Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC “THIÊN ĐƯỜNG KHÔNG CÓ TÒA ÁN”

Huỳnh Văn Quốc
Thứ sáu ngày 22 tháng 7 năm 2022 4:55 AM
Phú Yên Online - Y Nguyên và Thiên đường không có tòa án
20 năm, 25 truyện ngắn với hơn 300 trang sách, Y Nguyên đã tái xuất văn
đàn với độ dày ấn tượng về mọi phương diện: thời gian, dung lượng, và quan
trọng nhất là, độ chín của tác phẩm…
Nói “tái xuất văn đàn” là ở phương diện ra sách, chứ còn những tác phẩm
truyện ngắn của anh vẫn xuất hiện đều đặn trên các báo, tạp chí trong hơn mấy
chục năm qua, và bạn đọc ít nhiều đều biết đến Y Nguyên với lối viết góc cạnh
luôn tìm tòi, không tự bằng lòng với những gì đang có. Trong số bạn đọc này,
có những nhà văn, nhà thơ dù nhiều hay ít tuổi nhưng là “đàn anh, đàn chị”
trong nghề (về vai vế và danh hiệu) vẫn luôn dành cho Y Nguyên một sự nể vì
và tôn trọng, chứ không phải khen kiểu “xoa đầu” của người đi trước dành cho
người (có vẻ như) đi sau! Với tôi, điều đó là xứng đáng, và tôi không ngạc
2
nhiên, không lạ, khi mà những tác phẩm đầu tay của anh từ mấy chục năm trước
(thuở không mấy người biết đến Y Nguyên là ai) đã đem lại cho tôi một sự nể vì
không kém, và với góc độ cá nhân, nghiễm nhiên tôi xem anh là nhà văn đích
thực từ đó, cho dù anh có gặt hái gì về các giải thưởng văn chương danh giá hay
không.
Với tập truyện ngắn Thiên đường không có tòa án do Nhà xuất bản Hội
Nhà văn cấp phép ấn hành (tháng 6/2022), Y Nguyên đã có lời tự bạch trên
mạng xã hội: "...Hai mươi năm, thời gian đủ dài cho những trải nghiệm, thăng
trầm. Một phần ba kiếp người sống. Sắp hết một đời văn. Hai mươi năm lặng
im, rút khỏi "Văn trường" và bây giờ lại… in sách! Không mưu cầu "tranh danh
đoạt lợi" (lợi danh gì nữa ở cái tuổi sắp "bệt đất" – chữ của nhà văn Nguyễn
Văn Thọ); đơn giản bây giờ tôi tin mình hơn; tin những điều tôi viết cũng có
chút giá trị gì đó đáng để đem in..."
Cái nghiệp văn nó lạ, nhiều khi hăm hở lăn xả vào thì nó…chạy mất dép,
mà khi đã ngấm mệt thì nó quay lại gọi mời, và khi ấy khó mà nguội lạnh bởi
nghiệp chọn người, chạy đâu cho thoát. Y Nguyên là một trường hợp như vậy.
Tập sách gồm 25 truyện ngắn tập trung phản ánh những vấn đề phát sinh
trong xã hội đương đại. Nền văn minh vật chất với những thành tựu lớn về mọi
phương diện đã “nâng cấp” chất lượng sống, tạo nên bước nhảy diệu kì giúp con
người thoát khỏi đói nghèo lạc hậu trong quá khứ; nhưng cũng chính nó đã biến
tướng con người theo hướng “máy móc hóa”: phụ thuộc quá nhiều vào máy
móc, sống thực dụng, phủ định hoặc quên đi những giá trị nhân bản truyền
thống. Tha hóa tới mức làm ác mà vẫn không hay rằng mình đang làm ác! Thế
nhưng khi nói cái mới bất túc thì cái cũ cũng không phải không có vấn đề; nhất
là với kiểu tư duy “lối mòn” xơ cứng của một bộ phận tâm thức cộng đồng; luôn
xem truyền thống là cái gì đó “thiêng liêng bất khả xâm phạm”! Tuy vậy, song
song với hàm nghĩa cảnh báo, tập truyện vẫn là bài ca bất tuyệt tôn vinh những
giá trị mang tính vĩnh cửu của loài người như tình nhân loại, tình thầy trò, tình
bạn, tình yêu… Trên hết, đó là nỗ lực hướng thiện không ngừng nghỉ của mỗi
cá nhân trên lộ trình đầy gian nan của kiếp nhân sinh như một minh chứng xác
lập niềm tin vào cái “thiện căn” của con người…
Thế giới được phản ánh trong tập truyện này khá đa diện, không chỉ trong
xã hội loài người mà còn đến loài vật (Con tắc kè xui xẻo, Tô tô, Nguyên soái,
Dốc núi cao cao); không chỉ cõi dương mà cả đến cõi âm (Ma da, Đồng đô la
âm phủ, Đường đến Roma); và thế giới ảo nhưng tác dụng thật của thời đại
công nghệ 4.0 cũng không nằm ngoài trang viết của nhà văn (Chân dung).
