(tham luận gửi hội thảo “Sự xuống cấp văn hóa và đạo đức trong xã hội ngày nay” do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức ngày 27.11.2010 tại Hà Nội)
Tôi cố gắng nhìn văn hóa và đạo đức từ một điểm xuất phát nào đó ở bên trong con người. Bởi vì tôi cố gắng không để mình bị hạn chế vào một cách nhìn cột chặt vào một chuyên ngành nào đó, chẳng hạn như nhìn văn hóa, đạo đức hoặc sự xuống cấp văn hóa và đạo đức từ góc nhìn của đạo đức học, tâm lý học, xã hội học, tội phạm học, luật học v.v. là những lĩnh vực mà tôi thực ra không có kiến thức trường ốc chuyên sâu. Nhưng việc tự hạn chế này hóa ra đối với tôi lại là một lợi thế, tôi có thể từ bỏ một cách nhìn chung chung, siêu hình, hoặc một cách nhìn cố định, bất biến, tuyến tính. Do đó tôi có thể quan sát tâm hồn của con người trong xã hội của chúng ta ngày hôm nay, và bằng cách đó tôi đề xuất một điều gì đó biết đâu có thể có ích cho người khác.
Nói bằng tinh thần của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky, tâm hồn con người là nơi chiến địa giữa Thiện và Ác. Chiến địa đó diễn ra ở trong từng cá nhân, từ cấp độ nhỏ cho tới cấp độ lớn. Từ những việc như ăn cắp, nói dối, lừa gạt, lừa đảo người khác cho tới tước đoạt hạnh phúc, tước đoạt mạng sống của người khác, rồi cho tới tham nhũng, tước đoạt hạnh phúc, tước đoạt cuộc sống của cả một cộng đồng, một đất nước – phản bội lại lợi ích của một cộng đồng, một đất nước – tất thảy đều không phải là một hành động, hành vi nhất thành bất biến, một lần xảy ra cho mãi mãi, mà là kết quả cuối cùng của cả một quá trình lâu dài phức tạp có khi hỗn độn, phi lô-gich. Tâm hồn con người là chiến địa bởi vì tâm hồn con người là nơi lưu giữ những kỷ niệm, hồi ức, ẩn ức, niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau của quá khứ. Tâm hồn con người trở nên bất hạnh khi nó “không còn gì để mất” và càng bất hạnh hơn nữa nếu như cùng lúc đó nó không nhìn thấy bất kỳ một tia hi vọng le lói nào ở cuối đường hầm của tương lai. Khi đó, nói như nhân vật Dmitri trong Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky: tất cả đều được phép và do đó tất cả đều hợp pháp. Trong tình hình như vậy thì văn hóa (những thiết chế và sản phẩm tinh thần, vật chất, những thói quen tinh thần, v.v. của dân tộc, chủng tộc trong quá khứ và hiện tại) và đạo đức, khoa học, giáo dục, luật pháp, hành pháp, có thể tìm thấy chỗ đứng ở đâu, có thể đóng vai trò gì?
Hãy thử quan sát một con người bình thường trong xã hội ngày hôm nay từ lúc sinh ra rồi lớn lên. Để xem thử nó nhìn thấy gì, nó nghe thấy gì, nó suy nghĩ gì, nó có cảm xúc gì, và nó phản ứng thế nào.
Lên sáu tuổi, nó bắt đầu đến trường, đấy là nếu như nó được đến trường, nếu như bố mẹ nó có đủ tiền bạc để cho nó đến trường, nếu như có một ngôi trường nằm ở gần nơi gia đình nó sinh sống, nếu như gia đình nó sống ở nơi không bị chia cắt, không bị cô lập trong mùa mưa bão, và còn rất nhiều “nếu như” khác nữa. Ngày đầu tiên bước vào lớp học, nó được dạy lễ nghĩa – theo đúng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” – làm như thể nó hư từ trong bụng mẹ và kể từ giờ trở đi nó sẽ được nhà trường giáo dục để trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn. Nó học toán, học văn, học đạo đức và nhiều môn học khác nữa giống hệt như cách tổ tiên ông bà cụ kị nó học cách đây hàng trăm năm. Thế mà người ta đã chi bừa bãi hàng tỉ đôla Mỹ lấy từ mồ hôi nước mắt của cha mẹ nó để sửa đổi chương trình học triền miên suốt bao nhiêu năm qua. Vẫn là ông thầy đứng trên bục cao để giảng giải, để phân tích, để áp đặt mọi thứ, và khuyến khích duy nhất khả năng ghi nhớ của nó. Một nền giáo dục quá lý trí, cái gì cũng giảng giải sẽ làm cho đầu óc của đứa trẻ bị đần độn đi (một trạng thái abrutissement), tâm hồn nó bị đồng phục hóa, và sau này lớn lên nó sẽ tìm cách trả thù khi có dịp. Nhà trường phải biết tôn trọng cái “góc khuất tối”, cái phần khó lòng nhìn thấy rõ ở trong tâm hồn một đứa trẻ. Trẻ em phạm một sai lầm nào đó, thậm chí hút thuốc lá, bỏ học, đánh nhau, vẫn chưa phải là thảm họa. Thảm họa thực sự là khi nhà trường hất nó ra ngoài vỉa hè, đóng sập cánh cửa vĩnh viễn lại sau lưng nó, coi nó như quả bóng được đá đi đá lại giữa Nhà trường và Xã hội.
