Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE VÀ HỒI ỨC BINH NHÌ

Tô Hoàng
Thứ bẩy ngày 9 tháng 7 năm 2022 10:14 AM



1


Xem trên báo mạng, trên truyền hình những bài phản ánh tình hình chiến sự tại cuộc xung đột Nga-Ukraine thường bắt gặp tên lửa- dàn mà quân Nga hay dùng để bắn phá thành phố, sân bay, các căn cứ quân sự của đối phương...

Sau vài chục năm, chắc thiết bị và tính năng của loại vũ khí này hẳn thay đổi nhiều lắm, nhưng vẫn nhận diện ra bóng dáng quen thuộc của... cô nàng Cachiusa !

Đó là loại hỏa tiễn-dàn, đồng loạt có thể phóng đi 20, 25... quả đạn được gắn trên xe ô tô. Loại vũ khí này quân đội Xô Viết đã sử dụng vào những năm cuối của cuộc Chiến tranh chống Đức 1941-1945.

Đâu đó, vào cuối năm 1966, hỏa tiễn-dàn được đưa vào cuộc chiến tranh chống Mỹ ở VN. Chắc cũng là đáp ứng với yêu cầu tác chiến ở chiến trường và cũng có thể ông Bạn Nga yêu cầu đàn em " xài tạm " thứ vũ khí ế mốc vẫn còn tồn kho..

Tôi nhớ, hồi ấy có mấy cuộc bắn thử ở trường bắn Miếu Môn ( Sơn Tây cũ ) những quả đạn này được gọi với biệt danh là H6, H9...

Ban đầu, nàng Cachiusa được đặt ở Vĩnh Linh, bắn sang bờ Nam. Hỏa tiễn vẫn để nguyên cả dàn phóng đi với những chớp lửa xanh lét nhoáng lên và tiếng rú rất chi là ...ma quái. Chỉ bắn được một vài trận, rada Mỹ bên kia bờ Nam phát hiện ra nơi phóng , những trái pháo Mỹ cũng rập trúng phắp, tiêu diệt các dàn tên lửa liền.

Vội lại cải tiến để đáp ứng yêu cầu " đánh theo cách đánh VN". Quả là cũng táo bạo, thông minh và theo tinh thần " liệu cơm gắp mắm " ...

Lại diễn ra bắn thử tại trường bắn Miếu môn. Kín hở, nghe nói có Cụ tới diện kiến.

Từng quả tên lửa được tháo khỏi dàn, tháo khỏi xe và vác trên vai từng pháo phủ.

Vào tới vị trí tiền nhập, có phần tử bắn rồi, lính ta đắp bệ đất, lấy góc nivo ước lượng thước tầm. Và khi nhận lệnh bắn, đồng loạt phóng quả đạn đi.

Nói ngay, dạo ấy căn cứ quân sự của Mỹ bên bờ Nam dàn trải mênh mông, ví như căn cứ Ái Tử có chiều ngang tới 5km, chiều dài hơn 1km. Vì vậy thời gian đầu các nàng Cachiusa thả sức tung hoàng. Đạn rơi vào đâu cũng gậy ra đám cháy và tổn thất cho phía địch. Đâu đó, sang năm 1969, BTL Mỹ cũng rút kinh nghiệm ngay bằng cách thu nhỏ căn cứ lại.

..Tôi đã vài lần vượt sông Bến Hải, theo chân các nàng Cachiusa được pháo thủ vác trên vai tới các trận địa bắn. Đêm phương Nam nhoang nhoáng ánh chớp bom, tiếng đạn pháo nổ lúc xa lúc gần, eo óc tiếng chó sủa ở các ấp chiến lược. Cái chết như rình rập sẵn sau mỗi búi cỏ, mỗi gốc cây. Đất bên địch mà ! Lọ mọ, mệt nhọc sau 5,6 km vượt từ bên bờ Bắc sang, vào tới vị trí bắn, với chiếc xẻng cá nhân lính tráng hối hả, hổn hển đào đất, đắp bệ bắn. Đắp xong, chỉ huy đi kiểm tra từng góc bắn bằng giọt đèn pin được che sáng kín đáo bởi giấy đen.

Và ngay sau đó là giây phút căng thẳng nhất, sinh tử nhất..

