Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HUỆ THIÊN - AN CHI BÌNH THƯỜNG VÀ KHÁC THƯỜNG

Phan Hoàng
Thứ năm ngày 13 tháng 10 năm 2022 1:58 AM



Có những người sớm nổi danh. Nhưng cũng có những người như Khương Tử Nha đến tuổi xế chiều mới có cơ hội thể hiện được mình. Bạn láng giềng của thi sĩ Bùi Giáng ở Bình Thạnh, học giả Huệ Thiên – An Chi là một người như vậy. Cuộc đời và sự nghiệp của An Chi, người mang hai quốc tịch Việt – Pháp là hành trình lặng lẽ, ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị. Và ông cũng là hình ảnh tiêu biểu cho một người Sài Gòn giàu cá tính, biết tự vượt khỏi bóng tối bằng tình yêu và sự say mê ánh sáng khoa học…

Nhìn bề ngoài nhỏ con, ốm yếu, hiền lành, nhã nhặn nhưng ẩn bên trong con người Sài Gòn chính hiệu vốn là nhà giáo này là một nghị lực phi thường, sức làm việc bền bỉ, tính cách không khoan nhượng trước chân lý khoa học. Huệ Thiên hay An Chi cũng là một người. Và từ bút danh Huệ Thiên đến An Chi cũng là một câu chuyện kịch tính đã thành giai thoại.

Cuối năm 2012, bộ phim tài liệu An Chi – hành trình thầm lặng do Lư Trọng Tín viết kịch bản và đạo diễn, do hãng TFS sản xuất trình chiếu đã gây xúc động giới học thuật và những người quý mến vị học giả đặc biệt này. Đã từng có nhiều nhân vật nổi tiếng trên các lĩnh vực được thực hiện thành phim tài liệu. Họ là những anh hùng, tướng lĩnh, giáo sư, tiến sĩ,… hay giữ những chức vụ quan trọng, đạt nhiều thành tích, ghi dấu ấn trong lịch sử. Thế nhưng với một nhân vật bình thường như An Chi, không có học hàm học vị cao, chưa từng giữ bất cứ chức vụ gì trong cơ quan nhà nước, mà lại được làm phim, ắt là khác thường.

Đúng vậy. Sự khác thường của An Chi là tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực chuyên môn của mình, được đồng nghiệp tin yêu, người đọc nể trọng. Khác thường nữa là khi con người Sài Gòn giàu lòng yêu nước này đã có những bước ngoặt đặc biệt trong cuộc đời, gắn liền với những giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước, tự vượt lên giông bão đời mình để tồn tại và cống hiến, mà thế hệ trẻ hôm nay khó hình dung. Vì vậy khi hay tin bộ phim tài liệu An Chi – hành trình thầm lặng được hoàn thành, nhiều người đã xúc động và chờ đợi để hiểu thêm về một nhân vật mà mình yêu mến.

Việc đạo diễn Lư Trọng Tín chọn học giả An Chi để thực hiện bộ phim tài liệu cũng là một khám phá đáng quý về nghề nghiệp. Ê kíp làm phim đã lăn lộn từ Nam chí Bắc gặp gỡ và phỏng vấn nhiều người có liên quan, truy tìm những nguồn tài liệu cũ từ mấy mươi năm trước để có được những thước phim hoàn chỉnh. May mắn quen biết và gần gũi với học giả An Chi từ khi ông chính thức xuất hiện trong làng học thuật đầu thập niên 1990, tôi cũng vinh dự được mời viết lời bình cho bộ phim về ông…

An Chi là ai?

Tên tuổi của học giả Huệ Thiên – An Chi đã không còn xa lạ với giới ngữ học và những người đam mê khoa học xã hội. Sự xuất hiện đầy bất ngờ của ông từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đã trở thành niềm kinh ngạc đầy bí ẩn của nền học thuật Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực từ nguyên học. Tuy vậy, mãi đến nay khi biết tôi có quan hệ với ông, không ít người vẫn thắc mắc: Huệ Thiên là ai, An Chi là ai? Một người hay một nhóm người mà có kiến văn rộng như vậy?

