Nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2022 ở tuổi 82 hôm 6-10, đạo diễn Trần Văn Thủy nghẹn ngào xúc động, niềm xúc động của người nghệ sĩ đã trải một cuộc đời thăng trầm cùng những gập ghềnh thời cuộc hiếm nhà làm phim Việt Nam nào từng chịu.
Trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, đạo diễn Trần Văn Thủy nhiều lần chực rơi nước mắt khi kể về những câu chuyện trong hành trình làm nghề của ông.
* Thưa ông, bộ phim Hà Nội trong mắt ai giúp ông giành Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm nay hình như ngày ấy ông đã làm mà chẳng chủ tính gì, thậm chí ông đã bắt đầu khá... vu vơ?
- Bộ phim đã khiến tôi mang cái "án" mấy năm trời ngày đó kèm theo những chật vật không kể xiết từ cái "án" đó, nhưng quả thực tôi đã làm bộ phim rất tình cờ, không có chủ đích từ trước.
Năm 1980, tôi làm phim Phản bội về chiến tranh biên giới Việt - Trung sau thời gian đi du học Liên Xô trở về.
Bộ phim ngay lập tức nổi tiếng, gây choáng váng cho giới làm phim. Thành công quá lớn của bộ phim khiến tôi bị áp lực và một năm sau đó tôi không làm gì.
Năm 1982, tôi nói với lãnh đạo Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương nơi tôi công tác là có kịch bản nào cho tôi làm đại đi và ông ấy đưa cho tôi kịch bản phim Hà Nội năm cửa ô của Đào Trọng Khánh.
Kịch bản ngợi ca vẻ đẹp thanh lịch của đất của người Hà Nội nhưng đầu những năm 1980, Hà Nội khó khăn, phố xá không thể đi tìm cái đẹp về hình thức đó mà quay. Tôi nghĩ chi bằng kể cái đẹp về tinh thần, thông qua những câu chuyện tiền nhân để lại.
Tôi lục tìm vào các thư viện, đọc sách hàng tháng trời, thích thú với nhiều kiến thức thu được, say sưa tới mức tôi quên mất mục đích đọc sách là để làm phim chứ không phải đọc chỉ để thu lượm tri thức.
Nhưng nếu nói trực diện về đạo đức của những người cầm quyền đương thời, hay cách thức trị nước yên dân thế nào thì không được.
Chi bằng lấy chuyện hay đã xảy ra trên đất Hà Nội này, đấy là cái đẹp vô giá của Hà Nội chứ không phải quần trùng áo dài dập dìu hồ Gươm, hồ Tây, không phải gánh hàng hoa, chén trà trong sương sớm như Thạch Lam, Nguyễn Tuân đã viết, hay cái đẹp của Hà Nội trong âm nhạc tiền chiến.
* Ở trong đấy ông đã chỉ ra những mặt trái, chưa được, chưa tốt của xã hội rồi kê đơn bốc thuốc, giải mã bằng chính những câu chuyện nhặt trong chính sử?
- Nếu để ý bạn sẽ thấy bộ phim ấy đã được bắt đầu rất vu vơ, lan man nhưng tôi phải làm thế để từ từ dẫn vào những bài học trị nước yên dân của tiền nhân để lại cho con người đương thời.
Tôi kể chuyện Trần Hưng Đạo dạy "khoan sức dân để tìm kế sâu gốc bền rễ là thượng sách giữ nước"; Nguyễn Trãi dạy: Trời không che riêng ai, đất không chở riêng ai...
Trần Văn Thủy và bức ảnh chân dung ông vào năm ông đang làm phim Hà Nội trong mắt ai do phóng viên TTXVN chụp - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân... Hay câu chuyện Tô Hiến Thành tuyển dụng người tài vào việc cầm cân nảy mực của đất nước. Tôi cũng kể chuyện vua Quang Trung lên điện yết kiến vua Lê Cảnh Hưng, gặp bề tôi Vương Đình Pháp nhắc giữ phép nước lên điện không được mang gươm.
Mặc dù lúc đó Quang Trung đầy uy quyền, dũng mãnh, vua Lê Cảnh Hưng chỉ còn là ông vua già không có quyền lực gì nhưng Quang Trung đã cởi kiếm trao cho Vương Đình Pháp. Sau mỗi câu chuyện của một nhân vật lịch sử tôi đều có một câu bình.
