Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN TÙNG ĐIỂN, BẠN TÔI

Hoàng Minh Tường
Thứ năm ngày 14 tháng 7 năm 2022 4:47 AM


TNc: Trưa nay, 14-7-2022, tang lễ nhà văn Tùng Điển tổ chức tại Nhà tang lễ thành phố 125 Phùng Hưng. Tiễn biệt ông, nhà văn Hoàng Minh Tường gửi đến trang nhà bài viết này như một khúc giã biệt Tùng Điển

Tôi với Tùng Điển thân nhau từ hồi anh là “bà đỡ” cho đứa con đầu lòng “Đồng Chiêm”của tôi ra đời. Anh tên khai sinh là Trần Quang Điển, người gốc Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Thông Tin Bưu Điện, viết văn và có sách in khá sớm.

Năm 1978, viết xong tiểu thuyết “Đồng Chiêm”, tôi mang đến nhà xuất bản Thanh Niên. Người ta dẫn tôi tới gặp Tùng Điển, biên tập văn xuôi. Điển chạc tuổi tôi, đẹp trai như tài tử điện ảnh, hào hoa phong nhã. Nghe nói từ năm 1966, mới 19 tuổi, anh đã là hội viên sáng lập Hội Văn nghệ Hà Nội. Sau một tuần đọc bản thảo, Điển gọi cho tôi, bảo bản thảo được lắm, tôi biên tập, ông đến ký hợp đồng nhận ít tạm ứng mà tiêu. Không ngờ đời viết văn của tôi có lúc lên hương. Cuốn tiểu thuyết đầu tay”Đầu Sông” nằm ở nhà xuất bản Lao Động hai năm nay, hết biên tập viên Xuân Du rồi Dương Đình Hy đọc, vẫn chưa ngã ngũ. Nghe nói nhà văn Ma Văn Kháng mới chuyển từ Tây Bắc về sẽ giám định lại. Anh Kháng vốn là giáo viên miền núi, có vẻ tâm đắc với “Đầu Sông”.

“Đồng Chiêm” vào guồng xuất bản rất ngon lành. Tôi và Tùng Điển hầu như tâm đắc với nhau nên bản thảo không phải sửa chữa nhiều. Bìa do họa sỹ Vũ Gia Ngọc vẽ, xếp chữ và in tại nhà in Thống Nhất, 136 Hàng Bông, dày 455 trang, in 15.200 cuốn. Tôi trở thành người giàu nhất làng Động hồi đó, vì nhuận bút của “Đồng chiêm” tới 5.500 đồng, có thể mua hai ngôi nhà ở Hà Nội (ngang giá 20 tỷ bây giờ).

Một cục gạch ném vào nền văn học. Một vài nhà phê bình ủng hộ lớp trẻ nói thế. Hồi ấy, tôi mới từ Thái Nguyên về Hà Nội, quan hệ ít, chẳng quen nhà phê bình nào, chẳng biết nghệ thuật PR (lăng-xê), nên hầu như ít tạo được dư luận chú ý. Vả lại khi ấy các tờ báo ngành còn ít, ti vi đen trắng thì đang thử nghiệm. Người mua sách thường kháo nhau rồi đến các hiệu sách tìm mua sách mới. Nhà văn Ngô Ngọc Bội, đang trấn ban Văn báo Văn Nghệ, người luôn tự hào là ông tổ viết về nông dân, nông thôn, ngứa mắt phang cho một mẩu bằng bàn tay trên báo nhà, chẳng ra khen chẳng ra chê, nhưng ngầm đưa thông điệp: Đừng có hỗn, làm sao mà vượt mặt được chúng ông đây. Sau này, mười năm sau, tôi về báo Văn Nghệ, làm quân của Ngô Ngọc Bội, ông bảo: Hồi ấy tao mà biết chú mày sớm thì tao cũng khen mấy câu cho mát mặt. Tuổi ấy mà có sách dày như thế, in tia-ra nhiều như thế, cũng rất đáng nể.

Tôi thân thiết với nhà văn Tùng Điển từ đó, từ thời anh cùng Hương, người vợ xinh đẹp và hai cậu con trai đĩnh ngộ còn ở khu tập thể Bưu điện, gần rạp hát Đông Đa.

Năm 1982, tôi dự trại sáng tác Vũng Tàu, một trại viết do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, nổi tiếng và tai tiếng nhất trong các trại sáng tác, với vụ bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo và sự phân rã tư tưởng trong các nhà văn. Bản thảo tiểu thuyết “Vùng gió quẩn” của tôi, mà nhà văn Nguyễn Thành Long, người đọc thẩm định đầu tiên, cho là dữ dội, đen tối như “Tắt đèn”. (Năm 1996, “Vùng gió quẩn” được NXB Văn học xuất bản với tựa đề “Thủy Hỏa Đạo Tặc”; năm 1997 được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam; Năm 2022, NXB Thanh Niên in trong bộ tiểu thuyết “Gia phả của đất” hai tập, tập 1 “Thủy Hỏa Đạo Tặc”, tập 2 “Đồng sau bão”; Năm 2016 đạo diễn Trần Quốc Trọng làm phim chính luận “Gia phả của đất”, 38 tập, phát trên VTV1). “Vùng gió quẩn” từng qua tay các biên tập viên NXB Tác Phẩm Mới , NXB Hà Nội… nhưng đều bị từ chối vì “ in xong thì đi tù cả lũ(!)”.

Nhưng số tôi có quý nhân phù trợ.

