bạo của bóng đen hiện thực cuộc sống đang ngự trị trong xã hội đương thời. Nhưng mặt khác, lại có thể khẳng định việc thần thánh hóa Napoléon là được bắt nguồn từ trong thế giới quan của tác giả. Chẳng phải thời trẻ Hugo là một “Bonapartiste” với ý thức sùng bái vị Hoàng đế anh hùng trong quá khứ, đồng thời nhằm đối lập thời đại của đứa cháu: Louis Bonaparte - vị Tiểu đế đệ tam đã mở đầu cuộc đảo chính, dựng lên chế độ độc tài, gây bao tội ác để bóp  chết nền Cộng hoà Pháp.
    Qua nhân vật Mariuyx đang vọng về vị cựu hoàng vĩ đại, tác giả còn có dụng ý tạo nên một bức tranh tương phản nhằm hạ bệ vị tiểu đế ( Napoléon-le petit ); bởi chính gã vua phản động  này sau khi chiếm được ngôi (1851) đã giết chết  “Tự do của nhân dân Pháp” và không ngần ngại trục xuất Hugo khỏi nước Pháp phải sống lưu đày suốt 19 năm liền ngoài đảo khơi. Chính tác giả cũng đã nói rõ quá trình sáng tạo cuốn tiểu thuyết đồ sộ ấy: “ Cuốn sách này là do một nguyên lão nước Pháp khởi thảo và một người lưu vong kết thúc”.
    Song dẫu sao, dù nhìn ở góc độ nào cũng có thể thấy hình tượng Napoléon toát lên quan điểm của văn hào Pháp đối với vị  “Hoàng đế vĩ đại” của dân tộc Pháp rõ ràng khác xa quan điểm của văn hào Nga. Trong bộ sử thi Chiến tranh và hoà bình, Tônxtôi  cũng vẽ tả tỉ mỉ  hiện tượng Napoléon.
    Còn về phương diện nghệ thuật không thể không chú ý: Hugo xây dựng tiểu thuyết NNKK theo phương pháp lãng mạn nghiêng về ngợi ca cái hùng vĩ, cái cao cả, cho nên ngòi bút luôn hướng về nét bay bổng, hào phóng khi nói tới các nhân vật anh hùng, mà Napoléon là đỉnh cao chói lọi nhất. Chẳng hạn, nhớ lại chién thắng liên quân Nga áo trên chiến trường Aoxteclich(1805) thì hình tượng Napoléon hiện ra như một thiên thần rực rỡ, như vầng “mặt trời Aoxteclich”.  
    Ngược lại với các nhà văn Pháp, Tônxtôi đứng vững trên quan điểm dân tộc Nga đã vễ tả hình tượng Napoléon từ góc nhìn hiện thực tỉnh táo. Dưới mắt Anđrây, nhân vật anh hùng của bộ sử thi, một sĩ quan quý tộc từng ôm “mộng Tulông”, trên đường ra trận với khát vọng trở thành người hùng như chính Napoléon ở trận Tulụng; nhưng khi bị thương ngã xuống chiến trường,Anđrây lại trực tiếp nghe tiếng vị Hoàng đế Pháp huênh hoang với các binh lính Pháp; chàng phát hiện ra gã vua này vừa tầm thường, vừa hợm hĩnh, hoàn toàn đối lập với cảnh máu me chết chóc của bao người dưới bầu trời Aoxteclich cao xanh vô tận kia: “Công tước Anđrây hiểu rằng, những lời nói về chàng và người nói chính là Napoléon...nhưng chàng nghe những lời nói đó dường như chỉ là nghe tiếng vo ve của một con ruồi. Chàng biết rằng đây chính là Napoleon- vị anh hùng của chàng, nhưng giờ phút này chàng thấy Napoléon sao mà nhỏ bé, vô nghĩa quá chừng so với cái điều bây giờ đang diễn ra giữa linh hồn chàng với bầu trời cao vô tận, với những đám mây bay lững lờ .” (CTHB-I/558)
