Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN QUANH BA CON ĐƯỜNG MANG TÊN 3 LIỆT SĨ CHỐNG TÀU

Xuân Ba
Thứ tư ngày 22 tháng 2 năm 2023 2:36 PM
Thành phố Hà Giang vừa hiện diện một sự kiện. Đó là việc đặt tên ba con đường mới mang tên ba anh hùng trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược.
HỒI ỨC
MỘT VỊ TƯỚNG
Tôi lên muộn.
Đã xong xuôi mọi thủ tục. Biển tên đã gắn cho ba con phố mới của thành phố Hà Giang.
Từ nhà khách Sông Miện của tỉnh, tôi mò ra ngã ba… Chú chàng xe ôm nghe tôi hỏi về phố Nguyễn Viết Ninh thì cứ ngắc ngứ. Nghĩ thầm, cái tên đường mới toe ấy chắc gì cánh xe ôm này đã biết? Định bụng bảo chú đưa đến Phòng quản lý đô thị của Hà Giang thì mới là đầu mối! Nhưng ngạc nhiên chưa, chú càng đã bô bô, à đường mới đặt tên!
Sao chú biết? À mấy bữa trước loa phường oang oang. Đó là anh hùng liệt sĩ đánh Tàu.
Chỉ một loáng xe. Con phố mới mang tên người anh hùng Nguyễn Viết Ninh (dài 305 m và rộng 16,5 m) đã hiện ra. Con phố mới như lộ trình chuyển tải hiền lành của việc mở mang ngoại ô thành phố Hà Giang. Phố Nguyễn Viết Ninh đây thuộc phường Quang Trung điểm đầu nối đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 4C) điểm cuối giao với đường bê tông (giáp sông Miện)
Ngắm ngó con phố mới, tự dưng tôi chợt nhớ đến một người.
Do công việc, tôi may mắn cùng đám nhà báo có dịp tiếp cận nhưng chỉ thoáng qua với tướng Huy những năm cuối 80 ở Bộ Tư lệnh Quân Khu 2. Mãi đến lần Kỷ niệm trận Vị Xuyên mấy năm trước, chúng tôi mới được hầu chuyện lâu lâu!
Nhờ cuộc gặp thân mật với tướng Huy mà đám ký giả tạm có cái nhìn cụ thể cùng tổng quan hơn ở mặt trận ác liệt này.
Những năm đầu 80, tướng Nguyễn Đức Huy đương đang giữ chức Phó tham mưu trưởng Quân khu thủ đô. Người lính quê Thái Bình ấy nhập ngũ năm 1948 từng những năm trận mạc ác liệt ở các chiến trường. Ông từng phụ trách một cánh quân chủ lực của Sư 304 đánh thành Quảng Trị và từng là Chủ tịch Uỷ ban Quân quản lâm thời đầu tiên thị xã Quảng Trị.
Những tưởng sau bao năm trận mạc vừa đưa vợ ở quê Thái Bình lên ở khu tập thể quân đội ở Hà Nội sau bao năm võ võ đợi chồng. Giờ lại nhận lệnh biệt phái lên mặt trận Biên giới. Tướng Huy thẳng thắn với cấp trên rằng, yêu cầu của Đảng, tôi vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Nhưng như các đồng chí biết, trong chiến đấu mà là cán bộ tăng cường thì sẽ rất khó làm việc, vì vậy tôi đề nghị cấp trên ra quyết định điều động tôi về hẳn Bộ tư lệnh Quân khu 2.
Mái tóc cắt bốc của tướng Huy hồi ấy mới chớm muối tiêu mà dịp Giỗ trận Vị Xuyên tháng 7 năm 2018 đã trắng phớ. May ông vẫn giữ được chút sức lực. Chất giọng vẫn vang vượng. Chất giọng ấy thoáng gợi nhớ cái đêm rất xa ấy ông ngồi với cánh nhà báo dưới xuôi lên. Vị tướng làu làu bài thơ Điểm tựa của cụ Lê Đức Thọ Quần áo mỏng manh cơm có bữa chưa no/ Đường dốc gập ghềnh lắm suối nhiều khe/
Gạo sấy khoai mỳ “Bát canh toàn quốc”
Và “Nước chấm đại dương” đỡ lúc đói lòng… Bao năm rồi đã qua mà khuôn mặt vị tướng những nét ưu tư đăm đăm ấy tận giờ như vẫn chưa giãn nở hết?