Đến tuổi 18, nó vào đại học, đấy là nếu như nó may mắn hơn hàng trăm ngàn bạn bè cùng trang lứa của nó mỗi năm bị chặn đứng một cách phũ phàng trước cánh cửa đại học, nếu như bố mẹ nó vẫn còn đủ tiền để trang trải việc học của nó trong 5 năm (tốn hơn nhiều lắm so với 12 năm học phổ thông), nếu như nó có đủ sức khỏe (vì trong 5 năm tới nó sẽ thường xuyên bị cái đói hành hạ), nếu như nó vẫn còn đủ nghị lực và lòng ham học (bởi vì đầu óc nó đã quá mệt mỏi sau 12 năm học phổ thông và bởi vì trong 5 năm tới nó vẫn tiếp tục phải ngồi thụ động nghe ông thầy giảng giải, nhồi nhét kiến thức), và nhiều “nếu như” khác nữa. Nó vẫn tiếp tục bị coi là “học trò”, nó không biết cách đọc sách, nó không biết tranh luận, tóm lại nó không biết bất kỳ một phương pháp tư duy nào khác ngoài một phương pháp duy nhất được dạy đồng loạt cho tất cả. Trong tình hình như vậy thì nó sẽ học theo cách đối phó, đủ để thi tốt nghiệp cuối năm. Hằng tối nó sẽ la cà ở những quán cà phê rẻ tiền, những quán rượu cóc ở vỉa hè, uống rượu với chân gà nướng hai nghìn đồng một chiếc nhập lậu từ Trung Quốc, hoặc rủ bạn gái về ký túc xá leo lên giường tầng, kéo ri-đô nằm tâm sự với nhau …. Nghĩa là nó chẳng học được cái gì cho ra hồn, cho đến nơi đến chốn. Nó lười học không phải là lỗi tại nó.
Thế rồi sau khi tốt nghiệp đại học, nó bắt đầu đi xin việc rồi nếu may mắn là con ông cháu cha thì nó dễ dàng xin được vào làm ở một cơ quan, xí nghiệp, tổ chức nhà nước hoặc tư nhân nào đó (nếu không đó sẽ là một vấn đề cực kỳ nan giải, tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức, chưa kể có khi tiền mất tật mang).
Sự tha hóa về văn hóa và đạo đức được thấy ở trong mọi thiết chế xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế, kinh doanh, thể thao, giáo dục. Hãy thử quan sát tâm hồn một con người bình thường, một con người được coi là “sạch sẽ” hiểu theo định nghĩa từ điển. Một tâm hồn mệt mỏi, chán chường, bạc nhược, vô cảm, nhạt nhẽo, tẻ nhạt, và do đó nó rất dễ chuyển thành thô lỗ, hung dữ, lưu manh. Nó không còn giữ được cái gì thiêng liêng hoặc nó không còn niềm tin vào cái gì thiêng liêng. Toàn bộ cuộc sống được xoay quanh làm sao kiếm được nhiều tiền, nhiều đất đai nhà cửa, chức vụ cao, hưởng thụ vật chất, tiếng tăm hão của gia đình, dòng họ. Hãy tự cứu lấy mình, đó là khẩu hiệu của hầu hết mọi người ngày hôm nay. Tất cả những kẻ tham nhũng đều có chung một tâm lý “mình không ăn thì thằng khác nó cũng ăn. Nói mình không ăn thì chẳng thằng nào nó tin”.