Thực ra, con người An Chi chẳng có gì bí ẩn cả, chỉ có hành trình cuộc đời lận đận cùng sự dung nạp tri thức và lý luận, kiến giải của ông về học thuật là khác thường mà thôi. Đó cũng là lý do nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng sinh thời trong một bài viết về giới trí thức Việt Nam đương đại đăng trên báo Tuổi Trẻ, cái tên duy nhất ông nhắc tới là An Chi, với tư cách một người không có bằng cấp cao nhưng lao động khoa học nghiêm túc, chuẩn mực, mang lại niềm tin cho đời sống học thuật nước nhà vốn có lúc thật giả lẫn lộn.

Học giả An Chi hay Huệ Thiên, tên thật là Võ Thiện Hoa, quê quán thuộc Bình Hoà xã, tỉnh Gia Định, nay thuộc quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông sinh ngày 27 tháng 11 năm 1935 tại quê hương, thời chống Pháp là học sinh kháng chiến. Ông vốn mang hai quốc tịch Việt và Pháp, nên còn có tên Pháp là Emile Pierre Lucatos. Đây là một “sản phẩm” của lịch sử, bây giờ nghe thấy lạ, nhưng với thế hệ ông điều đó là bình thường.

Có một câu chuyện trong gia đình An Chi thường kể vui rằng, hồi nhỏ cậu bé Võ Thiện Hoa thường lẽo đẽo theo ông nội dẫn đi thăm một người bạn của nội. Ông này là vị sư trụ trì trong một ngôi chùa nhỏ, hành nghề bốc thuốc Nam chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Về sau ông nội mất, cậu bé họ Võ vẫn theo mẹ đến thăm nhà sư. Lần nọ, vị sư già nhìn cậu bé rồi trầm ngâm quay sang mẹ anh nhỏ nhẹ nói đại ý rằng: Việc đời vốn dĩ hay phân chia thành các nghề, gọi tắt là sĩ-nông- công- thương. Cậu bé này dù có làm gì đi chăng nữa cũng sẽ quay về con đường của chữ “sĩ”. Câu nói bất chợt ấy của vị sư già đã “vận” đúng vào đời ông.

Năm 1954, đất nước bị chia cắt, do không thuộc diện cán bộ đi tập kết, nhưng vì lòng yêu nước, ông đã vượt tuyến ra Bắc bằng đường hàng không. Vì sao lại là “vượt tuyến”? Nhớ lại chuyện gần 60 năm trước, học giả An Chi cho biết do mình chỉ là học sinh kháng chiến, không thuộc diện cán bộ đi tập kết, nhưng vì lòng yêu nước nên đã quyết định bay vượt tuyến ra Bắc bằng đường hàng không. Và chàng trai Sài Gòn đã đặt chân tới Hà Nội trong không khí hừng hực khí thế cách mạng, với niềm tin yêu và hy vọng về tương lai tươi sáng của dân tộc!

Nhờ gia đình và dòng tộc ông là cơ sở cách mạng, nên lúc đó ông được một cán bộ lãnh đạo hoạt động bí mật ở miền Nam viết thư giới thiệu cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Thế nhưng ông lại không liên lạc với nhân vật lãnh đạo cao cấp nổi tiếng bấy giờ. Một thời gian ngắn ở Hà Nội, ông được vận động tham gia lực lượng thanh niên xung phong với lời hứa rằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được tự do lựa chọn ngành học.

Hăm hở lên đường, ông tham gia xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai sau một năm thì hoàn tất. Giữa lúc ông cùng đồng đội chuẩn bị tinh thần đi học thì lại nhận lệnh chuyển sang Nhà máy chè Phú Thọ. Tiếp tục làm công nhân, nhưng ông và một số bạn trẻ miền Nam đề nghị lãnh đạo kiên trì vận động cho mình đi học. Mãi rồi ước mơ cũng thành hiện thực, ông ghi danh học lớp sư phạm trung cấp, ra trường được bổ nhiệm về dạy học ở Thái Bình.