Khi nghe chỉ huy hô : "Chuẩn bị! Bắn! ", lính điểm hỏa. Những quả đạn huýt gió lao đi, cũng ngay giây phút ấy lính tráng " người ra đi đầu không ngoảnh lại.." vắt chân lên cổ chạy thục mạng ngược lại, theo hướng sông Bến Hải. Bởi lẽ không chạy nhanh, hầu như trong tích tắc, chớp lửa của những H6, H9 vừa lóe lên, các trận địa pháo Mỹ ở điểm cao 544, Tân Lâm, Cà Lu, Cùa, 241...sẽ rập đạn tới liền. Sau đó là đủ loại máy bay. cường kích, ném bom vụt tới bằm nát nơi H6, H9 vừa phóng đi.

“ Nhà báo nghiệp dư- Thượng sỹ quèn” là Tôi vốn không quen địa hình, lại thuộc loại lính " chân cò tay nhện "đã từng một đêm bị lạc, suýt rơi vào nơi phục của ổ dân vệ tại một ấp chiến lược.

May quá, 2,3 trận sau, tôi tìm được một ông Tiểu đoàn phó " cận lòi " phải đeo kính nhiều diop với những sợi giây cắt thun ra từ xăm xe đạp, chằng vào hai bên tai, chằng qua gáy. Bác này cũng lọ mọ, nhưng thông thạo địa hình nên mình theo bám được...

Năm 1970, 1971, nàng Cachiusa vượt Trường Sơn vào tận Kontum, tham gia những trận đánh ở vùng Dakto- Tân Cảnh. Đêm về hầm, nghe "đài địch" la oai oải :" Pháo VC bắn vào nhà dân " liền hiểu ra ngay vì sao có những viên đạn đi " lạc chuồng"...


2


Ngắm những bức ảnh chụp về tình hình chiến sự trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, tôi thường lưu tâm nhiều tới những tấm hình chụp những đống đui đạn đại bác vàng chóe, dồn đống

Bởi chúng cứ bắt tôi gợi nhớ tới những kỷ niệm đã khá xa...

..Vào mùa hè năm 1967, khi các nòng pháo của ta ( canon ) bên bờ Bắc mở 2 trận đánh trả các trận địa pháo của Mỹ bên bờ Nam tôi đều có mặt. Thời ấy tôi “ nhà báo nghiệp dư- Thượng sỹ quèn” của Phòng Tuyên Huấn, Bộ Tư Lệnh Pháo Binh ( gọi tắt là F.351 ). Được giao cho một chiếc máy ảnh "Zennhit ", một khẩu súng lục K.54, tôi trở thành " con dao pha ": chụp ảnh, viết tin, viết bài cung cấp cho đài báo ngoài Hà Nội, ghi lại các sự kiện để bổ xung vào cuốn sử binh chủng và thêm nhiệm vụ này nữa: với mỗi trận đánh, mỗi đại đội, mỗi tiểu đoàn đánh giỏi, tôi phải gom cho kỳ được một chiếc đui đạn, lấy sơn ghi rõ ngày tháng, đơn vị nổ súng, gửi xe chuyển về hậu cứ, từ đó sẽ có bộ phận chuyển ra Bắc cho Phòng truyền thống Binh chủng.

Tiện thể nói ngay, nhờ công việc này, tôi đã " thuổng cáy" được một chiếc đui đồng trong một trận pháo ta tập kích khá thành công căn cứ pháo địch tại điểm cao 241 để gửi tặng cái bảo tàng " mini" của Cụ nhà thơ Thanh Tịnh ở Tòa soạn tạp chí " Văn nghệ quân đội " số 4 Lý Nam Đế. Sau này, ai tới thăm, nhà thơ cũng chỉ cái đui đạn ấy mà nắc nỏm nhắc tới “ chiến công “ của tôi...

Trở lại với chuyện những chiếc đui đạn...

Pháo đất của ta ở bên bờ Bắc có mấy loại: Pháo 75 ( bắn đất cũng được, bắn biển cũng được ), pháo 105 ( chiến lợi phẩm từ thời chống Pháp ); pháo Xô Viết có 2 loại 100 ly và loại bắn tầm xa nhất là 130 ly ( cả 2 loại này đều được quân đội Nga dùng trong chiến tranh chống Đức 1941-1945 ) . Có thể Nga trực tiếp trang bị cho ta, hoặc Nga trang bị cho Trung Quốc, Trung Quốc ‘ tiêu hàng tồn kho “ đẩy cho ta.

