Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀN GÓP VÈ VIỆC ÔNG BỘ TRƯỞNG ĐÀO NGỌC DUNG QUYẾT ĐỊNH THAY TỪ "VÔ DANH" TRÊN BIA MỘ LIỆT SĨ.

Thái A
Thứ tư ngày 13 tháng 7 năm 2022 9:28 AM


Tôi nghĩ do ông Đào Ngọc Dung không hiểu hết ý nghĩa của từ Hán Việt VÔ DANH. ông hiểu một cách đơn giản khi dịch nghĩa 2 từ này sang từ thuần Việt (Nôm) là "không có tên". Nếu chỉ hiểu như vậy thì chúng ta chỉ cần sửa thành LS không tên là xong. Nhưng ở đây dùng từ Hán Việt trước hết là cùng loại Hán Việt với từ LIỆT SĨ. Điều quan trọng thứ 2 là ý nghĩa của từ DANH khi người Việt ta dùng thay từ TÊN là vì với nghĩa TRỪU TƯỢNG và KHÁI QUÁT& HÀM SÚC bao gồm cả tên tuổi, danh phận, địa vị , chức tước, tiếng tăm, thành tích, sự cống hiến, hy sinh...trong đó. Cũng giống như các từ Hán Việt song âm tiết khác có từ DANH như CÔNG DANH, LƯU DANH, DANH LỢI... thì DANH vẫn hàm nghĩa như vậy không phải chỉ có nghĩa đơn là TÊN không thôi.
Đấy cũng là một trong những đặc điểm của từ Hán Việt khi người Việt ta dùng thay cho từ thuần Việt. Từ Hán Việt khái quát, trừu tượng, hàm súc... khác với từ Nôm cụ thể , cá biệt, dễ hiểu, gần gũi, thân mật.
Ngoài ra từ Hán Việt còn mang sắc thái tao nhã, trang trọng hơn từ thuần Việt (Nôm)tương ứng.
Ví dụ: PHU NHÂN nghe trang trọng hơn VỢ (BÀ XÃ)
MẪU THÂN ..............................................MẸ (U)
PHỤ THÂN ................................................BỐ (THÀY)
QUÁ CỐ ......................................................CHẾT
THI SĨ.............................................................NHÀ THƠ
ĐẠI TIỆN, TIỂU TIỆN tao nhã hơn ỈA, ĐÁI
Ngoài 2 đặc điểm này của từ Hán Việt, cũng còn đặc điểm khác nữa ; nhưng đây tôi chỉ tạm dẫn ra 2 đặc điểm để thuyết minh rõ cho từ VÔ DANH mà thôi.
Ngay tên người Việt ta hầu hết cũng dùng từ Hán Việt. Cả những từ BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG -THƯƠNG BINH XÃ HỘI ĐÀO NGỌC DUNG đều là từ Hán Việt đó thôi. Rất ít người dùng từ Nôm, để tận dụng 2 đặc điểm này của từ Hán Việt. Chỉ có những GĐ mê tín nên chọn tên Nôm nghe xấu xí như CU, HĨM, ĐĨ...để tránh "ma bắt" mất con(!)
Cũng phải nói thêm những đặc điểm như trên của từ Hán Việt chỉ khi người VN mượn về dùng đặt vào những vị trí ứng dụng cụ thể, lâu thành đặc điểm này, chứ trong bản ngữ của dân Hán không hề có đặc điểm này. ( Ở tiếng Hán chỉ có những từ đồng nghĩa phân biệt giữa giai tầng vua chúa quý tộc với dân đen. Ví dụ từ mang nghĩa CHẾT, vua chết dùng từ BĂNG HÀ, quan chết: HOĂNG, kẻ sĩ chết: THẤT LỘC, dân thường chết: TỬ). Nguyên nhân đầu tiên có thể do lúc đầu ta chưa tạo ra chữ viết để ghi chép được tiếng nói, cha ông ta phải mượn chữ Hán để ghi chép sử, văn và công việc hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền của Quốc gia, dần mới du nhập vào tiếng nói gọi chung là TỰ (chữ), nói mãi "nửa Nôm nửa TỰ thành quen. Bởi vậy ngày nay các nhà ngôn ngữ tổng kết có đến 50- 60% từ vựng trong tiếng Việt là từ Hán Việt! (Riêng tôi thích gọi là từ VIỆT- HÁN mới đúng vì từ này đã Việt hoá khi đọc theo âm Việt rồi).
*****
Giải thích dài dòng vậy cũng là đi đến kết luận về việc ý kiến của ông BT Đào Ngọc Dung là không cần thiết chỉ làm thêm phiền toái tốn kém tiền bạc công sức của nhân dân mà chưa kể là còn sai nữa.
Tôi đã đọc một số ý kiến phản biện đều hay nhưng vẫn chưa chỉ rõ ý nghĩa của 2 từ VÔ DANH mà ông BT cho rắng ai cũng có TÊN nhưng vì chưa tra cứu ra. Do ông hiểu máy móc chưa đúng ý nghĩa hàm chứa trong từ này. Mọi người cũng không nên dùng những ngôn từ bất nhã để lăng mạ ông như vậy không đúng với cách phản biện có lý có tình.
T. A (9-7-2022)
*****
Ghi thêm: Mọi người có thể tham khảo thêm bài của GS Trần Đình Sử để rõ thêm công của người Nhật khi tiếp xúc với văn hoá phương Tây trước ta và TQ, họ đã dùng các từ tố Hán để dịch những từ về các khái niệm khoa học hiện đại về mọi ngành để tạo thêm từ Nhật Hán mới mà chính người Hán và người Việt ta ngày nay sẵn có để dùng . Tôi đã đưa về Fb phần dưới đây.