    Sự phủ định của Anđrây chứng tỏ tâm trạng vỡ mộng Tulông của người sĩ quan quý tộc Nga trong cuộc chiến tranh vô nghĩa trên đất áo xa lạ. Nếu như trước đây, chàng thanh niên Nga ấy còn xem Napoléon là một thần tượng anh hùng cao đẹp như một nhân vật lý tưởng huyền bí của chính mình, thì nay qua thực tế chiến trường giữa bao thây xác của đồng đội và nỗi đớn đau thập tử nhất sinh của bản thân, Anđrây đã hoàn toàn thất vọng! Chàng nhìn rõ thói tàn nhẫn của Napoléon“lố bịch”và vô nhân đạo, cười trên nước mắt đau khổ của hàng vạn sinh linh; lúc ông ta trông thấy các pháo thủ Nga nằm la liệt trên chiến trường, ông nói rất lạnh lùng:“Lính của họ khỏe đẹp đấy!Cái chết thật là đẹp!”(CTHB-I)              
    ở đây rõ ràng là Tônxtôi để cho Anđrây phủ định thần tượng Napoléon, phủ định chính giấc mộng Tulông ngay đêm trước khi ra trận của bản thân chàng là một nét hiện thực tỉnh táo không chút thương xót đối với một con người mà kể từ gây việc binh đao, đống xương vô định đã cao bằng đầu, dù ông ta đang tràn đầy hào quang thắng lợi, nhưng thực chất vẫn chỉ là kẻ hiếu chiến từng “ giải thây trăm họ nên công một người”!   
    Không dừng lại chiến trường Aoxteclich, thần tượng Napoléon bị hạ bệ hoàn toàn qua tiếng cười hài hước của Tônxtôi khi vị “ Hoàng đế vĩ đại” này đem hơn 60 vạn quân tiến sâu vào xâm chiếm nước Nga mà không hề tuyên chiến!
   Cái chất “lố bịch”(chữ của Tônxtôi-CTHB) trong tính cách Napoléon được ngòi bút Tônxtôi đặc tả rất mực sắc sảo, táo bạo đầy chi tiết qua cảnh vị Hoàng đế trong phòng tắm, đúng vào buổi sáng trước khi khảo sát chiến trường Bôrôđinô; và chính cái trận địa quyết chiến điểm của dân tộc Nga này đã chôn vùi công danh sự nghiệp của viên đại tướng nước Pháp vào năm 1812, mở đường cho sự sụp đổ đế chế Napoléon thảm bại nơi chiến trường Oateclô ngày 18 tháng 6  năm 1815.
     Văn hào Hugo đứng trên quan điểm của người Pháp hết lời ngợi ca Napoléon là “một Hoàng đế hoàn toàn”, “trong óc Người chứa đựng  toàn bộ khả năng con người”, “một vị thần chiến tranh” thì ngược lại xuất phát từ quan điểm dân tộc chân chính của người Nga, gắn bó mật thiết với trái tim nhân đạo cao đẹp, Tônxtôi bóc trần bộ mặt thật của con người đạo đức giả tự cho mình là“Công lý” “sẽ ban cho nhân dân Nga một nền văn minh chân chính” ( CTHB-IV)
     Đây là một Napoléon đích thực, một con người bằng xương, bằng thịt trần trụi, cụ thể trong phòng tắm, với tràn đầy dục vọng đời thường cũng như tất cả mọi người ham muốn thoả mãn thể xác, chứ chẳng phải siêu nhân, thần thánh nào cả.Vào buổi sáng ngày 26 tháng 10-1812, trước chiến dịch Bôrôđinô một ngày, sau khi đi thị sát chiến trường về, ông ta vào phòng tắm; có hai gã hầu phòng đang kỳ cọ cẩn thận cho đức vua nước Pháp. Bức chân dung được đặc tả chi tiết: “Ông ta thở phì phì và ho khe khẽ, khi thì giơ cái lưng béo mập, khi thì ưỡn cái ngực đẫy đà và lông lá ra cho người hầu phòng lấy bàn chải chà xát . Một người hầu phòng khác lấy ngón tay bịt miệng lọ rảy nước hoa lên cái thân hình  trau chuốt của Hoàng đế…Mớ tóc ngắn của Napoléon ướt đẫm và dính bết lên trán. Nhưng bộ mặt của ông,  tuy béo phị  và  vàng bủng vẫn  biểu  lộ sự thỏa
mãn về thể xác: “ Cứ xát mạnh vào, cứ xát nữa đị! ” (CTHB.-III -330)