Chính sự đa dạng và dung hợp này đã làm cho tập truyện có được sức hút đa
chiều từ nhiều góc độ khác nhau. Nếu ai thích lối viết nhẹ nhàng, kết thúc có
hậu, đã có ngay truyện Đoạn kết của cổ tích: Một đứa trẻ với tâm hồn trong veo
tin vào những câu chuyện thần tiên với cái nhìn thánh thiện “Bụt có thể là một
ông cụ nghèo, một bà lão hoạn nạn, hay một đứa bé lang thang. Bụt cũng có thể
3
là con chó con mèo vô chủ, hay con cóc tía bị lũ trẻ hành hạ… Xem ra, không
chỉ Bụt mới cứu giúp người. Bụt cũng cần được cứu giúp.”, vì vậy mà cậu bé đã
gặp phải một lão ăn mày muốn lợi dụng lòng tốt ấy lúc cậu trông nhà để vào
“xin” hết món này đến món khác. Độc giả sẽ rất ấm ức nếu cậu bé bị lừa (lòng
tốt trinh nguyên bị trả giá). Nhưng không, khi hỏi về cậu mấy tuổi, không còn
cha à, thì lão ăn mày mới thấy giật mình: lão bỏ làng và vợ con để tha phương
cầu thực từ năm ấy năm ấy, nếu con lão lớn lên cũng bằng này bằng này, thế là
lão bỏ lại tất cả những gì vừa “xin” được:
“…Nép mình sau hàng rào dâm bụt, lão ăn mày chỉ chờ có thế. Cậu bé
vừa khuất bóng, lão liền đâm bổ vào sân. Lão hối hả cởi chiếc bị đầy gạo khỏi
vai. Còn gì nữa nhỉ? Chợt nhớ ra, lão lần tay cạp quần, lôi luôn chiếc áo….
Đặt cẩn thận mọi thứ xuống thềm xong, lão rón rén quay lưng. Quên cả
gậy, cả chiếc nón mê, lão - cứ đầu trần, tay không - khập khiễng đi như chạy ra
ngõ.
…Lần này thì lão khóc thật. Khóc như chưa bao giờ được khóc!”
Thật đúng là đoạn kết của cổ tích, đẹp và buồn như một bài thơ cổ điển!
Nếu ai thích lối viết hiện đại, phi tuyến tính, kết thúc không có hậu vì
“đời không như là mơ”, đã có Khát vọng! Ở truyện này, đời người là bi kịch, bi
kịch do chính khát vọng của mình tạo ra: “Con người vốn là loài chim; một loài
chim… không có cánh! Lợi lộc chính là đôi cánh giúp con người bay cao, bay
xa. Tôi đã tin, tin như đinh đóng cột vào tiềm năng bay cao, bay xa của đôi
cánh lợi lộc. A, mà không phải chỉ lợi. Còn có danh. Danh sinh ra lợi. Danh
mơn trớn tự ái, tôn phò cảm xúc, vỗ về tự kỉ v.v và v.v…”. Đó là những khát
vọng của nhân vật “tôi”, nhưng cũng chính là những sợi dây trói cho “tôi” khi
mà bất chấp tất cả để đạt khát vọng đó, đến nỗi phải trả giá bằng nhiều năm tù
và không thôi tự vấn:
“Thừa nhận “tôi là tôi” - theo tôi - đó là hành vi trung thực nhất, dũng
cảm nhất trong cuộc hành trình ba mươi năm của tôi. Không đúng ư? Tôi bây
giờ là thằng tù; và tôi chẳng việc quái gì mà không trung thực! Người ta thường
trung thực hơn sau khi đã… vào tù, đã đánh mất cái cơ may được xem như
người trung thực. Bảo lời nói của một thằng tù là trung thực, thường người ta
không tin…
Còn bạn, bạn có tin không?
Và còn điều này nữa, bạn có tin không, khi tôi dám sáng suốt nhìn nhận
rằng tôi đúng là tôi; hình như đang manh nha xuất hiện một cái tôi nào khác
trong tôi…”
Khi in tuần báo Văn nghệ năm 2006, truyện được đổi tên là “Bài toán
oan sai” có lẽ cũng từ nội dung này: “Cõi người đầy dẫy oan sai - hẳn cõi trời
cũng có oan sai. Oan sai do người thì còn mong… trời sửa chữa. Oan sai do
4
trời thì không! Người đàn ông ấy âm thầm chịu đựng oan sai. Thực tại chịu
đựng một giấc mơ oan sai. Giấc mơ chịu đựng một thực tại oan sai. Bài toán
oan sai ấy, họa chăng, đợi đến khi… xuống mồ mới tìm ra lời giải!
