Hình ảnh những tướng tá oai hùng ngày nào giờ lầm lũi trước bục khai báo khiến chúng ta hoang mang và căm phẫn. Có lẽ chưa có thời nào mà tướng tá của chúng ta phải đứng trước bục khai báo với còng trên tay nhiều thế.
nay, ngày một cữ sau khi ăn sáng. Nếu đi công tác hay xuống cơ sở biết nơi đến không có quán thì mang theo cà phê tự pha. Sáng qua đi uống cà phê về thì đọc tin mấy tướng tá cảnh sát biển ra tòa vì bảo kê buôn lậu xăng.
Tôi nói chuyện cà phê vì các vị tướng tá có một đoạn liên quan tới cà phê.Một bị cáo nhận được 900 triệu từ đối tượng buôn lậu và coi đấy là tiền... cà phê. Các bị cáo khác nhận được nhiều hơn, rất nhiều, thì coi đấy là... quà.
Trời ạ, tiền cà phê mà gần tỉ bạc thì nền cà phê của đất nước ta đã phát đạt từ hồi nào?
Lâu nay, thi thoảng cho nhau các khoản tiền lặt vặt người ta hay gọi là tiền cà phê, như lỡ phạm luật giao thông, "cưa đôi", đưa mấy chục gọi là tiền... cà phê, chứ gần tỉ bạc mà gọi tiền cà phê thì đúng là... phê.
Nhưng mà rồi đọc kỹ tin các tướng tá cảnh sát biển và biên phòng ra tòa thì xót xa quá.
Ông cựu đại tá nọ bán cả nhà để "góp vốn kinh doanh xăng dầu". Với 5 tỷ góp vốn, ông được chia lợi nhuận 16 lần trong 16 tháng, lần ít nhất 250 triệu đồng, nhiều là 3,4 tỷ đồng. Tổng cộng, ông được chia 18,3 tỷ đồng "lãi khủng", "một vốn bốn lời" theo đúng nghĩa đen. Ngoài ra, tháng 2/2020, do vị đại tá yêu cầu nên nhóm buôn lậu còn chuyển cho ông ta 4 tỷ đồng để thanh toán tiền mua ô tô Volvo XC90.
Một cựu tư lệnh vùng CSB 4 thì trong quá trình điều tra thừa nhận đã nhắn tin cho tùm buôn lậu xăng, cung cấp các tọa độ cho tàu di chuyển mà không bị kiểm tra. Tiền hối lộ tổng cộng tới 6,7 tỉ, được trùm buôn lậu chuyển cho vợ con của vị cựu tư lệnh.
Một cựu tư lệnh khác, nguyên thiếu tướng, cũng bị cáo buộc nhận hối lộ và giúp các tàu buôn lậu xăng không bị kiểm tra bắt giữ…
Đấy là những người bảo vệ biên giới biển đảo của Tổ quốc, giữ bình yên cho Tổ quốc, Tổ quốc của nhân dân hiện tại, Tổ quốc của truyền thống mấy ngàn năm, Tổ quốc của những lớp lớp người lần lượt sinh ra mất đi trên mảnh đất thân yêu của chúng ta. Và họ đã phản bội Tổ quốc, phản bội niềm tin của nhân dân, phản bội chính những đồng đội chân chính của mình - tất cả những người đã tin tưởng họ, an tâm về họ, tự hào về họ...
Giờ họ ra tòa với còng trên tay.
Dẫu vẫn còn luận tội, vẫn còn tranh tụng, nhận và không nhận, ít hoặc nhiều, tiền cà phê hay tiền gửi ngân hàng... nhưng hình ảnh những tướng tá oai hùng ngày nào giờ lầm lũi trước bục khai báo khiến chúng ta hoang mang và căm phẫn.
Có lẽ chưa có thời nào mà tướng tá của chúng ta phải đứng trước bục khai báo với còng trên tay nhiều thế. Nó chứng tỏ công cuộc chống tham nhũng tiêu cực của chúng ta, mà dân hay gọi là "lò cụ Tổng", không có vùng cấm, triệt để và quyết liệt.
Nhưng nó cũng chứng tỏ, rõ ràng đã có sự lỏng lẻo trong công tác cán bộ. Cũng chứng tỏ nữa, cái sự tự đấu tranh để chiến thắng mình thời này nó khó khăn biết bao.
Trước, kẻ thù trước mặt, nhận diện kẻ thù khá dễ. Giờ, kẻ thù như vô hình, có khi nó là số điện thoại, là tài khoản ATM, có khi nó đến từ những người thân nhất trong nhà. Thì chính 2 bà vợ của 2 vị tướng đang trước tòa quân sự hôm nay là những người giúp 2 ông này sa ngã rất nhanh bằng cách... thay mặt các ông ấy nhận tiền đấy thôi...
Nói gì thì nói, đã lên được tới cấp tướng thì phải là những người đã được tôi luyện, thử thách, có đầy đủ trình độ nhận thức và bản lĩnh trước đời sống, trước công việc được giao, đủ khả năng phân biệt đúng sai tốt xấu... sự hiểu biết và bản lĩnh của họ phải hơn rất nhiều người bình thường khác, vì thế trách nhiệm của họ trước những gì mình gây ra phải được tính cộng thêm chứ không thể giảm bớt vì thành khẩn hay có thành tích, công lao trong quá khứ.
Chúng ta không mong có nhiều vị tướng ra tòa như đã và đang xảy ra, nhưng chúng ta cũng rất mong, khi những vị có trách nhiệm nhúng chàm, thì sẽ được xử công khai, minh bạch như vụ 2 vị tướng và mấy vị tá này.
Nhớ khi râm ran tin đồn vị đại tá cựu chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang bị bắt, khá nhiều người hoang mang và nhiều tin đồn nửa hư nửa thực. Cuối cùng, một cách đau lòng, tin đồn sau đấy lại... đúng.
Vụ việc được đưa ra xét xử vào tháng Bảy – tháng tri ân những người đã đổ xương máu vì Tổ Quốc. Giờ đây những người kế tiếp sự nghiệp bảo vệ biển đảo, bờ cõi lại đứng trước vành móng ngựa. Họ có xấu hổ với tiền nhân? Có ân hận với chính những người lính của mình? Có phụ công nhân dân vẫn ngày ngày bám biển, bám trụ nơi biên giới?