Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIAO MÙA - ẤN TƯỢNG VÀ DƯ VỊ

Trần Trung
Thứ tư ngày 22 tháng 9 năm 2010 5:41 AM
 
“Giao mùa” (Nxb Hội Nhà văn – 2010) là tập thơ thứ hai của Cao Ngọc Thắng. Nếu như ai đó từng cho rằng: nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng là trò-chơi-nghiêm-túc của người nghệ sĩ với đời; thì, có lẽ tập thơ này của Cao Ngọc Thắng nằm trong trường nghĩa đó.
Tập thơ đem đến ấn tượng chơi, vui mà nghiêm từ hình thức: in ấn, trình bày trang nhã, sáng sủa đi liền với những phụ bản tranh (từ họa sĩ Vũ Khánh) cùng với vài bài bình và giới thiệu đủ gọn và gợi.
Tôi ấn tượng và thích chất tình đời, tình người (vấn đề không mới trong cảm hứng nghệ thuật cổ-kim!) lan tỏa và ám ảnh dọc tập thơ với 40 thi phẩm của Cao Ngọc Thắng. Cảm quan về tình đời và tình người không mới. Song, nhà thơ có cách nhìn và giãi bày mang chất riêng, điệu riêng của mình. Có quá khứ và hiện tại đi về, luôn dấy lên nỗi bức xúc từ cái nhìn đa cảm, đa suy:
Mai Châu
Lần xưa anh đến
Lẩn khuất nghèo xơ xác đường mây
Ngày của núi đêm trùm bóng tối
Lộp độp rơi trái chín mấy mùa
Trở lại
Tay trong tay vòng quay nhịp múa
...
Thỏa tháng ngày xa
Mai Châu đêm
Mai Châu em...
                   (Mai Châu em, trở lại)
Cảm quan hiện thực trong thơ Cao Ngọc Thắng tạo được sự đánh động dây truyền cảm quan tiếp nhận riêng và thú vị cho người đọc. Nghĩa là, nhà thơ không chỉ dừng lại bề mặt của hiện thực khách quan. Mà, nhà thơ có cách khơi gợi, đánh thức cảm suy cùng liên tưởng nhiều chiều cho độc giả. Những bài thơ như: “Trở lại Pleiku”, “Cao nguyên”, “Lặng lẽ Nha Trang”, “Bập bênh”... là những thi phẩm chạm khắc được nét riêng và ấn tượng của Cao Ngọc Thắng:
Uốn cong
Vồng ngực chàng trai
Tròn căng
Sức xuân thiếu nữ
Tít tắp
            Cao nguyên
                                khắc khoải
                                                   buồn
      (Cao nguyên)
Chỉ một lần
                    một lần
Thu đi ngang nỗi nhớ
Rắc vàng giấy tinh khôi
Hồn thu
              lay
                     trang nắng
   (Chỉ một lần)
Di tích
             ngàn năm
Nghiêng mình
Hồng Hà
                hòa
                       cuộn sóng
                                         biển khơi
 (Ô Quan Chưởng)
Với lối biểu đạt ấy, Cao Ngọc Thắng chẳng những tạo được ấn tượng cho người đọc về những miền đất anh qua, những địa danh anh tới cùng cảm quan thẩm mỹ của thi sĩ (theo nghĩa rộng của khái niệm này), mà còn tạo ra giọng điệu, câu chữ; lối thả chữ, lơi nhịp... khá thú vị. Đọc thơ Cao Ngọc Thắng cho ta cảm nhận nhà thơ có lối diễn tấu thơ riêng với điệu thơ tưng tửng, thoải mái mà vẫn chất chứa nhiều nội lực của tâm tư, tâm trạng... Tất nhiên, lối viết và diễn tả này, như “con dao hai lưỡi”; suy cho cùng nó vẫn đòi hỏi người thơ ở sự phóng túng mà vẫn dụng công nghệ thuật.
Trái tim nhạy cảm, đa cảm và đa suy của người nghệ sĩ chân chính - ở thời nào cũng vậy, luôn bén nhạy mà bắt trúng, bắt đúng những con sóng tâm tư, những bức xúc của cộng đồng. Nhất là, trước hiện thực phong phú, bộn bề - hiện thực không bình yên. Đòi hỏi ấy – thứ đòi hỏi nghệ thuật thơ ấy từ đời hay từ thi sĩ? Cả hai. Và, Cao Ngọc Thắng đã tạo ra được chất trong cảm xúc cùng suy tư mang sắc màu thời đương đại. Nói một cách khác, thơ Cao Ngọc Thắng đã bắt được hơi thở của đời sống, của nhịp sống hôm nay – cả điều mừng vui lẫn nỗi buồn, niềm day dứt.
Nhà thơ bức xúc và trải lòng mình trước sự còn-mất, phôi pha của sắc hoa đào – một biểu tượng cho cái đẹp tao nhã, sang trọng của đất Thăng Long – Hà Nội:
Đưa đào ra bãi sông lầy
Đào ơi thương lắm những ngày vàng son
Nghìn năm văn hiến. Nước non
Thăng Long – Hà Nội có còn đào phai
(Đào ơi...)
Nỗi bức xúc đáng khóc-cười trước những biến động, đổi thay, được mất. Hình như cái thời của Tú Xương với “Sông Lấp”, “Vị Hoàng hoài cổ”... nay, như chợt về “tái ngộ” trong thơ Cao Ngọc Thắng:
Ngày giao đất
Rối cả ruộng đồng
...
Ngày mai
Làng mình lên phố
Quặn lòng
                   thương quê
(Làng lên phố)
Lại có thể chợt buồn – nhẹ mà thấm, trước những mảnh đời buồn trong nghiệt ngã mưu sinh:
Người đàn bà
Thu vén từng đồng xu
Mắt mỏi người qua lại
...
Người đàn bà
Buồn tênh
Như bài ca cũ rích
...
(Quán góc phố)
Với “Giao mùa”, Cao Ngọc Thắng tiếp tục trình làng những góc nhìn, điểm nhìn cùng những động rung trong cảm hứng cùng tâm trạng của anh trước bức tranh đời muôn chiều và đa dạng của hôm nay. Và, có dấu hiệu mừng: đường đi nước bước thơ của Cao Ngọc Thắng tạo được ấn tượng và dư vị.