Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÌ SAO BẠN ĐỌC THỜ Ơ VỚI BÁO VĂN NGHỆ

Nguyễn Tiến Hóa
Thứ bẩy ngày 18 tháng 9 năm 2010 7:30 AM
                                                                                                                             
Hiện nay vấn đề đổi mới trong văn học đang trở thành vấn đề bức thiết, một nhu cầu  sống còn trong đời sống văn nghệ. Thế giới hội nhập đã mở ra cho chúng ta những người làm công tác văn nghệ cơ hội mới, vận hội mới. Đổi mới đang là đòi hỏi cấp bách của  văn học. Chúng ta không thể mãi bằng lòng sáng tác theo sự mòn sáo, những khuôn mẫu bất di bất dịch. Nhưng đổi mới như thế nào? Đánh giá khuynh hướng mới như thế nào, đó là điều tối quan trọng cho những người làm công tác văn nghệ hiện nay. Điều khó nhất là làm sao để phân biệt được đâu là tác phẩm hay, đâu là tác phẩm dở. Có nhiều tác phẩm in ra không phải thơ mà cũng chả là văn. Nó là thứ văn chương nửa chừng. kiểu xăng pha nhớt. Người ủng hộ thì cho là canh tân, sáng tạo, người phản đối thì thấy dị ứng, phản cảm gai người. Mấy năm gần đây nhiều bạn đọc của báo Văn nghệ không thể không cảm thấy có điều gì u uẩn khi đọc nhiều truyện ngắn đăng tải trên báo. Có truyện, người ta đọc đi đọc lại đến vài lần mà vẫn không hiểu tác giả muốn truyền tải điều gì. Nhiều bạn đọc cẩn thận mang truyện đó đến hỏi các bậc cao nhân trong làng văn nhờ họ chỉ giúp ý tưởng tác giả. Nhưng rồi bạn đọc cũng phải thất vọng vì các bậc cao nhân cũng đành khoanh tay bó gối không hiểu thâm ý tác giả muốn gì. Đã có trường hợp bạn đọc tìm cách tiếp cận (tất nhiên là không dễ dàng) gặp gỡ, hỏi đích danh tác giả. Nhưng họ cũng lại thất vọng bởi câu trả lời vô thưởng vô phạt: Hiểu thế nào là tùy theo cảm nhận của mỗi người.
 Những truyện ngắn ấy sặc mùi liêu trai. Liêu trai toàn phần, liêu trai bán phần và thậm chí ngay cả loại liêu trai thứ thiệt cũng phải chào thua, vì lối viết ma chẳng ra ma, người chẳng ra người. Quanh đi quẩn lại rặt một mô-típ người ngủ với ma, ma ngủ với người, mà người thì nửa tỉnh nửa say, điên chẳng ra điên, dại chả ra dại. Một số cây bút đua nhau viết các truyện dị mọ, ma mị: Truyện đời thường mà ngôn từ truyền tải không khác gì ngôn từ của bệnh nhân trong trại tâm thần. Thật lạ lùng, truyện viết để cho đa số bạn đọc, có thể cả chính tác giả cũng không hiểu. Những truyện này hình như đã gãi đúng gu của người biên tập, nên tần suất hiển lộ khá nhiều trên trên mặt báo Văn nghệ, tờ báo có uy tín nhất của văn chương cả nước. Song, cái gì ăn nhiều đều gây ra bội thưc và tác hại, kể cả những thực phẩm giàu dinh dưỡng. Còn khi ăn phải những thực phẩm độc hại thì sự nguy hiểm cho cơ thể càng tăng lên gấp bội. Chính vì lẽ đó mà bạn đọc bây giờ ngày càng xa lánh, quay lưng với báo Văn nghệ.
Tình cờ trong một lần trà dư tửu hậu, một bạn đọc nói vỗ vào mặt tôi: Báo Văn nghệ các anh in rặt những chuyện ma. Tôi sững người vì câu nói thẳng của anh bạn. Nó có thể làm cho người nghe mếch lòng, nhưng lại bổ ích vì là câu nói thẳng. Tôi chưa biết ứng phó thế nào thì anh ta lại bồi luôn: Báo các anh cứ cho đăng những chuyện dị mọ ma mị và cả những bài thơ con cóc, sẽ mất hết bạn đọc. Cám ơn anh bạn vì những lời bộc trực, tâm huyết! Thú thực là trên báo Văn nghệ đã đăng một số bài thơ. Thứ thơ gì thì chỉ có tác giả  mới biết được. Còn đa số bạn đọc  thì gọi nó là “thơ con cóc”. Thứ thơ mà từ lâu người ta đã “vinh danh “ nó bằng cái tên nôm na như vậy. Về vấn đề này tôi cũng có lần trao đổi với một nhà thơ tên tuổi. Anh ta lắc đầu ngán ngẩm: Vâng đúng thế bác ạ! Bây giờ không phải chỉ có mấy chú cóc mà là trại cóc, làng cóc, và cả rừng cóc nữa. Tình hình đó là thực trạng đáng báo động cho nền văn nghệ nước nhà. Những nhà văn, những nhà quản lý phải có trách nhiệm uốn  nắn điều chỉnh thực trạng này, nếu không muốn bạn đọc quay lưng với văn nghệ. Nếu không muốn  trắng đen mập mờ lẫn lộn, màu tối lấn át màu sáng.
