Một buổi chiều se lạnh sắp khép lại một năm đầy sự kiện, tôi đã đến thăm nhà văn Sơn Tùng, đề đạt một mong muốn được ông chia sẻ những tư liệu và thẩm luận về những tư liệu đó để lớp trẻ ngày nay và bản thân tôi có thêm những hiểu biết về tư tưởng của Bác Hồ – tư tưởng của một con người được thế giới đánh giá là “hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau…”
Nhà văn Sơn Tùng, vẫn như mọi ngày, ông ngồi trong căn phòng nhỏ, trên tấm chiếu trải xuống nền ngăn bớt cái lạnh tê giá của mùa đông. Một cử chỉ thân mật, châm thêm một chút nước sôi vào ấm trà sen, rồi ông rót ra chén mời:
- Lớp trẻ các cháu ngày nay có con đường sáng xuyên vào thế kỷ 21 đầy hứa hẹn- Nhà văn bắt đầu câu chuyện- Dẫu cái thời xa lộ thông tin này, cứ vào internet thì gặp biết bao trò giải trí, những lối hấp dẫn rẻ tiền tấn công vào nếp sống. Đó cũng là một trở lực. Ngay cả trong lĩnh vực tư tưởng, cũng sẽ gặp biết bao thông tin trái chiều, bao nhiêu sự đánh tráo trắng đen thật giả. Cho nên, dù có những phương tiện hiện đại đến mấy, tìm và hiểu đến ngọn nguồn một vấn đề nào đó vẫn luôn là một thử thách. Tìm hiểu về Bác Hồ, lại càng là một thử thách không dễ dàng… Dù đã mấy chục năm nay, nhiều học giả đã nghiên cứu tư tưởng Bác Hồ, nhưng đó còn là một ẩn số lớn.
Đã bước sang tuổi ngoài 80, mái tóc đã ngả màu sương gió, lại luôn bị vết thương chiến tranh hành hạ, song khi nói về Bác Hồ, ông như được tiếp thêm sức mạnh:
- Để hiểu một chút gì về tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết cần trở lại thời Nguyễn Tất Thành. Lớn lên giữa thời kỳ Duy Tân, Đông Du, những trào lưu đổi mới hướng về Trung Hoa và Nhật Bản. Đó là thời kỳ cả phương đông chuyển động. Nhiều thế hệ đang tìm đường. Phan Bội Châu cho người về đón sang Nhật học, Nguyễn Tất Thành dù vẫn hết sức tôn trọng các bậc cha chú nhưng kiên quyết chọn lựa con đường riêng. Con đường đi về phương Tây. Đó là sự lựa chọn trí tuệ. Kẻ thù cướp nước đến từ phương Tây, với một tư duy khác với phương Đông, với một trình độ khoa học, kỹ thuật tối tân. Trong khi người dân của ta còn đẩy xe cút kít, còn phải gánh vác mọi thứ trên đôi vai thì phương Tây đã có tàu hoả. Khi người lính của ta chỉ có súng thần công thì phương Tây đã có đại bác… Và sự lựa chọn ấy đã đưa Nguyễn Tất Thành đi xuyên qua các đại dương, đến và tìm hiểu các nền văn minh lớn ở châu Âu, châu Mỹ rồi khắp cả thế giới trên hành trình 30 năm bôn ba hải ngoại, kết tinh nhiều tinh hoa nhân loại để khi về Việt Nam, đánh đổ đế quốc, phong kiến, dựng lên một thể chế chính trị hết sức tiến bộ và đưa ra những đường lối đối nội, đối ngoại cũng như những quyết sách thiên tài mà đến nay vẫn còn rọi sáng.
Câu chuyện càng lúc càng lên men, xoáy sâu vào những khía cạnh cụ thể. Tôi đặt câu hỏi:
- Khi Bác Hồ về nước, từ Hội nghị Trung ương VIII năm 1941 đã đặt vấn đề dân tộc lên trên hết. Đó hẳn là một tư tưởng căn bản và xuyên suốt cuộc đời cách mạng vĩ đại của Người?
