Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SỐNG VÀ SUY NGẪM

Đắc Trubg
Thứ năm ngày 20 tháng 10 năm 2022 8:47 AM




Mọi điều chúng ta học được, đọc được, nghe rao giảng được mới chỉ là nhận thức. Thế thôi thì chưa đủ. Còn phải suy ngẫm để biến những điều đó thành tri thức và đạo lý sống.

Muốn hiểu quy luật của vạn vật, bách tính. Trước hết ta cần suy ngẫm để hiểu mình, hiểu người và hiểu đời. Có suy ngẫm về mình mới hiểu mình, mới sống được với mình và mới biết dùng mình. Có suy ngẫm về người, mới hiểu người, mới sống được với người và mới biết dùng người. Có suy ngẫm về đời, mới hiểu đời, mới sống được ở đời và mới tạo ra ý nghĩa cuộc đời.

Rất tiếc do suy ngẫm là việc khó.

Nên không phải ai cũng chịu khó suy ngẫm.


Thế gian có người tham sống sợ chết. Nhưng cũng không ít kẻ không sợ chết mà sợ sống. Có người không còn sống. Nhưng không bao giờ chết. Có không ít kẻ vẫn sờ sờ đấy. Mà chẳng khác chết rồi. Có người khi qua đời để lại bao ân tình và nỗi xót thương vô hạn. Có kẻ chết rồi vẫn phải gánh chịu bao oán hận.


Vậy thế nào là sống và thế nào là chết? Sống thế nào và chết thế nào?

Đó là những câu hỏi muôn thuở cho mỗi chúng ta.


Sống nhiều không phải sống lâu. Mà là suy ngẫm nhiều và biết suy ngẫm. Suy ngẫm mới biến thành đạo lý để soi sáng cho hành động. Suy ngẫm xuất phát từ “Thiện tâm” thì hành động mới trên nền “Chính đức”. Nếu chưa tìm được lý tưởng cao cả để có thể sẵn sàng hy sinh vì nó. Thì chưa hẳn đúng nghĩa là sống.

Ở đời có những điều không trường lớp thầy cô nào dạy. Mà phải do chính mình suy ngẫm rút ra. Vì thế có khi già mà sống đơn giản, nông cạn. Nhưng trẻ lại sâu sắc, chín chắn. Hãy xem mình là người khác, xem người khác là mình. Xem người khác là người khác, xem mình là mình. Bằng cách ấy sẽ giúp ta hiểu người khác và hiểu chính mình.

Vì vậy, ta cần tránh tư duy theo đám đông. Phải có chính kiến riêng trên cơ sở nhìn nhận phân tích khoa học. Kết hợp với thực tiễn. Bằng chính bộ óc và trái tim mình.

Biết không nói hết. Nghe không tin hết. Hoài nghi để khám phá chân lý.

Trong cuộc sống chỉ nên tin những gì mình đã suy ngẫm, trải nghiệm. Mà điều đó có lợi cho mình và cho người khác. Nhiều người thường chỉ quen hoạt động ỷ lại vào những giáo lý và phương pháp hướng dẫn có sẵn. Hoặc thụ động nghe theo người khác.

Do đó rất dễ bị sai lạc, lầm lẫn.

Phải tự mình tìm lấy con đường cho chính mình. Bởi giải thoát bản ngã để đến với vị tha. Đòi hỏi sự can đảm, nỗ lực cá nhân.

Lão Tử dạy: "Con đường ngàn dặm bắt đầu từ bước đầu tiên. Bước đầu tiên là xuất phát bởi chính mình chứ không phải người khác. Vì người khác không phải là mình" ("Đạo đức kinh"). Trước khi làm việc gì, nói lời gì hãy tự hỏi: thiện hay ác? Chính hay tà? Đúng hay sai? Tốt hay xấu? Thật hay giả? Được hay mất? Trung hay gian? Trên cơ sở những trả lời mà quyết định.

Bất luận hoàn cảnh dẫu khác nhau thì mọi người đều được tiếp thu hai thứ giáo dục. Một do người khác tạo ra. Hai, quan trọng hơn, do mình tạo ra.

Tự giáo dục giúp ta hiểu được bản thân và không đánh mất mình.

Mà phải làm liên tục không lúc nào ngưng nghỉ tới khi qua đời.

Cho nên dù là nhà giáo dục thì cũng rất cần được giáo dục.


Bởi vậy muốn sống theo đúng nghĩa của “SỐNG” và không phải chết theo đúng nghĩa của “CHẾT” thì dù khó cũng cần phải suy ngẫm.


"Vạn vật đều tồn tại hữu hạn, có khởi đầu và kết thúc, không gì vĩnh hằng cả".

Đó là câu cuối cùng của Phật Tổ trước khi nhập Niết Bàn. (Trích "Du hành kinh" trong sách "Lịch sử Phật giáo thế giới" - NXB Khoa học - Xã hội - 2008)

Với con người, khởi đầu là “Sinh” và kết thúc là “Tử”. Khoảng cách ấy dài hay ngắn là do “Mệnh” (Thiên tri mệnh - chỉ Trời mới biết). Không ai làm chủ được.