Ở đây tôi bình: "Trong mắt Quang Trung lúc bấy giờ quốc gia chỉ có thể trường tồn và hưng thịnh khi kẻ thường dân dám nói với bề trên điều ngay thẳng và người có quyền uy phải biết nghe kẻ dưới mình điều phải trái".
Hà Nội lúc ấy người ăn mày nhiều, nằm cả ở vườn hoa Cửa Nam chính là nơi xưa vua Lê Thánh Tông vào thế kỷ 15 đã dựng đình Quảng Văn trong đặt trống Đăng Văn để dân chúng có điều gì oan khuất thì đến đánh ba hồi trống, nội quan ra nhận đơn và nhà vua sẽ xét xử.
Tôi kể chuyện trống Đăng Văn thời Lê và thêm lời bình: "Có sử gia góp rằng vào thời hậu Trần hoặc Lê Mạt mà đặt trống Đăng Văn ở đây thì dân chúng xung quanh sẽ phải đinh tai nhức óc". Họ hỏi tôi Lê Mạt là Lê Mạt nào?
Thế mà tôi vẫn bị quy bằng ngần này tội: Bộ phim này chắc chắn là của thế lực thù địch xúi bẩy. Hai, đây là bộ phim dạy Đảng cầm quyền. Ba, đây là một bộ phim không đi theo đường lối của Đảng mà gieo rắc vào quần chúng những hoài nghi bi quan và tiêu cực.
Những lời này được ghi trong văn bản của Đại hội Hội Điện ảnh lần thứ 2 diễn ra ngày 20-10- 1983. Không biết vì lý do gì mà văn bản này rơi vào tay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng trước đại hội nên ông đã yêu cầu cho ông xem phim.
* Và chính ông Phạm Văn Đồng đã cứu ông và bộ phim phải không?
- Tôi biết ơn ông Đồng. Trong lúc bị quy kết nặng nề như vậy thì ông đã lệnh cho hãng phim phải mang bộ phim lên cho ông trực tiếp xem.
Tôi còn nhớ như in buổi chiều 18-10-1983 ấy, xem xong ông hỏi: "Những ai đã xem bộ phim này và họ đã nói những gì?".
Tôi đã trả lời rằng: "Thưa bác, bác hỏi câu đó cháu rất khó trả lời. Cháu chỉ có thể nói rằng người ủng hộ bộ phim rất đông nhưng họ không có quyền gì. Còn người phê phán bộ phim rất ít nhưng là những người có quyền".
Ý kiến thứ hai là ông chỉ đạo cho chiếu ngay lập tức bộ phim này, càng rộng càng tốt cho nhân dân xem, tất cả nhân dân xa gần đều phải được xem bộ phim này. Ông Đồng đã từng ôm tôi giống như ông từng ôm Đặng Thái Sơn khi vừa về nước sau chiến thắng giải nhất cuộc thi Chopin năm 1980.
Ông nói với tôi: "Nếu có gì khó khăn cháu phải tìm mọi cách gặp bác. Bác không chủ động được thì cháu phải chủ động tìm mọi cách mà gặp bác".
Ông còn tiếp tục theo dõi nâng đỡ tôi cho tới khi ông mất. Năm 1992, bằng lá thư của học giả Hoàng Xuân Hãn, ông biết được khó khăn của tôi lúc đó, đã cho người đến gọi tôi đến gặp ông. Lúc ấy mắt ông đã lòa, vậy mà ông vẫn quan tâm, hỏi han và tháo gỡ cho tôi chuyện người ta không cho tôi đi dự Liên hoan phim ở Nhật Bản khi tôi được mời. Lúc ấy nghe ông nói xong tôi khóc.
Đ Nhưng bộ phim Hà Nội trong mắt ai vẫn tiếp tục bị cấm thêm vài năm sau khi đã có chỉ đạo của ông Phạm Văn Đồng?
- Vâng, ông Đồng cũng không cứu được tôi và bộ phim. Mẹ tôi rất đau khổ thời kỳ đó. Mẹ bảo với tôi: "Con ơi, nhà mình không có gạo để nấu cơm mà, con làm cái gì thì làm, đừng để người ta cứ phải xầm xì bàn tán về con. Thằng Phúc (em rể đạo diễn Trần Văn Thủy - PV) đi làm phim về thì mang trứng gà trứng vịt, còn con làm phim thì người ta cứ bàn tán khắp nơi, mẹ không ngủ được con ạ".
