Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN NHỎ KHÔNG NHƯ CON THỎ ĐÂU (9)- THÓI QUEN CỦA NGƯỜI GIÀ

Tô Hòang
Thứ năm ngày 2 tháng 12 năm 2010 6:56 PM
 
 Về già, không rõ các anh các chị có như tôi không, bỗng mắc phải những thói quen thật kỳ cục. Tối tối cứ ngong ngóng chờ đến 19g15 để xem bằng hết Bản TIN THỜI SỰ của VTV1 rồi mới chịu ngồi vào ăn bữa tối.
 Mấy tối nay mệt quá, căng đầu quá, vì chuyện giá cả leo thang. Màn hình nhoang nhóang các biểu chí, sơ đồ.Các chuyên gia thay nhau bàn cãi biện pháp tháo gỡ này nọ. Nào là tỷ số tăng giá hàng tháng 11 là như thế này, sang tháng 12 chắc là không giữ được đâu. Nào là Hà nội bỏ ra 400 tỷ để ổn định giá hàng. Ngay lập tức lại có ý kiến tựa như phản bác: giữ vững giá của 9 nhóm hàng nhưng có tới cả ngàn mặt hàng người dân cần tới thì 400 tỷ kia cũng như muối bỏ bể. Đâu là biện pháp tình thế, đâu là lối thóat căn cơ? Tiếp tới là sự phân tích đột biến về giá sẽ dẫn tới đột biến vể biện pháp….Nghe mà cứ ù cả hai lỗ tai, mạch máu nơi màng tang giần giật. Vừa đưa tay định lấy cái máy đo huyết áp đã nghe thấy điệp khúc quen thuộc của bà xã từ trong bếp vọng ra:   
-Cơm canh nguội tanh nguội ngắt cả rồi! Ông chăm chỉ, cần mẫn như thế thử hỏi có khỏe mạnh, béo tốt lên không? Các cha bẻo lẻo nay hứa mai hẹn, nhưng giá cả mỗi ngày một tăng, dân nghèo mỗi ngày một méo mặt…Ông nào, bà nào hứa mà không làm được cứ dằn mặt cách chức, để người khác lên thay, may ra dân được nhờ!
 Nâng bát cầm đũa lên, tưởng được yên thân, nhưng vừa thóat báo hình liền phải chiềng mặt ngay với…báo nói.
-Hôm nay giá mỗi bình ga tăng thêm 35 ngàn đấy, ông biết chưa?. Ai đời sẽ phải móc túi tới 400 ngàn đồng để trả cho một bình ga! Ra chợ, cầm mấy cọng hành xanh, mấy lá rau mùi tàu lên tay, cũng 10 ngàn. Muốn mua một trái mãng cầu về đặt lên bàn thờ phải rụt tay lại ngay: 50 ngàn đồng một ký. Các cô bán hàng bây giờ không chịu nhận tiền xu nữa, dù là đồng 500 hay đồng 5000. Các cô ấy bảo đếm tiền xu sốt ruột. Lại hay để rơi vãi…
 Lùa vội hai ba đũa cơm vào miệng, tôi ngẩng lên nghe bà xã như một cách xử thế phải đạo.
 Bà xã tiếp tục cơn thở than không thể kìềm chế:  
-Hai năm trước, mang 30 ngàn đi chợ lo đủ thức ăn cho 2 ngày. Năm ngóai tăng lên 50 ngàn. Bây giờ mang đi 100 ngàn, mới mua được con cá, vài lạng thịt đã hết veo, cứ như bị móc túi. Đài truyền hình khuyên đến Siêu thị mà mua hàng bình ổn giá ư ? Siêu thị là nơi dành cho vợ con các ông quan lớn! Người nghèo chúng tôi ai mà dám bước vào Siêu thị? Vợ con các ông to đi xe hơi tới Siêu thị, chọn hàng mang tới quầy tính tiền, mình đứng sau chờ đến luợt vừa  chồn chân mỏi gối, vừa hoa cả mắt. Mà ngượng nữa chứ? Người ta mua thức ăn mà trả tới tiền triệu, bọc nọ túi kia liểng xiểng; chả lẽ mình xếp ra trước mắt cô thu ngân mớ rau, con cá  thôi sao? Tôi nói thật, mấy cái Siêu thị chỉ là trò tô son trát phấn thôi..
