Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỘC HÀNH TRONG NỖI CÔ ĐƠN

Lâm Xuân Vi
Chủ nhật ngày 5 tháng 12 năm 2010 9:36 AM
 
 (Cảm nhận bài thơ Độc hành về phía cô đơn của nhà thơ Trần Mai Hường)
 
Độc hành về phía cô đơn
    (Tặng Hồng)
 
Anh đã có người đàn bà khác
Tay trong tay
Mắt trong mắt lâu rồi
Người ấy khóc anh vỗ về
Cười anh cũng cười vui
Em cay đắng nhận ra mình thừa thãi
 
Cái hạnh phúc từng đơm hoa kết trái
Không phải em đánh mất đâu mà chính anh đã lấy cắp tặng người
Cứ mỏi mòn theo ngày tháng dần trôi
 
Ngày tháng dần trôi
Anh lạ xa rồi
Em cặm cụi nhặt giọt đời rơi vỡ
Chút tình nghĩa anh sớt chia quá nhỏ
Nhín lòng mình em chiu chắt dành con
 
Em độc hành về phía cô đơn
Tìm bà tiên thầm xin điều ước
Được lành lại trái tim máu tướp
Và tự dỗ mình
như
chưa một lần đau.
 Trần Mai Hường
 
 
Lời bình của Lâm Xuân Vi
 
 
       Tôi chưa một lần gặp Trần Mai Hường, nhưng được quen biết chị qua một người bạn thơ ở Sài Gòn. Dù mới chỉ văn kỳ thanh chị vẫn email cho tôi bản thảo tập thơ:
Đó là em sắp xuất bản.          
       Mặc dù chưa được chế bản, tôi định bụng sẽ đọc thử đôi bài bất kỳ xem sao, quả thật tôi đã bị thuyết phục, thấy ấn tượng về một giọng điệu mới nhưng không lạ, nên đã nhanh chóng đọc hết trong nỗi ám ảnh khó đặt tên.
       Chắc rồi tập thơ khi ra mắt bạn đọc sẽ có nhiều người lên tiếng. Tôi chỉ có đôi điều cảm nhận qua một bài thơ để lại nhiều suy ngẫm về thân phận người phụ nữ của chị, bài thơ: Độc hành về phía cô đơn.
       Bài thơ có lời đề (tặng Hồng), Hồng là ai? Có quan hệ gì với Trần Mai Hường, tôi không rõ, và cũng không có ý tìm tòi, song chắc chắn đây là một người có ảnh hưởng chi phôi tới cảm xúc của chị khi viết bài thơ này.
       Độc hành đã là cô đơn lắm, lại còn về phía cô đơn, không biết nỗi cô đơn sẽ tăng nặng chừng nào? Tựa đề cũng là tứ thơ, đã được nhà thơ khai thác thật triệt để, làm nên sự xa xót xúc động tận cùng nơi bạn đọc về một người phụ nữ đã bị phản bội trong tình yêu.
       Hỏi ai có thể cầm lòng khi đọc: Anh đã có người đàn bà khác/ Tay trong tay/ Mắt trong mắt lâu rồi/ Người ấy khóc anh vỗ về/ Cười anh cùng cười vui/ Em cay đắng nhận ra mình thừa thãi. Đó là một biến cố đến kinh hoàng đối với đời người phụ nữ, tưởng như đất đang sụt dưới chân họ. Vậy mà những câu thơ vẫn chần tình, em bình tĩnh nhỏ nhẹ như cam chịu đến nhẫn nhục, cay đắng nhận ra mình thừa thãi. Ôi em bị rẻ rúng uất hận biết nhường nào? Thế mà không có sự gào thét “lành làm gáo…”, không có mưu mô toan tính để rồi biện minh: ghen tuông thì cũng người ta thường tình kiểu Hoạn Thư.
       Những năm tháng tràn đầy hạnh phúc bên anh, em cũng đã từng có, như người đàn bà nọ cùng anh bây giờ. Và em luôn biết trân trọng vun đắp nâng niu gìn giữ tình yêu, chứ nào có lầm lỗi phí phạm gì cho cam? Thế mà em vẫn phải cay đắng chấp nhận nó tuột khỏi tay mình. Hỏi làm sao em có thể cảnh giác giữ được, khi người rắp tâm đánh cắp nó lại chính là anh - người mà em đã hết lòng thương yêu dâng hiến để hạnh phúc được kết tinh nơi đứa con mình.
       Phải là người phụ nữ rất nhân hậu, hiện đại trong quan niệm tình yêu, lại sáng suốt xác định đúng kẻ tội đồ là anh, nên “kẻ tình địch” không hề bị “hành hạ” lên án. Nhưng có lẽ mọi sự nín nhịn cam chịu hy sinh còn bởi tấm lòng người mẹ sống chết cho con, vì con của em. Vì con, vì lòng nhân hậu mà em không thể dỡ bỏ, “ làm lại” để tìm hạnh phúc cho riêng mình, mặc dù đạo lý và lụât pháp đứng về phía em. Em vẫn âm thầm hi vọng trong vô vọng, kiên nhẫn, lầm lụi nhon nhặt từng mảnh vỡ tình thương yêu của anh chia sớt, dành cho con khi đã bị cha bỏ rơi, mà phó mặc đời mình mỏi mòn theo năm tháng dần trôi.
       Đến khổ kết, tưởng như em bất lực xuôi tay, tự hành xác, Rồi tự an ủi mình sẽ gặp được Tiên cứu giúp cho lành lại trái tim máu tướp, và tự dỗ mình như chưa một lần đau.
       Không, đó mới là chủ đích nhân bản mà nhà thơ hướng tới, là thông điệp cảnh báo, lương tri cần phải tự xiết chặt , khi mà kết cấu gia đình đang bị xuống cấp, lỏng lẻo đến dễ đứt, dễ vỡ ở cuộc sống xã hội hiện đại duy vật chất hôm nay.
      Đọc Độc hành về phía cô đơn của nhà thơ Trần Mai Hường, người đọc như bị chọc tức kích động, càng nổi giận bất bình, càng thấm lắng xót xa để ngời lên tính bao dung nhân hậu hiền thục của người phụ nữ.
       Chắc không phải là Tiên, mà chính em sẽ tìm thấy hạnh phúc không chỉ trong giáo lý, trong mối quan hệ nhân quả, mà ngay trong sự đồng cảm sẻ chia của cả cộng đồng. Đó cũng là thành công ngoài sự mong đợi của nhà thơ
 
Ninh Bình, ngày 05 - 7 – 2010
ĐC: Hội VHNT Ninh Bình