Thời kỳ vật lộn với nghề gõ đầu trẻ đầy gian khó giữa nơi heo hút, ông đã bắt đầu tự học, tích luỹ kiến thức làm nền tảng văn hoá cho mình. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, người gốc Thái Bình hiện sống ở TP Hồ Chí Minh, cho biết ngày ấy ở Thái Bình giới văn nghệ trí thức không ai không biết Võ Thiện Hoa: “Ông là “đặc sản” của Thái Bình đấy. Uyên bác thì khỏi nói rồi, mà dường như vẫn giữ được cái khí phách của người quân tử”!

Cũng chính thời gian ở quê lúa nổi tiếng của đồng bằng phía nam sông Hồng, con người say chữ từ miền Nam này đã âm thầm đi vào nghiên cứu từ nguyên học. Học giả An Chi thổ lộ: “Tôi là người chịu ơn rất sâu sắc về mặt tinh thần đối với tác giả Lê Ngọc Trụ, mặc dù sau khi tích luỹ được một số kiến thức cơ bản về ngữ học thì tôi lại thấy ông không phải là người… tiên tiến. Tôi đọc Chánh tả Việt ngữ, bộ sách 2 quyển của Lê Ngọc Trụ (do nhà Nam Việt ở Sài Gòn xuất bản) năm 15 tuổi rồi từ đó mê luôn tiếng Việt, chữ Hán và từ nguyên. Thực ra, khi bắt đầu công việc nghiên cứu, tôi lại đi vào ngữ pháp tiếng Việt và đã có nhiều điều ghi chép mà tôi rất lấy làm tâm đắc, đặc biệt là về từ láy. Nhưng cũng chính khi đưa ra cách giải thích riêng về “nguyên lý” của từ láy thì tôi lại thấy phải đi vào từ nguyên”.

Năm 1975, đất nước thống nhất, ông nhanh chóng lên tàu hoả xuyên Việt về Nam đoàn tụ với mẹ già và người thân ở Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh và tiếp tục lao vào công việc dạy học, nghiên cứu, từ chối mọi đề bạt làm quản lý trong ngành giáo dục. Sự vượt khó tự học, tinh thông nhiều ngoại ngữ, niềm đam mê chữ nghĩa, nghiên cứu đã đưa con người nhỏ thó, rắn rỏi, điềm đạm này từ vô danh, không học vị học hàm, trở thành tên tuổi quen thuộc đáng kính khi sắp bước vào tuổi lục tuần. Mọi người tìm đọc Huệ Thiên – An Chi qua những bài phản biện sâu sắc, thuyết phục được đăng tải trên chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của tạp chí Kiến Thức Ngày Nay và “Từ chữ đến nghĩa” của tạp chí Đương Thời, rồi tập hợp in thành nhiều tập trong công trình Chuyện Đông chuyện Tây, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm.

Ngày nay, An Chi đã trở thành khách quen của nhiều toà soạn báo và được đông đảo người hâm mộ tìm đọc các bài báo, sách của mình.

Vì chân lý khoa học, không ngại va chạm “cây đa cây đề”!

Những phản biện về ngôn ngữ và lịch sử của An Chi đề cập từ những vấn đề căn bản, phổ cập của đời sống tới những vấn đề nan giải của học thuật. Ông không ngại đụng chạm đến những kiến giải sai lầm của các “cây đa cây đề” mà trước đó khá lâu giới nghiên cứu dường như tránh đề cập đến. Bản lĩnh hiếm có ấy của An Chi cùng kiến thức sâu rộng, luận chứng cụ thể, được trình bày lô- gich và khúc chiết, dễ hiểu đã được đông đảo bạn đọc cùng giới nghiên cứu đồng tình.