Mặt trận Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn… sau thời điểm ác liệt tháng 2-1979 như vẫn phảng phất vẻ yên tĩnh giả tạo? Thế còn Hà Giang? Chất giọng tướng Huy như đanh lại, xin thưa, giai đoạn đó chúng vẫn đánh ta, liên tục dùng pháo bắn sang, dùng biên phòng và bộ đội địa phương đánh chiếm các phần đất nằm dọc biên giới.
Ngày 28.4.1984, Trung Quốc mở cuộc tấn công xâm lược lần thứ hai với hơn 50 vạn quân, hơn 400 pháo lớn các loại, hàng nghìn xe cơ giới, tập trung vào biên giới Vị Xuyên - Hà Tuyên.
Nhận định về lý do địch chọn địa bàn Vị Xuyên để gây hấn, chất giọng tướng Nguyễn Đức Huy sang sảng: Nếu đánh ở Lạng Sơn, Trung Quốc sẽ không giấu được dã tâm xâm lược trước dư luận trong nước và quốc tế. Quân bành trướng Trung Quốc muốn tránh sự lên án của dư luận.
Thêm nữa, Hà Giang là tỉnh hẻo lánh ở biên giới phía Bắc chúng ta, chỉ với một đường độc đạo, ít giao lưu với quốc tế, địa hình hiểm trở nên tạo điều kiện thuận lợi để tấn công từ trên cao. Và nếu chiếm thành công Hà Giang, chúng có nhiều cơ hội lấn sâu hơn.
Nghe chuyện Tướng Huy, chợt thêm chút rùng mình. Thời ấy đâu đó đã sầm xì rằng ít nhiều có sự hạn chế phong tỏa thông tin (!?) ở vào cái thời chưa có Internet ấy? Và cũng có thể là do sự kém nhanh nhậy tháo vát của giới truyền thông thời điểm ấy mà như tướng Huy đương nói kia, đã xuất hiện một khái niệm, một cụm từ cuộc chiến đấu 10 năm từ 1979 – 1989. Một phần đông dân chúng lẫn công luận được cung cấp rất ít thông tin nếu không muốn nói là mù mờ hẫng hụt về thực trạng cuộc chiến ở Mặt trận Hà Giang mà mũi Vị Xuyên là chủ yếu!
Trở lại thời điểm tướng Huy lên mặt trận Biên giới. Tại đây, tướng Nguyễn Đức Huy gặp lại người từng tham gia chiến đấu với ông ở Dinh Độc Lập, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 2 Nguyễn Hữu An. Ngó tướng An xọm hẳn. Nghe ông bộc bạch binh tình trận mạc, tướng Huy thấy Vị Xuyên vô cùng khó khăn…
Địch liên tục xâm lấn chiếm các điểm cao. Tư tưởng chiến sỹ bi quan vì cho rằng địch đánh cao điểm thì ta sẽ mất. Ta phản kích lại cũng không giữ được. Trước đó, ngày 12.7.1984 ta đã tổ chức một đợt tấn công định lấy lại cao điểm 772 giáp 1509. Trung đoàn 174 cũng lấy lại cao điểm 233 và 1 trung đoàn khác đánh chiếm lại cao điểm 1030, nhưng đều thất bại. Ta chỉ chiếm được một phần cao điểm, sau đó lại bị địch phản kích chiếm lại, gây thương vong lớn cho quân ta. Riêng ngày 12-4-1984 hơn 800 anh em chiến sĩ thương vong.
Những cái đầu nóng nhất và lạnh nhất của Ban chỉ huy Quân đoàn 2 cùng Quân Khu thời điểm đó đã chụm lại. Phải tìm ra, phải lựa chọn được cách đánh hay để kịp thời ứng phó với mưu mô hiểm độc của địch tốn ít xương máu chiến sĩ nhất và điều cốt yếu nữa là làm sao đánh xong phải giữ được chốt.
Phương án tác chiến mới của Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 2 Nguyễn Đức Huy đã bí mật được lựa chọn. Và việc tập dượt cũng được tiến hành bí mật suốt trong thời gian 20 ngày. Tướng Huy đích thân chỉ huy việc tập luyện này.
Cách đánh bí mật bất ngờ, mà chỉ cách đối phương vài trăm mét ấy đã mang lại hiệu quả lớn.