Nhà văn Sơn Tùng chiêm nghiệm mà giọng ông ấm sáng, đầy nhiệt huyết:
- Tổ Quốc trên hết. Bác đi khắp năm châu bốn biển là để tìm cho ra cái phương cách cứu nước. Khi về nước, Bác kêu gọi tất cả các tầng lớp, các giai cấp tham gia vào công cuộc giành độc lập dân tộc. Bác đã nói rõ, nếu quyền lợi dân tộc mà không giành được thì đến vạn năm sau quyền lợi giai cấp cũng không thể có được. Khi đất nước giành được độc lập, nhưng lại đứng trước biết bao phong ba, thử thách hiểm nghèo, Bác kiến tạo nền dân chủ. Ngày 6-1-1946, toàn dân bầu ra Quốc Hội. Trong Quốc Hội đó, có đại biểu của tất cả các giai tầng xã hội. Vua Bảo Đại sau ngày thoái vị được Hồ Chủ tịch mời làm cố vấn tối cao cho chính phủ mới, và được đưa vào danh sách bầu cử, trở thành đại biểu Quốc hội khoá I. Bác chủ trương thành thực hợp tác với tất cả các đảng phái có tinh thần yêu nước và tiến bộ để thành lập chính phủ liên hiệp. Bác kêu gọi hiền tài hãy ra sức cứu nước. Nhiều nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong nước đã theo lời mời của Bác, đi theo cách mạng, đã có những cống hiến to lớn như các cụ: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Vi Văn Định, Phạm Bá Trực… và biết bao nhân tài khác sau đó cũng lần lượt từ nước ngoài trở về góp phần gánh vác sứ mệnh nặng nề.
Có thể nói rằng, xung quanh Hồ Chí Minh, ngoài những nhà Cộng sản, còn có những trí thức lớn thuộc các đảng phái khác và những người không đảng phái, những người xuất thân từ chế độ phong kiến nhưng có tài năng lớn và có tinh thần nồng nàn yêu nước. Bác Hồ hiểu hơn ai hết sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của trí tuệ dân tộc bất chấp mọi giai tầng xã hội. Với quan điểm ấy, một đội ngũ những người hiện thân của tinh hoa dân tộc đã tập hợp xung quanh Bác và những người cộng sản để góp phần đưa đất nước vượt qua những hoàn cảnh vô cùng gian khó, ngặt nghèo.
Tôi xin nhà văn cho biết thêm về một điều từ lâu đã vướng bận trong tâm tư:
- Về điều này, trước đây có người nói, việc đoàn kết với các giai tầng và đảng phái khác trong xã hội là sách lược của Bác Hồ, nhằm rảnh tay đối phó với với giặc ngoại bang?
- Những người nói như vậy là không hiểu Bác Hồ - nhà văn tiếp lời- cũng có thể là cố tình xuyên tạc để thực hiện những quan điểm sai trái. Bác Hồ đặt nền móng cho thể chế chính trị cộng hoà. Mà cộng hoà là gì nếu không phải tất cả các đảng phái, các giai tầng xã hội phải cùng nhau đoàn kết, thoả thuận và đồng thuận, cùng nhau gánh vác công việc quốc gia. Trong tinh thần và tình cảm của mình, Bác luôn đặt vấn đề hợp tác thành thực. Bác cũng đã có lần tuyên bố trước Quốc hội: “Tôi chỉ có một Đảng duy nhất, Đảng Việt Nam”. Câu nói đó phải được hiểu như thế nào? Mọi sự phân chia đảng phái để công kích và hại nhau chỉ có lợi cho ngoại bang. Tất cả những người yêu nước và liêm khiết dù có ở bất kỳ một đảng phái nào, thì đều là đồng chí vì cùng phấn đấu cho lợi ích quốc gia dân tộc. Tôi kể ra chuyện này, như một minh chứng để hiểu thêm về Bác Hồ: Khi ông Nguyễn Bình được Bác phong hàm trung tướng và đưa vào lãnh đạo quân đội miền Nam, Nguyễn Bình thưa với Bác “ Cháu chưa phải là đảng viên Cộng sản”. Bác đã nói: “ Đảng viên Cộng sản ư? Tổ quốc trên hết”.
