Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DỊCH GIẢ LÊ BÁ THỰ: BẢO TÔI LÀ PHU CHỮ CŨNG KHÔNG NGOA

Trần Hoàng Thiên Kim (Thực hiện)
Thứ hai ngày 6 tháng 12 năm 2010 9:30 PM
     
     Năm 1970 dịch giả Lê Bá Thự tốt nghiệp Khoa Trắc địa bản đồ Đại học Bách khoa Vácsava, rồi về nước, làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Mỏ - Địa chất. Hai năm sau anh về công tác tại Bộ Ngoại giao. Năm 1996 – 2000 làm Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan. Vốn thông thạo tiếng Ba Lan, đam mê văn học, dịch giả Lê Bá Thự đã bắt đầu dịch các tác phẩm văn học Ba Lan sang tiếng Việt. Cho đến nay anh đã có trên 20 đầu sách dịch, không kể các đầu sách in chung . Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh nhân dịp anh cho ra mắt bản dịch cuốn tiểu thuyết mới “Các người khắc biết tay tôi!” (tác giả Katarzyna Grochola).
- Thưa dịch giả Lê Bá Thự, có lẽ, anh là một trong những dịch giả văn học Ba Lan có nhiều đầu sách nhất trong những năm gần đây. Anh có thể cho biết, duyên nợ của anh đối với văn học Ba Lan đã diễn ra như thế nào?
- Thời gian công tác trong ngành ngoại giao “máu văn học” của tôi đã trỗi dậy. tôi đã đọc nhiều tác phẩm văn học Ba Lan mà tôi mến mộ. Từ đó tôi nhận ra, nền văn học Ba Lan là một nền văn học lớn ở châu Âu. Chỉ có gần bốn mươi triệu dân mà đất nước này có tới bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel (nhà văn Henryk Sienkiewicz – 1905, nhà văn Wladyslaw Reymont – 1924, nhà thơ Czeslaw Milosz – 1980 và nữ nhà thơ Wislawa Szymborska – 1996). Tôi đam mê văn học Ba Lan và tôi nghĩ mình phải đọc và dịch sang tiếng Việt những tác phẩm mình thích, trước hết là để thỏa mãn chính mình, sau nữa tạo điều kiện cho bạn đọc nước nhà cũng được thưởng thức những tác phẩm văn học giá trị của “cường quốc văn học” này. Cũng còn có một động cơ nữa. Thông qua dịch văn học Ba Lan tôi muốn đền đáp  Ba Lan, đất nước đã nuôi tôi ăn học, đã đào tạo tôi thành một Cử nhân - kĩ sư có ích và đồng thời tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người Việt Nam và người Ba Lan. Bởi văn học là nhân học mà.
- Ngoài tiểu thuyết ra anh còn dịch  những thể loại văn học nào nữa?
- Tôi dịch khá nhiều thể loại, truyện cười, truyện cực ngắn, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, thơ và cả phê bình văn học. Tôi đã in bốn cuốn truyện cười, tôi đã dịch nhiều truyện vừa và truyện ngắn của các nhà văn cổ điển Ba Lan như: Henryk Sienkiewicz, Bolrslaw Prus, W. Reymont… Tôi đã dịch cả trăm truyện ngắn của Slawomir Mrozek, Olga Tokarczuk, Hanna Samson, Tomasz Jastrun…Tôi đã dịch các tiểu thuyết Pharaon (tiểu thuyết lịch sử về Ai cập cổ đại, của Boleslaw Prus), các tiểu thuyết đương đại: Hoang Thai, Xin cạch đàn ông!, Quà của Chúa và Các người khắc biết tay tôi! Tôi đã dịch nhiều thơ của Tadesz Rozewicz, Czeslaw Milosz, Wislawa Szymborska. Tổng cộng tôi đã có khoảng 20 đầu sách dịch, nếu tính cả in chung thì trên 30 đầu sách.
-  Anh có thể kể về hành trình tìm nguồn bản thảo của mình để có được những cuốn sách hợp với “gu” của độc giả người Việt?
