Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GÓP THÊM VỚI NHÀ VĂN ĐÌNH KÍNH QUA BÀI LUẬN VỀ CHỮ “NGUYÊN”

Bùi Công Tự
Chủ nhật ngày 28 tháng 11 năm 2010 8:11 PM
 
Trong bài Luận về chữ “nguyên” đăng trên Trannhuong.com, nhà văn Đình Kính nêu lên hiện tượng “Một số góp ý với Đảng nhân đại hội XI sắp tới, rất thẳng thắn, có lí luận, sát thực tiễn, lại cũng rất có tình và xây dựng, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập”. Tuy nhiên nhà văn Đình Kính “tiếc rằng hầu hết các ý kiến rất thật ấy, đều là của các tác giả mà trước chức danh của họ là chữ “nguyên”, nguyên chức vụ này, nguyên tước vị nọ, nhiều vị nguyên rất to”. Nhà văn Đình Kính “buồn và băn khoăn vì khi đang đảm nhiệm công việc, nghĩa là đang đương chức đương quyền, khi mà tiếng nói của họ có trọng lượng, có sức nặng, họ lại không lên tiếng, không trung thực với nhận thức của mình mà chờ đến khi “nguyên” mới dám bộc lộ quan điểm.
Về hiện tượng trên tôi xin trao đổi với nhà văn Đình Kính đôi điều.
Trước hết tôi hoan nghênh các vị nguyên là cán bộ lãnh đạo đã không “lão giả an tri”, luôn quan tâm và có tiếng nói trước thời cuộc. Tiếng nói của nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên phó thủ tướng thượng tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên phó chủ tịch quốc hội Vũ Mão, nguyên phó ban tổ chức trung ương Nguyễn Quốc Hùng, nguyên bộ trưởng bộ tư pháp Nguyễn Đình Lập, nguyên chánh án tòa án nhân dân tối cao Trần Lâm và nhiều vị khác đã gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội, được dư luận hoan nghênh và ủng hộ. Tôi mong rằng các vị đừng ngại ngần khi thấy nhà văn Đình Kính “buồn và tiếc” mà im hơi lặng tiếng, không tiếp tục góp ý cho Đảng và nhà nước, mũ ni che tai trước vấn nạn xã hội. Nhân dân chờ đợi tiếng nói của các vị vì với cương vị của mình trong quá khứ, các vị được các nhà lãnh đạo đương nhiệm kính nể, tin tưởng, sự góp ý sáng suốt, có lý có tình, hợp long dân của các vị sẽ được tôn trọng, xem xét kịp thời hơn là tiếng nói của các nhân sĩ trí thức hay của các công dân bình thường.
Nhà văn Đình Kính đặt câu hỏi: Tại sao khi đang đương nhiệm, đầy quyền lực trước đây các vị đã không nói mà đợi đến hôm nay có chữ “nguyên” hoặc sắp “nguyên” rồi mới nói. Xin thưa nhà văn Đình Kính, tôi nghĩ rằng các vị đó cũng là con người, nhận thức thay đổi theo quá trình. Mặt khác xã hội ta đang có những chuyển biến, có nhiều điều giờ đây mới có thể nói được. Chúng ta cũng đã chứng kiến trong quá khứ, có vị lãnh đạo đã vội vàng phát ngôn những quan điểm mà tình hình chính trị xã hội chưa chấp nhận được, nên tiếng nói đã chìm vào im lặng, không có tiếng vang, các vị đó cũng bị thiệt thòi.
Chúng ta hoan nghênh các vị nguyên là lãnh đạo đã lên tiếng góp nhiều ý kiến cho Đảng và Nhà nước. Tuy thế chúng ta cũng nhận thấy có nhiều vị lãnh đạo cũ mặc dù sức vẫn còn khỏe song lại im hơi lặng tiếng trước những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc. Ngoài các vị đại lão, sức khỏe giảm sút, qua truyền hình nhân dân vui mừng nhận ra nhiều vị lãnh đạo vẫn phong độ, nhanh nhẹn, hồng hào. Chỉ có điều nhân dân không được biết các vị đó đang nghĩ gì về những điều nhân dân mong mỏi.

TP Hồ Chí Minh, 28-11-2010.