Cả nhà văn Sơn Tùng và tôi cùng chìm vào im lặng. Trùm lên chúng tôi là một suy tưởng sâu xa… Lúc sau tôi lại đặt một câu hỏi. Một câu hỏi mà từ lâu đã từng ám ảnh mà tôi không có điều kiện thấu rõ:
- Những điều nói trên là về mối quan hệ giữa các nhà cộng sản với các đảng phái và các nhân sỹ trí thức khác, còn một vấn đề rất quan trọng là mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân thì quan điểm của Bác Hồ như thế nào thưa nhà văn?
Một thoáng tư lự, nhà văn châm thêm nước vào bình. Hương trà sen làm ấm cả căn phòng:
- Trong một lần gặp gỡ các nhân sỹ, trí thức tài danh, các nhà hào phú ở Thanh Hoá đầu xuân năm 1947 Bác Hồ đã nói những lời giản dị nhưng rất súc tích về mối quan hệ giữa chính quyền cách mạng với nhân dân: “ Chính phủ cộng hoà dân chủ là đầy tớ chung của dân, từ chủ tịch toàn quốc đến làng, dân là chủ thì chính phủ là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải là thăng quan phát tài. Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ. Nhưng khi dân dùng đầy tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ chính phủ. Nếu chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi.” Những điều ngắn gọn ấy đã nói lên tất cả cái quan hệ đặc biệt mà Bác Hồ muốn thiết lập. Và cái chính quyền ấy, theo Bác, đúng là một chính quyền kiểu mới, một chính quyền chưa từng có trong lịch sử. Không phải là loại chính quyền nhũng nhiễu, ức hiếp dân, quên ơn dân. Bác căn dặn cán bộ: “ Việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ mấy cũng hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ mấy cũng hết sức tránh”. “Tóm lại, đoàn kết, thanh khiết từ to đến nhỏ”.
Nhà văn Sơn Tùng nhấn từng lời:
- Bác nói vậy và luôn làm như vậy. “ Thanh khiết”! Đúng thế. Bác làm chủ tịch nước 24 năm trời, đến lúc qua đời Bác vẫn nằm trên chiếc giường một đơn sơ. Căn nhà sàn không có buồng riêng. Anh và chị Bác Hồ, cuối đời sống trong cảnh nghèo thanh bạch, đến khi từ giã cõi đời vẫn trong nếp nhà tranh ở quê nhà. Cho nên có học giả nói “ Hồ Chí Minh là người thanh liêm nhất thế giới”. Bác sống như vậy, và chính quyền dưới thời của Bác lãnh đạo vì thực thi những điều Bác dạy mà luôn được dân ủng hộ, tin tưởng, cách mạng Việt Nam mấy chục năm kháng chiến đã liên tiếp giành được những thắng lợi vĩ đại. Tiếc rằng, càng về sau này, càng có nhiều xa rời với lời dạy của Bác. Không hiếm ông làm rất to nhưng vợ lại đi buôn lậu. Công chức cao cấp của nhà nước nhưng lại có công ty sân sau, bòn rút tiền của của nhà nước. Vì vậy, có lúc, có nơi người dân đã nổi giận…
Tôi chia sẻ với nhà văn về những hiện thực cay đắng diễn ra những năm gần đây trong mối quan hệ giữa chính quyền và người dân.
- Đó là một trong những vấn đề cốt tử. Phải chăng, từ khi mới lập chính quyền, Bác Hồ đã nhìn thấu, đã lường đến những mặt chưa tốt của cán bộ và đã nhắc nhở toàn thể cán bộ phải tìm cách khắc phục?
