Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VUA TRẦN MINH TÔNG TỰ PHÊ PHÁN

Lời bình của Vũ Bình Lục
Thứ hai ngày 6 tháng 12 năm 2010 7:02 AM

(Nhân đọc bài “Mưa đêm” của Trần MinhTông)
 
Phiên âm:

Thu khí hoà đăng thất thự minh,
Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh.
Tự tri tam thập niên tiền thác,
Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh.
 
Dịch nghĩa:

MƯA ĐÊM

Hơi thu lồng bóng đèn làm mờ nhạt ánh sáng ban mai,
Tàu chuối xanh ngoài cửa sổ lách tách điểm canh tàn
Tự biết ba mươi năm trước mình có lầm lỗi(*)
Há đâu chịu ngồi ôm mối sầu mà nghe mưa rơi.
 
Trần Minh Tông (Trần Mãnh) sinh năm 1298, mất năm 1356, con thứ tư Trần Anh Tông. Sử cũ cho hay, Minh Tông là vua nhân hậu, tuân thủ nghiêm túc phép tắc của tổ tiên, cũng là ông vua thi sỹ, tác phẩm còn lại không nhiều, nhưng thơ hay.
 DẠ VŨ (Mưa đêm) là bài thơ trữ tình bốn câu, gửi gắm những suy tư, tình cảm của Trần Minh Tông trong một đêm mưa thu. Hai câu đầu là cảnh, chỉ nhấn vào ánh sáng và âm thanh:
 “Hơi thu lồng bóng đèn làm mờ nhạt ánh sáng ban mai
 Tàu chuối xanh ngoài cửa sổ lách tách điểm canh tàn”…
Chỉ là mưa thu nhè nhẹ, nên hơi mưa mờ mịt, hoà vào ánh sáng ngọn đèn đêm, nhưng là đêm đã gần tàn. Ánh đèn mờ nhạt nhoà trong hơi mưa, khiến ánh sáng ban mai cũng dường như trở nên mờ ảo. Tất cả, tạo nên một thứ ánh sáng có vẻ hỗn mang, dễ khơi niềm trắc ẩn. Thi nhân dậy sớm. Hình như đêm qua nhà vua trăn trở điều gì, ngủ ít, nên dậy sớm. Dậy sớm, để nhìn ra ngoài cửa sổ, lắng tâm hồn mà nghe mưa rơi nhè nhẹ. Tiếng mưa gõ nhịp đều đều từng giọt lên tàu chuối xanh ngoài cửa sổ, như thể tiếng mưa ấy đang điểm canh tàn…Vậy là lấy ánh sáng và âm thanh diễn tả sự chuyển động của thời gian, thật tinh tế và sinh động.
 Hai câu cuối là tả tình trực tiếp. Nhà vua nhớ tới một sai lầm lớn của chính ông, khi đã vội vã nghe lời kẻ gian thần sàm tấu, vu oan, mà nổi giận giết ngay bố vợ của mình là ông Trần Quốc Điến. Việc đau buồn trên xảy ra đã ba chục năm rồi, nhưng nỗi day dứt vẫn chưa nguôi, nên đêm qua có lẽ nhà vua không ngủ. Tác giả viết:
 “Tự biết ba mươi năm trước mình có lỗi lầm
 Há đâu chịu ngồi ôm mối sầu mà nghe mưa rơi”?
Nhà vua tự biết (tự tri), tự nhận ra sai lầm, vì nghe lời bọn xấu, quá vội vàng xử lý một vụ án oan. Có lẽ ông thấy xấu hổ vì hồ đồ, để dẫn đến một hậu quả đau lòng. Sự thật sau này sáng tỏ, khiến nhà vua day dứt mãi, ân hận mãi. Nhưng đã biết sai rồi thì phải kiên quyết sửa lỗi, dẫu có muộn màng, chứ không thể cứ ngồi ôm mối u hoài mà than vãn suông, “Há đâu chịu ôm mối sầu mà nghe mưa rơi”!
Bài thơ bốn câu, cảnh tình hoà quyện. Dường như nghe rõ tiếng mưa thu đang khắc khoải, day dứt, như chính tiếng lòng thi nhân. Âm thanh và màu sắc, như vẽ lên một con người đang trầm tư mặc tưởng, lãng đãng trong ảo mờ hư huyễn…
 Thời Trần Minh Tông trị vì, thật may mắn cho ông và cho đất nước, vì trong triều có những nhà Nho hiền tài như Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trung Ngạn…Một vị vua hiền, nhân hậu, cũng có đôi khi mắc sai lầm lớn. Nhưng biết nhận ra sai lầm, biết phục thiện, biết dũng cảm sửa lỗi lầm, đó mới chính là một vị minh quân, rất đáng nể trọng. Và cũng chính Minh Tông đã quyết định rửa oan cho Trần Quốc Điến, trả lại danh dự cho Trần Quốc Điến sau ba mươi năm sự thật được sáng tỏ.
 MƯA ĐÊM là một bài thơ đầy tâm trạng. Một con người đang nắm quyền lớn, chịu trách nhiệm lớn trước thiên hạ, mà tự phán xét để nhận biết sai lầm, tự ăn lăn hối cải, tự nghiêm túc sửa chữa sai lầm, chẳng phải là một nhân cách đẹp hay sao?
Hà Nội 2-12-2010