Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VIẾT NHÂN NGÀY 27/7: CHỢT NHỚ …LÂU QUÊN

Tô Hoàng
Thứ ba ngày 19 tháng 7 năm 2022 9:36 AM


1/ TRÊN ĐỈNH CHƯ MOM RAY

Địa điểm: Đỉnh Chư Mom ray, tỉnh KonTum ( dốc KonTum, hùm Ban Mê Thuột )
Nhân vật: Những người lính mặt xanh đít nhái, hốc hác, tay chân khẳng khiu vì quanh năm ăn theo chế độ 1 lạng gạo chia làm 3 bữa, còn bao nhiêu độn củ mì, rau rừng; trừ khi chiến dịch sắp mở màn thì được ăn cơm gạo không độn, 3 lạng một ngày. Ấy thế nhưng khi vào trận đều phải chất lên vai 40 ký trở lên. Đều phải khiêng pháo, khiêng đạn vượt qua những đỉnh dốc cao, ngập chìm trong mây trắng. Có đi theo lối mòn vượt núi như vậy “mới gây bất ngờ cho địch”- cấp trên bảo thế mà!
Từ chân dốc lên tới đỉnh Chư Mom ray mất đứt buổi sáng. Dốc cao, nói theo cách nói của lính là “ đầu gối chạm mặt”, “ Chim chóc teo quắt hết cả”… Cách lên dốc tốt nhất khi mang vác nặng là khoanh hai tay trước ngực, mặt cúi gầm xuống, nhẫn nại nhẩn nha từng bước, từng bước..Theo cách leo núi của người Mông. Mới đầu mùa khô này thôi, lính truyền tai nhau kinh nghiệm, để bớt mệt, bớt thở dốc hãy lần lượt nhớ lại từng gương mặt đám bạn gái cùng học những năm cấp ba..
Lên tới đỉnh dốc, hạ vật trên lưng, trên vai xuống, liền vơ vội một túm lá xanh để xua đuổi ruồi vàng, muỗi đói đú loại. Ngồi chưa ráo mồ hôi, cơn lạnh từ trong người toát ra, từ khí núi ngấm vào bỗng thấy rùng mình, nổi gai gà..Canh chừng cơn sốt rét cũ sẽ ập tới !
Một trung đội lính vừa lên tới đỉnh núi.

Anh B trưởng (trung đội trưởng ) phát lệnh cho lính tập hợp một hàng dọc.
Rồi B trường dõng dạc:
-Nơi đây xa dân, cho phép nói bậy, nói tục…Tùy thích !

Ngơ ngác vài giây. Rồi lính tráng nhẩy cẫng lên, hò reo.. Như chưa bao giờ tưng bừng, hoan hỉ như thế :
-B.., L…, Ghe, Củ..c, Đ nhau, Hi…iếp…
-B..L…Mồng đốc..
- Hạt lạc..Quại nhau ...
-La la lá..là lá la...
-La la lá..Là lá la...
-....
-Thằng nào còn nghĩ ra con gì, củ gì nữa không ? Tiếp tục !
Cứ thế kéo dài, váng động cả núi rừng trong chừng 3,4 phút. Cho tới lúc đã lạc giọng, khản tiếng. Đã đã thấm mệt.
B trưởng liền hỏi:
-Thỏa mãn dân cày chưa ?
-Rồi! Rồi…
-Muốn “ hát ca” nữa không?
-Thôi, thôi ạ! thôi ạ...
- Vậy thì súng đạn lên vai, xuống dốc.
Lính láp phấn khởi, vui vẻ, tươi tỉnh sau khi đã tìm ra cách chống được muỗi đói, ruồi vàng, chống được cái gây gây ớn lạnh.


Được chứng kiến phút giây sung sướng đó của lính, Chính trị viên đại đội vỗ vai B trưởng: “ Cậu làm công tác tư tưởng, động viên thật tuyệt vời, khó ai nghĩ ra. Sau chiến dịch này tớ nhất định đề nghị cấp trên chuyển cậu qua làm Chính trị viên phó, tiếp tay tớ !”
Câu chuyện lần vượt dốc Chư Mom ray hôm đó rất nhanh chóng khúc khích nhỏ to lan truyền khắp các đơn vị bộ, pháo, đặc công, hậu cần, vận tải...
Cục Chính trị, rồi Phòng Bảo Vệ ( tức An NInh trong quân đội ) Mặt trận cho triệu B trưởng và Chính trị viên C kia lên bắt viết ra giấy, rồi giải trình bằng miệng vài buổi : Vì sao, do đâu, đặc biệt do ai súi bẩy mà dám xem thường, hạ thấp, thậm chí dung tục hóa công tác chính trị, tư tưởng trong quân đội như vậy?
Cả hai đều bị giáng cấp, giáng chức, điều chuyển đi đơn vị khác.
Vào đầu mùa mưa, lính láp rỉ tai nhau: cả B trưởng lẫn Chính trị viên đã hy sinh trong những trận đánh đâu tiên, khi bộ đội vượt sông Poko, tràn vào thị xã KonTum.

2/ CHƯA AI KỂ THÌ TÔI KỂ...


Đêm trước giờ G. xuất kích, thật nặng nề, căng thẳng. Sau khi đã xung phong ( hoặc phân công ) ai đánh bộc phá 1, bộc phá 2 mở hàng rào; ai trong đội hình "mũi dao nhọn", phân đội nào đánh chiếm mục tiêu nào.. là tới lúc chính trị viên phó công bố ký hiệu đơn vị và số lính của từng chiến sỹ..

Một bếp đốt củi giữa lán. Những cái đầu cúi thấp hơn. Những cặp mắt loang loáng vẻ buồn bã, sợ hãi thoáng nhìn nhau...