Nhà văn Sơn Tùng tiếp lời:
- Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề này. Cũng trong buổi nói chuyện với đồng bảo ở Thanh Hoá, Bác đã nói: “Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ, chợ đen, mưu vinh thân phì gia.” Bác coi đó là giặc nội xâm. Nhưng hoàn cảnh lúc đó thực vô cùng khó khăn. “ Từ một năm nay, nội loạn, ngoại xâm không lúc nào không có nên nhiều việc đáng làm mà chính phủ trung ương không làm được. Có nhiều cái biết là hay, nhưng có việc gấp phải làm cái đã.” “ Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc của chính phủ”… Thế rồi từ những năm tháng đó chiến tranh càng lúc càng kéo dài. Sau khi chiến tranh kết thúc, có những người kế tục sự nghiệp của Bác Hồ, đã không sớm thực hiện di chúc của người: “Chỉnh đốn đảng”, không kịp thời “ sửa đổi lề lối làm việc”, không thường xuyên quan tâm, lắng nghe đúng mức nguyện vọng của dân, không tạo điều kiện để người dân giám sát tốt những công việc của chính quyền. Không tiêu diệt giặc nội xâm từ trong trứng nước, để đến hôm nay chúng đã lớn lên thành một thế lực khó đẩy lùi. Đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ tha hoá, nhũng nhiễu dân, hách dịch, chính quyền rơi vào tình trạng trì trệ, quan liêu, xa dân, thậm chí coi thường dân. Đó lại là một thử thách ghê gớm cho cách mạng. Mọi thành công từ hồi thành lập nước là do người dân tin theo, làm theo chính phủ. Nay có những điều chính quyền nói mà không làm, nói một đường, làm một nẻo. Vậy thì những chủ trương dù có đúng đến mấy, có hay đến mấy người dân cũng nghi ngờ. Cho nên vấn đề trước tiên để khôi phục lại mối quan hệ chính quyền người dân là người cán bộ phải trong sạch, phải gương mẫu và phải có trí tuệ. Vấn đề bây giờ là cần kiến quyết loại bỏ những gì đáng loại bỏ. Trong thời đại thông tin hiện nay, không thể giấu người dân điều gì cả. Anh là cán bộ mà tham nhũng, cướp của dân thì dân không thể tin và làm theo anh được. Chính Bác Hồ đã nói: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là tội cướp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, hại đến việc cải thiện đời sống của bộ đội và nhân dân.”
Tôi nhìn nhà văn Sơn Tùng, tâm tư không thoát khỏi một suy nghĩ. Sức mạnh nào đã tạo nên cuộc sống của ông nếu không phải là kiến quyết sống “liêm khiết” theo tư tưởng Bác Hồ? Một đời chiến đấu, lao động tận tâm, tận lực có cống hiến lớn cho văn học và cách mạng, nhưng đến nay đất nước đã no đủ hơn, bao nhiêu toà cao ốc mọc lên, bao nhiêu thành tựu của văn minh được áp dụng vào đất nước này. Còn ông, vẫn chưa có một chiếc giưòng để nằm. Ngày ngày ông thức dậy lúc ba giờ sáng, cột bút vào bàn tay còn ba ngón mà viết về Vĩ nhân Hồ Chí Minh...
Câu chuyện dần chuyển sang những khía cạnh khác của đời sống xã hội và kinh tế, về công cuộc đổi mới và điểm khởi phát của nó từ tư tưởng Bác Hồ:
- Một trong những nội dung của đổi mới trong đời sống xã hội nước ta hơn 20 năm qua là khoán sản phẩm trong nông nghiệp, để cho các doanh nghiệp hạch toán kinh doanh, tiến tới chấp nhận thành phần kinh tế tư nhân, giải phóng sức sản xuất của toàn xã hội. Sinh thời, Bác Hồ đã suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?
- Bác Hồ luôn là người bám sát hoàn cảnh và đưa ra những quyết định lịch sử. Đổi mới cho phù hợp với những hoàn cảnh mới của lịch sử luôn là điều thường trực trong Bác. Bác căm ghét thói bảo thủ. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ là sợi dây cột chân, cột tay người ta, phải vứt bỏ nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm…”. Về kinh tế, Bác chủ trương không phải chính quyền chỉ mang đến quyền lợi cho một bộ phận, một tầng lớp, một gia cấp nào trong xã hội. Người nói mục tiêu là làm cho “Người đói có ăn, người có ăn thì no đủ, người no đủ thì giàu, người giàu thì giàu nữa…”, “ Chính phủ hứa với dân sẽ làm cho ai nấy đều có hạnh phúc”. Nếu những người lãnh đạo về sau này thấu rõ những tư tưởng của người về kinh tế thì chúng ta có thể tránh được những sai lầm trong cải tạo kinh tế. Còn về khoán sản phẩm, ngày 24-4-1957, Bác Hồ đã nói trước hàng ngàn cán bộ, công nhân nhà máy dệt Nam Định: “Chế độ khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội. Nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là (Bác giơ hai ngón tay) ích chung, lợi riêng… làm khoán tốt thích hợp và công bằng dưới chế độ ta hiện nay.” Ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú đã làm theo… nhưng sau đó thị bị đánh…
- Một nội dung khác của công cuộc đổi mới là mở cửa về kinh tế, cho phép đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong tư tưởng của Bác Hồ, vấn đề này được thể hiện như thế nào?