     Điều chủ yếu ở đây là Tônxtôi muốn gắn liền thể xác của con người bình thường này với tâm địạ tàn nhẫn khát máu của y. Tuy đang đươc kỳ cọ trau chuốt trong phòng tắm, “ Napoléon vẫn không ngẩng đầu lên, cau mày gườm viên sĩ quan phụ tá ”, thì viên sĩ quan đột ngột bước vào báo cáo số lượng tù bình đã bắt được trong trận chiến đấu hôm qua, ngài ra lệnh  :
“Không bắt tù binh !- chúng cố tình nộp mạng. Như thế quân đội Nga lại càng chết - Napoléon nói. Cứ xát, xát  mạnh vào - ông vừa nói vừa cong lưng lại và giơ đôi vai béo mập ra”. ( CTHB -III-330)
     Như thế đó, con người trần mắt thịt Napoléon là vậy! Và chắc chắn ngày mai ra trận ông ta sẽ thất bại trước “cây gậy tày của nhân dân Nga” vung lên quyết liệt. Giữa trận Bôrôđinô, bằng cận cảnh, ngòi bút Tônxtôi đã khắc hoạ chân dung Napoléon đầy mai mỉa : 
“Nét mặt hầm hầm…” “nhìn cảnh tượng ghê rợn của chiến trường ngổn ngang những xác chết, nhìn những người bị thương, trong khi đầu óc còn choáng váng vì được tin hai mươi viên tướng quen thuộc của mình đã bị thương và tử trận, và nhận thức rõ rệt rằng cánh tay mình bấy lâu vô địch đã trở thành bất lực…Hôm nay cảnh tượng ghê rợn của chiến trường đã  thắng cái sức mạnh tinh thần mà ông cho là nền tảng của tài đức  và sự nghiệp của mình. Ông vội vã rời khỏi chiến trường  và trở về đồi Sevarđinô. Mặt vàng võ và sưng húp , người nặng nề, mắt đục ngầu, mũi đỏ ửng và tiếng nói khản đặc…Đầu choáng váng, ngực nghẹt thở, ông nhớ ra rằng mình có thể đau khổ và chết như mọi người. Trong giây phút này, ông không còn muốn chiếm Moxkva, không còn muốn thắng trận, không còn muốn vinh quang nữa. Bây giờ ông chỉ muốn một điều là nghỉ ngơi, yên tĩnh và tự do…” (CTHB -III-398)
Rồi chẳng bao lâu sau đó, thấy rõ mình lâm vào bế tắc, vô kế khả thi, cảnh bại trận hiện rõ mồn một, vị Hoàng đế nước Pháp dù đã phải xuống thang, hai lần gửi thư cầu hoà với nguyên soái Kutuzov, nhưng bị khước từ, ông đành phải  chuồn về nước “ với cái bụng phệ của một người ngoại tứ tuần ” không còn cảm thấy mình tháo vát và gan dạ như trước nữa. Do ảnh hưởng của mối sợ hãi mà toán quân Côdắc gieo vào ông ta, Napoléon lập tức ra lệnh rút lui về con đường Smôlen”(CTHB-IV-180) Và khi cả quân lẫn tướng chạy thục mạng về đến Varsava, chỉ còn năm vạn tàn binh, vị danh tướng ấy đã ai oán thốt lên: “ Hôm qua là một đại quân và nay là một đàn cừu!...Có lẽ ta đã phạm sai lầm là ở lại đó (Moxkva) qua lâu, nhưng từ sự cao cả đến sự lố bịch chỉ có một bước. Việc đó để cho hậu thế suy xét”! (Ephimov-Lịch sử cận đại/489)
     Trên đây là những điều khác nhau cơ bản giữa hai nhà văn Hugo và Tônxtôi , bởi lẽ hai đôi mắt, hai điểm nhìn của họ bắt nguồn từ hai dân tộc khác nhau. Không nghi ngờ gì nữa hai thế giới quan tác động sâu xa đến hai tác phẩm cùng viết về một nhân vật lịch sử.
     Hơn thế nữa, về phương pháp sáng tác hai nhà văn cùng viết hai tác phẩm cùng thời điểm thập kỷ 60 của thế kỷ XIX, nhưng Hugo nghiêng về khuynh hướng lãng mạn, còn Tônxtôi lại đắm mình trong phạm trù hiện thực chủ nghĩa .