Sau khi cụ chết rồi tôi còn ân hận vì đến cuối đời theo quán tính xưa mẹ vẫn lo lắng cho tôi. Hồi ấy mấy năm trời nhà tôi lúc nào cũng có công an gác nhà. Có một cậu công an gác nhà tôi té ra lại chính là con của một người bạn của vợ tôi.
Câu nói ấy làm tôi rất xúc động. Ngày 25-9-1987, Bộ Chính trị ra chỉ thị thông qua Văn phòng Trung ương Đảng nói với Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa - Thông tin phải chiếu bộ phim này rộng rãi trên toàn quốc. Tới năm 1988 thì bộ phim được trao giải vàng Liên hoan phim Việt Nam.
* Nhưng ngay từ năm 1985, khi vẫn còn "mang án" thì ông đã lại bắt tay làm Chuyện tử tế, một bộ phim thậm chí còn mang những thông điệp mạnh mẽ hơn, gai góc hơn nhiều.
- Tôi cũng nghĩ tôi phải thần kinh thép mới làm như thế. Tôi đã làm phim này khi phim kia vẫn bị cấm, nhà tôi bị công an theo dõi. Có một điều là trong khi có những người công an theo dõi tôi thì cũng có những người công an bảo vệ tôi và thậm chí trở thành bạn thân của tôi.
* Sau ông, người ta không còn thấy những bộ phim tài liệu khiến người ta tâm đắc, sung sướng như thế khi tiếng nói của chính trực và tử tế được cất lên, ông nghĩ gì về vai trò của phim tài liệu với một đất nước?
- Tôi không thích quan niệm gần đây người ta hay nói là so sánh phim tài liệu với một đất nước giống như một cuốn album trong một gia đình.
* Cho đến nay vẫn rất hiếm có nhà làm phim Việt Nam có được tiếng tăm cả trong nước và quốc tế như ông, ông nghĩ sao về thành tựu của mình?
- Tiếng tăm với tôi chẳng là cái gì bởi tôi hiểu rõ mình đã là cái gì đâu. Có những bậc cha chú uyên bác, giỏi giang cũng đã từng phải chịu khổ tới thế nào.
Gặp ai quá lời khen tôi tôi cũng không thích. Mình phải biết trời cao đất rộng và sự hạn hữu của mình. Mình đóng góp được chút gì thì lòng mình thanh thản một chút, mình không phải xấu hổ với đời. Vậy thôi.
* Nghệ sĩ Việt Nam ông ngưỡng mộ ai không?
- Phạm Duy. Phạm Duy thực sự là một nghệ sĩ lớn thấm đẫm văn hóa xứ sở đồng thời mở rộng kiến văn ra thế giới. Ngoại ngữ của ông rất giỏi. Những bài hát nước ngoài do ông chuyển ngữ thì đến nay vẫn không ai có thể vượt qua ông.
Ông là một nghệ sĩ với tâm hồn tự do. Ông ấy sống ở nước ngoài.
Còn tôi tuyệt đối không bao giờ có ý định sống ở nước ngoài, không bao giờ sống được ở nước ngoài, dù tôi từng sống ở châu Âu cả năm trời và ở Mỹ sáu tháng để tìm hiểu về cộng đồng người Việt ở những nơi đó.
* Ngoài tài làm phim người ta còn đồn về tài hùng biện rất đáng nể của ông, ông đã từng đi nói chuyện ở hàng loạt các trường đại học tại Mỹ?
- Người ta có hoa tay, hoa chân, riêng tôi có "hoa mồm". Thời tôi nói chuyện ở Mỹ, bà con người Việt bên đó không hiếm những người rất cực đoan đã không ít lần làm khó tôi nhưng cuối cùng tôi đều thoát hiểm, câu trả lời luôn được mọi người vỗ tay rầm rộ.
Những cuốn sách mà đạo diễn Trần Văn Thủy đã xuất bản và một số bài báo về ông - Ảnh: T.ĐIỂU
* Nói về đất nước hôm nay, điều gì khiến ông trăn trở?
- Nhiều chuyện, nhưng tôi nghĩ nhiều tới việc đất nước chưa sử dụng được nhiều người tài. Từ Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu và mới đây là các nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đều không về nước làm việc.