- Bác Hồ đã nói “ Nước độc lập, nhưng dân không có cơm ăn, áo mặc, không được học hành thì độc lập là vô nghĩa.” Độc lập không phải là khép kín, đóng cửa. Bác dạy ta tự lực cánh sinh, để chủ động trước mọi hoàn cảnh. Mơ ước của Bác là “ Xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” “ Sánh vai với các cường quốc năm châu”. Trả lời phỏng vấn các nhà báo tại Paris ngày 12-7-1946, giữa một tình thế hiểm nghèo của lịch sử, Bác Hồ đã nói: “Tôi tin nước Pháp mới… Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người biết yêu chuộng chúng tôi. Chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi.”
Cũng năm 1946, trong lời kêu gọi Liên hiệp Quốc, Bác đã đưa ra chủ trương: “NƯỚC VIỆT NAM SẴN SÀNG THỰC THI CHÍNH SÁCH MỞ CỬA VÀ HỢP TÁC TRONG MỌI LĨNH VỰC.
a. Nước Việt nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường xá giao thông cho buôn bán và quá cảnh quốc tế…
c. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế…
Chính sách mở cửa và hợp tác nói trên chính phủ Việt Nam cũng dành cho nước Pháp trong hiệp định ngày 6 tháng 3 năm 1946…”
Tôi lặng đi trước những tư tưởng thoáng rộng, với một tầm chiến lược lớn lao của Bác Hồ. Cuối cùng, tôi nhắc đến một sự liện:
- Cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton ngày 5 tháng 12-2006 vừa đến Hà Nội, ông đến thăm nơi làm việc và nơi ở của Bác Hồ. Rồi từ đó ông đi bộ sang phủ chủ tịch Nước. Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đợi sẵn ông ở tiền sảnh. Cầm tay chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông Bill Clinton xúc động nói: “60 năm trước đây, chủ tịch Hồ Chí Minh và tổng thống Roosevenlt đã cùng chung một ý tưởng là: Người Việt Nam và người Mỹ sẽ là những người bạn tốt và những đối tác tốt. Tuy nhiên, những ước mơ và mong muốn của hai vị trong một thời gian tương đối dài đã chưa trở thành hiện thực. Vì vậy, những gì chúng ta có được hôm nay khiến tôi hết sức vui mừng. Đặc biệt, tôi hết sức vinh dự được có mặt ở Việt Nam vào thời điểm này.”
Tôi đề nghị nhà văn Sơn Tùng cho biết những tư liệu về việc Hồ Chủ tịch đã đặt những viên gạch đầu tiên cho mối quan hệ Việt - Mỹ từ hơn 60 năm về trước. Nhà văn Sơn Tùng rành rọt nhắc lại những sự kiện lịch sử, hơn thế, còn những lời định luận rút ra từ những nghiên cứu công phu:
- Từ đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, khi Quân du kích Việt Nam cứu được phi công Mỹ do Nhật bắn rơi, chính Hồ Chí Minh đã dẫn đầu một nhóm du kích đưa viên phi công sang Côn Minh, Trung Quốc trao cho viên tướng Mỹ Chenau… Rồi tháng 6 năm 1945, “Toán con Nai” do thiếu tá Alison Thomat chỉ huy nhảy dù xuống Việt Bắc, phối hợp mở lớp huấn luyện quân sự Việt Mỹ. Đúng là chủ tịch Hồ Chí Minh và tổng thống Roosevenlt đã đặt những viên gạch đầu tiên cho mối quan hệ Việt Mỹ. Tháng 9-1945, Cách mạng tháng 8 thành công, trong tuyên ngôn độc lập của Việt Nam có sự phát triển một luận điểm trong tuyên ngôn 1776 của Nước Mỹ “Con người sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Ngày 16 tháng 2 năm 1946, Hồ chủ tịch lại gửi thư cho tổng thống Mỹ:
“ Ngài tổng thống kính mến!