Nhưng người đàn ông ấy cương quyết không chịu xuống mồ để tìm lời
giải. Lão tin, nhất định tin, lời giải ấy phải nằm đâu đây, ngay giữa cuộc đời
này. Lão sẵn sàng đánh cược cả cuộc đời để tìm cho ra lời giải bài toán oan sai
giữa cuộc đời này. Ý chí con người vốn có tiềm năng vô cùng ghê gớm khi con
người quyết làm cái nó định làm, quyết tin cái nó định tin. Và lão tin mình có
thể tìm ra lời giải bài toán oan sai – nghĩa là sửa chữa cái oan sai do trời bằng
ý chí con người…”
Tôi nhớ, nhà văn Hoàng Quốc Hải khi đó rất thích truyện này, và ông gọi
truyện đó có bút pháp theo chủ nghĩa cấu trúc!
Đề tài phổ biến của các nhà văn, nhà thơ là tình yêu. Với Y Nguyên cũng
vậy, và đề tài tình yêu trong tập truyện ngắn này chiếm một tỉ lệ đáng kể.
Những bạn đọc nào ưa thích thi vị hóa tình yêu, có thể đọc Gió bấc cuối năm,
Bông hồng cho Thị Nở, Buổi chiều hạnh phúc, Không chỉ là nụ hôn. Tuy nhiên,
cái thi vị hóa ấy không phải có sẵn, mà nó được lọc ra từ những đắng đót cuộc
đời: “Một gã khách làng chơi mưu toan trang điểm cuộc chơi của mình bằng
những giấc mơ đạo đức. Thối, thối lắm ông bạn ạ! Ừ, nhưng… cuộc đời đã lắm
chuyện thối; lẽ nào lại… rinh luôn chuyện thối vào giấc mơ? Cuộc đời thối đẻ
giấc mơ thơm; ấy là cái thực tại hiển-nhiên-và-bi-kịch của kiếp người!” (Gió
bấc cuối năm). Đối với những ai không thích thi vị hóa, không muốn né tránh
những bụi bặm, “bất nhã” trong tình yêu, đã có truyện Toa lét. Đề tài không
mấy thơ mộng này là một thử thách đối với tay bút của nhà văn, và rõ ràng Y
Nguyên đã khẳng định được nội lực bút pháp của mình qua những miêu tả kỹ
lưỡng trong tác phẩm mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đoạn nào. Đây là một ví dụ:
“Một lần tới chơi nhà cô bạn gái thời sinh viên. Cô bạn thăng quan phát tài xếp
hàng đại gia, xây được biệt thự nguy nga. Nửa buổi mót đái, nàng chạy chui
vào cái toa lét bề thế không kém cạnh là bao so với phòng khách nhà nàng. Tụt
quần, sắp sửa hạ xuống cái bồn de luxe sáng choang, nàng chợt sững người,
hốt hoảng nhận ra: bên trong bồn cầu lềnh bềnh một… cục phân người to tổ
bố! Phân ngâm nước từ đời nào, chung quanh bợt rã, giữa thâm đen lại, sình
lên trông rất hãi! Một phản xạ vô thức (mà ý thức không kịp, hoặc không thể,
can thiệp gì ngoài việc bất lực chứng kiến) đã đẩy ruột gan nàng cuộn lên, hộc,
ọe; sau đó tuần tự đưa ra ngoài tất tật mọi thứ mĩ vị cao lương mà cô bạn đại
gia tự sớm đến giờ đã có lòng khoản đãi!”
Trong tập sách, có những truyện đượm màu liêu trai như Ma da, Giấc
mơ, Góc nhà… ; cũng có truyện phảng phất Nguyễn Tuân như Tương tri. Mỗi
truyện một vẻ, đều có sức hấp dẫn riêng. Riêng tôi rất thích những truyện mà
“ngòi bút” tác giả thoạt thực thoạt ảo, thoạt đời thoạt mộng như: Chân dung,
Đường đến Roma, Giấc mơ Trang Tử, Kể lại cổ tích…
5
Mỗi truyện ngắn trong tập sách của Y Nguyên đều để lại dư ba trong từng
tác phẩm. Ở đó, cuộc đời mà không chỉ là cuộc đời. Văn chương, mà không chỉ
là văn chương. Khép sách lại, người đọc có thể lại mở ra cho mình những câu
chuyện khác để tiếp tục suy tư và chiêm nghiệm.
Tuy Hòa, 6-2022