Chẳng hạn ông chỉ ra những chỗ sai trong Từ điển Truyện Kiều của GS. Đào Duy Anh và cả những điểm mà GS. Phan Ngọc sửa chữa “nâng cấp” không đúng về cuốn từ điển này. Rồi trong 2 cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Việt Nam đều của GS. Nguyễn Lân, ông chỉ ra chính xác những “chỗ sai khó ngờ”. Ông cũng chứng minh thuyết phục về sự nhầm lẫn của GS. Hoàng Xuân Hãn trong việc dùng thuyết “tự nhiên” lý giải ngôn ngữ Truyện Kiều…

Về lịch sử, dù không mở rộng nghiên cứu, nhưng An Chi cũng có những công trình đáng chú ý khi kiến giải: Hùng Vương hay Lạc Vương?, Vấn đề “thành” của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không?,… Đặc biệt, về vấn đề Mạc Đăng Dung, sau khi đưa ra những sử liệu để phản biện một cách minh bạch, An Chi đã đi đến kết luận: “Vậy thì không làm gì có chuyện Mạc Đăng Dung cắt đất của quốc gia Đại Việt để dâng cho nhà Minh; chỉ có việc sử thần của nhà Lê đã xuyên tạc sự thật lịch sử để hạ nhục nhà Mạc mà thôi”. Đặt lại vấn đề này, An Chi còn mong muốn “nhấn mạnh đến lương tâm và trách nhiệm của các sử gia và nhà nghiên cứu lịch sử trong việc ghi chép và việc bình phẩm về hành động của các nhân vật lịch sử”.

Có thể nói, sự vượt khó tự học, niềm đam mê chữ nghĩa, nghiên cứu khoa học, tinh thông nhiều ngoại ngữ, đã đưa con người nhỏ thó, rắn rỏi, điềm đạm này từ vô danh, không học vị học hàm, trở thành tên tuổi quen thuộc đáng kính. Sinh thời, nhà ngữ học lừng danh thế giới Cao Xuân Hạo rất yêu quý An Chi. Ở đó không chỉ là quan hệ có tính gia đình mật thiết mà còn là tình đồng nghiệp. Họ thường có những cuộc đàm đạo về ngữ học. Ngược lại, học giả An Chi cũng đã thổ lộ: “Tôi cho rằng giới khoa học nước nhà có không ít người để cho ta cảm phục, nhưng riêng tôi, vì ít tiếp xúc và chỉ tiếp xúc với những người của giới ngữ học (hoặc tên tuổi của họ qua sách vở) nên cái nhìn của tôi chỉ giới hạn trong lĩnh vực này. Hai người mà tôi cảm phục nhất thì thứ nhất là nhà ngữ học kiệt xuất Cao Xuân Hạo và thứ hai là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Chia sẻ với tôi về học thuật thì cho đến nay vẫn là nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương và Tiến sĩ Hoàng Dũng. Tôi rất kính trọng hai vị này về mặt khoa học”.

Sự quan tâm lớn nhất của An Chi là từ nguyên học, một bộ môn vốn còn khá mới mẻ và chưa được chú ý lắm ở Việt Nam. Cũng nhờ đó, ông được giới ngôn ngữ học trân trọng. Sinh thời, nhà ngữ học tài ba Cao Xuân Hạo dành cho An Chi nhiều tìnhh cảm. Giáo sư Cao Xuân Hạo chính là người viết lời tựa cho bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây nổi tiếng của An Chi. Các nhà ngữ học nổi tiếng hiện nay như Nguyễn Đức Dương, Hoàng Dũng, Lý Việt Dũng cũng luôn đánh giá cao những cống hiến khoa học của ông.

Dù tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu nhưng hàng ngày An Chi vẫn hăng say làm việc. Phần lớn tiền nhuận bút sách báo ông dành dụm để mua sách. Tủ sách của An Chi chứa đầy sách quý và đây là một trong những thư viện gia đình hiếm có ở nước ta. Giữa thế giới sách được sắp xếp ngăn nắp, học giả An Chi thường lặng lẽ cô đơn đi lại ngẫm ngợi. Trước đây ông chỉ quen dùng bút giấy. Bây giờ ông lại đăm chiêu với máy tính, để viết và kết nối với bạn bè, đồng nghiệp cùng những người đồng điệu chia sẻ với mình.