Mỗi anh được phát ( hoặc tự làm lấy ) một miếng sắt cắt từ vỏ hộp thịt, hộp cá . Rủ nhau ra bờ suối, soi đèn pin, lấy 1 cục đá gõ lên chiếc đinh, đột ký hiệu đơn vị, số lính của mình lên miếng sắt . Để luồn giây đeo vào cổ..

Đêm rừng già ắng ngắt. Chỉ nghe tiếng đinh đột vào sắt vang lên, vang lên, cạch cạch, cạch cạch..

Để địch không thể lu loa " quân Cộng sản từ Miền Bắc xâm nhập miền Nam " một quy định đã có từ lâu đời: Trước khi vào trận, tất cả quân, tư trang ( kể cả thư từ, ảnh, nhật ký, sổ chép thơ, chép bài hát ..) đều phải gửi ở một hang động nào đó. Anh vào trận, ngoài súng đạn, chỉ được mang theo một tấm võng, phòng khi anh bị thương hoặc hy sinh có cái để khiêng võng anh ra...

Xưa kia ký hiệu và số lính thường được lính thêu ( hoặc dùng lá rừng viết ) lên nắp túi áo. Nhưng cũng thấy bất tiện. Dùng mảnh sắt đột số là tiện hơn cả.

Ký hiệu đơn vị, số lính của anh đã ghi vào 1cuốn sổ cán bộ quân lực đại đội, tiểu đoàn..Sẽ từ miếng sắt hộp thịt, hộp cá kia mà truy ra.

Dòng chữ mang ký hiệu đơn vị , tên tuổi, quê quán của anh được ghi bằng bút mực, bút bi. Cuốn sổ ấy sẽ được truyền qua bao nhiêu bàn tay người, qua bao trạm giao liên trên Trường Sơn, qua mưa rừng gió núi, qua bao nhiêu khúc sông con suối khi lũ về, thuyền mảng bị lật..Nhòe nhoẹt, ẩm mốc, lẫn lộn, thất thoát..Chiến tranh mà !

Anh thành CHIẾN SỸ VÔ DANH, anh yên nghỉ với ngôi mộ KHÔNG TÊN, anh đâu có tội, khi anh phải chấp hành một quy định nghiêm ngặt: KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ LỘ QUÊ CHA, ĐẤT MẸ Ở MIỀN BẮC..

..Anh tên gì, hỡi anh yêu quý ?

3/ ĐÁNH TIÊU DIỆT, TẠI SAO KHÔNG ???

Còn nhớ rõ, từ năm 1970, 1971 trở đi khi địch thực hiện chiến thuật CO CỤM, tức lập các tuyến phòng thủ vòng ngoài với công sự bê tông, cốt thép, với nhiều lớp hàng rào vây quanh, với sự chi viện tối đa của phi pháo để bào vệ tuyến thành phố, đô thị phía trong..bên ta bắt đầu nêu cao khẩu hiệu ĐÁNH TIÊU DIỆT. Tức là đã nổ súng, phải đặt ra chỉ tiêu TIÊU DIỆT GỌN ( XÓA SỔ ) TỪNG CHIẾN ĐOÀN, TỪNG LỮ ĐÒAN của đồi phương. Không để cho chúng giữ lại phiên hiệu, bổ xung thêm quân và biên chế vẫn như cũ.
Dĩ nhiên là thực hiện chỉ tiêu này hao tổn máu xương, " tốn lính " lắm !!!

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta kéo dài đã mươi, mười lăm năm. Tuyệt nhiên không nghe "cấp trên" nêu phương châm ( chỉ tiêu ) ĐÁNH TIÊU DIỆT?
Mà cũng lạ nữa, tại sao HỘI CỰU CHIẾN BINH VN bỗng quên phăt mà không nhắc nhở các " cấp trên " một trong những truyền thống anh hùng này của QĐNDVN nhỉ ?
Căn bệnh nan y THAM NHŨNG ở nước ta hiện nay giống như TRẰN TINH NHIỀU ĐẦU, chém đầu này nó mọc đầu khác ngay liền à !
Vì mục đích nhân đạo theo định hướng XHCN ( !? ), vì " trị bệnh cứu người ", ta không " chu di tam tộc " bọn tham nhũng; không treo cổ hoặc tiêm thuốc độc tương ứng với số tiền bạc, tài sản của nhân dân họ thu vén bỏ vào hầu bao.
Vậy ĐÁNH TIÊU DIỆT căn bệnh tham nhũng ở đây là làm thế nào? Theo ngu ý, bên cạnh biện pháp MỀM là cảnh cáo về mặt Đảng, tước hết các chức vụ trong Đảng ( mà chắc hẳn bè lũ tham những sẽ bịt mũi cười ruồi ), PHẢI TỊCH THU TOÀN BỘ GIA SẢN CỦA BỌN CHÚNG, LÀM VIỆC TỐT LÀ GIÚP CON CÁI, THÂN NHÂN CỦA BỌN CHÚNG TRỞ VỀ VỚI CUỘC SỐNG CHÂN LẤM TAY BÙN, TAY KHÔNG LÀM HÀM KHÔNG NHAI CỦA CỘNG ĐỒNG.
Chỉ như vậy, vong linh những anh hùng, liệt sỹ đã khuất mới mát lòng, hả dạ..Những con hải âu hay phương hoàng, sếu mỏ xanh, mỏ đỏ gì gì.. đó ( như Ông Thủ Phúc thường nói ) mới thực sự bay về với non sông, đất nước này !!!

Ghi chú ảnh:

Dãy ChưMomray thuộc tỉnh Kontum