Pháo 130 ly nặng nề, kềnh càng. Khi cơ động thường phải nhờ xe bánh xích kéo theo.

Mỗi quả đạn của pháo 130 ly nặng chừng 75 ký, chia làm 2 phần: phần đầu đạn sẽ bay đi để phá hủy hoặc tiêu diệt sinh lực. Phần đui chứa thuốc nổ. Trong các bộ phim Nga, pháo thủ Nga vâm váp, to khỏe, thường nâng phốc cả đầu lẫn đui đạn lao vào nòng một lúc. Pháo thủ VN "miềng" người nhỏ con, nhẹ cân, mỗi lần thao tác bắn thường nạp 2 lần: lao đầu đạn vào nòng trước, ập đui đạn vào sau rồi mới phát hỏa..

... Kể cho nhanh:

Từ mùa hè năm 1968, đã nghe thấy chuyện bất đồng giữa anh Hai, chị Ba ( Nga-Trung )

Vẫn khẩu pháo ấy, nhưng xe tải đạn đổ cho trận địa, có đêm toàn đầu đạn Nga, lại có đêm toàn đui đạn Trung Quốc. Nếu đui chứa thuốc nổ không khít khao với đầu đạn thì rất nguy hiểm. Vì vậy " cẩn tắc vô áy náy " thợ quân khí sẽ phân rõ đầu Nga, đuôi Trung Quốc hoặc ngược lại, để lắp thử vào nhau. Nếu không khớp khao, thợ quân khí hướng dẫn pháo thủ dùng những chiếc búa gỗ gõ khe khẽ ( dùng búa sắt sẽ làm tóe lửa vô cùng nguy hiểm! ), gò miệng đồng của đui đạn cho khớp đầu đạn. Anh em pháo thủ khi thao tác thường đùa : " Hai bố đoàn kết lại cho chúng con nhờ với, hai bố ơi ! "

Và cũng đã xẩy ra một lần hai Bố bất đồng !

Có lệnh bắn ! Phát một lao đi ngon lành. Phát thứ hai đạn lao vào nòng, giật cò rồi, viên đạn không chịu bay đi. Theo quy định sử dụng binh khí, đạn không chịu thoát ra khỏi nòng, phải chờ 2,3 phút mới được mở ổ khóa nóng. Nhưng vì đang thực hiện lệnh bắn " cấp tập" chi viện 5 phát /phút cho bộ binh ta ở bên kia sông, pháo thủ quên mất quy định ấy. Thấy đạn không lao đi, vội đã mở khóa nòng ra. Thuốc nổ cháy, tạo nhiệt độ rất cao trong ổ khóa nòng khiến cái đui đạn chảy thành một dòng nước đồng. Khi ổ khóa nòng vừa mở ra, cả dòng nước đồng ấy ùa ập ào xuống công sự pháo. Cả 6 pháo thủ của khẩu đội không kịp ứng phó, bị ngâm trong bể nước đồng. Phải chờ nước đồng nguội lạnh mới có thể mang tử thi đi mai táng. Anh em đã thực sự trở thành những tượng đồng bia đá ...

..Mùa thu năm 1980 khi thi vào khoa Đạo diễn Trường Đại học Điện ảnh Liên Xô, trong nhiều câu hỏi các vị thày Nga sát hạch bọn tôi, có câu hỏi : Việc bất đồng Nga- Trung có ảnh hưởng gì tới cuộc chiến đấu của Việt Nam chống Mỹ hay không? Dù tiếng Nga lúc ấy còn riềng lẫn lộn với tỏi, tôi đã chậm rãi, nhẩn nha kể cho họ nghe câu chuyện này..


3


Vào những năm thế giới tưởng đâu như “ hạ hỏa “ khi Nikita Khrutsov trị vì, có một nhà điêu khắc Xô Viết đã tạc nên bức tượng nổi tiếng “ Phá kiếm đức lưỡi cày”.Đó là vào đầu những năm 1960. Nghe đâu bức tượng này được gửi tặng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, y như một niềm hy vọng đã lồ lộ trước mắt!

Từ đó tới này đã hơn 60 năm. Nghĩ lại, vẫn thấy là căn bệnh bịp bợm đã trở thành mãn tính, không chữa được !