Vừa khi bản thảo bị Nhà xuất bản Hà Nội từ chối thì ông Giám đốc nhà xuất bản Thanh Niên có lệnh trên điều đi làm chuyên gia Campuchia. Người được điều về thay, là trưởng ban phát thanh và truyền hình thanh niên Đỗ Thoan.

Một sáng, nhà văn Tùng Điển gọi cho tôi, bảo mang Vùng Gió Quẩn đến ngay. Có thời cơ rồi.

Không chỉ Tùng Điển mà cả nhà văn trưởng ban Cao Tiến Lê, cả Lê Hùng, rồi Nguyễn Thị Lam Luyến, Kao Giang, Vũ Gia Ngọc cùng đọc bản thảo, cùng bấm nhau và bảo “Nếu in, sẽ là một tiếng bom ở 62 Bà Triệu.”

Nếu Tùng Điển giải cứu thành công cho “Vùng Gió Quẩn”, thì tôi sẽ tôn anh làm đại sư phụ, bà mụ của những đứa con văn chương của tôi.

Giám đốc mới Đỗ Thoan vốn thân quen với Cao Tiến Lê và Tùng Điển, lại có quan điểm thông thoáng về văn nghệ, vì thế “Vùng Gió Quẩn” được đưa vào kế hoạch xuất bản ngay.

Tôi đến nhà xuất bản ký hợp đồng trong trạng thái đi trên mây. Vài tháng nữa (cuối năm 1986), sách in ra, vào đúng bước ngoặt của thời kỳ đổi mới với quan điểm cởi trói cho văn nghệ sỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, “Vùng Gió Quẩn” sẽ là quả bom tấn ném vào văn đàn. Thấy chưa, văn học phải như thế, phải đi giữa dòng xoáy của đời sống, phải dám dũng cảm phanh phui những góc tối của hiện thực nếu muốn đất nước tiến về phía ánh sáng. Hầu như tuần nào tôi cũng tạt qua nhà xuất bản, hoặc nhắn Tùng Điển, Cao Tiến Lê, Lê Hùng, Vũ Gia Ngọc… ra mấy quán chè chén gần đấy nhằm thu thập thông tin về tiến độ của Vùng Gió Quẩn. Vũ Gia Ngọc, người đã vẽ bìa cho “Đồng chiêm”, khoe đã nghĩ ra ý tưởng trình bày bìa sách rồi. Một tác phẩm đồ họa thuộc trường phái Picatso. Tác giả có cần in bìa cứng đặc biệt đánh số từ 1 đến 100 để tặng bạn bè không? Có cần nhà xuất bản đứng ra tổ chức buổi ra mắt sách tại Thư viện Quốc gia không? Những cuộc trà lá bàn xung quanh, đại loại như vậy.

Thế rồi, đùng một cái, ngài giám đốc từ Campuchia trở về. Vương quyền cũ lập tức được thiết lập. Ngài Đỗ Thoan lại bàn giao công việc, trở lại nhiệm sở cũ.

Và bản thảo “Vùng Gió quẩn” bị ách lại, thậm chí bị gạt ra khỏi kế hoạch in của nhà xuất bản, mặc dù bản thảo có thẩm định rất trách nhiệm, có chữ ký của biên tập viên, nhà văn Tùng Điển và trưởng ban văn học, nhà văn Cao Tiến Lê.

Sau này tôi mới hiểu, hồi đó cơ quan anh có những “khúc mắc” trong nội bộ. Ông giám đốc không hợp gu, nên hầu hết các bản thảo do nhóm Cao Tiến Lê, Tùng Điển, Kao Giang, Lam Luyến, Lê Hùng… biên tập đưa lên, đều bị soi, bị sửa lên bờ xuống ruộng, có tác phẩm bị loại thẳng thừng, như Vùng Gió Quẩn.

Tôi không biết ân oán giang hồ trong nội bộ nhà xuất bản giải quyết ra sao, chỉ nghe phong thanh Tùng Điển và Cao Tiến Lê chuẩn bị dời khỏi nhà xuất bản.

Đích thân Tùng Điển mang bản thảo đến cho tôi. Lại rủ tôi ra quán rượu góc phố Lê Trực, gần báo Người giáo viên Nhân Dân, nơi tôi công tác, làm vài ly giải sầu.

-Văn chương của mày đáo để, luôn cầm đèn chạy trước ô tô – Điển chẳng cần rào đón - Nhưng mệnh của mày có sao búa tạ chắn đầu. Không in được không phải kém, mà là sinh bất phùng thời. “Vùng Gió Quẩn” không ra được dịp này, tao đau và tiếc không kém gì mày. Đời thằng làm biên tập, giống như bà đỡ ấy. Qua tay mình hàng trăm chúng sinh là chuyện bình thường, nhưng biết chắc sẽ là một tiên đồng, một kỳ nhân mà không đỡ nổi, thì đau biết chừng nào.

Tôi nuốt nước mắt, cụng ly vì tấm lòng của bạn.

Không biết có phải vì sự cố cuốn sách của tôi mà Tùng Điển quyết chia tay một nhà xuất bản danh tiếng mà anh đã gắn bó và tâm huyết nhiều năm, để đến với tạp chí Tác Phẩm Mới, nơi nhà văn Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi đang đặt ở anh nhiều tin yêu, kỳ vọng?

Rút từ tạp văn “ Mệnh vô chính diệu”

Hà Nội ngày 12/7/2022