Niềm vui gia đình & thói quen làm câu đối Tết

Vào năm 1993, giới báo chí và học thuật xôn xao “vụ án Củ Chi…” mà “bị can” là học giả Huệ Thiên phụ trách chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay thuộc Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, còn “bị hại” là một nhà báo tên tuổi đứng đầu một tờ báo ở TP Hồ Chí Minh. Nhớ về việc giải quyết sự cố này, ông cười cho hay: “Thật là rắc rối mà… rộn rịp. Tôi nhớ những khiếu nại, kiện cáo từ phía bên kia đã gây không ít sóng gió cho Kiến Thức Ngày Nay. Ba nhân vật “cộm” của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh là nhà văn Nguyễn Quang Sáng – chủ trì, nhà văn Anh Đức và nhà thơ Phạm Sỹ Sáu – thư ký cuộc họp đã đến toà soạn họp với ban biên tập và đương sự là Huệ Thiên (lúc bấy giờ An Chi hãy còn ở tận đâu đâu!). Kết thúc cuộc họp là kỷ luật dành cho Huệ Thiên: “Tác giả Huệ Thiên ngưng phụ trách Chuyện Đông chuyện Tây một thời gian”. Việc dàn xếp cũng khéo léo chẳng thua kém gì trong… ngoại giao thế giới. Nguyễn Quang Sáng nói: “Thế có nghĩa là Huệ Thiên chỉ ngưng một thời gian. Trong thời gian đó, ông cứ tiếp tục viết, nhưng dưới một cái tên khác; khi nào chuyện này nguội đi thì ông sẽ ký lại… Huệ Thiên”. Biết tỏng là thực tế sẽ diễn ra như thế nhưng, tinh hơn để được thực sự “đúng đắn về lập trường”, Anh Đức phán: “Không nên làm thế. Tạm thời, các anh phải tìm một ông giáo sư danh tiếng (không có hai chữ “lẫy lừng” kèm theo), nhờ người ta làm, rồi từ từ mới tính được”. Ban biên tập, mà thực ra, có lẽ là chủ báo, vì mê Kim Dung, nên đã chọn cho Huệ Thiên cái tên Lão Ngoan Đồng (nhân vật trong Anh hùng Xạ Điêu) còn Huệ Thiên thì cứ muốn “y chang” nên đã tự mình chọn cái tên An Chi. Sau nhiều lần giằng co, Huệ Thiên đinh ninh rằng mình sẽ mang cái tên Lão Ngoan Đồng vì thư ký toà soạn nhấn mạnh rằng đó là ý muốn của chủ báo. Chuyên Đông chuyện Tây vắng bóng đến 5 kỳ trên Kiến Thức Ngày Nay, từ số 117 đến 121 (để còn tìm người) thì, đùng một cái, trên số 122 (1.11.1993), cái bút hiệu An Chi mới toanh đã xuất hiện để ký tên cho mục Chuyên Đông chuyện Tây. Nhưng nhiều người biết ngay rằng đây chính là “y chang” Huệ Thiên. Kỷ niệm thì còn nhiều và có thể làm thành một thứ hồi ký nho nhỏ đấy”.