- Tác phẩm tôi chọn dịch trước hết phải là tác phẩm hay, tôi thích cái đã, tiếp nữa, tôi cảm nhận, tác phẩm này sẽ hợp với “gu” của độc giả Việt Nam, sẽ được bạn đọc Việt Nam hoan nghênh. Để chọn được những tác phẩm như vậy tôi phải tìm đọc khá nhiều tác phẩm văn học Ba Lan. Hành trình tìm nguồn bản thảo của tôi có nhiều con đường, theo nhiều cách. Trước hết là tìm trên mạng những tác phẩm có vẻ hay, được dư luận bạn đọc Ba Lan mến mộ, đánh giá tốt, sau đó nhờ người quen mua gửi về Việt Nam. Còn một “kênh” nữa là cứ vài năm Ba Lan lại tổ chức Hội nghị Quốc tế những người dịch văn học Ba Lan và tôi thường xuyên được mời tham dự. Đây là cơ hội tốt để cặp nhật văn học đương đại Ba Lan, tìm hiểu tình hình xuất bản, tìm chọn các tác phẩm cho dịch thuật. Sau hội nghị, tôi thường nán lại thủ đô Warszawa, lang thang các hiệu sách, tìm mua hàng chục cuốn mang về làm “lương khô”, xài dần. Lại còn thuận lợi này nữa: Tôi thường sang Ba Lan vào tháng năm và tháng sáu, đúng vào dịp Ba Lan tổ chức hội chợ sách lớn nhất hàng năm ở Cung  Văn hóa – Khoa học Warszawa. Tôi đến hội chợ như “chuột sa chĩnh gạo”, tôi tha hồ tìm sách, tiếp xúc với các nhà xuất bản Ba Lan, kể cả các tác giả Ba Lan.  Chứng kiến cảnh độc giả chen nhau mua sách, xin chữ kí tác giả, mới biết dân Ba Lan đọc sách khiếp thật. Tôi đã phải đứng gần một giờ đồng hồ, xếp hàng xin chữ kí của nữ nhà văn Katarzyna Grochola, tác giả Xin cạch đàn ông! và Các người khắc biết tay tôi! mà tôi đã dịch.
- Các tiểu thuyết anh chọn dịch mấy năm gần đây đều của các nữ nhà văn đương đại Ba Lan, tại sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế?
- Một phát hiện khá thú vị. Chẳng những tiểu thuyết mà hàng loạt truyện vừa và truyện ngắn đương đại tôi dịch trong mấy năm vừa rồi đa phần là của các tác giả nữ như Dorota Terakowska, Katarzyna Grochola, Olga Tokarczuk, Hanna Sámon... Tất cả đều hoàn toàn ngẫu nhiên. Tôi chọn các tác giả này vì các tác phẩm của họ thỏa mãn tiêu chí: tôi thích và tôi cảm nhận, các tác phẩm của họ hợp với “gu” của độc giả Việt Nam. Đơn giản thế thôi.
-  Có phải còn vì các tác phẩm của họ phản ánh đời sống của người phụ nữ trong thời hiện đại nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm cam go và đậm tính nữ quyền?
- Các nữ nhà văn tôi kể ở trên đều là những nữ nhà văn thuộc phái nữ quyền. Họ bênh vực và bảo vệ phụ nữ, họ muốn chứng minh phụ nữ Ba Lan thời nay khác xưa rất nhiều. Họ dám nghĩ, dám làm, làm cả những công việc trước kia chỉ thuộc đàn ông và đặc biệt phụ nữ Ba Lan ngày nay tư duy khác trước. Cô gái Ewa trong Hoang thai  có thai vì bị cưỡng dâm, sợ xấu hổ với bà con hàng xóm mẹ cô tìm mọi cách bắt cô phải phá thai. Nhưng cô đã không làm như vậy. Trái lại cô biến cái thai trong bụng thành người bạn tâm giao của mình, người bạn giúp cô tìm hiểu đời và tìm hiểu thế giới, để cô thành người. Mặc dầu, từ xưa nay người ta vẫn quan niệm, chửa hoang là xấu. Chỉ có phụ nữ ngày nay, con gái ngày nay mới dám tư duy và hành động như Ewa. Người phụ nữ trong tiểu thuyết Quà của Chúa đã chịu đựng, hy sinh, thực thi thiên chức của mình không chê vào đâu được. Buộc phải chọn giữa chồng và đứa con tật nguyền, chị đã chọn đứa con. Nhân vật Judyta trong Xin cạch đàn ông! và Các người khắc biết tay tôi! sau khi bị chồng ruồng bỏ quyết tâm làm lại cuộc đời bằng hai bàn tay của mình. Chị vẫn công tác tốt với tư cách là biên tập viên của một tờ báo phụ nữ, thậm chí được đề bạt, môt mình chị lo xây nhà ở ngoại ô Warszawa, một công việc xưa nay là của đàn ông, chị nuôi con gái học hành đến nơi đến chốn…Judyta chính là hình ảnh, là biểu tượng của người phụ nữ Ba Lan đầy nghị lực thời hiện đai. Ngay cả người đàn bà dị dạng trong truyện Người đàn bà xấu nhất hành tinh, một người đàn bà xấu dã man, tưởng chừng vô dụng, nhưng lại rất được việc, rất “hữu dụng”. Cái xấu dã man của người đàn bà này lại chính là con át chủ bài của một gánh xiếc, có chị biểu diễn thì gánh xiếc mới có đông người xem, mới ăn nên làm ra. Ngay cả khi đã qua đời thì người đàn bà dị dạng này vẫn có ích cho đời: xác của chị ta được lưu giữ tại B¶o tµng bÖnh häc, phục vụ việc học tập của sinh viên và nghiên cứu khoa học. Có thể nói, trong các tác phẩm của mình, các tác giả nữ Ba Lan muốn khẳng định vị thế, vai trò, phẩm chất và nghị lực của người phụ nữ Ba Lan ngày nay.