 Nhìn qua tôi, bà xã hỏi :
-Mà sao ông ngắc ngứ thế ? Tối nay tôi nấu không ngon à ?
- Không!
-Hay món canh này tôi nấu mặn quá? Hôm nay tôi ăn chay nên không chịu nếm..
-Không!
- Hay là ông đổ bệnh?
-Không ! 
Chiều lòng vợ tôi và vội mấy đũa cơm, chan muổng canh. Mà sao miệng vẫn lạt thếch.
 Báo nói lần này có thêm phần phụ trợ của báo hình. Bà xã trỏ đũa vào đĩa thịt kho giảng giải giá thịt heo năm ngóai, năm kia là thế này, năm nay là thế này; trỏ đữa vào bát trứng dầm nước mắm năm ngóai chục trứng giá này, năm nay giá này...Bà lôi ra mấy quả chanh, quả ớt, cái bắp cải nói giá năm kia, giá năm ngóai, giá năm nay rành rõ.
Rút ngăn kéo ra mẩu giấy, chìa ra trước mặt tôi, bà xã tiếp tục:
-Ít lâu nay, tôi học được mấy bà tầng dưới, đi chợ về tôi phải ghi vào sổ hết từng khỏan chi. Để cuối tháng cộng sổ xem mình đã tiêu những khỏan gì, mất bao nhiêu tiền. Rồi để so với đồng lương hưu của ông và tôi mà liệu cơm gắp mắm. Tăng được mấy trăm lương hưu thật như muối bỏ bể…
Thương và phục bà xã, ngày nào cũng ra chợ, ngày nào cũng phải sắm vai trò của một chiếc máy tính nhanh nhậy, tinh sảo nhất. Tôi gắng gỏi ăn uống cho hăng hái hơn, cho bữa cơm kết thúc chóng vánh hơn, trong đầu vẩn lên một kỷ niệm rất xa…rất xa…
 Đâu đó vào năm 1977, 1978 chúng tôi về huyện Nam ninh, tỉnh Nam định thực hiện bộ phim phóng sự về một huyện đầu tiên thực hiện cơ giới hóa nông thôn. Một buổi tối nghỉ ngơi, mấy anh em rủ nhau sang bên phía bãi bồi ven sông Hồng. Rẽ vào một quán nước leo leo ngọn đèn dầu, uống bát nước chè xanh, hút điều thuốc. Thấy nải chuối ngon, hỏi giá mua mấy quả. Bà lão bán hàng nước nói giá. Một anh trong chúng tôi nghe vậy, thốt lên:
-Cụ ơi, đây xa Hà nội cả trăm cây số, mà cụ nói giá 1 hào 2 quả có khác gì giá ở Hà nội đâu?
 Bà lão bán hàng nước thủng thẳng:
- Các chú ơi! Nhà nước quản lý hết chất bổ rồi nên giá cả đâu cũng như nhau cả thôi!
 Chúng tôi bật cười vì cách giải thích của bà lão bán quán.
 Ùa ập tới ý nghĩ lẩn thẩn của người già: Cái thời được sử sách đã phong tặng mấy chữ “quan liêu, bao cấp” ấy, Nhà nước quản lý giá cả tất tật mọi mặt hàng nên đời sống của người dân thiếu thốn, khốn khó thì đã đành. Bây giờ là thời buổi kinh tế thị trường, hàng hóa nội ngọai ê hề, giá cả thì thuận mua vừa bán. Ấy thế mà sao người đi chợ như bà xã tôi vẫn bị hành hạ đến đau đầu nhức óc vì mấy mớ rau, con cá? Để một bà vợ hiền hậu, thủy chung, hết lòng vì chồng vì con bỗng quên mất lời răn dạy của cha mẹ, ông bà” Trời đánh còn tránh miếng ăn”?
Tôi sống với bà xã đã mấy chục năm, nội ngọai đã có cả.. Mà nhớ lại, nhớ kỹ lại, tuyệt nhiên chưa bao giờ ngồi vào mâm cơm được nghe bà vợ hí hửng, vui vẻ khoe chồng: ”Mang mấy đồng bạc đi chợ tiêu không hết. Mọi thứ rẻ quá, cứ như cho không, biếu không!“