Dân sống ở thành phố sẵn sàng làm bất cứ điều gì phạm luật để có chỗ để ở, người nông dân sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giữ lấy mảnh đất của mình. Tôi có dịp đi nhiều nước và tôi thấy không ở đâu việc xây cất nhà trái phép, việc khiếu kiện đất đai diễn ra phổ biến và trầm trọng như ở nước ta. Cá nhân tôi thấy một nghịch lý như thế này: thành phố Tokyo hoặc Băng Cốc còn có nhiều người vô gia cư (homeless) hơn Hà Nội. Có lần tôi đã đem chuyện này ra hỏi một số chuyên gia nước ngoài của Ngân Hàng Thế Giới. Câu trả lời của họ cũng đáng để suy nghĩ, đó là thế này: người dân ở những nơi đó họ có khả năng “cam chịu” hơn người Việt Nam. Họ không thấy bị đối xử bất công khi bị đuổi ra ngoài vỉa hè bởi vì họ tin rằng nhất định đến một lúc nào đó họ sẽ được quan tâm và sẽ lại có nhà ở. Có thể hiểu rộng ra thế này: những lợi ích, kết quả của phát triển phải được chia đều cho tất cả mọi người, dù điều đó có thể đến sớm hay muộn với người này hay người khác. Người Việt Nam không có khả năng “cam chịu” như thế. Họ muốn tự cứu mình trước cái đã, muốn ra sao thì ra!
Ngoài đường phố người ta sẵn sàng nổi khùng, chửi nhau, nện nhau, giết nhau mỗi khi va chạm xe cộ. Bởi vì người nọ không tin người kia sẽ bỏ qua, sẽ tha thứ cho mình, cho nên có thể “ra tay” được thì cứ ra tay trước cho an toàn! Ở nhiều nước khác, câu cảnh cáo “Này, hãy dừng lại ngay nếu không tôi gọi cảnh sát đấy” bao giờ cũng rất có tác dụng. Ở nước ta câu nói như vậy trở thành trò cười! Khi còn sống ở Đông Đức, tôi nhiều lần chứng kiến hai thanh niên đụng độ. Họ đứng sát vào nhau, gí đầu vào nhau giống như hai con gà chọi, mặt đỏ bừng, tay chỉ vào mặt nhau trong lúc cãi nhau bằng những lời rất gay gắt. Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ tôi thấy hai bên lao vào đánh nhau. Do đó bạn bè của hai tốp chỉ cần đứng ngoài quan sát, không cần thiết phải nhảy vào ẩu đả. Cái gì giữ cho hai thanh niên đó không xúc phạm thể xác của nhau?
Tâm hồn khô cằn, chán chường, mệt mỏi, tầm thường, rỗng lòng tin là những yếu tố quyết định thái độ cư xử thiếu văn hóa và đạo đức của hầu hết con người trong xã hội ngày hôm nay. Ngày nay rất hiếm gặp những con người có tâm hồn sôi nổi, trong sáng. Xã hội giống như một sới vật khổng lồ ở đó hầu hết các đô vật đều không chơi đúng luật, sẵn sàng phạm luật để chiến thắng đối phương.
Bức tranh xã hội giờ đây nom thật ảm đạm, thảm hại, bế tắc. Sự ảm đạm, thảm hại, bế tắc càng trở nên ảm đạm, thảm hại, bế tắc hơn khi rất nhiều người cố tình không nhìn ra, cố tình không thừa nhận sự ảm đạm, thảm hại, bế tắc này. Người ta lấy hào quang văn hóa của quá khứ để phủ lên hiện tại, để che đậy hiện tại. Hệ quả của điều này là (i) người ta chỉ tập trung vào những giá trị đã trở thành hiển nhiên, những giá trị đã thành chắc chắn, hiển nhiên của quá khứ (Văn Miếu, ca trù, v.v.) và (ii) người ta thích tôn vinh cái tầm thường (médiocre) (Con đường gốm sứ – một sự chế nhạo nghệ thuật, một biểu hiện của gu thẩm mỹ nhem nhuốc – là một ví dụ cụ thể rất rõ rệt).