Như phần trên đã viết đổi mới đang là trào lưu, một  nhu cầu bức thiết của xã hội. Tôi nhớ một câu nói nổi tiếng của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: “Ngôi nhà chúng ta bị đóng cửa, bưng bít đến ngạt thở, không mở  cửa thì hết không khí. Mở cửa sẽ có côn trùng độc hại theo vào, chúng ta sẽ tìm diệt, hạn chế tác hại chúng, nhưng không mở thì chúng ta sẽ chết”. Trong công cuộc đổi mới văn học cũng vậy. Văn học không sáng tạo không đổi mới thì văn học sẽ già cỗi, mòn mỏi. Nhưng vấn đề mấu chốt chúng ta cần quan tâm là đổi mới như thế nào và chọn sự đổi mới nào? Trào lưu đổi mới đã thúc đẩy nhiều thể loại văn học ra đời như trào lưu trăm hoa đua nở. Nào thơ hậu hiện đại, thơ ký hiệu, thơ trình diễn, thơ minh họa, văn xuôi. Rồi truyện cực ngắn, truyện mini, liêu trai, ma mị, truyện cả trăm trang mà không dùng chấm phẩy nào. Bao nhiêu là thể loại mọc lên như nấm sau cơn mưa. Thực tế này đòi hỏi người cầm bút phải phân biệt được đâu là nấm hữu ích cần được chăm bón quảng canh, nấm nào nấm bệnh hoạn, độc hại cần phải loại bỏ. Người làm báo phải công tâm, giàu lòng nhân ái vị tha và có cách nhìn khách quan trước tác phẩm. Tuyệt đối tránh các khuynh hướng cực đoan, cảm tình, nể nang, bè phái, thiên hẳn về một hướng. Người biên tập phải nắm bắt được dư luận bạn đọc. Bạn đọc bao gồm cả người  trẻ, người già và người trung tuổi. Khuynh hướng nào được nhiều bạn đọc ưa thích cần phải khuyến khích cổ vũ, khuynh hướng nào bị đa số bạn đọc phản đối cần phải xem xét loại bỏ. Trong thời đại thông tin hiện nay, nắm bắt ý kiến của đa số bạn đọc không còn là việc khó khăn xa lạ của các cư dân mạng. Nhà văn cần lắng nghe, theo dõi sự đánh giá của bạn đọc, dù là đánh giá xuôi chiều hoặc ngược chiều. Ý kiến của bạn đọc là tiêu chuẩn, là  thước đo hữu hiệu để xác định đánh giá một tác phẩm. Những dòng văn học lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu số đông bạn đọc, cần đươc đăng tải nhiều hơn trên mặt báo, cần được nhìn nhận, đánh giá kịp thời. Song hành với khuynh hướng chủ đạo, những khuynh hướng  khác vẫn được đăng tải với tần suất hợp lý, phù hợp với mức độ đánh giá của bạn đọc, bảo đảm tính dân chủ, đa chiều, công bằng và khách quan trên văn đàn. Văn học không phải là ngôi nhà độc tôn của một nhóm người nào. Nó càng không phải là tài sản riêng của một số người. Ngôi nhà đó là ngôi nhà chung, dành cho mọi người hâm mộ, ưa thích văn học. Văn nghệ bao giờ cũng có chức năng phản ảnh cuộc sống đương đại, những vấn đề đã qua và những dự cảm, cảnh báo cho tương lai. Báo chí là công cụ truyền tải những thông điệp đó tới bạn đọc. Đã có thời báo Văn nghệ là người bạn văn chương tâm tình của công chúng. Người ta truyền tay nhau đọc hết cả tờ báo mà vẫn thấy còn “ngót dạ”. Người ta mong sao báo dày thêm trang nữa để họ có cơ hội tiếp tục nhâm nhi những áng văn hay, những câu thơ đẹp. Tiếc là những truyện ngắn thể loại đó, những bài thơ kiểu đó, bây giờ một số người lại cho là kiểu cũ, truyền thống, lỗi thời. Quan niệm đó đã làm thui chột, mất đi những tài năng, những bài thơ hay, những áng văn chương giá trị. Thử hỏi rằng: Những truyện ngắn Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, thơ Tố Hữu và xa hơn nữa là Nguyễn Du - truyện Kiều có bao giờ bị bạn đọc rẻ rúng, quay lưng? Trên thực tế những tác phẩm đó là những tác phẩm có sức sống mãnh liệt xuyên suốt thời gian. Đó là những tác phẩm bất tử, để đời. Vì vậy không nhất thiết phải câu nệ thể loại mới cũ. Cũ mà hay cần được trân trọng, phát huy. Mới mà hay cần đươc cổ vũ khuyến khích. Báo Văn nghệ từ lâu là niềm tự hào của những người yêu thích văn chương. Rất buồn là hiện nay  niềm tự hào đó đang bị mai một lãng quên. Bạn đọc đang xa dần báo Văn nghệ, bởi khuynh hướng bất bình thường, gây phản cảm đối với người đọc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thuộc về trách nhiệm những người làm báo, mà trước hết là người biên tập mảng truyện  - mảng chủ đạo quan trọng nhất của báo Văn nghệ. Người làm công tác  biên tập cần được đào tạo bài bản về chuyên môn, có nhân cách lành mạnh, có tầm nhìn và tâm huyết với nghề, mới có thể hoàn thành được nhiêm vụ, đáp ứng được kỳ vọng và lòng mong mỏi thiết tha của bạn đọc. Chúng ta tin chắc rằng trong tương lai gần,  báo Văn nghệ sẽ sớm lấy lại sự tin yêu, mến mộ của bạn đọc gần xa .
 NTH