-  Bạn đọc rất thích các truyện cười anh dịch bởi sự dí dỏm, trí tuệ, hợp với tính cách  người Việt. Anh đã chọn và dịch truyện cười như thế nào?
- Theo tôi, những truyện cười, có khi chỉ vài dòng, là những truyện siêu cực ngắn. Truyện cười có vai trò và giá trị của truyện cười. Truyện cười giúp chúng ta thư giãn những khi căng thẳng đầu óc, truyện cười răn đời tinh tế, phê phán thói hư tật xấu. Truyện cười dễ đọc, ai cũng có thể bắt gặp trong đó hình ảnh rất vui của mình, của giới mình, của ngành mình, của gia đình mình, của bạn bè mình…. Tôi dịch truyện cười vì tôi thích truyện cười, đồng thời muốn cho thiên hạ cũng được cười thoải mái. Đó là chưa kể, ai bận công việc, không có thời gian đọc tiểu thuyết, thì xin mời đọc truyện cười. Có truyện chỉ đọc vài giây là xong, không mất nhiều thời gian. Có thể nói, tôi chiều mọi sở thích của bạn đọc. Cho đến nay tôi đã in bốn cuốn truyện cười. Cười quanh năm (2002), Năm châu cùng cười (2003), Hành tinh cười (2005), và 600 truyện cười (2007). Tôi rất mừng khi thấy nhiều người mến mộ truyện cười tôi dịch. Có nhiều bạn văn bảo rằng, truyện cười của tôi là “sách gối đầu giường” của họ. Chả là, họ nhét sách cười tôi dịch dưới gối, trước khi đi ngủ họ đọc dăm bảy truyện và thế là họ ngủ ngon lành.
- Điều gì làm anh tâm đắc nhất trong dịch thuật. Nhiều người cho rằng, dịch văn học là sáng tạo lại tác phẩm một lần nữa. Quan điểm của anh về vấn đề này thế nào? Trong các tác phẩm dịch, để định hình rõ một phong cách Lê Bá Thự khá nhất quán, tìm ra hướng đi hợp với “tạng” của mình, liệu anh có phải trăn trở tìm tòi nhiều không?
-  Nghề dịch lắm công phu, người dịch phải làm việc cật lực, oằn lưng trên từng con chữ, từng trang sách. Vợ tôi bảo tôi là “phu chữ” cũng không ngoa. Lắm khi tôi trăn trở, ăn không ngon, ngủ không yên chỉ vì một vài câu chữ mình cảm thấy chưa chuẩn, chưa bằng lòng, chưa đắc địa. Tôi vẫn thường nói, “tác giả viết những gì họ biết, còn dịch giả phải biết tất cả những gì tác giả viết”. Nếu không biết thì dịch làm sao được. Cũng may, bây giờ có nhiều phương tiện tìm kiếm, tra cứu, cho nên thuận lợi hơn trước nhiều.