Nhân dịp này tôi xin được cảm ơn ngài cùng nhân dân Hoa Kỳ về sự quan tâm có lợi cho các dân tộc thuộc địa mà các đại diện của ngài tại tổ chức Liên hiệp Quốc đã bày tỏ… Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới.”
Nhưng tiếc thay, sự mong muốn hợp tác và bàn tay hữu nghị của Hồ Chủ tịch đại diện cho nhân dân Việt Nam đã không được đáp lại xứng dáng. Cái tham vọng thực dân, đế quốc đã đẩy hai dân tộc vào một cuộc chiến tranh tàn khốc suốt hơn 20 năm. Ngày 12 tháng 1 năm 1967, giữa khi Việt Nam đang chảy máu trong canh bạc máu của chính quyền Mỹ, khi phái đoàn toà án quốc tế sang điều tra tộ ác chiến tranh của Mỹ, Hồ chủ tịch đã nói với họ một cách nghiêm trang: “Tôi kính trọng nhân dân Mỹ. Nhân dân Mỹ là người thông minh, người yêu hoà bình và dân chủ. Lính Mỹ hiện nay đang đẩy sang đây để giết người và bị giết. Nhưng nếu họ sang đây để giúp chúng tôi như những nhà kỹ thuật thì chúng tôi rất hoan nghênh họ như những người anh em. Còn bây giờ họ đến đây để giết người và bị bắn chết. Đó là sự sỉ nhục. Đối với các ông, các ông khó mà tin rằng, tôi đau lòng khi thấy nhân dân Việt Nam bị giết hại và tôi cũng rất buồn phiên khi lính Mỹ bị giết. Tôi thông cảm nỗi đau buồn của cha mẹ họ. Vì vậy chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ, không phải khi họ đến như hiện nay với những người lính mang vũ khí, mà khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng lại đất nước chúng tôi… Các ngài hãy tin tôi. Khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được tiếp đón tổng thống Mỹ đến đây một cách hoà bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”.
Những lời ấy của nhà văn Sơn Tùng, khiến tôi nhớ lại một câu trong bài xã luận trên báo của Uruguay trong tuần tang Bác Hồ: “ Ông (Hồ) có một tấm lòng bao la như vũ trụ và có một tình thương vô bờ bến đối với các trẻ em. Ông là gương mẫu về đức tính giản dị và thẳng thắn trong tất cả mọi phạm vi” (dẫn theo Trần Chung Ngọc). Và lại càng kinh ngạc hơn, năm 2000, tổng thỗng Mỹ Clinton đã đến Việt Nam mở đầu cho một trang mới trong lịch sử hai nước. Như một ánh sáng tâm linh đã giúp thấu suốt cả tương lai, Hồ chủ tịch đã để lại cho chúng ta những dự báo và cả một hơi ấm về mối quan hệ sẽ ngày càng trở nên quan trọng, nối hai bờ Thái Bình Dương đã một thời băng giá.
……..
Thế là đã hết một buổi chiều với biết bao điều chói sáng về tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhà văn Sơn Tùng kết thúc câu chuyện bằng một hồi ức đầy bâng khuâng: Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, một lần trò chuyện thân mật với nhà văn ở hồ Tây, lúc đó Đảng ta bắt đầu thời kỳ đổi mới, đã nói như tạc từng lời: “ĐẢNG TA KHI NÀO XA RỜI TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH, LÀ LÚC ĐÓ VẤP SAI LẦM, BỊ TỔN THẤT LỚN. ĐỔI MỚI CÓ NGHĨA LÀ KHÔI PHỤC TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH.”.
Nhà văn Sơn Tùng cũng nhắc lại một nhận định đầy trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp kỷ niệm 100 ngày sinh Bác Hồ: “THẾ GIỚI CÒN ĐỔI THAY, NHƯNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH SỐNG MÃI”.
Đối với tôi, buổi trò chuyện này góp phần vào hành trang hiểu biết của mình trên hành trình đi vào thế kỷ mới với những dự định và khát vọng của một người trẻ tuổi, giữa một “thời cơ vàng” của đất nước chúng ta…
T.S