Cá nhân tôi cho rằng phải cứu lấy tâm hồn của con người. Đó là điều căn bản và có tính lâu dài. Tâm hồn con người phải được hưởng tự do tuyệt đối. Hãy chấm dứt dùng hào quang văn hóa quá khứ như là một mục đích tự thân. Những người trẻ tuổi phải được biết những gì thực sự đang xảy ra ngay ngày hôm nay. Chỉ khi nào họ được biết, chỉ khi nào họ được làm cho quan tâm tới những gì đang thực sự xảy ra ngày hôm nay, chỉ khi ấy cuộc sống của họ mới thực sự có mục đích. Nếu không họ ăn hạt cơm do người khác hôm nay làm ra, mặc cái áo được sản xuất ngày hôm nay, đi cái xe hiện đại nhất … nhưng cái đầu của họ hão huyền, u mê, nói chung gần giống với trạng thái tâm thần phân liệt. Những người trẻ tuổi phải được hưởng quyền nổi loạn trong học thuật. Họ không được phép tụ tập mang vũ khí xuống đường để gây rối, đốt xe hơi, cửa hiệu, nhưng họ có quyền tụ tập để tranh luận học thuật dưới mọi hình thức và về bất cứ chủ đề nào.
Nhà trường phổ thông phải là nơi để trẻ em thực hành cuộc sống dân chủ của một xã hội hiện đại. Hãy chấm dứt tâm lý cung cấp giáo dục cho trẻ em như là một sự “chăm sóc” hoặc “ban ơn”. Như vậy nhà trường sẽ trở nên khiêm nhường và nhân đạo. Khiêm nhường là bởi vì nhà trường biết đứng lùi lại một chút để quan sát, để tìm hiểu trẻ em. Nhân đạo là bởi vì nhà trường không đàn áp trẻ em một cách vô tội vạ.
Khi con người được trả lại về đúng với bản chất con người – con người là loài động vật xã hội có tư duy luôn khao khát cải tạo, đổi mới “chỗ ở” của mình – thì đầu óc của mỗi cá nhân sẽ trở nên lành mạnh hóa và nhờ đó xã hội sẽ lành mạnh hóa dần.
Luật pháp phải được trả lại đúng vị trí của nó: luật pháp là phương tiện để giải thích hành vi của con người chứ không phải là công cụ trừng phạt, răn đe. Như thế sẽ không có nhiều hơn một cách hiểu cho một hành vi nào đó. Chỉ có một cách hiểu, và đó là cách hiểu dựa vào luật pháp. Sự nghiêm minh không đến từ mức tuyên án nặng hay nhẹ. Sự nghiêm minh đến từ cách hiểu sự việc một cách rõ ràng, tường minh, trong sáng.
Nhà tù không phải là nơi tiêu diệt nốt phần nhân tính còn sót lại của con người. Nhà tù cũng phải là một cơ sở đầy tính nhân đạo. Người dân, truyền thông đại chúng phải được phép kiểm tra, kiểm soát tất cả các nhà tù một cách trực tiếp. Bất cứ ai quan tâm cũng đều được phép vào bất kỳ một nhà tù nào đó để nhìn tận mắt mọi thứ diễn ra trong đó và nói công khai những điều nhìn thấy cho toàn xã hội.
Lòng nhân đạo sẽ len lỏi, lan tỏa, ngấm dần dần vào tâm hồn của mỗi con người, ngấm dần dần vào mỗi hành động xã hội từ cấp cao nhất đến thấp nhất. Như thế xã hội sẽ dần dần trở nên an hòa, ổn định, cái ác sẽ bớt dần đi, không còn là điều diễn ra phổ biến và tràn lan như hiện nay.
Chúng ta hãy chấm dứt than vãn, chấm dứt sự liệt kê chỉ để mà liệt kê những cái xấu đang diễn ra tràn lan trong xã hội. Báo chí đưa tin cái xấu theo cách liệt kê cái xấu sẽ khuyến khích bản năng thấp hèn của người đọc. Đừng biến việc đọc báo thành một thú giải trí độc ác giống như ở thời của bạo chúa Nero công chúng sung sướng đến phát cuồng khi được xem những người Thiên chúa giáo bị xử tội bằng cách họ bị quẳng cho sư tử ăn thịt (tiểu thuyết Quo Vadis của nhà văn Ba Lan H. Sienkievich). Nhưng báo chí có quyền đi đến cùng để tìm ra sự thật.
Nói vắn tắt, cá nhân tôi kêu gọi xây dựng một xã hội nhân đạo thực sự, và tôi cho rằng hãy bắt đầu bằng việc xây dựng một nền pháp trị nhân đạo và một nhà trường nhân đạo, cả nhà trường phổ thông lẫn đại học.
P. A. T.
Hà Nội tháng 11 năm 2010.