      Có ba điều tôi rất tâm đắc trong dịch thuật: Một là, khi dịch một tác phẩm văn học tôi mến mộ là dịp tôi được thưởng thức trọn vẹn, có thể nói đến từng chân tơ kẽ tóc tác phẩm này, điều làm tôi thích thú và sung sướng. Hai là, theo tôi, mỗi tác phẩm tôi chọn dịch là một khám phá của riêng tôi, bởi trong cánh rừng văn học Ba Lan với hàng ngàn vạn tác phẩm, tôi đã tìm và chọn được tác phẩm tôi tâm đắc, tôi thích. Ba là, các tác phẩm tôi dịch được bạn đọc mến mộ, được dư luận hoan nghênh, được tái bản nhiều lần, điều đó chứng tỏ tôi đã chọn đúng và chọn trúng, là nguồn động viên rất lớn đối với công việc dịch thuật của tôi. Sáng tạo là một khái niệm rất rộng, sáng tạo là phải làm ra cái mới. Nói dịch văn học là sáng tạo lại tác phẩm thêm một lần nữa tôi e hơi quá. Người dịch không làm ra cái hoàn toàn mới mà là tái tạo tác phẩm bằng ngôn ngữ khác. Trong bản dịch tiếng Việt của mình người dịch có thể có những sáng tạo (“Việt hóa”) để cho bản dịch hay, thuần Việt, đọc bản dịch mà như đọc bản gốc tiếng Việt vậy. Người dịch cũng có thể thông qua cách hành văn, cách dùng từ của mình mà đưa “cái tôi” vào bản dịch. Thực ra, cái gọi là “phong cách Lê Bá Thự” chẳng qua là cái tạng của tôi, giọng điệu của tôi, trời cho tôi như vậy, cứ thế tôi xài, tôi chẳng cần nhọc công tìm kiếm gì đâu. Tuy nhiên, tôi vẫn thường nói. Tiêu chí của dịch thuật là đúng: Đúng nội dung, đúng hình thức, đúng văn phong của bản gốc.
- Anh có thể nói thêm gì về cuốn sách dịch mới “Các người khắc biết tay tôi!”?
Cuốn sách Các người khắc biết tay tôi! Nhà Xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam vừa ấn hành đầu tháng 11 năm nay là phần tiếp theo của “Xin cạch đàn ông!”. Vẫn giọng văn khôi hài, dí dỏm, lắm khi tự trào, “Các người khắc biết tay tôi!” viết về những thách thức và những bước ngoặt của số phận của nhân vật chính - Judyta. Đọc “Các người khắc biết tay tôi!” người đọc dễ nhận ra, nhân vật Tosia có phẩm chất, tính cách của một cô gái mới lớn, dám nghĩ, dám làm, dám liều, dám bày mưu tính kế, dám nhìn thẳng vào sự thật và dám sửa sai. Chính Tosia đã “bài binh bố trận” để lôi kéo mẹ mình quay lại với bố. Khi nhận ra hành động của mình là sai trái, không khả thi, thì Tosia đã nhận lỗi và tìm cách chuộc lỗi. Việc Tosia, vốn sợ ăn trứng, đã ăn sáu quả trứng liền một lúc là một hành động liều lĩnh, nhưng quả cảm, nhằm thực hiện mưu kế chuộc lỗi của mình – tạo cơ hội cho Adam Xanh Lơ làm lành với mẹ mình. Đây là một tình tiết rất thú vị mà người đọc phải tinh ý mới nhận ra.
Thông điệp của thuyết “Các người khắc biết tay tôi!” chính là vấn đề gia đình, làm thế nào để có gia đình hạnh phúc? Đây là một sự thật mà người bị thiệt thòi, phải gánh chịu hậu quả nặng nề, bao giờ cũng là đứa con. Chỉ có tránh li dị thì mới tránh được hậu quả đau buồn này.
Năm 2006 tiểu thuyết “Các người khắc biết tay tôi!” đã được dựng thành bộ phim hài lãng mạn, dài 113 phút, với Grazyna Wolszczak đóng vai Judyta, Denis Delic đạo diễn, kịch bản của chính tác giả tiểu thuyết – Katarzyna Grochola. Năm 2007 bộ phim này đã dự liên hoan phim Bách hoa Kim kê, cuộc liên hoan điện ảnh hàng năm lớn nhất Trung Quốc, và nữ diễn viên Grazyna Wolszczak, người đóng vai Judyta, đã giành giải thưởng “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” trong cuộc liên hoan phim này.
     Đặc biệt, Đài truyền hình Ba Lan TVP1 cũng đã chuyển thể tiểu thuyết “Các người khắc biết tay tôi!” thành phim truyền hình nhiều tập (13 tập).
     Như vậy, “Xin cạch đàn ồng!” và “Các người khắc biết tay tôi!” đều đã được dựng thành phim. Cả hai bộ phim này được hàng triệu khán giả Ba Lan, không chỉ khán giả Ba Lan, hồ hởi đón xem và mến mộ.
     Đọc “Các người khắc biết tay tôi!” người đọc Việt Nam một lần nữa lại được thưởng thức tài năng sáng tạo của Katarzyna Grochola. Tôi tâm đắc với nhận định của tờ Tuần báo Văn học Ba Lan: “Đây là một cuốn tiểu thuyết pop trẻ trung”.
- Xin cảm ơn dịch giả Lê Bá Thự về cuộc trò chuyện.