Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THAM KHẢO LỊCH SỬ, KẺ THÙ CUỐI CÙNG CỦA MAO

Theo FB Hà Phạm Phú
Thứ bẩy ngày 23 tháng 7 năm 2022 7:54 AM
Trong cuộc "chỉnh phong" ở Diên An (1942), Chu Ân Lai là một trong những mục tiêu chính của Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ khi ấy đóng vai trò lính xung kích của ông. Chu Ân Lai buộc phải kiểm điểm nhiều lần và thừa nhận mình chỉ có thể đứng thứ hai “lão nhị” trong bộ xậu lãnh đạo đảng. Tuy nhiên, đến Cách mạng Văn hóa, thì Mao đã liên minh với Chu tấn công và tiêu diệt Lưu. Cái chết của Lưu là kết cục cuộc báo thù của Chu.
Khi còn trẻ, Chu Ân Lai có thể là một người theo chủ nghĩa lý tưởng, nhưng khi lý tưởng không thể thành hiện thực, ông đã chuyển sang một người theo chủ nghĩa hiện thực, hoàn toàn phớt lờ lý tưởng từng theo đuổi. Trên thực tế, cả cuộc đời Chu Ân Lai đã bị cuốn vào cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ, một cuộc đấu tranh quyền lực tàn khốc nhất, đẫm máu nhất, điên rồ nhất và bi thảm nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Chu Ân Lai được Stalin và trung ương đảng cộng sản Trung Quốc trọng dụng. Trước hội nghị Tuân Nghĩa, Chu là lãnh đạo tối cao. Tình hình dần thay đổi cho đến khi Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào xây dựng căn cứ địa Diên An. Mao Trạch Đông giành được quyền lãnh đạo, Chu Ân Lai trở thành một trong những mục tiêu chính của Mao.
Trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, Chu không sánh được với Mao đành chấp nhận làm “lão nhị”. Do Chu không tàn nhẫn như Mao, nên trong mắt những người trong đảng, khi so sánh Mao và Chu, thì Chu được xem vẫn còn một chút nhân tính. Nhưng sự hung ác của Chu Ân Lai cũng không phải vừa. Năm 1931, sau khi lãnh đạo cấp cao của đảng là Cố Thuận Chương phụ trách tình báo và an ninh phản bội, Chu Ân Lai lãnh đạo cơ quan đặc biệt đích thân dẫn đầu treo cổ tám người, bao gồm cả vợ và con của Cố. Trong số những người bị giết có người con trai 5 tuổi của Thuận Chương và một ân nhân của Chu, chỉ vì đến chơi mạt chược ở nhà Cố.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đề cao “đảng tính” bất chấp “nhân tính”. Chu Ân Lai cũng từ chối cầu xin cứu mạng của sáu người thân, đích thân ra chỉ thị bắt em trai ruột của mình, Chu Đồng Vũ. Khi con gái nuôi của Chu là Tôn Duy Thế bị Mao làm nhục, Chu đã bắt cô im lặng để “ổn định đại cục”. Trong đại cách mạng văn hoá đấu đá nội bộ tàn khốc, Chu Ân Lai gần như là "kẻ lật lọng" duy nhất luôn ở trên đỉnh của đảng cộng sản là do ông ta rất thuộc "triết lý lão nhị". Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu cũng là những “lão nhị”, nhưng họ đều chết giữa chừng vì không hiểu như Chu.
Cuộc tranh giành quyền lực trong đảng CSTQ đạt đến đỉnh điểm trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Trước Cách mạng Văn hóa, Lưu Thiếu Kỳ đã tạm thời đưa Trung Quốc thoát khỏi khủng hoảng sụp đổ thông qua cải cách kinh tế trong hệ thống đảng và chính phủ. Ngược lại, Mao Trạch Đông bị cô lập. Để hạ bệ Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông phải dùng các thủ đoạn bất thường, thông qua liên minh với Chu Ân Lai và Lâm Bưu. Mao đã quét sạch người của Lưu từ trên xuống dưới. Trong cuộc này, trong vai trò đồng phạm thì Chu Ân Lai thủ vai chính, Lâm Bưu tham gia một cách thụ động.
Mao Trạch Đông đích thân chỉ định Lâm Bưu làm người kế nhiệm, Chu Ân Lai lập tức bày tỏ sự tán thành và ủng hộ hết mình. Sau khi Lâm Bưu chết, Mao Trạch Đông và Giang Thanh đã cử người đến lục soát nhà và phát hiện có hơn 200 thư từ giữa Chu Ân Lai và Lâm Bưu. Giang Thanh cố tình thông báo cho Chu và hỏi cách giải quyết? Chu là người lọc lõi, nói xin cứ làm theo chức trách! Để tỏ thiện chí với Chu và củng cố liên minh giữa Giang và Chu, Giang Thanh đã ra lệnh đốt tất cả những bức thư đó. Chu Ân Lai cảm ơn Giang Thanh, đáp lại sự ưu ái đó, đã ủng hộ Giang Thanh rất nhiều.