Có trung đoàn địch bị xoá sổ hoàn toàn. Chúng ta đã có cách để đánh bại kế hoạch tái chiếm lại cao điểm của quân Trung Quốc.
"Và cũng từ trận đánh này, chúng ta đã làm thay đổi hoàn toàn tâm lý, tư tưởng của chiến sĩ, khiến anh em phấn chấn, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến ", tướng Huy nhận định.
XIN CHO PHÁO TA
BẮN THẲNG VÀO MÌNH!
Quyết định phong tặng danh hiệu anh hùng cho ba Liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên có từ năm 1985. Lần Giỗ trận Vị Xuyên năm 2018 gặp gỡ với tướng Huy và nhiều cựu binh Quân đoàn 2, chúng tôi được biết thêm trên đã chuẩn y việc tiến hành việc đặt tên các AHLS cho địa phương Hà Giang.
Trong ba anh hùng LS ấy, chỉ có AHLS Hoàng Hữu Chuyên quê Đan Phượng là lính cựu. Hai AHLS là Lê Trần Mãn và Nguyễn Viết Ninh nhập ngũ trong đợt Tổng động viên thời điểm tháng 3 năm 1979.
Nhớ dịp năm xa ấy sang Lào công tác, được bộ đội bạn tạo điều kiện, tôi với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, người lính trận mạc từng dự nhiều trận ác liệt trên đất bạn Lào đã phì phò lẫn hổn hển leo lên đỉnh thiêng Pa Thí. Pa Thí thuộc Sầm Nưa nơi diễn ra trận chiến ác liệt của bộ đội tình nguyện đặc công phá tanh bành trung tâm thông tin đặc biệt mà Mỹ dày công xây dựng.
Vậy nên khi nghe giới thiệu về anh hùng LS Hoàng Hữu Chuyên từng nhiều năm trận mạc trên đất Lào chính đơn vị người anh hùng đã dự các trận ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, trận đánh điểm cao 1663 ở bắc Phú Long Chẹng, tôi như rân rân lây niềm xúc động! Và cũng đơn vị Hoàng Hữu Chuyên tháng 3 năm 1975 đã dự trận Chư Duê ở Buôn Ma Thuột thắng lợi.
Hoàng Hữu Chuyên sinh năm 1952, quê Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, xung phong vào bộ đôi năm 1970. Trong chống Mỹ, Hoàng Hữu Chuyên tham gia 5 chiến dịch lớn, chiến đấu 32 trận, 6 lần bị thương. Hoàng Hữu Chuyên có quyền nghỉ ngơi sau khi kết thúc cuộc chiến chống Mỹ. Nhưng đại úy Chuyên đã xung phong lên Mặt trận Biên giới Vị Xuyên với cương vị tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 bộ binh, trung đoàn 174, sư đoàn 316, Quân đoàn 29, Quân khu 2.
Trong sổ tay của không ít phóng viên chắc còn lưu lại ít nhiều thông tin thời điểm đợt tuyên dương anh hùng năm 1985 ấy.
Ngày 12 tháng 7 năm 1984 điểm cao 233 Hà Tuyên. Địch ở thế có lợi, có hỏa lực mạnh bắn ác liệt ngăn chặn đường tiến quân của ta, Hoàng Hữu Chuyên bình tĩnh, xông xáo chỉ huy tiểu đoàn chiến đấu. Kết quả chỉ sau 20 phút, đơn vị đã đánh chiếm được mục tiêu và diệt hàng trăm tên.
Địch tập trung hỏa lực bắn hàng ngàn quả đạn pháo hòng đánh chiếm lại trận địa. Hoàng Hữu Chuyên vẫn bình tĩnh chỉ huy linh hoạt, mưu trí tiêu diệt địch ở từng đoạn giao thông hào, công sự, đánh bật các đợt tấn công của chúng và anh dũng hy sinh.
Chiến sĩ Nguyễn Viết Ninh hy sinh tháng 1/1985, trong trận đánh giữ điểm E5 của cao điểm 685 diễn ra trong thế giằng co ác liệt bắt đầu từ ngày 12/1/1985. Đến ngày 18/1, cả đại đội chỉ còn chưa đầy 20 người chiến đấu với một tiểu đoàn quân Trung Quốc. Riêng trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh ba lần bị thương nặng ở chân và đầu. Trước đó, chàng trai người Mường quê Phú Thọ Nguyễn Viết Ninh đã tỉ mẩn dùng dao khắc trên báng súng của mình dòng chữ Sống bám đá chết hóa đá thành bất tử. Rồi anh dùng kem đánh răng thoa lên.