    Tuy vậy, hai nhà đại văn hào lại gặp nhau trên cùng một khát vọng cao đẹp: chủ nghĩa nhân đạo. Cả hai cùng tố cáo chiến tranh từng gây bao cảnh đói khổ, chết chóc cho nhân loại.Vượt ra khỏi quan điểm quốc gia dân tộc, đứng trên tầm cao trí tuệ của một nhà tư tưởng lớn,nhìn lại chiến trường Bôrôđinô,Tônxtôi viết:
    “ Quân Nga đứng thành hàng ngũ dày đặc sau làng Xêmênovxkoiê và sau ngọn đồi. Súng của quân Nga vẫn gầm lên không ngớt và khói bốc lên che kín cả chiến tuyến của họ. Đây không còn là một cuộc giao chiến nữa . Đây là cảnh tàn sát đang tiếp diễn , một cuộc giết chóc không có lợi gì cho quân Nga mà cũng chẳng có lợi gì cho quân Pháp. Napoléon dừng ngựa và trở về với tâm trạng đăm chiêu... và lần đầu tiên, vì thất  bại,  ông đã  thấy  nó vô  ích và khủng  khiếp.”    
( CTHB-III - 380- NTL nhấn mạnh)
    Còn nhà văn Pháp dù đã hết lời ngợi ca Napoléon, nhưng khi chiến dịch   Oateclô thất bại thảm hại, Napoléon bị bắt rồi bị đày ra đảo Saint Elène do nước Anh quản lý thì Hugo đã lại phán xét một cách xác đáng: “Bônapac mà thắng trận ở Oateclô thì điều đó không hợp với quy luật của thế kỷ 19 nữa. Đã đến lúc con người to rộng ấy phải sụp đổ.. Đã đến lúc luật công lý không gì suy suyễn nổi ở trên cao phải chú ý. Bởi vì chắc hẳn bao nhiêu nguyên tắc, bao nhiêu lực lượng điều khiển mọi sự vận động bình thường trong lĩnh vực tinh thần cũng như trong lĩnh vực vật chất đã lên tiếng phàn nàn. Máu thành sông, xương thành núi, tiếng khóc mất con, mất chồng, còn có những lời kêu ca nào đáng sợ hơn ! Khi mặt đất rên xiết dưới một ách quá nặng nề thì từ bóng đêm cũng có những lời rên rỉ huyền bí vang đến cao xanh lồng lộng.
    Napoléon đã bị tố cáo trước đất trời và sự sụp đổ của ông đã được quyết định. …Cho nên Oateclô nào phải là một trận đánh, đó là cảnh tượng đất trời ngả về phía khác . ( NNKK- I-518-NTL nhấn mạnh )
    Thế rồi “ Napoléon mòn mỏi dần ở Lôngut thì sáu vạn người ngã xuống ở chiến trường Oateclô cũng yên lặng mà trở thành tro bụi…” (NNKK.I - 552)   
    Rõ ràng, tuy có hai cách nhìn khác nhau, nhưng ngòi bút của hai nhà nghệ sĩ bậc thầy này đều bộc lộ đầy đủ nét tài hoa của mình trong khắc hoạ hình tượng Napoléon. Từ ngoại hình đến nội tâm nhân vật, mỗi nhà văn đều tạo được phong cách riêng vừa cụ thể sinh động, vừa phong phú đa dạng, diễn biến tính cách Napoléon đầy xung đột mâu thuẫn, nhưng vẫn luôn phù hợp với lôgic của tình huống xã hội mà mỗi nhà văn miêu tả. Họ đều tránh được lối biểu hiện tư biện, gượng ép một cách đơn giản, sơ lược. Chính vì thế mà trải bao thử thách của thời gian, ngày nay ta vẫn tìm thấy ở nhân vật Napoléon nổi tiếng này nhiều nét hấp dẫn, cuốn hút làm xao xuyến hàng triệu người đọc trên hành tinh xưa và nay…/.
                                                                ***                      
Kỷ niệm 10o năm L.T từ trần (1910-2010)
NTL(ĐHQGHàNội)