Cuộc trốn chạy dẫn đến cái chết của Lâm Bưu là kết quả của những nỗ lực chung của Mao và Chu. Mao giả lập kế hoạch du phương Nam trên tầu hoả, để Chu giữ Bắc Kinh, theo dõi chặt chẽ hành động của Lâm. Sau khi gia đình Lâm Bưu lên máy bay cất cánh, Chu lập tức ra lệnh đóng cửa các sân bay trên cả nước. Lâm Bưu hết đường chạy về phương Nam, phải bay về phía bắc, và cuối cùng rơi xuống thảo nguyên Mông Cổ. Nghe tin Lâm Bưu chết, Chu Ân Lai đã khóc. Kỉ Đăng Khuê, một tay chân của Mao tỏ ra vô cùng kinh ngạc và khó hiểu. Chu Ân Lai liên tục nói: "Ngươi không hiểu, ngươi không hiểu!" Rất có thể Chu đã chạnh lòng, Lâm Bưu chết thì sớm muộn gì Mao Trạch Đông cũng sẽ diệt Chu.
Chắc chắn sau khi Lâm Bưu chết, dường như Mao Trạch Đông không có đối thủ trong đảng. Tuy nhiên, uy tín của Chu Ân Lai đã lên đến đỉnh điểm, khiến Mao không khỏi bồn chồn, mặc dù Chu đã luôn bày tỏ trung thành với Mao, đứng về phía Mao. Lúc đó sức khỏe của Mao ngày càng kém, những công việc trọng đại của đảng và nhà nước đều do Chu lo liệu. Mao Trạch Đông quyết định quay lại dùng Đặng Tiểu Bình làm quân cờ chống Chu Ân Lai. Mao cũng bắt đầu tính toán con bài sức khỏe của Chu. Tháng 5 năm 1972, bác sĩ phát hiện sự bất thường trong quá trình kiểm tra nước tiểu định kỳ của Chu, sau khi hội chẩn, các chuyên gia chẩn đoán là ung thư bàng quang. Bệnh này nếu phát hiện sớm và điều trị sớm có tỷ lệ thành công cao. Đội y tế ngay lập tức báo cáo và đề nghị phẫu thuật. Bộ Chính trị đảng CSTQ đề nghị Mao chấp thuận. Vương Đông Hưng truyền đạt bốn chỉ thị của Mao cho đội ngũ y tế: Không báo cáo với Thủ tướng, không kiểm tra, không phẫu thuật, tăng cường dinh dưỡng và điều dưỡng. Người ta cho rằng, thâm ý của Mao không gì khác là để Chu Ân Lai chết trước mình, mở đường cho Giang Thanh và Mao Viễn Tân lên thay.
Vào tháng 2 năm 1973, Chu đi đái ra máu. Mao miễn cưỡng đồng ý tiến hành khám cho Chu, nhưng Mao vẫn nhấn mạnh rằng chỉ được phép khám, nhưng không phẫu thuật. Tháng 3 cùng năm, Chu nhập viện lần đầu tiên để kiểm tra, đội ngũ y tế đã không làm theo lệnh của Mao Trạch Đông, bí mật đốt khối u trong quá trình kiểm tra nội soi bàng quang. Nhưng cũng trong năm 1973, Mao đã phát tín hiệu để Đặng phát động chiến dịch chống Chu Ân Lai. Vào tháng 11 năm ấy, Mao chỉ thị cho Đặng Tiểu Bình, Kỉ Đăng Khuê, Giang Thanh, Lí Tiên Niệm thành lập cái gọi là "Trung ương giúp đỡ thủ tướng hiểu rõ những sai lầm" để đấu tố Chu. Sức ép lớn khiến Chu không thể chịu đựng, cuối cùng ngã gục. Đến lúc đó Mao mới cho phép thực hiện phẫu thuật, mổ đi mổ lại 13 lần. Chu Ân Lai vì tuổi cao sức yếu đã mất.
Chu Ân Lai hiểu rõ ý đồ của Mao Trạch Đông, nên khi bước vào phòng mổ lần cuối, lấy hết sức lớn tiếng nói với nhân viên y tế: "Các người phải nhớ rằng tôi không phải là kẻ phản bội, không phải là phản cách mạng, tôi trung thành với sự nghiệp của giai cấp vô sản, tôi trung thành với nhân dân”. Trong những lời cuối cùng này, lần đầu tiên Chu không nhắc đến "lòng trung thành với Chủ tịch Mao".
Sáng ngày 8 tháng 1 năm 1976, Chu Ân Lai chết một cách bi thảm sau một cuộc đời phức tạp và nặng nề. Nghe tin, Mao Trạch Đông không nói một lời. Người ta hỏi Mao cách thức tổ chức tang lễ cho Chu, ông cũng không trả lời. Buổi chiều, bên bể bơi nơi Mao ở, bỗng nhiên vang lên một tràng pháo nổ, đám cảnh vệ giận dữ hói, Thủ tướng vừa chết, ai dám đốt pháo? Thư ký riêng của Mao Trạch Đông là Trương Ngọc Phong trả lời: Mao Chủ tịch bảo đốt!