Tuy nhiên ta có thể làm cho khoảng thời gian từ “Sinh” đến “Tử” ý nghĩa hay vô nghĩa. Xứng đáng ngẩng đầu tự hào. Hay phải gục mặt hổ thẹn.

Quan trọng không phải ở dài, ngắn. Mà là giá trị cuộc sống.

Giá trị ấy phụ thuộc vào bản năng và nhân cách.


Cặp từ “Con người”. Là từ “ghép”. Có hai nghĩa: phần “Con” và phần “Người”.

Con” là bản năng tự nhiên của mọi sinh vật. Có bản năng hiền, tốt và bản năng nham hiểm, hung dữ, thấp hèn.

“Người” là Nhân cách. Chủ yếu nhờ tu dưỡng, rèn luyện.


Ở đời có thể chia thành hai loại người chính.


Loại thứ nhất: rất trọng Nhân cách. Coi thường bản năng.

Coi Nhân cách là thước đo giá trị cả kiếp người. Bởi thế họ luôn ý thức việc suy ngẫm, tu rèn, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao, bảo vệ Nhân cách. Hướng tới làm người chân chính.

Thà mất tất cả. Chứ nhất định không để mất Nhân cách”.

Còn Nhân cách là “Sống” và ngược lại. Giữ được Nhân cách đã khó. Để mất rồi lấy lại còn khó hơn. Nó giống thời gian đã qua đi là hết.

Áo quần bẩn có thể dùng hóa chất tẩy sạch. Chứ Nhân cách đã hoen ố thì không. Bản thân và cả gia đình cũng mất đi sự tôn trọng của mọi người. Nỗi đau xót tủi hổ sẽ đeo bám suốt cuộc đời. Cái giá phải trả quả không nhỏ.


Loại người thứ hai: rất coi thường Nhân cách. Trọng bản năng.

Bằng mọi thủ đoạn, cốt thỏa mãn tham vọng, dục vọng. Để nuôi thân xác họ sẵn sàng bán rẻ Nhân cách.

“Thà mất Nhân cách để được tất cả”.


Tuy nhiên, cả hai loại người này lại luôn cùng ở trong mỗi chúng ta.

Bất cứ nghĩ gì, nói gì, làm gì, Nhân cách chỉ đạo và quyết định là “Sống”. Nếu để tham vọng, dục vọng chi phối là “Tồn tại”.

Bởi thế trong tu dưỡng, rèn luyện phải luôn tự hỏi: "Ta đang “Sống” hay “Tồn tại”? Những ngày qua, thời gian qua, ta “Sống” hay “Tồn tại”? Sắp tới ta sẽ “Sống” hay “Tồn tại”? Muốn thế thì cần phải nghĩ gì, nói gì, làm gì?

Người Hy Lạp có câu: "Nếu ta không làm chủ và khống chế được tham vọng, dục vọng. Thì tham vọng và dục vọng sẽ khống chế ta".

Cho nên phải mau bước ra ánh sáng để không bị bóng tối nuốt chửng.

Một tử tù bị nhốt trong phòng biệt giam. Những tháng cuối cùng chờ ngày hành quyết hắn bắt đầu biết suy ngẫm và nhận ra trước đó không phải hắn “Sống”, mà chỉ “Tồn tại” như một thú dữ gây biết bao tội ác. Hắn thành tâm sám hối và quyết chí vượt ngục. Một đêm mưa bão hắn thoát khỏi phòng giam. Trèo tường trốn trong rừng. Rồi ra quốc lộ.

Lợi dụng tắc đường xe đậu nối dài. Hắn chui dưới gầm và lọt được vào thành phố. Tránh truy nã hắn trốn lủi khắp nơi. Trong đầu luôn nung nấu một ý nghĩ. Không phải tính toán việc trả thù hoặc gieo rắc thêm tội ác. Mà chỉ mong có dịp làm việc “Thiện”. Nghĩa là hắn muốn được “Sống”, dù chỉ trong giây phút.

Thời khắc đó đến. Một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra. Lửa khói ngút trời. Cả dãy nhà đổ sập. Quang cảnh hỗn loạn. Có tiếng trẻ con gào khóc. Bất chấp nguy hiểm, hắn xông vào. Vất vả lắm mới ôm được cháu bé lao ra. Cháu bé được cứu sống, nhưng hắn bị bỏng nặng.

Mọi người tìm cách chạy chữa. Mà vô vọng.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng. Ánh mắt hắn toát lên vẻ mãn nguyện và cầu xin tha thứ.

Hắn cố tìm cho mình một chút ý nghĩa khi chết.

Đó là nhờ suy ngẫm.


Mới biết “Sống” và “Tồn tại” khác nhau nhiều lắm.


Cho nên làm thế nào để “Sống”.

Không quan trọng bằng “Sống” thế nào.


Cổ nhân có câu: "Khi chào đời ta khóc, mọi người cười. Khi qua đời ta cười, mọi người khóc".


Được thế thì thật viên mãn.