Sau khi anh hy sinh, dòng chữ ấy đã trở thành lời thề của người lính Vị Xuyên suốt những năm chiến đấu giữ gìn biên cương phía bắc. Lời thề khắc trên báng súng của Nguyễn Viết Ninh hiện được được thể hiện trang trọng trên bức phù điêu ở Đài tưởng niệm nằm trên cao điểm 468 thuộc xã Thanh Thủy (Vị Xuyên).
Muộn hơn thời điểm hy sinh của LS Nguyễn Viết Ninh là chuyện Anh hùng Vị Xuyên Lê Trần Mãn.
Mãn nhập ngũ tháng 3-1979 y tá C7 D5 E153, quê Thanh hóa. Khi Trung Quốc phản kích chiếm 685 anh đã cùng đồng đội đẩy lui nhiều đợt phản kích của quân Trung Quốc trong những ngày cuối tháng 12 năm 1985.
Ngày 24/12/1985 sau khi chống trả 8 đợt phản kích của địch, thấy chúng cắm cờ trên chốt, anh chỉ huy các chiến sĩ tập trung hỏa lực diệt địch tại đây và tiến hành nhổ cờ.
Thương vong nhiều, đạn dược cạn kiệt, trước nguy cơ mất cao điểm, anh đã gọi về sư đoàn xin pháo bắn trùm lên điểm cao... chấp nhận hy sinh chứ không để mất đất về tay quân xâm lược.
Nhiều năm đã trôi qua, nhưng bao cán bộ chiến sĩ E153 vẫn không thể nào quên câu nói cuối cùng của Lê Trần Mãn trên tổ hợp thông tin "Mưa rào....mưa rào...xin mưa lên đỉnh E5".
Các chỉ huy đã rơi nước mắt khi lệnh cho pháo 105 ly bắn trùm lên đỉnh E5. Lính pháo thắc mắc "sao lại bắn vào tọa độ đó?" Lính ta khi biết chuyện, ai cũng vừa bắn vừa khóc....
Tôi đã may mắn được ghé quê LS Nguyễn Viết Ninh ở xã Minh Hòa (Yên Lập, Phú Thọ) nhân lần về đình Phục Cổ, một di tích khá nổi tiếng giữa vùng người Mường chiếm đến hơn 90%. Đình Phục Cổ có hàng trăm năm nay thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung làm thần thành hoàng làng.
Xã Minh Hòa tự hào có đội du kích Phục Cổ thành lập trước năm 1945 lấy xã nhà làm căn cứ địa cho Tổng khởi nghĩa năm 1945 và cuộc chống Pháp sau này. Truyền thống quê nhà như đã lan tỏa cho lớp hậu sinh hào khí như AHLS Nguyễn Viết Ninh truyền thống đánh giặc giữ nước.
Cũng như lần may mắn được ghé quê của AHLS Lê Trần Mãn. Cái ngõ quê ở xã Hoằng Sơn xứ Thanh quê người anh hùng có tên dung dị nghe nói có từ thời cổ, NGÕ CÁI!
Ngõ Cái có truyền thống lâu đời. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, dân Ngõ Cái đã hăng hái tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong chiến tranh biên giới phía Bắc…Nhân dân trong ngõ đã tiễn đưa 40 lượt anh, chị, con, em lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc; trong đó có 10 người con của Ngõ là liệt sỹ, 4 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng!
… Trong làn khói hương ở Đài tưởng niệm trên điểm cao 468 thuộc xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) nơi lưu giữ lời thề trên đá của AHLS Nguyễn Viết Ninh, tôi dõi cái nhìn xuống những hun hút trập trùng của trận mạc Vị Xuyên một thuở một thời.
Quanh đây thôi, đang còn lưu lại bao địa danh tức tưởi “Ngã ba cửa tử”, “Lò vôi thế kỷ”, “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”...
Những tên ấy ghi dấu nhắc nhớ trong các trận chiến Vị Xuyên, gần 5.000 chiến sỹ của ta hy sinh nhưng mới mang về được 1.700 hài cốt chiến sỹ, còn gần 3.000 hài cốt còn đang nằm rải rác khắp các nơi.
Những địa danh, những tên đường Hà Giang mãi còn gợi thương, nhắc nhớ!
Và bao những nỗi niềm?