Ngoài thế giới chữ nghĩa, học giả An Chi may mắn có được người vợ hiền, đảm đang, chỗ dựa tin cậy và biết chia sẻ với ông từng trang viết, từng vấn đề khó khăn nảy sinh trong cuộc sống. Vốn cùng viên chức ngành giáo dục, hai người gặp và thương yêu nhau, cùng đi đến hôn nhân sau ngày đất nước thống nhất. Ông thổ lộ: “Tôi rất sung sướng và hãnh diện về sự hỗ trợ của gia đình cho công việc của mình. Sau khi tôi phụ trách “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay một thời gian thì mẹ tôi, vợ tôi, mẹ vợ tôi và dì tôi đều gọi tôi là An Chi một cách thân thương, chứ không gọi tên thật hoặc dùng một từ trực chỉ nào khác. Riêng cậu tôi thì gọi bằng bút hiệu đầu tiên của tôi là Huệ Thiên. Lúc mẹ tôi còn khoẻ thì ngày nào bà cũng quét dọn bàn làm việc của tôi, sắp xếp sách vở, giấy tờ cho ngay ngắn. Mỗi khi có “Chuyện Đông chuyện Tây” số mới, mẹ tôi đều đem ra băng đá trước sân ngồi đọc, bất chấp có hiểu hay không hoặc hiểu đến đâu. Tôi mới dùng máy tính chừng 5 năm trở lại đây. Trước kia, tôi viết tay, thường thì 9 tờ A4 theo cỡ chữ của tôi là vừa một kỳ “Chuyện Đông chuyện Tây”. Có khi gần đến ngày nộp bài mà chưa xong, bà nhìn kỹ trên bàn rồi nói nhỏ với vợ tôi: “Mới có mấy tờ hà, con”. Bà không muốn con trai mình bị toà soạn trách móc. Vợ tôi cũng không để cho tôi phải bận tâm gì về công việc nhà cửa, kể cả những việc thường lẽ ra phải do người đàn ông lo liệu. Cô ấy lo cho tôi từ cái ăn đến viên thuốc, tóm lại là mọi thứ liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của chồng. Vợ tôi không trực tiếp giúp đỡ tôi trong công việc viết lách nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhờ cô ấy cân nhắc, lựa chọn từ, ngữ hoặc đọc hộ bản thảo để góp ý…”

Vào mỗi cuối tuần, gia đình An Chi hay đón bạn bè, đồng nghiệp đến thăm. Đồng thời, ông cũng tranh thủ đến thăm bạn bè. Học giả An Chi từng phải ngậm ngùi tiễn đưa những người bạn thân thiết ra đi, như Giáo sư Cao Xuân Hạo hoặc thi sĩ Bùi Giáng láng giềng… Ông cũng luôn nâng niu tình bạn với những người còn lại như Nguyễn Đức Dương, Hoàng Dũng, Lý Việt Dũng, Lê Nguyễn,…

Và theo một thói quen, cứ mỗi xuân về tết đến, nhìn lại những gì đã qua, An Chi thường làm thơ hay câu đối. Tôi nhớ vào Tết Nhâm Thìn 2012, ông khai bút đôi câu đối đầy suy tư trước vận nước:

“Quốc phá, Gia vong do Thoái Hoá

Dân cường, Vật thịnh tại Cần Liêm”

Mỗi dịp đến chúc Tết gia đình học giả An Chi, tôi cũng qua thăm người bạn láng giềng của ông là thi sĩ tài danh Bùi Giáng. Số phận đã đưa hai “quái kiệt” Sài Gòn ở cạnh nhau. Nhưng mấy năm nay, bậc tiền bối họ Bùi đã “bay” về trời, chỉ còn lại An Chi cặm cụi với chữ nghĩa. Gặp nhau những hồi ức đẹp và kỳ dị về đàn anh Bùi Giáng sống lại trong lòng ông…

Bộ phim tài liệu An Chi – hành trình thầm lặng là một thành công của đạo diễn Lư Trọng Tín và ê kíp làm phim. Sau những bậc thức giả đáng kính như Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn,… qua bộ phim này, khán giả hiểu sâu hơn về một An Chi đã và đang để lại dấu ấn của mình cho đời sống học thuật nước nhà, đặc biệt là từ nguyên học. Hành trình thầm lặng miệt mài từ Võ Thiện Hoa đến Huệ Thiên – An Chi cũng mang lại cho những thế hệ đi sau một tấm gương đáng kính về sự tự học không ngừng, niềm say mê lao động khoa học và vượt lên số phận khắc nghiệt chính mình.

PHAN HOÀNG

(Trích từ sách Sài Gòn đất lành chim đậu, tập I, NXB Tổng hợp TPHCM)

Nguồn: vanvn.vn