Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN LỄ ĐÓN BẰNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA LỆ CHI VIÊN

Thiếu tướng, Nhà văn, Tiến sĩ Nguyễn Chu Phác
Thứ bẩy ngày 18 tháng 9 năm 2010 4:14 PM
 
Không phải chỉ có Đền to, Phủ lớn mới linh thiêng và ngược lại, không phải am, miếu thờ nhỏ không linh thiêng. Hơn hai mươi năm nghiên cứu về tâm linh, tôi đã có dịp đến thắp hương đền thờ Tướng quân Nguyễn Bặc ( Ninh Bình ), Nữ tướng Bát Nàn ( Việt Trì ), Tướng quân Trịnh Quốc Oai ( Thái bình ) và nhiều am miếu nhỏ như miếu thờ Chú Quýt, một em bé chết đói năm 1945 ở làng tôi, am thờ liệt sĩ tại nhà tôi…
Trước khi am thờ bà Nguyễn Thị Lộ được tôn tạo, anh Hồ Thu đèo tôi đến Khuyến Lương – Hà Nội. Chúng tôi dựng xe máy trên đê, ngắm nước sông Hồng rồi theo triền cỏ xuống chân đê. Tôi chựng lại, tưởng đó là kho của gia đình nào đó đã bỏ từ lâu, tường nứt, rêu phong đen xì, mái ngói vỡ, dây leo bìm bìm phủ um tùm.
Anh Hồ Thu giới thiệu: Đền thờ bà Nguyễn Thị Lộ đây! Cánh cửa gỗ tạp vừa sửa tạm, đã khóa không vào được. Chúng tôi xúc động dứng lặng yên thì vong hồn một người con gái mặc áo dài trắng ra đón chúng tôi từ lúc dừng xe lại xuất hiện. Tôi nhớ lại vào tháng 11- 2006 khi vào thăm mộ 10 liệt sĩ ở ngã ba Đồng Lộc, hai vong em Xanh và Hà đã ra đón chúng tôi.
Tôi có nói chuyện này với nhà giáo Hoàng Đạo Chúc. Mấy năm sau ông tặng tôi cuốn sách Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ chi viên do ông chủ biên. Xem bức chân dung Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ do họa sỹ Trịnh Yên vẽ giống như vong đã đón tôi. Vậy họa sỹ căn cứ vào đâu mà vẽ được như vậy? Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc cho tôi biêt: Ông và họa sĩ Trịnh Yên thành tâm thắp hương cầu xin Đức Bà cho được chiêm ngưỡng dung nhan để ghi lại cho hậu thế được chiêm ngưỡng, dâng nén tâm nhang thể hiện lòng thành kính và biết ơn của thế hệ hậu sinh đối với sự hy sinh cao cả của Đức Ông, Đức Bà…Quầng sáng xuất hiện, chân dung Đức Bà hiển hiện vài giây rồi biến mất. Họa sĩ đã kịp khắc họa được chân dung Đức Bà…
Sau một thời gian, cuộc hội thảo được tổ chức, chính quyền địa phương và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhiệt tình ủng hộ cùng tham gia. Hội thảo  thành công. Kết quả này chứng minh cho sự suy nghĩ đúng đắn và bền bỉ chủ chốt là nhà giáo Hoàng Đạo Chúc và tiến sĩ Đinh Công Vỹ. Sau hội thảo dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhà giáo Hoàng Đạo Chúc vẫn bền bỉ ngày ngày đi vận động những người có tâm huyết với văn hóa cội nguồn ủng hộ kinh phí để xây dựng tôn tạo thành công ba ngôi đền thờ Đức Ông, Đức Bà ở Khuyến Lương, ở làng Hới Chiếu quê bà Nguyễn Thị Lộ, Hưng Hà Thái Bình và ở Lệ Chi Viên, Bắc Ninh, nơi xuất xứ xảy vụ thảm án.
Nhà doanh nghiệp Nguyễn Hữu Đường người có tâm đức cao cả chí tình chí nghĩa với tiền nhân, có công đầu đứng ra xây dựng tôn tạo ngôi đền thờ Đức bà ở Khuyến Lương Hà Nội cũng đã góp phần đắc lực hoàn thiện hai ngôi đền ở Hới Chiếu và Lệ Chi Viên.
Nguyễn Hữu Đường là thương bệnh binh xuất ngũ. Từ hai tay trắng đạp xích lô kiếm sống hàng ngày, tần tảo, táo vát, thông minh và kiên nhẫn, ông đã trở thành chủ cơ sở sản xuất rượu bia liên doanh Việt Pháp, rồi mở nhà máy làm men bia… Ông đã thành tâm tài trợ hàng tỷ đồng để xây ba ngôi đền .
Đền ở Khuyến Lương xây dựng xong, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc lại đến hỏi tôi về việc hô thần nhập tượng. Chúng tôi đã hướng dẫn ông về cách yểm ở mệnh môn hóa, về lễ trấn và lễ hô thần nhập tượng. Ông có mời chúng tôi đến dự nhưng vì đường xa không đến được. Sáng hôm sau chúng tôi đến sớm, bà con dự lễ vẫn còn tụ tập đông trong đền. Khi chúng tôi vào thắp hương thấy trên mắt tượng bà Nguyễn Thị Lộ còn ướt. Bà con kể lại lúc làm lễ hô thần nhập tượng thì mọi người không cầm được nước mắt, vì khi đèn bật sáng nhìn lên tượng thì mọi người đều thấy nước mắt Bà chảy ròng ròng…
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc có tấm lòng thành và chu đáo, khi có tiền làm tượng ở Hới Chiếu ông lại hỏi tôi về kích thước. Ông nói suốt đêm qua không ngủ được, chợt như có ai nói trong đầu, tượng cao 2,71m. Tôi hỏi Ai báo cho ông kích thước như vậy? Ông đáp: Ban đêm có tiếng nói vô hình mà không rõ là ai. Tôi giở sách ra tra cứu thì lạ lùng sách ghi: tượng cao 2,71m thì là người có khiếu văn học. Tôi đưa sách cho mội người xem , tất cả cùng thốt lên, Ôi linh thiêng quá!
Trong bài viết ngắn này tôi muốn nói đến nỗi oan của con người ở dương thế. Từ xa xưa, tại các đền to phủ lớn, ở đâu cũng có suối giải oan, chùa  Hương, Yên Tử, đền Sòng…Tôi làm mấy câu thơ nhưng sợ sai niêm luật nên đến nhờ nhà thơ Khương Hữu Dụng  xem cho. Anh đọc xong ngồi lặng đi phàn nàn: Đến như tôi hơn 90 tuổi rồi mà họ còn vu oan giá họa cho tôi.
Anh đọc to lên bài thơ của tôi:
Một suối giải oan bé con con
Muôn vàn oan khuất vẫn đang còn
Giải được oan không ơi suối nhỏ?
Đó đây da diết tiếng kêu oan!
Nhân tiện tôi xin phép nhờ anh đính chính hộ bài thơ của Lê Thánh Tông tôi nhớ từ thời dược cô giáo Bảo Hiền ở phố Trần Nhân Tông dạy cho 60 năm về trước. Nay nhân chuyện oan khuất chép lại ra đây.
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ
Vì nước cho nên lụy đến nàng
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan thì mượn đến đàn tràng
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.
 
TS nguyễn Chu Phác
01676107233